Nhớ
Gửi em cô gái đỏng đảnh
Cô gái đến từ hôm qua
Thiên thần nhỏ của tôi
Báu vật của đời
Còn chút gì để nhớ
Đêm tháng hai
Bãi bờ hoang lạnh
Đám cưới không có giấy giá thú
Ba lần và một lần
Cuộc đời dài lắm
Anh chính là thanh xuân của em
Xách giày cao gót cho em.
Chuyến công tác không ngờ xong sớm. Thủ trưởng linh động cho Thiếu úy Nam tranh thủ về thăm gia đình. Tối hôm ấy, Thiếu úy vội hẹn gặp người yêu. Họ uống cà phê ở quán bên hồ. Lúc Trần Thiều Nam rút tiền trả, chẳng may tờ giấy ghi tên sách anh em nhờ mua bị rơi ra mà anh không biết. Lan Phương-người yêu anh liền nhặt vội giấu đi.
Chia tay nhau, về nhà Lan Phương liền mở tờ giấy ra đọc. Trời ơi, cô không tin vào mắt mình nữa. “Thơ tình yêu viết cho ai? Sao lại gọi ai là vợ?”. Cô tá hỏa hét lên một mình. Đoạn, Lan Phương chộp lấy máy điện thoại nhắn tin ngay cho người yêu: “Anh là kẻ bắt cá hai tay! Tên lừa dối! Từ nay tôi từ biệt tình yêu với anh”. Thiếu úy Trần Thiều Nam ngỡ ngàng chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra. Anh gọi điện, Lan Phương không thưa. Nhắn tin Lan Phương không trả lời.
Hôm sau trở lên đơn vị, vừa bị người yêu “từ biệt”, vừa bị mất tờ giấy liệt kê không mua được sách cho mọi người nên Trần Thiều Nam buồn ỉu xìu.
Hai ngày trôi qua, Trần Thiều Nam vẫn thần sắc rũ rượi. Thủ trưởng nhìn anh biết ngay có tâm tư. Ông liền dò hỏi mới biết Trần Thiều Nam bị người yêu “đá’ vô cớ. Thế là ông xin điện thoại và gọi cho Lan Phương. Khi nghe ông xưng là Lữ đoàn trưởng của đơn vị Trần Thiều Nam, Lan Phương liền kể hết nỗi uất ức vì bị Nam lừa tình. Để chứng minh, Lan Phương còn lấy tờ giấy đọc cho ông nghe bài thơ tình có nhan đề “Nhớ” đúng chữ của Trần Thiều Nam viết. Ôi chao, nghe Lan Phương đọc với giọng điệu quá mùi mẫn khiến dòng chữ vô hồn kia thành một bài thơ thật làm ông cười sặc sụa. Ông xin phép dừng để gọi Thiếu úy Trần Thiều Nam lên thông báo chuyện hiểu lầm này. Khi nghe thủ trưởng kể lại, Trần Thiều Nam cũng bật cười khùng khục. Thì ra tội bắt cá hai tay là do “bài thơ tình” kia.
Thế là sau đó, đích thân thủ trưởng gọi điện giải thích nội dung và lý do có tờ giấy kia với Lan Phương. Ông chứng mình rất rõ: “Gửi em cô gái đỏng đảnh là tập thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Hà; Cô gái đến từ hôm qua, Thiên thần nhỏ của tôi, Còn chút gì để nhớ là các cuốn truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh; Báu vật của đời là tiểu thuyết được Giải Noben của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn; Đêm tháng hai, Bãi bờ hoang lạnh, Ba lần và một lần, Cuộc đời dài lắm là tên các bộ tiểu thuyết của nhà văn Chu Lai; Đám cưới không có giấy giá thú là tiểu thuyết của nhà văn Ma Văn Kháng; Anh chính là thanh xuân của em là tiểu thuyêt của nhà văn Hạ Vũ và Xách giày cao gót cho em là tập thơ của nhà thơ Lê Văn Vỵ vừa mới xuất bản”. Ông còn dặn Lan Phương nên tra mạng tìm các tên sách ấy xem có đúng không.
Thật không ngờ. Chỉ vài phút sau, bỗng nhiên Lữ đoàn trưởng nhận được điện thoại của Lan Phương: “Bác ạ! Cháu thật ngốc. Chưa chi đã vội vàng từ biệt anh Nam. Bây giờ biết làm thế nào để anh ấy tha thứ cho cháu ạ?”. Lữ đoàn trưởng cười vang bảo: “Chỉ cần gọi điện thoại cho cậu ấy và đọc diễn cảm bài thơ kia là Nam sẽ tha thứ”.
Nhưng Lan Phương không gọi, không đọc. Ngày nghỉ cuối tuần ấy, Lữ đoàn phòng không bất ngờ có khách quý. Đó là Lan Phương lên thăm người yêu với một ba lô nặng trĩu trên vai. Hóa ra cô đã tìm mua đầy đủ các cuốn sách liệt kê thành bài thơ trên tờ giấy kia mang lên tặng các chiến sĩ trong đơn vị của Trần Thiều Nam.
Truyện vui của HẠNH HOA