Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội mới sẽ bầu các chức danh lãnh đạo của Nhà nước như: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao... và các chức danh khác của các cơ quan Nhà nước. Tại kỳ họp này, các nhánh quyền lực Nhà nước lập pháp, hành pháp, tư pháp sẽ được kiện toàn. Như vậy, Quốc hội mới và các nhánh hành pháp, tư pháp cũng mới. Tất cả đều mới với nhiệm vụ mới trong thời kỳ mới, giai đoạn phát triển có tính lịch sử của đất nước.
Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Với vai trò là nhánh quyền lực nhà nước cao nhất, được nhân dân ủy thác trách nhiệm đại diện để bầu ra các chức danh điều hành của cả 3 nhánh quyền lực nhà nước, Quốc hội có vai trò hết sức quan trọng. Về vị trí, chức năng của Quốc hội đã được luật định và khóa nào của Quốc hội cũng phải tuân thủ quy định đó. Tuy nhiên, Quốc hội khóa XV có vai trò lịch sử của thời kỳ mới, giai đoạn phát triển với tầm cao của đất nước.
Quốc hội các khóa trước là Quốc hội xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khi người dân vừa thoát khỏi kiếp nô lệ, đói kém và mù chữ; cả nước vừa thoát khỏi chiến tranh còn muôn vàn khó khăn gian khổ, còn bị các nước phương Tây thù địch và cấm vận nhưng cũng đã hoàn thành vai trò là đại biểu trung thành tuyệt đối với ý chí và nguyện vọng của nhân dân, giữ vững nền độc lập tự do của dân tộc, thống nhất non sông và đưa đất nước thoát đói nghèo để bước vào giai đoạn phát triển mới. Có thể nói, chưa khi nào chúng ta đạt được sự tin tưởng, cảm phục và chia sẻ của cộng đồng quốc tế như bây giờ. Quan hệ của Việt Nam với tất cả các cường quốc là quan hệ chiến lược, quan hệ toàn diện và ngày càng phát triển tốt đẹp. Ngay với các nước cựu thù, quan hệ cũng ngày càng nồng ấm, thiết thực và theo chiều hướng tích cực. Quá trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ được các nhà lãnh đạo và nhân dân hai nước đặc biệt quan tâm.
Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện. Năm 2020, với thành tựu chống dịch Covid-19 thành công, tăng trưởng kinh tế vào tốp đầu thế giới, chia sẻ có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế cùng chống dịch, cùng phát triển kinh tế đã làm cho hai tiếng Việt Nam một lần nữa vang lên như một niềm tự hào chung của những người yêu chuộng hòa bình và hữu nghị trên toàn thế giới. Chính trị ổn định, kinh tế-xã hội (KT-XH) phát triển bền vững, đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa ngày càng được cộng đồng quốc tế tin cậy; đời sống của nhân dân được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Cơ đồ ấy, tài sản ấy là nền tảng vững chắc để đất nước bắt đầu giai đoạn phát triển mới, cao hơn, toàn diện hơn! Và yêu cầu mới cũng cao hơn, toàn diện hơn đối với Quốc hội mới, Quốc hội khóa XV.
Về tự thân, Quốc hội phải thực sự mạnh mẽ, liêm chính, tuyệt đối trung thành với nhân dân, thể hiện tốt nhất ý chí và nguyện vọng của nhân dân để lập pháp có hiệu quả, có hệ thống cho mọi công dân dễ thực hiện. Quốc hội liêm chính là Quốc hội được tập hợp bởi những đại biểu tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân; có phẩm chất và năng lực thể hiện tốt nhất, hiệu quả thiết thực nhất ý chí và nguyện vọng của nhân dân, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới.
