(Tiếp theo và hết)
Ngày bầu cử Quốc hội khóa I (6-1-1946) được gọi là Tổng tuyển cử vì là ngày đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nhân dân cả nước được thực hiện quyền làm chủ của mình để bầu ra Quốc hội của nhà nước công nông đầu tiên ở châu Á, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa! Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã gọi ngày ấy là ngày vui sướng vì ngày ấy, người dân Việt Nam chính thức là chủ nhân của đất nước, chấm dứt hàng nghìn năm phong kiến, hàng trăm năm dưới ách thực dân. Niềm vui sướng ấy là niềm vui sướng của người dân một nước độc lập, công dân của một nhà nước được xây dựng trên nền tảng dân chủ, cộng hòa.
Và sự thật lịch sử là, sau ngày vui sướng ấy, dẫu phải trải muôn vàn gian khổ, hy sinh, nhân dân Việt Nam được hưởng chuỗi ngày vui sướng khắc đậm bởi các mốc son theo dòng thời cuộc. Đó là năm 1954 với Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu như sự cáo chung chế độ thực dân kiểu cũ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sự kiện ấy mới chỉ vui được một nửa vì “nửa mình còn trong lửa nước sôi”. Đến năm 1975, sau Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, niềm vui trọn vẹn mới đến với cả dân tộc. Và ngày 25-4-1976, ngày Tổng tuyển cử thứ hai của cả nước bầu ra Quốc hội thống nhất non sông là ngày vui trọn vẹn của nhân dân Việt Nam suốt từ Bắc chí Nam. Giờ phút lịch sử ấy khó có thể quên.
    |
 |
Tranh cổ động của TRỊNH BÁ QUÁT |
Niềm vui thống nhất non sông quả thật là niềm vui trọn vẹn. Cử tri cả nước hưởng niềm vui trọn vẹn nhưng có một thực tế là chưa thể hình dung một cách cụ thể tương lai đất nước. Đất nước hòa bình, thống nhất nhưng muôn vàn khó khăn chất chồng. Vết thương chiến tranh thật nặng nề không dễ gì hàn gắn một sớm một chiều. Cùng với đó, vì những lợi ích dân tộc hẹp hòi, chính trị ích kỷ và những nhận định sai lệch, thiếu thông tin của một số nhà lãnh đạo phương Tây đã đẩy Việt Nam vào thế bị bao vây, cấm vận, làm cho khó khăn càng khó khăn hơn... Trong hoàn cảnh ấy, cử tri cả nước vẫn tin tưởng bầu ra Quốc hội để thay mặt nhân dân thể hiện ý chí và nguyện vọng chính đáng là hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc. Nguyện vọng và ý chí ấy của nhân dân đã trở thành sức mạnh to lớn đưa đất nước thoát khỏi cơn bĩ cực. Đổi mới đã đưa đất nước thoát nghèo ngoạn mục. Người dân bao đời phải chịu đói khổ vì thiên tai, địch họa, nay đã có của ăn của để. Việt Nam đã đứng trong tốp các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, thứ mà trước đây Việt Nam vẫn thiếu. Điều quan trọng là quy luật cái gì đến ắt phải đến, cộng đồng thế giới ngày càng hiểu chúng ta, càng tin tưởng và cảm phục nhân dân ta. Mọi cấm vận đã được dỡ bỏ, thay vào đó là các hiệp định thương mại tự do và các quan hệ ngoại giao nồng ấm, thiết thực được thiết lập.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Có quan hệ chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các cường quốc. Chúng ta có đóng góp tích cực trong khối ASEAN và cộng đồng quốc tế. Là bạn hàng được nể trọng trong giao thương với nhiều nền kinh tế lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... Năm 2020, Việt Nam thực hiện thành công "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, đồng thời chia sẻ có trách nhiệm cùng cộng đồng. Hai tiếng Việt Nam lại được nhắc đến với sự tin cậy, cảm phục và hợp tác, yếu tố vô cùng thuận lợi cho sự phát triển. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao Việt Nam.
