Hy sinh hết thảy tình riêng
Đã có nhiều thước phim tài liệu kể về cuộc đời đồng chí Lê Hồng Phong. Gần đây nhất, câu chuyện về Tổng Bí thư thứ hai của Đảng được làm mới trong một video ngắn trên mạng xã hội YouTube. Chỉ sau hơn hai tháng đăng tải, video ấy đã thu hút gần 50.000 lượt xem và rất nhiều bình luận. Các bình luận đều bày tỏ sự khâm phục, cảm động trước đức hy sinh cao cả của người chiến sĩ một lòng vì nước, vì dân, quyết không chịu cúi đầu trước kẻ địch. Gần 80 năm sau ngày Tổng Bí thư Lê Hồng Phong hy sinh, tấm gương của đồng chí vẫn có sức ảnh hưởng, truyền cảm hứng lớn lao không chỉ với những người trẻ mà còn trong trái tim, khối óc của bao thế hệ người Việt.
|
|
Tổng bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh tư liệu |
Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh em. Dáng mạo khôi ngô, từ nhỏ Lê Hồng Phong đã được cả gia đình đặt nhiều hy vọng. Tuy nhà nghèo, nhưng cha mẹ vẫn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho Lê Hồng Phong học hành. Được chiều chuộng nhưng Lê Hồng Phong không vì thế mà ỷ lại, luôn thể hiện là một người con hiếu thảo, sống rất trách nhiệm và yêu thương gia đình. Mặc dù kết quả học rất tốt (đạt loại giỏi bậc sơ học) và rất ham học, nhưng khi gia đình gặp khó khăn, Lê Hồng Phong bỏ học, ra tỉnh lỵ tìm việc làm để giúp đỡ mẹ và em gái, đồng thời tranh thủ học thêm tiếng Pháp.
Năm 1923, Lê Hồng Phong quyết định ra nước ngoài hoạt động cách mạng, gác lại những tình cảm gia đình da diết, nhất là mẹ già và người em gái nhỏ. Rồi khi cả hai vợ chồng Lê Hồng Phong-Nguyễn Thị Minh Khai bị địch bắt, kẻ thù đã dùng "mưu ma chước quỷ", cho hai người gặp nhau đối chất. Nhưng chúng đã lầm, vì luôn đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, không hẹn mà cả hai nhất loạt trả lời: “Không biết người này”, khiến kẻ thù thất vọng.
Người học trò xuất sắc của Bác Hồ
Đồng chí Lê Hồng Phong là một chiến sĩ lỗi lạc trong thế hệ cộng sản đầu tiên của Việt Nam, là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí đã góp công sức khôi phục hệ thống bộ máy tổ chức và gây dựng lại cơ sở của Đảng ta trong giai đoạn cách mạng thoái trào 1932-1935. Trong đó, bản “Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương” mà đồng chí triển khai thực hiện như một làn gió lành, tiếp sức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng giữ vững niềm tin vào tiền đồ cách mạng, đẩy lùi tư tưởng hoang mang, dao động, tạo điều kiện cho việc khôi phục nhanh chóng hệ thống tổ chức của Đảng và phong trào quần chúng.
Tìm hiểu cuộc đời đồng chí Lê Hồng Phong, lớp trẻ hôm nay học ở đồng chí tinh thần hăng say học tập và rèn luyện không mệt mỏi. Đồng chí Lê Hồng Phong đã sớm nhận thức: Không có lý luận và tri thức cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng thật sự. Khi chủ trì công việc của Đảng, Lê Hồng Phong luôn gắn việc học tập với hoạt động cách mạng, rèn luyện trong tổ chức và chỉ đạo thực tiễn. Đồng chí căn dặn: “Những người cộng sản Đông Dương là tay hiểu Chủ nghĩa Mác-Lênin, và thực hành Chủ nghĩa Mác-Lênin theo điều kiện hiện thực ở Đông Dương”, “Chiến sách mới của Đảng là chiến sách theo điều kiện thực hiện ở xứ Đông Dương, theo kinh nghiệm tranh đấu của Đảng, học kinh nghiệm của Quốc tế Cộng sản và kinh nghiệm của cuộc vận động cộng sản thế giới, không phải đem kinh nghiệm xứ này sang xứ khác một cách như máy”. Đồng chí luôn nêu cao tính năng động, sáng tạo trong việc đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng vận dụng trong mọi mặt hoạt động thực tiễn sinh động của đời sống xã hội.
