Ngày 22-10-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh và sau đó, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 50/QĐ thành lập Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), trên cơ sở hợp nhất Bộ tư lệnh Phòng không và Cục Không quân. Đồng chí Phùng Thế Tài, người cận vệ bảo vệ Bác Hồ từ Côn Minh, Trung Quốc năm 1940, được cử làm Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng PK-KQ; đồng chí Đặng Tính làm Chính ủy. Đồng chí Phùng Thế Tài kể: "Có một lần tôi và đồng chí Đặng Tính được gặp Bác Hồ, Bác có nói vui với chúng tôi, đại ý: Bác không bênh chú Tài đâu, mà để tên Quân chủng như vậy đọc nó thuận hơn. Bác đã để gạch ngang ở giữa như vậy là có ý coi hai lực lượng đều quan trọng như nhau"(1).

Là người sáng lập, rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ đội PK-KQ, Bác Hồ đã tin tưởng trao cho Bộ đội PK-KQ sứ mệnh vẻ vang là giữ vai trò nòng cốt trong quản lý và bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Theo chỉ thị của Người, ngay từ cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các đơn vị phòng không lần lượt  ra đời.

Từ khi Bộ đội PK-KQ mới chỉ có một đại đội pháo cao xạ 37mm bảo vệ cầu Thủy Khẩu trên biên giới Việt-Trung, Bác Hồ đã đến thăm hỏi, động viên. Sau này, khi Bộ đội PK-KQ lớn mạnh, phát triển thành nhiều đơn vị, Bác đã dành thời gian đến thăm nhiều trận địa pháo cao xạ, tên lửa, radar, nhiều sân bay; kiểm tra, động viên, nhắc nhở, dạy bảo những điều vô cùng quý báu. Đến đơn vị nào cũng vậy, Bác đều vào thăm nơi ăn chốn ở của bộ đội, kiểm tra việc giữ gìn trật tự vệ sinh. Thấy ưu điểm, Bác biểu dương; thấy thiếu sót, Bác nhẹ nhàng phê bình góp ý để sửa chữa.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bác Hồ không đi sơ tán khỏi Hà Nội mà ở lại bám trụ bảo vệ Thủ đô cùng bộ đội và nhân dân. Người đã cho lập đường dây nóng từ Phủ Chủ tịch xuống Quân chủng và thường xuyên theo dõi, chỉ đạo Bộ đội PK-KQ về mọi mặt. Cạnh giàn hoa giấy ở nhà sàn, anh em treo chiếc kẻng báo động, nhắc Bác xuống hầm trú ẩn khi máy bay Mỹ vào gần. Có hôm trời hè oi bức, Bác đi công tác về qua Hội trường Ba Đình, nhìn lên sân thượng thấy có anh em bộ đội trực trên đó, lượng sức mình không thể đi lên sân thượng thăm các chiến sĩ, Người cho xe về Phủ Chủ tịch. Về đến nơi, Người  nói với đồng chí Vũ Kỳ lên thăm xem anh em trực có đủ nước uống không. Đồng chí Vũ Kỳ leo lên và được biết trên đó có một tổ súng 14,5mm trực chiến trong ụ súng dã chiến đắp bằng bao cát.

Khi đồng chí Vũ Kỳ hỏi: Các đồng chí có nước ngọt uống không? Anh em trả lời thật thà: Nước uống còn không đủ, chứ lấy đâu nước ngọt, thưa anh!...

Sau khi nghe đồng chí Vũ Kỳ về báo cáo lại, Bác gọi điện ngay cho đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng nhắc nhở: "Sao các chú không lo đủ nước uống cho các chiến sĩ trực phòng không? Nghe nói ụ súng trên nóc hội trường rất sơ sài, chú phải lo sửa ngay để bảo đảm an toàn cho chiến sĩ trong chiến đấu!"(2).

Ngồi lặng một lúc, Người bảo đồng chí Vũ Kỳ đi lấy sổ tiết kiệm, xem tiền tiết kiệm của Người còn bao nhiêu. Cuốn sổ tiết kiệm đó đứng tên đồng chí Lê Hữu Lập, cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, được gửi ở quầy tiết kiệm phố Hàng Gai, Hà Nội. Sau đó, Người nói: "Chú chuyển số tiền ấy sang Bộ Quốc phòng" và bảo: "Bác tặng số tiền đó cho các chú bộ đội phòng không Hà Nội để có thêm nước giải khát... trong những ngày nắng nôi". Và ngày 11-7-1967, đồng chí Lê Hữu Lập đã ra Quỹ tiết kiệm số 1, Chi nhánh Hoàn Kiếm rút toàn bộ tiền chuyển cho Quân ủy Trung ương. Tại kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ phiếu chi tiền của Bác tặng Bộ đội PK-KQ và thư cảm ơn của đồng chí Đặng Tính.

