Cống hiến to lớn của Lênin ở chỗ, nêu lên nguyên lý cần thiết phải xây dựng một quân đội thường trực, chính quy của nhà nước Xô viết, dựa trên cơ sở vũ trang nhân dân, xây dựng một quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động.
Như vậy, theo luận điểm của các nhà kinh điển Mác-Lênin, quân đội công-nông kiểu mới bao gồm hai thành phần cơ bản là quần chúng vũ trang và quân đội thường trực.
2. Trong quá trình tổ chức, xây dựng nên Quân đội nhân dân Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã có những bước phát triển mới.
Thực tế trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho thấy, việc chống quân xâm lược bằng chiến tranh nhân dân với hai phương thức là chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy là một nội dung lớn, đồng thời cũng là một thành công đáng kể của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam, đúng như nhận định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Hội thảo về học thuyết quân sự, ngày 21-9-1998: “Trong lịch sử, chiến tranh du kích có ở nhiều nước nhưng để đánh bại được chiến tranh xâm lược lớn thì theo tôi được biết, hiếm có nước nào thành công như nước ta”.
Chiến tranh du kích là hình thức đấu tranh của đông đảo quần chúng nhân dân. Chiến tranh du kích phát triển tạo nên thế chiến lược có lợi cho ta, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tác chiến tập trung của bộ đội chủ lực, nghĩa là phải đưa chiến tranh du kích phát triển lên thành chiến tranh chính quy. Chỉ có chiến tranh chính quy mới có thể bẻ gãy được các cuộc tiến công lớn của quân xâm lược, tạo nên những bước ngoặt quyết định trong cục diện chiến tranh, trước khi giành thắng lợi hoàn toàn.
|
|
Vườn rau xanh trên đảo Trường Sa Lớn |
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, hàng triệu người gia nhập dân quân, du kích, tự vệ, tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương, hàng ngàn làng xã, mường bản được dựng lên trên cả 3 miền đất nước. Đã có lúc, vào những năm 1947-1948, ta chủ trương “biến hậu phương địch thành tiền phương ta”, từ Liên khu V trở ra, gần 1/3 đại đội của bộ đội chủ lực (103/299) được lệnh tiến sâu vào vùng sau lưng địch, phân tán hoạt động dưới hình thức đại đội độc lập, đội vũ trang tuyên truyền, đội xung phong công tác. Các đại đội chủ lực này chính là hình thức tiền thân của bộ đội địa phương vào những năm sau đó.
Dân quân, du kích, tự vệ là quần chúng vũ trang, là lực lượng đông đảo, chủ yếu để tiến hành chiến tranh du kích, ở Việt Nam là chiến tranh nhân dân địa phương, một loại chiến tranh nhỏ, tiến hành tại chỗ ở ngay bản mường, làng xã, nhưng tầng lớp người này lại thiếu sự hiểu biết về quân sự cũng như tính năng, tác dụng của binh khí, kỹ thuật hiện đại, nên cần phải có một bộ phận quân đội thường trực chiến đấu bên cạnh, gọi là bộ đội địa phương làm nòng cốt để giúp đỡ. Bộ phận quân đội thường trực này không hoàn toàn chiến đấu ở cơ sở như quần chúng vũ trang và cũng không hoàn toàn như bộ đội chủ lực mà chỉ cơ động chiến đấu theo nghĩa hẹp, từ địa bàn cấp huyện, cấp tỉnh, cấp thành phố đến cấp quân khu. Loại quân thứ ba của Quân đội nhân dân Việt Nam hình thành như vậy.
Ngày 22-12-1944, đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời. Về mối quan hệ giữa đội quân chủ lực này với du kích, tự vệ các địa phương, trong Chỉ thị thành lập đội, do đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc tại lễ tuyên thệ, đã nhấn mạnh: Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên tất cả mọi người, vũ trang toàn diện, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương, cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Trái lại, đội quân chủ lực đó phải có nhiệm vụ dìu dắt các đội vũ trang ở các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, vũ khí, nếu có thể làm được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.
Như đã nói, với việc bộ đội địa phương được thành lập vào tháng 4-1949, mô hình tổ chức quân sự chính thức hoàn chỉnh của Quân đội nhân dân Việt Nam với lực lượng vũ trang ba thứ quân là: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ.
Bộ đội chủ lực từ những đơn vị nhỏ, ban đầu phát triển lên những binh đoàn chiến lược, với sức cơ động cao, trang bị hiện đại, có trình độ tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng… là lực lượng chủ yếu tiến hành chiến tranh chính quy với mọi quy mô. Đây là “quả đấm chiến lược mạnh”, đóng vai trò tiêu diệt sinh lực địch chủ yếu, góp phần đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù. Chiến tranh chính quy do bộ đội chủ lực tiến hành hỗ trợ và tạo điều kiện cho chiến tranh du kích và hoạt động chính trị, binh địch vận, đấu tranh ngoại giao phát triển. Bộ đội địa phương với quy mô tổ chức chủ yếu là cấp tiểu đoàn, trung đoàn, đóng vai trò nòng cốt trong thế trận chiến tranh nhân dân ở các địa phương, giữ vững và phát triển chiến tranh du kích, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, phối hợp và hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, cùng với dân quân, du kích làm thất bại các nỗ lực chiến tranh của địch tại các địa phương. Hoạt động dân quân, du kích là lực lượng rộng rãi, không thoát ly sản xuất, đánh địch tại chỗ, bảo vệ địa bàn. Dựa vào hệ thống làng xã chiến đấu, lực lượng này cùng với bộ đội địa phương tiến hành chiến tranh du kích, căng kéo, tiêu hao sinh lực địch, bảo vệ và phát triển khu du kích, căn cứ du kích, nỗ lực đấu tranh của quần chúng, làm nòng cốt trong các hoạt động chống càn, diệt ác, củng cố và xây dựng cơ sở chính trị tại các địa phương.
3. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tác chiến du kích ngày càng mở rộng, buộc địch phải phân tán binh lực để ứng phó và điều đó đã tạo được điều kiện tốt cho bộ đội chủ lực tập trung lực lượng, mở các chiến dịch chống càn, các đợt hoạt động, các chiến dịch tiến công và phản công. Trong thu-đông năm 1950, lần đầu tiên ta tập trung lực lượng lớn gấp 9 lần địch, mở Chiến dịch Biên Giới thắng lợi. Tiếp theo là Chiến dịch Hòa Bình. Đặc biệt là trong Tổng tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954, để đập tan kế hoạch H.Navarre, lực lượng vũ trang ba thứ quân đã thực hiện xuất sắc việc dùng một bộ phận quân chủ lực mở các cuộc tiến công trên những hướng địch sơ hở ở miền rừng núi, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng sau lưng địch ở Đồng bằng Bắc Bộ, phối hợp với các cuộc tiến công của bộ đội chủ lực, đã giành được thắng lợi to lớn và toàn diện, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ sau Phong trào Đồng khởi năm 1960, phong trào chiến tranh du kích phát triển rộng khắp trên cả 3 vùng chiến lược. Giờ đây, chiến tranh du kích được tiến hành bằng cả hai lực lượng: Chính trị và quân sự-đã đưa hiệu lực tiến công của hình thức đấu tranh này không chỉ dừng lại ở việc tiêu hao, tiêu diệt và kìm chân lực lượng quân sự địch mà còn hơn thế nữa là làm tan rã lớn quân địch, ghìm chặt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, bao vây và chia cắt chúng trong thế trận chiến tranh nhân dân ở quy mô lớn trên khắp các chiến trường. Đặc biệt là khi đế quốc Mỹ đưa quân viễn chinh vào trực tiếp tham chiến, ba thứ quân trên các chiến trường đã tổ chức các làng, xã chiến đấu, hình thành các vành đai du kích xung quanh các căn cứ quân sự Mỹ. Thế trận chiến tranh nhân dân kiểu vành đai tạo nên sức mạnh bền vững. Đó là sự biểu hiện độc đáo ở trình độ cao của thế trận chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong sự kết hợp tác chiến của ba thứ quân, kết hợp hai phương thức tác chiến thì tác chiến tập trung, hiệp đồng quân binh chủng quy mô ngày càng tăng, càng lớn và xu thế phát triển tất yếu của chiến tranh nhân dân. Ở đây, sức mạnh của chiến tranh chính quy bằng các binh đoàn chủ lực luôn luôn được kết hợp chặt chẽ với hoạt động tác chiến của bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ. Càng về cuối cuộc chiến tranh, trên cơ sở đẩy mạnh chiến tranh du kích, chúng ta đồng thời tổ chức các binh đoàn chủ lực cơ động, binh chủng hợp thành, thực hành các hoạt động chiến lược, chiến dịch và các chiến dịch có ý nghĩa chiến lược để tiêu diệt những tập đoàn quân sự chủ yếu của địch, đè bẹp ý chí xâm lược của chúng, giành thắng lợi trọn vẹn vào trưa 30-4-1975, thu non sông về một mối.
(còn nữa)
DƯƠNG XUÂN ĐỐNG
Nhà nghiên cứu văn hóa quân sự