Tuân theo lời dạy của Người: “Trống năng rèn, kèn năng thổi”, các thế hệ Đoàn Nghi lễ Quân đội đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần giới thiệu một số kỷ niệm của Bác đối với những người lính quân nhạc.

Lần đầu được Bác khen

Sau buổi lễ tấu Quốc ca chào mừng phái bộ đồng minh vào tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật, Bác Hồ đến thăm các chiến sĩ quân nhạc trong lúc đơn vị đang tập trung luyện tập các bài mới. Sau khi ân cần thăm hỏi tình hình ăn ở và công tác, Bác nói: “Bác thì không thạo về nhạc, nhưng vừa rồi các cháu cử quốc thiều các nước đồng minh, gặp Bác, họ đều khen là vừa giành được chính quyền mà đã có ban nhạc hoàn chỉnh, chơi được như thế là giỏi. Bác chuyển lời khen ngợi đến các cháu”. Được Bác khen, cả đội vô cùng phấn khởi.

leftcenterrightdel
Bác Hồ chụp ảnh với chiến sĩ quân nhạc tại Đại hội thi đua toàn quốc năm 1965. Ảnh tư liệu

Về lời hát của bài Quốc ca, Bác góp ý: “Bây giờ là nước Việt Nam độc lập rồi, không còn “Đoàn quân Việt Minh đi” nữa mà là “Đoàn quân Việt Nam đi”. Các cháu thay chữ Việt Minh bằng chữ Việt Nam thì đúng hơn!”. Các chiến sĩ trong đoàn quân nhạc lúc đó mới ngớ ra vì lâu nay không ai chú ý đến điều đó. Từ hôm đó, Quốc ca được hát theo lời sửa của Bác.

Bác quan tâm đến từng con người, từng chi tiết nhỏ. Đặc biệt đối với quân nhạc, Bác dành cho các chiến sĩ tình cảm sâu đậm trong suốt những bước đi, những chặng đường trưởng thành, phát triển. Các chiến sĩ quân nhạc thường nói với nhau: “Nếu thiếu sự chăm nom, săn sóc và tình thương bao la của Bác, quân nhạc không thể vững vàng, lớn mạnh được như ngày nay”.

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công đã có nhiều ý kiến cho rằng không nên sử dụng đoàn quân nhạc vì nó nguyên là tổ chức của thực dân, đế quốc. Nghe được ý kiến đó, Bác bảo: “Các chú định đẩy họ đi con đường nào? Vấn đề không phải là tổ chức của ai mà là con người, chúng ta phải cảm hóa, giáo dục họ để họ trở thành người cách mạng, phục vụ cho cách mạng. Chú nào muốn giải thể, không dùng họ cũng được, nhưng Bác giao hẹn trong 15 ngày phải thành lập đoàn quân nhạc mới có trình độ như họ vậy. Một đất nước độc lập, tự chủ không thể thiếu quân nhạc”. Lòng tin và tình cảm của Bác đối với quân nhạc thật vô bờ bến. Thấm nhuần lời dạy của Bác, bản thân các đồng chí quân nhạc cũng ra sức học tập, tu dưỡng để thực sự trở thành những chiến sĩ cách mạng, xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ.

Quan tâm đặc biệt đến quân nhạc

Ngày 6-1-1946 là dấu mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử Việt Nam khi người dân lần đầu tiên được đi bỏ phiếu để bầu ra Chính phủ cho nước Việt Nam. Nhận sự chỉ đạo của cấp trên, các đồng chí trong đội quân nhạc đã biểu diễn trên tất cả con phố chính của Hà Nội. Cứ thế, từ hòm phiếu này đến hòm phiếu khác, các chiến sĩ đã biểu diễn sang tới Gia Lâm, xuống tận Thanh Trì, quên cả đói, mệt. Đi đến đâu, bà con kéo theo tới đó đông nghịt, đồng bào đi bỏ phiếu rất đông. Cuộc tổng tuyển cử ở Hà Nội tuy gặp không ít khó khăn nhưng đã thu lại kết quả ngoài mong đợi.

Chiều hôm đó, Bác Hồ gửi thư thăm hỏi đến toàn bộ chiến sĩ quân nhạc. Khó mà diễn tả được niềm vui sướng và xúc động của toàn thể chiến sĩ nhạc công khi đón nhận tình cảm của Bác. Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên đọc dõng dạc cho mọi người cùng nghe: “Thân gửi Ban Âm nhạc Vệ quốc quân! Hôm nay 6-1, ngày tổng tuyển cử, anh em đã nô nức đi cổ động khắp Thủ đô từ sáng đến chiều làm cho ngày tổng tuyển cử được tưng bừng, vui vẻ và kết quả. Bác thay mặt những ứng cử viên của Thủ đô Hà Nội cảm ơn và khen ngợi anh em”. Bức thư tuy không dài nhưng chứa đựng tình cảm đặc biệt của Bác dành cho các đồng chí trong đoàn quân nhạc ngày hôm đó...