Về du lịch, Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn, an toàn. Về chỉ số hạnh phúc, Việt Nam cũng đứng thứ hạng cao trên thế giới. Về kinh tế, Việt Nam tiếp tục giữ vững nhịp độ tăng trưởng cao và có nhiều tiềm năng trong chuyển đổi số cho một nền kinh tế năng động... Nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng hữu cơ đang có nhiều mô hình thành công. Việc xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang phát huy hiệu quả thiết thực. Rau, quả, hoa tươi Việt Nam đang tiến vào các thị trường khó tính nhất. Có thể nói, chưa khi nào Việt Nam có một nền tảng chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối nội, đối ngoại vững chắc như ngày nay. Đời sống nhân dân được nâng cao cả về vật chất và tinh thần là điều ai cũng thấy rõ dù ở nông thôn hay thành thị, dù ở miền núi cao biên ải xa xôi hay vùng ven biển đầy sóng gió. Cuộc sống và hoàn cảnh sống thực sự đã thay đổi với gam màu tươi sáng...
Chính trên nền tảng ấy, thể theo ý chí và nguyện vọng của nhân dân, Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Có thể nói, mục tiêu đó vừa là ước mơ, vừa là mệnh lệnh hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Bức tranh về một tương lai tươi sáng đang đặt ra trước mắt toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Nhân dân cả nước có thể hình dung được, các tổ chức quốc tế và bạn bè năm châu tin tưởng và mong đợi.
    |
 |
Cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân bầu cử trước giờ ra khơi. Ảnh: QUANG TIẾN |
Ngày 23-5-2021, ngày cử tri cả nước đi bầu Quốc hội nhiệm kỳ mới thực sự là ngày hội của niềm tin và khát vọng về tương lai. Lá phiếu cử tri quyết định tương lai của chính mình, tương lai của đất nước!
Cách đây hơn ba phần tư thế kỷ, khi ta vừa có chính quyền trong tay, thù trong giặc ngoài còn cận kề, giặc đói, giặc dốt còn đang kìm kẹp, vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ngày 6-1-1946, ngày Tổng tuyển cử là “Một ngày vui sướng của đồng bào ta”, “là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ” (Báo Cứu quốc số 134, ra ngày 5-1-1946).
Thật là một dự cảm, một niềm tin của bậc vĩ nhân! Ngày bầu cử 23-5-2021 tới đây một lần nữa “sẽ đưa quốc dân lên con đường mới mẻ”, con đường ấy chắc chắn dẫn đến tương lai tươi sáng. Và trên con đường ấy, ta như thấy có Bác đang cùng cả dân tộc đồng hành. Chính vì thế, tất cả chúng ta cần nhớ lời Bác dạy. Trước hết là cử tri cần nhớ: “Lá phiếu tuy nhỏ nhưng ý nghĩa vô cùng lớn lao”, nó quyết định vận mệnh của chính mình và của cả dân tộc. Để có lá phiếu đó, biết bao chiến sĩ, đồng bào đã phải đổ xương máu mới giành được. Lá phiếu đó chấm dứt kiếp nô lệ để nhân dân làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đó chính là quyền cơ bản, thiêng liêng của mỗi công dân một nước tự do, dân chủ. Bởi vậy, mỗi cử tri cần phát huy quyền lợi và nghĩa vụ của mình để sáng suốt bầu các đại biểu thật xứng đáng, có đủ năng lực đưa đất nước “lên con đường mới mẻ”. Ngày bầu cử là ngày hội của tương lai, cử tri cả nước tham gia bầu cử trong không khí tưng bừng, phấn khởi vì hạnh phúc của chính mình.
Còn các đại biểu, những người trúng cử càng phải thấm sâu lời Bác dạy: “Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc”. Được nhân dân tín nhiệm, càng phải tu dưỡng rèn luyện thường xuyên, trung thành tuyệt đối với ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thay mặt cho nhân dân bầu ra người đứng đầu Nhà nước có đức, có tài, liêm khiết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đưa đất nước phát triển hội nhập cùng khu vực và thế giới trong điều kiện nhiều cơ hội và cũng lắm thử thách, gian nan.
Chặng đường phía trước đòi hỏi một Quốc hội mạnh mẽ, sáng suốt thực hiện tốt nhất chức năng của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, lập pháp đáp ứng yêu cầu của hội nhập, mở cửa ngày càng sâu rộng, giám sát tối cao có hiệu quả, thiết thực làm cho hành pháp năng động, sáng tạo, tư pháp nghiêm minh, công bằng, kinh tế-xã hội phát triển bền vững.
Để ngày hội của tương lai không chỉ là một ngày hội mà là chuỗi ngày toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thể hiện sức mạnh “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”, biến khát vọng thành hiện thực đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao, thỏa lòng mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng đất nước đàng hoàng, to đẹp, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Và, ngày mai ấy thật sự là tương lai tươi sáng của đất nước!
TS NGUYỄN VIẾT CHỨC