Về hoạt động lập pháp, phải phù hợp thông lệ quốc tế, chặt chẽ, nhất quán mà thông thoáng để hành pháp, tư pháp thực hiện một cách tốt nhất phát triển kinh tế với tốc độ cao mà bền vững ngay từ năm đầu, nhiệm kỳ đầu của giai đoạn phát triển mới. Phải đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng và ban hành các bộ luật, các luật và nghị quyết đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh (QPAN). Không để cuộc sống chờ luật, luật chờ nghị định và những hướng dẫn dưới luật. Muốn vậy, luật phải đồng bộ, đầy đủ, phải sát thực tiễn, kịp thời đi vào cuộc sống, chặt chẽ mà thông thoáng, bảo đảm tính nhất quán, thống nhất trong hệ thống luật quốc gia; đồng thời phù hợp với những điều Việt Nam đã ký kết, cam kết với các nước và cộng đồng quốc tế. Yêu cầu này không đơn giản. Phải nâng cao khả năng xây dựng và thẩm định để ban hành luật của từng đại biểu và của các ủy ban của Quốc hội. Không “khoán” cho Chính phủ trình luật. Không dành cái khó trong “luật khung” để Chính phủ làm nghị định, vừa khó làm vừa không đáp ứng yêu cầu phát triển của thời kỳ mới.
Về quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tất nhiên là rất quan trọng. Thời gian các kỳ họp đang được giảm để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Những quyết sách về kinh tế, văn hóa, xã hội, QPAN của thời kỳ này vô cùng quan trọng và có “độ nhạy” cao. Một quyết sách đúng và trúng sẽ đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả phát triển KT-XH, nâng cao năng lực QPAN. Ngược lại, một quyết sách không đúng, không trúng không những làm chậm sự phát triển KT-XH mà còn ảnh hưởng đến QPAN, thậm chí có thể gây “loạn nhịp” quá trình phát triển tích cực do đổi mới mang lại trong nhiều nhiệm kỳ qua. Xem vậy thì việc thảo luận về KT-XH trên nghị trường không thể tồn tại các “báo cáo thành tích địa phương”, hoặc tốn thì giờ tranh luận về thuật ngữ như “thu giá hay thu phí”! Thời gian của Quốc hội được tính theo phút cho mỗi phát biểu, thảo luận, tranh luận và chất vấn, vì nó phải dành cho việc quyết sách các vấn đề hệ trọng của đất nước.
Về giám sát tối cao, chỉ có Quốc hội mới có quyền giám sát tối cao. Có nghĩa là có quyền giám sát tất cả chức danh cao nhất của các cơ quan nhà nước, cả 3 nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp. Hoạt động của nhà nước, dù ở cấp nào nếu thiếu sự giám sát thì không thể có hiệu quả. Tuy nhiên, giám sát tối cao tại diễn đàn Quốc hội phải tập trung vào các hoạt động của cấp Trung ương, cấp cao nhất trong hoạt động nhà nước. Giám sát tối cao không có thì giờ cho các chất vấn: “Thế nào là mê tín dị đoan?”, “Tại sao trường kia vẫn còn tình trạng dạy thêm, học thêm?” hay “cái cống thoát nước tại địa phương nào đó đã hỏng chục năm nay không ai sửa chữa?”... Những vấn đề đó không “lạnh”, thậm chí rất "nóng", nhưng để các địa phương, các ngành giải quyết nó một cách cụ thể.
Về văn hóa, cần bám sát vấn đề có tính chiến lược được Đảng và Nhà nước khẳng định trong các văn kiện, nghị quyết và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đó là văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; đó là vấn đề đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với phát triển KT-XH. Còn về giáo dục thì đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là đổi mới cái gì? Cái gì cần làm trước và cả lộ trình của đổi mới căn bản và toàn diện sẽ diễn ra theo kế hoạch như thế nào? Có khó khăn, thuận lợi gì?... Nói tóm lại, luật đã ghi là Quốc hội giám sát tối cao vậy phải dành thời gian cho những vấn đề “tối cao”, tối quan trọng của đất nước. Giám sát để ra các quyết định quan trọng đúng hơn, trúng hơn; để lập pháp hoàn hảo hơn, hiệu quả hơn, chứ không phải giám sát tối cao là cái gì cũng giám sát.
Xem ra yêu cầu nhiệm vụ của Quốc hội thời kỳ mới quả là cao hơn nhiều và Quốc hội khóa XV nhất thiết phải là Quốc hội mới, cả hệ thống nhà nước phải mới cho một thời kỳ mới. Quốc hội liêm chính và có năng lực thực hiện tốt nhất vai trò, chức năng của mình để Chính phủ kiến tạo và hành động, tư pháp nghiêm cẩn và công bình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Xây dựng một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh; nhân dân ấm no, tự do và hạnh phúc!
(còn nữa)
TS NGUYỄN VIẾT CHỨC