Những lời huấn thị quý báu đó cho đến nay vẫn mang tính thời sự nóng hổi, nhất là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong cuộc chiến đấu để bảo tồn và phát triển Đảng ở giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử Đảng ta, nhất là cuộc đấu tranh để thống nhất Đảng về tư tưởng và tổ chức, đồng chí Lê Hồng Phong khẳng định: “Ý chí không thống nhứt, hành động không thống nhứt, không kỷ luật thì vô luận cuộc đấu tranh nào cũng thất bại” (Báo Dân chúng, số 67, ngày 23-5-1939). Đồng thời đồng chí cũng đưa ra quan điểm rất rõ ràng trong công tác xây dựng Đảng: “Đảng là đại biểu ý chí của tất cả chiến sĩ toàn xứ, không thể muốn được lòng hết thảy các cá nhân, mà ai nói sao Đảng cũng cho là phải, cứ cúi đầu nhận là đúng. Sự thành thực nhận lỗi như thế, nó sẽ đưa Đảng tới chỗ chết không thể cứu” (Báo Dân chúng, số 69, ngày 7-6-1939).
Ở Lê Hồng Phong, chúng tôi nhận thấy một điều sáng rõ: Làm người cách mạng, đã nhận thấy chân lý, lẽ phải thì cứ thế mà làm, kiên quyết tranh đấu để cho mọi người thấy lẽ phải. Sợ công kích mà không dám tranh đấu vì lẽ phải, ấy là cơ hội hoặc theo đuôi quần chúng. Trong công tác báo chí, Lê Hồng Phong tỏ rõ là một nhà lý luận sắc sảo, đấu tranh không khoan nhượng chống những luận điệu giả danh cách mạng của nhóm tờ-rốt-xkít, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ.
Bảo vệ lẽ phải đến cùng
Một mốc son trong cuộc đời cách mạng của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong mà ít người nhắc đến, đó là đồng chí đã kiên định, kiên quyết bảo vệ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở giai đoạn 1934-1938, giai đoạn mà Người bị Quốc tế Cộng sản hiểu lầm và "đình chỉ" hoạt động. Sau khi thoát khỏi nhà tù đế quốc Anh ở Hồng Công, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bị nghi ngờ vì "khó xác định được tại sao đồng chí ấy lại dễ dàng ra khỏi nhà tù và thoát khỏi tay cảnh sát Pháp". Đặc biệt là từ trước đó, Quốc tế Cộng sản, do không nắm đầy đủ thông tin về vấn đề thuộc địa, lại bị tư tưởng “tả” khuynh chi phối nên đánh giá không đúng về Nguyễn Ái Quốc, cho rằng Người theo "chủ nghĩa dân tộc". Ban Phương Đông thuộc Quốc tế Cộng sản đã chỉ thị: Không chấp nhận Nguyễn Ái Quốc là đại biểu chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản (tháng 7-1935); không chấp nhận Nguyễn Ái Quốc là đại diện thường trú của Đảng Cộng sản Đông Dương bên cạnh Quốc tế Cộng sản (mà Đảng phải cử một ứng viên khác); trước mắt cử đi học và chỉ tập trung học, trong quá trình học không được đi thực tế địa phương (như các học viên khác), không được viết báo(1).
