Vì sao người ta gọi cách tác chiến như vậy là "đánh xáp lá cà" chứ không phải một loại lá nào khác? Từ thế kỷ 14 trở về trước, quân đội thế giới nói chung chỉ tác chiến bằng vũ khí lạnh (đao, kiếm, gươm, giáo, cung tên...). Với loại vũ khí này, ngoài cung tên, kích (có thể bắn, đâm, có khoảng cách giữa hai bên) thì việc giao tranh dứt khoát phải là mặt đối mặt. 

Theo sách "Xuân Thu", các chiến binh Trung Quốc thời cổ ra trận bao giờ cũng được trang bị áo giáp. Đó là một trang phục đặc biệt bằng kim loại dát mỏng hoặc bằng da ngựa tốt dùng che kín ngực. Thường ở giữa áo giáp, người ta có đúc hoặc khâu một họa tiết hình chiếc lá cà to bản, có 3 nhánh: Hai nhánh xòe sang hai bên (để che kín vùng tim), một nhánh hướng lên trên (che vùng cổ). Đó chính là những phần thân thể mà nếu bị thương sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Khi xông vào giáp nhau, hai mảng lá cà hai bên áp sát. Đây là hình ảnh rõ nhất và được chọn làm biểu trưng cho thế trận tiêu biểu: Xáp lá cà.

Đánh xáp lá cà là một trong những chiến thuật phổ biến của Quân đội ta trong lịch sử cuộc kháng chiến chống quân xâm lược trước đây. Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều chiến sĩ được phong là "Dũng sĩ đâm lê". Việc chiến đấu "mặt đối mặt" như thế đòi hỏi chiến binh phải khỏe, nhanh nhẹn và đặc biệt dũng cảm mới có thể áp sát kẻ địch rồi dùng vũ khí sát thương trực tiếp: Xông lên ta "giáp lá cà"/ Quân thù khiếp vía thế là thua to.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH