“Song hỷ” mang ý nghĩa thể hiện hai niềm vui lớn: Đại đăng khoa-thi đỗ làm quan và tiểu đăng khoa-cưới vợ. 

Theo cuốn “Hán Việt từ điển giản yếu” (Nhà xuất bản văn hóa Thông tin, năm 2009, trang 290), “hỷ” là việc tốt lành, việc vui mừng.

Chữ “song hỷ” trong đám cưới gắn với một giai thoại đẹp về tình duyên, thi cử của bậc danh sĩ nổi tiếng đời nhà Tống, một trong “Đường Tống bát đại gia” Vương An Thạch.

Thuở nhỏ, Vương An Thạch học rất giỏi. Năm 20 tuổi, chàng lên kinh đô để dự thi, đi qua nhà Mã Viên ngoại thấy có treo một lồng đèn lớn, kẻ qua người lại xúm nhau xem xét, bàn tán. Vương An Thạch thấy lạ, ghé vào nhìn thì thấy trên đèn kéo quân dán một vế đối: “Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ”. (Ngựa chạy theo đèn, đèn chạy theo ngựa, đèn tắt, ngựa dừng chân).

Vương An Thạch nghĩ mãi không đối được, nhưng vẫn nói cứng: “Câu này dễ đối thôi”, rồi bỏ đi. Người nhà của Mã Viên ngoại nghe được, chưa kịp vào trình với Viên ngoại thì Vương An Thạch đã lên đường lên kinh đô.

Tại trường thi, bài làm của Vương An Thạch được quan chủ khảo lật ra xem, tấm tắc khen tài. Nhà vua cho vời ông vào triều để biết mặt và thử tài thêm. Thấy ở sân rồng có lá cờ lớn, trên có thêu một con hổ, vua ra một vế đối: “Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân (Hổ bay theo cờ, cờ bay theo hổ, cờ cuốn, hổ ẩn mình). Vương An Thạch chợt nhớ tới vế đối trên đèn kéo quân trước nhà Mã Viên ngoại liền ứng khẩu đọc luôn: "Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ". Vua thấy An Thạch ứng đối mau lẹ nên đã chấm thủ khoa kỳ thi đó.

Trong khi chờ đăng tên lên bảng vàng, Vương An Thạch trở về quê nhà. Khi đi ngang qua Mã gia trang, người nhà của Mã Viên ngoại nhận ra, mời Vương An Thạch đọc vế đối, ông liền lấy câu của vua ra đọc: "Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân".

Mã Viên ngoại thấy vế đối rất chỉnh nên nói với Vương An Thạch rằng: “Vế đối dán trên đèn kéo quân là của con gái lão, nó kén chồng nên thách đối như thế, nếu ai đối được nó mới đồng ý lấy làm chồng. Để lão gọi con gái lão ra cho hai đàng giáp mặt”.

Ngay liền trong ngày đó, triều đình đăng bảng, Vương An Thạch đậu Trạng nguyên, được triều đình gọi lên kinh đô nhậm chức. Thế là chàng họ Vương nhờ cả tài năng và may mắn mà đạt được cùng lúc hai điều vui mừng, cưới được vợ tài giỏi và đậu Trạng nguyên. Ngay sau đó, Vương An Thạch lấy giấy viết hai chữ hỷ rất to gửi về gia đình mỗi nhà một bản, thông báo lại hai việc cực kỳ may mắn, tốt lành là đại đăng khoa (thi đỗ) và tiểu đăng khoa (cưới vợ).

Như vậy, nguồn gốc của chữ “song hỷ” là do điển tích vừa cưới được vợ đẹp, giỏi giang vừa thi đậu Trạng nguyên.

 

VĂN TUẤN