Sáng hè ươm nắng, chùm phượng vĩ trong giỏ xe của nàng như đang bốc cháy. Chẳng biết do hứng chí hay con tim lên tiếng mà tự dưng tôi cất giọng rất véo von: “Em chở mùa hè của tôi đi đâu?”. Nàng quay lại nhìn tôi, nhoẻn cười. Chao ôi là nụ cười! Cái nụ cười đẹp đến mức tôi không sao gọi tên được. Thế rồi, “bỗng dưng” tôi và nàng có số điện thoại của nhau. Thế rồi một lần Zalo, nàng nói một câu làm tim tôi muốn nhảy ra ngoài: “Em đâu cần gì nhiều! Chỉ cần biết anh là người lính là em đã có đủ niềm tin…!”. Khi nghe tôi kể lại câu nói lấp lửng ấy của nàng, “bê phó” Lều của tôi cười hinh hích:
- Trung úy ơi! Nàng sắp trao trái tim cho trung úy đấy!
Thời gian thoi đưa. Một chủ nhật tươi hồng, nàng Zalo cho tôi:
- Bố em bảo với em mời anh đến chơi. Ai đời chỉ cách một quãng đường mà chẳng mấy khi anh đến!
“Được lời như cởi tấm lòng”, tôi hớn hở về khoe với “bê phó” Lều. Lều ta tròn xoe mắt:
- Hay! Thời cơ lớn đấy! Mà này, theo “điều nghiên” của tôi, trước đây, ông cụ vốn là lính trinh sát nên về hưu rồi cụ vẫn “máu mê” trinh sát lắm. Anh đến đận này coi như ra mắt bố mẹ vợ, phải hết sức chú ý, phải thuộc nằm lòng mấy “bài” của dân trinh sát phòng thân. Lỡ cụ “ra đòn” còn có chiêu mà đỡ!
Nghe Lều nói, tôi hết nhăn trán lại nhíu mày, suy nghĩ ghê lắm, rồi vân vi:
- Hay là phen này cậu đi với tớ đến nhà nàng một chuyến?
- Đâu có được! Cụ mời anh chứ đâu có mời tôi! Với lại chuyến đi này là chuyến ra mắt mà lị!
- Ra mắt ra mũi gì đâu! Đến chơi nhà thôi mà! Mà cậu đi có vai trò, vị trí cả đó chứ! Cứ coi như cậu là cố vấn hay quân sư tình yêu! Đại khái thế!
Nghe tôi bốc, Lều ta mắt mũi sáng choang, gật. Chiều chủ nhật ấy, hai thằng tôi nhằm nhà nàng thẳng tiến. Thấy chúng tôi đến, ông bà vui lắm, tíu tít mời ngồi, chuyện trò nở như ngô rang. Xế chiều, khi chúng tôi chuẩn bị ra về, ông bảo bà mang ra một hũ rượu, xởi lởi:
- Chẳng mấy khi hai chú đến, ta làm vài “quai” chúc mừng tình quân dân cá nước!
Tôi lắc đầu quầy quậy:
- Dạ thưa bác, bộ đội chúng con có quy định không được uống rượu ạ!
- Này! Đừng có tưởng tôi về hưu rồi mà không biết gì nhé!-Vừa rót rượu ra chén, ông vừa rề rà-Cấm là cấm uống rượu buổi trưa, cấm uống say chứ giờ chiều rồi, làm vài “quai”, chẳng là cái phân vân gì!
Tôi và Lều im re, lóng ngóng nâng chén rượu lên. Nhìn vào chén tôi, Lều nhanh mắt thấy một sợi tóc bạc. Nhân lúc bố Thùy Trang quay đi gọi nàng mang thêm “mồi”, Lều ghé tai tôi:
- Có vấn đề đấy! Nếu cụ cũng hỏi về rượu, anh cứ nói thế này… thế này nhé…!
Tôi gật. Có chén rượu vào, ông nói chuyện càng hay, càng sôi nổi. Bỗng ông quay sang tôi:
- Anh thấy rượu thế nào? Khá đấy chứ?
- Dạ thưa…-Tôi ngập ngừng, tự dưng gọi ông bằng bố như đã gọi từ kiếp trước vậy-Dạ thưa bố, rượu rất ngon ạ. Hẳn rượu đã được chưng cất lâu năm lắm rồi ạ!
Ông cười lớn:
- Giỏi! Tinh tường lắm! Đúng là lính trinh sát! Mà sao anh nhận xét hay vậy?
- Dạ thưa…-Tôi lại ngập ngừng-Vì con thấy trong chén rượu có sợi tóc bạc này ạ…
Ông nhìn hai thằng tôi, cười ngất. Khi chia tay, ông đặt hai tay lên vai tôi, nói:
- Có con mắt tinh tường như thế mới xứng danh là lính trinh sát chứ! Nhìn cái lá lật nghiêng biết hướng địch đi. Nhìn sợi tóc trắng trong ly rượu biết rượu đã… già (!), mà không, đã ủ lâu năm! Có thế khi lấy vợ, về nhà thấy mùi cơm chưa bốc lên thơm điếc mũi, biết ngay vợ còn bận, để xắn tay áo vào nhóm lửa! Quả là lính trinh sát ra trinh sát!
Sau buổi ra mắt chiều hôm ấy, chẳng hiểu sao từ đó, bầu trời trong mắt tôi như xanh hơn. Đôi mắt nàng khi tôi ngỏ lời yêu long lanh hơn vì hạnh phúc! Trong tiệc cưới của tôi và Thùy Trang, thấy tôi và Lều đang cười rất tươi, bố vợ tôi-người lính trinh sát già-đến nâng chén rượu lên, chạm với “bê phó” Lều đánh cạch:
- Này, bữa nay tôi nói thật với chú nhé. Cuộc gặp mặt bữa ấy rất vui, đời lính vốn vui nên tôi thả sợi tóc bạc vào chén rượu để thử tài con rể đấy! Biết nó là lính trinh sát nên xem nó “xử lý tình huống tao ngộ” đó ra làm sao! Chứ rượu có tóc đâu mà bạc! Nhưng mà cách xử lý của hai người rất vui và… hóm nữa! Hay!
Nói rồi ông cười lớn:
- Nào! Chạm cốc chúc mừng hạnh phúc hai con! Cạn ly!
XUÂN ĐAN