Ngày hôm sau, 7-1-1946, Bác đến tham dự Lễ khai giảng khóa 1 Trường Cán bộ tự vệ Hồ Chí Minh. Bác bước tới chỗ nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên thân mật hỏi: “Hôm qua mình gửi cho anh em Ban Âm nhạc lá thư, nhận được chưa?”. Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên cảm động, rụt rè thưa: “Dạ thưa Bác, chúng cháu đã nhận được ngay chiều hôm qua. Xin cảm ơn Bác”. Dù Bác không nói ra nhưng đây chính là bài học giáo dục về tác phong tỉ mỉ, sâu sát đối với chiến sĩ quân nhạc. Mặt khác, còn nói lên tình thương bao la và sự quan tâm của Bác đối với quân nhạc.

Một lần khác, đội quân nhạc tham gia phục vụ nhân dịp khai giảng lớp quân chính tại Sơn Tây. Đáng lẽ Bác sẽ đến thẳng vị trí trước Quân kỳ, nhưng Bác lại đi đến trước quân nhạc, tươi cười nói: “Ở xa, Bác nghĩ là đội nhạc khác, đến gần té ra vẫn Bác cháu mình”. Tất cả anh em đứng gần đấy đều cười theo làm cho không khí buổi lễ vui vẻ hẳn lên. Bác còn dặn tiếp: “Các cháu phải ra sức đào tạo thêm nhiều người, Quân đội ta ngày càng trưởng thành, càng cần nhiều quân nhạc”. Ý của Bác là phương hướng đào tạo đội ngũ lâu dài, một vấn đề rất cơ bản để quân nhạc tồn tại và phát triển lớn mạnh. Quân nhạc luôn khắc sâu lời dạy của Bác, nên suốt những năm kháng chiến và mãi sau này, đội ngũ quân nhạc ngày càng được nhân lên, trong đó, nhiều nghệ sĩ tên tuổi, nhiều nhân tài đã xuất hiện.

“Trống năng rèn, kèn năng thổi”

Sau khi trở về nước (ngày 21-10-1946), với tư cách là thượng khách của Pháp, đến thăm đội quân nhạc, lúc này có tên Đội Nhạc binh Trung ương, thấy không khí luyện tập hăng say của mọi người, Bác rất hài lòng. Bác nói với các chiến sĩ: “Bác thì không thạo về nhạc, nhưng ông cha ta xưa có câu: “Trống năng rèn, kèn năng thổi”. Bác mượn câu đó để nói với các cháu. Bác đi xa và thấy các cháu khỏe, Bác cũng khỏe, thế là Bác cháu ta cùng mừng, Bác có gói quà cho các cháu”. Tiễn Bác về rồi, anh em trở lại phòng tập, hồi hộp đón nhận tình thương của Người. Khi gói quà được mở ra, ai nấy đều hết sức vui mừng vì trong đó chẳng có kẹo bánh gì hết mà toàn là phụ tùng cho các loại kèn. Nào dăm, nào tăn-pông, rét-so đủ cỡ, đủ loại. Tất cả đều nghẹn ngào, vì trong những năm khó khăn đó, những chi tiết phụ tùng này rất quý giá đối với anh em quân nhạc. Và cũng từ đó, lời dạy “Trống năng rèn, kèn năng thổi” của Bác trở thành mục tiêu phấn đấu, thành truyền thống của quân nhạc Việt Nam.

Bác chỉ chụp ảnh với quân nhạc...

Trong những ngày chuẩn bị Quốc khánh 2-9-1959, Đội 1 quân nhạc được lệnh lên Câu lạc bộ Ba Đình phục vụ Lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Đội 1 quân nhạc có 50 người, do nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên trực tiếp chỉ huy. Khi buổi lễ kết thúc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị Bác chụp ảnh với quân nhạc để kỷ niệm. Bác cười nói:

- Đồng ý với chú Văn. Hôm nay, Bác chỉ chụp với quân nhạc, không chụp với các bộ phận khác đâu nhé!

 Anh em quân nhạc vui quá vây quanh Bác, ai cũng muốn được đứng gần Bác, thành ra hàng ngũ mất trật tự. Bác nói vui:

- Này, các cháu cứ mất trật tự thế Bác không chụp nữa bây giờ!

Bác ra hiệu cho đồng chí Đinh Đăng Định bấm máy.

Và hai ngày sau, Bác gửi tặng đoàn bức ảnh. Bức ảnh đó đến ngày nay anh em trong đoàn vẫn trân trọng giữ gìn với tất cả tình cảm của người chiến sĩ đối với lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Nó được khắc sâu vào trái tim của các thế hệ quân nhạc.

ĐINH CÔNG THUẬN - TRỊNH NGHĨA

(Theo cuốn “Quân nhạc Việt Nam-45 năm xây dựng, hoạt động và trưởng thành”)