leftcenterrightdel

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm bộ đội phòng không bảo vệ Thủ đô năm 1966. Ảnh tư liệu 

Trước mỗi chiến công và sự kiện lớn của Bộ đội PK-KQ, Bác Hồ đều động viên, gửi thư, lẵng hoa chúc mừng... Đây là những phần thưởng vô cùng quý giá đối với Bộ đội PK-KQ. Đặc biệt tự hào, mỗi phi công khi hạ một máy bay Mỹ đều được tặng thưởng một huy hiệu của Người. Anh hùng Nguyễn Văn Cốc hạ 9 máy bay Mỹ, được thưởng 9 huy hiệu của Bác. Bác trực tiếp ký mẫu hai chữ Bác Hồ trên lá cờ luân l­ưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” để thêu tặng các đơn vị có thành tích trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Đồng chí Vũ Kỳ kể: "Khi lập chương trình đi chúc Tết năm 1969, rất nhiều nơi được đề nghị đón Bác nhưng chúng tôi chỉ chọn hai nơi, đó là Bộ đội PK-KQ và trồng cây trên đồi Vật Lại (Ba Vì, Hà Nội). Mồng Một Tết Kỷ Dậu, Bác cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Quân chủng PK-KQ tại Bạch Mai. Bác khen ngợi quân và dân ta, nòng cốt là Bộ đội PK-KQ đã chiến thắng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Bác rất vui khi thấy các cán bộ, chiến sĩ vừa sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu tốt, lại chịu khó tăng gia sản xuất. Bác tươi cười nhận quà là một chú lợn và vui vẻ tặng lại để các chú khao quân"(3).

Tham dự Hội nghị lần thứ sáu (mở rộng), Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, ngày 15-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc báo cáo quan trọng gồm hai phần: Tình hình mới và nhiệm vụ mới. Ở phần tình hình mới, sau khi giới thiệu thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, thái độ của Mỹ đối với hội nghị, Người khẳng định: "Mỹ là kẻ thù chính của hòa bình thế giới... Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt, Miên, Lào”. Từ tình hình đó, Người xác định: “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”(4).

Từ năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Quân chủng PK-KQ nghiên cứu về máy bay B-52 của Mỹ. Năm 1965, đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam, tiến hành "Chiến tranh cục bộ" và bắt đầu sử dụng lực lượng ném bom chiến lược B-52 trên chiến trường. Trong một lần đến thăm Bộ đội phòng không Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52 hay "bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”(5).

Cuối năm 1967, khi làm việc với Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”(6).

Thực hiện nhiệm vụ Bác giao, từ đầu năm 1968, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ bắt tay vào xây dựng kế hoạch đánh bại máy bay B-52 của đế quốc Mỹ và chuẩn bị một lực lượng lớn tham gia chiến dịch. Sau khi Bác qua đời, Quân chủng PK-KQ tiếp tục rèn luyện làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại. Các đơn vị pháo cao xạ, radar, tên lửa, máy bay tiêm kích thi đua huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, xây dựng phương án, kỹ thuật chiến đấu. Quân ủy Trung ương giao cho Trung đoàn 238 là đơn vị đầu tiên nghiên cứu cách đánh B-52, tập hợp lại thành cuốn "cẩm nang bìa đỏ" có tên là “Cách đánh B-52” hướng dẫn cách bắn rơi máy bay B-52 phổ biến xuống từng đơn vị.

Vào những ngày cuối tháng 12-1972, giặc Mỹ điên cuồng đem máy bay tàn phá miền Bắc. Đúng như dự báo từ xa của Bác, chúng đem B-52 rải thảm vào các khu dân cư đông đúc ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang...

Đồng bào miền Bắc, mà chủ lực là Bộ đội PK-KQ đã chiến đấu ngoan cường, hạ nhiều máy bay, bắt sống nhiều giặc lái, làm nên Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không", thực hiện xuất sắc lời hứa với Bác Hồ trong việc bảo vệ Thủ đô.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân chủng PK-KQ đã bắn rơi 2.635 máy bay trong tổng số 4.181 máy bay Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi ở miền Bắc, gồm tất cả các kiểu loại hiện đại nhất của không quân Mỹ; làm tròn sứ mệnh vẻ vang là giữ vai trò nòng cốt trong quản lý và bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

------------

(1) Đoàn Hoài Trung ghi theo lời kể của Thượng tướng Phùng Thế Tài, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng PK-KQ; Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng.

(2),(3) Vũ Kỳ kể, Chu Đức Tính ghi; lưu tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.

(4) Hồ Chí Minh toàn tập-tập 8, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, H.2011, tr.552.

(5) Hồ Chí Minh toàn tập-tập 14, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, H.2011, tr.574.

(6) Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Hồ Chí Minh biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự, NXB Quân đội nhân dân, H.1990, tr.203.

TS CHU ĐỨC TÍNH - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh