Tuổi trẻ, chí lớn
Tôi đã hồi hộp mong chờ và sau đó ngồi liền hơn hai giờ đồng hồ để xem vở chèo “Nguyễn Văn Cừ-tuổi trẻ, chí lớn” do Nhà hát Chèo Quân đội dàn dựng, vở diễn của tác giả Lê Thế Song, Đại tá NSND Vũ Tự Long đạo diễn. Thể hiện hình tượng một lãnh tụ của Đảng có công lao lớn cho cách mạng chắc chắn sẽ là thách thức với những người thực hiện, nhưng trong bài viết sau đó, chúng tôi nhận định “Nguyễn Văn Cừ-tuổi trẻ, chí lớn” là một vở chèo mang giá trị sâu sắc, giúp người xem hiểu thêm phần nào về cuộc đời, những phẩm chất một nhà cách mạng tài năng, tuổi trẻ, chí lớn của Đảng. Có lẽ tạm chưa bàn về nghệ thuật, chắc chắn đây là một tác phẩm có nội dung, tư tưởng tốt, rất có ý nghĩa với khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay.
Giống như tên của vở chèo, Nguyễn Văn Cừ sớm thể hiện là một thanh niên trẻ tuổi nuôi chí lớn. Từ thuở nhỏ, anh đã học giỏi và rất ham học, tính tình cương trực, chín chắn, biết cư xử đúng mực, khác hẳn các bạn cùng trang lứa. Vì thế, dù nhỏ nhất lớp nhưng anh luôn được thầy cô yêu mến, bạn bè nể phục. Có năm, đê Lâm Du (tỉnh Bắc Ninh) bị vỡ, rất nhiều người dân phải đi xin ăn. Giờ ra chơi, một số học sinh xông vào cướp tiền phát chẩn. Nguyễn Văn Cừ rất không đồng tình với hành động ấy và khuyên giải các bạn không nên lấy. Các bạn nghe theo đã để lại tiền. Lúc ấy chỉ là học sinh tiểu học nhưng Nguyễn Văn Cừ không làm ngơ trước những chuyện không phải, không bỏ qua những hành vi ngang ngược, gian dối, thói xấu bắt nạt bạn yếu...
Sau này, khi học ở Trường Bưởi, tham gia phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên, Nguyễn Văn Cừ đã đấu tranh quyết liệt, khôn khéo và cũng sớm thể hiện bản lĩnh kiên cường, bất khuất của một chiến sĩ cộng sản. Lúc bị bắt gặp giữ bài thơ châm biếm hiệu trưởng và một số ông thầy người Pháp, cậu học sinh Nguyễn Văn Cừ không chút sợ sệt, hai tay thọc vào túi, rung đùi. Anh em trong lớp hỏi: “Mày run hay rét?”, anh thản nhiên trả lời: “Rung đùi chứ sợ quái gì”. Bọn mật thám bắt giam, tra hỏi đủ cách cũng không “moi” được bất cứ thông tin gì từ miệng người học sinh cứng đầu...
    |
 |
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Ảnh tư liệu |
Chúng tôi đã tìm hiểu, cảm nhận về Nguyễn Văn Cừ qua những câu chuyện như thế. Thoát ly theo cách mạng khi 16 tuổi, anh đã xác định rõ lý tưởng cách mạng và kiên trung, cống hiến hết mình cho lý tưởng. Có thể anh không biết chính xác những khó khăn phía trước là gì nhưng anh hẳn xác định chắc chắn một điều rằng, sẽ nguyện hy sinh, không chịu khuất phục trước bất cứ thử thách nào. Hơn 13 năm hoạt động cách mạng, hơn một nửa khoảng thời gian ấy, Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt giam trong nhà lao. 7 năm đó, dùng đủ kiểu tra tấn dã man, những lời dụ dỗ, hứa hẹn, bao màn đấu trí căng thẳng, nhưng kẻ địch vẫn phải chịu thua và cuối cùng vì run sợ mà phải dùng đến thủ đoạn hèn hạ để sát hại người cộng sản kiên trung Nguyễn Văn Cừ. Cho đến khi đứng trước pháp trường, anh vẫn dành những giây phút cuối cùng hiên ngang, bất khuất nhìn thẳng họng súng quân thù hô vang những khẩu hiệu cách mạng.
Cuộc đời vui vẻ hy sinh hết thảy
Càng tìm hiểu về cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, những câu hỏi chúng tôi đặt ra để tự tìm câu trả lời càng nhiều. Điều gì đã giúp đồng chí trở thành Tổng Bí thư khi mới 26 tuổi; trở thành “một trí tuệ lỗi lạc của Đảng”-như đồng chí Lê Duẩn từng khẳng định? Chúng tôi từng đọc được thông tin nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra rằng, trí tuệ bẩm sinh chỉ quyết định 1-2% trong khả năng thành công của mỗi người. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ từ nhỏ được thầy giáo nhận xét là thông minh, dạy đâu biết đó nhưng cũng không tự nhiên trở thành “một trí tuệ lỗi lạc”, “tài năng chính trị kiệt xuất” của Đảng. Đó phải là kết quả của quá trình không ngừng nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức và đẫm mình trong thực tiễn đấu tranh cách mạng. Và, đồng chí Nguyễn Văn Cừ quả thực là minh chứng sinh động cho nhận định trên.
Khi 6 tuổi được ông ngoại dạy chữ nho, Nguyễn Văn Cừ đã rất ham học, hay hỏi thêm những điều ngoài sách vở. Những năm đi học, dù nhà nghèo, nhỏ tuổi nhất lớp nhưng Nguyễn Văn Cừ rất nghiêm túc, chăm chỉ học tập, thành tích luôn xếp loại ưu. Đặc biệt, từ khi theo con đường cách mạng, Nguyễn Văn Cừ không ngừng học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, rèn luyện trong thực tiễn lao động và đấu tranh. Học từ thầy giáo, từ bạn bè, đồng đội, từ nhân dân...; trong những mỏ than đen bụi, trong sự hành hạ của những cơn sốt rét ác tính “báng bụng, vàng da”, thậm chí trong cảnh lao tù, tra tấn của địch... không gì có thể ngăn cản tinh thần tự học của anh. Khi bị địch bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò, rồi đày ra Côn Đảo, Nguyễn Văn Cừ đã biến nhà tù thành trường học chính trị, rèn luyện bản lĩnh người cộng sản, tranh thủ cùng các đồng chí khác học văn hóa, ngoại ngữ, học lý luận, tổng kết bài học kinh nghiệm... Nhờ không ngừng trau dồi bản thân đã giúp Nguyễn Văn Cừ nắm vững, thấm nhuần kiến thức lý luận, thực tiễn và biết kết hợp một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo. Điều đó đã được khảo nghiệm, minh chứng qua thực tiễn đấu tranh cách mạng Việt Nam mà thể hiện rõ nhất trong thời gian đồng chí giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 3-1938 đã bầu Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư. Tại hội nghị này, sáng kiến thành lập Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương và coi đó là nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong giai đoạn mới của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện sự chín chắn về chính trị, tư duy nhạy bén, biện chứng và vận dụng đúng đắn, sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào cách mạng thế giới vào tình hình Việt Nam trong những thời khắc lịch sử mang tính quyết định; và tiếp tục được thể hiện ở Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6, tháng 11-1939. Dưới sự triệu tập và chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, hội nghị đã bàn bạc và đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời chuyển hướng đường lối và phương pháp cách mạng, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam-thời kỳ vận động giải phóng dân tộc, từng bước đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sáng mãi tinh thần tự chỉ trích
Sinh thời, Nguyễn Văn Cừ cống hiến trọn đời cho cách mạng, với hết thảy trí tuệ, sức lực và tâm hồn. Những tư tưởng mà đồng chí để lại trở thành di sản, những bài học vô giá cho các thế hệ đảng viên, thanh niên Việt Nam. Khi viết “Tự chỉ trích”, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện được tài năng, trí tuệ của một lãnh tụ-chưa từng qua một lớp đào tạo lý luận chính thức nào, cũng “chưa một lần xuất dương”. Anh nêu ra nguyên tắc tối cao là phải đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng lên trên hết “đối với uy tín của Đảng, thì danh dự cá nhân mình không có nghĩa lý gì”. Mục đích của tự chỉ trích là làm cho Đảng được tăng cường đoàn kết, thống nhất để tăng uy tín với quần chúng, để quần chúng tin tưởng. Đồng chí cũng đưa ra phương pháp, biện pháp tiến hành tự chỉ trích, trong đó nhấn mạnh cần “công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi...”. Khi ra đời, “Tự chỉ trích” đã trở thành vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận tư tưởng, lý luận, kịp thời đáp ứng yêu cầu của Đảng trong tình hình mới.
Những tư tưởng, bài học tự chỉ trích của Nguyễn Văn Cừ đến nay vẫn có giá trị to lớn về lý luận và thực tiễn, là tiền đề cho nguyên tắc tự phê bình và phê bình, cũng là vũ khí sắc bén trong công tác xây dựng Đảng. Một sự thật cả chúng tôi hay toàn Đảng và quần chúng đều không thể lảng tránh, đó là Đảng ta đã và đang có những đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chạy theo chủ nghĩa cá nhân... Trong khi ở không ít nơi vẫn còn tình trạng đảng viên có ý kiến không dám nói, ngại phê bình người khác, không tự phê bình, không muốn ai phê bình mình... Sau hơn 80 năm, đọc “Tự chỉ trích”, chúng tôi-những đảng viên trẻ càng thấy ở đó bài học, tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã và đang truyền cảm mạnh mẽ tới thế hệ sau. Đó là sự dũng cảm, thái độ cầu thị và tinh thần đấu tranh phê bình, tự phê bình của người đảng viên-điều mà không phải ai cũng thực sự làm được.
Điều đặc biệt ở Nguyễn Văn Cừ so với lớp đảng viên cộng sản đầu tiên của Việt Nam là từ khi dấn thân làm cách mạng đến lúc hy sinh, đồng chí chưa một lần được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Vậy nhưng, quan điểm, tư tưởng và hành động cách mạng của đồng chí luôn gần gũi, đồng điệu với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí là người học trò tiêu biểu, xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo cách rất đặc biệt vì lẽ đó.
Cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã “vui vẻ hy sinh" cả tính mệnh mình cho cách mạng, cho dân tộc như thế. Và cho đến ngày hôm nay, cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng rực rỡ của đồng chí vẫn đang và sẽ tiếp tục “vun tưới”, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho mỗi thanh niên, đảng viên trẻ về cách sống, cống hiến hết mình cho lý tưởng cao đẹp.
(Còn nữa)
THU HÒA - HOÀNG VIỆT