Trong hoàn cảnh ấy, với tư cách người đứng đầu Ban chỉ huy ở ngoài (cơ quan lãnh đạo của Đảng trong thời gian Ban Chấp hành Trung ương của Đảng bị thực dân Pháp khủng bố) và sau đó được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong đã kiên quyết bảo vệ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Các báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, đồng chí đều khẳng định Nguyễn Ái Quốc đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, mọi hành động, việc làm của Nguyễn Ái Quốc đều vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Ngày 3-10-1936, Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng (gồm Lê Hồng Phong, Phùng Chí Kiên, Hà Huy Tập) đã có “Thư gửi các đồng chí” khẳng định quan điểm dân tộc, lợi ích dân tộc theo tinh thần Nguyễn Ái Quốc. Thư viết: “Nếu chúng ta chỉ hoàn toàn đứng trên quan điểm giai cấp để kích động và phát triển cuộc đấu tranh thì chúng ta có nguy cơ ngăn cản phong trào giải phóng dân tộc và gián tiếp ngăn cản phong trào giải phóng quần chúng”. Thư đề cập tới “quan điểm dân tộc” trên tất cả các mặt hoạt động như tập hợp lực lượng cách mạng, lợi ích của cách mạng, quyền tự do dân chủ, chế độ bầu cử thật sự dân chủ cho toàn bộ đất nước. Đặc biệt, khi bàn về bản chất giai cấp của Đảng, thư nói rõ quan điểm: “Chủ nghĩa cộng sản là Đảng của những người vô sản, điều đó là hoàn toàn phù hợp với học thuyết của Các Mác. Nhưng trong tình hình đặc thù (tôi nhấn mạnh) ở nước ta và trong giai đoạn hiện thời của phong trào giải phóng quần chúng, chúng ta cũng không kém mác-xít, lê-nin-nít, xta-lin-nít hơn khi nói rằng chủ nghĩa cộng sản bảo vệ các lợi ích của toàn thể dân cư. Điều đó đem lại cho chúng ta nhiều ảnh hưởng hơn và nhiều người đi theo hơn... Điều mà bọn đế quốc sợ nhất, đó là chúng ta tự đặt mình ở hàng đầu của phong trào giải phóng các chủng tộc”. Như vậy, Lê Hồng Phong và các đồng chí của mình đã khẳng định những điều căn cốt nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất giai cấp công nhân của Đảng.
Niềm tin vững như bàn thạch
Đảng ta từ khi thành lập đến nay hết sức tự hào vì đã rèn luyện được một đội ngũ đảng viên tràn đầy lý tưởng cách mạng và giàu tinh thần cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc. Đồng chí Lê Hồng Phong-Tổng Bí thư của Đảng là một ví dụ về niềm tin và lý tưởng vững như bàn thạch. Điều này thể hiện trong con người đồng chí ở mọi hoàn cảnh, dù trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng hay những năm tháng gian khổ trong nhà tù đế quốc. Khi bị đi đày ở nhà tù Côn Đảo, hằng ngày bị tra tấn, đánh đập tàn nhẫn "bát cơm lẫn máu", đồng chí vẫn dành thời gian sáng tác bài "Phú Nghệ An đỏ" bằng chữ Hán, để ôn lại bài học đấu tranh của Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), chỉ ra nguyên nhân thất bại, nêu cao ý chí đấu tranh và tinh thần lạc quan cộng sản. Bài phú kết thúc bằng 4 câu: Để phấn đấu cho một giang sơn mỹ lệ/ Cả Đông Dương phải nhất trí hiệp đồng/ Đại liên minh toàn quốc công nông/ Mới chấn chỉnh thắng cảnh Lam Hồng muôn thuở.
Đến những phút giây cuối cùng trước khi hy sinh, trưa ngày 6-9-1942, đồng chí nhờ các bạn tù cũng đang bị giam tại nhà tù Côn Đảo chuyển tới Đảng lời nhắn gửi sắt son: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, cho đến giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Lời nhắn đó cho chúng ta thấy rõ một phẩm chất quý báu của người chiến sĩ cộng sản: Càng vào lúc khó khăn càng vững niềm tin, không hoang mang, dao động.
THU HÒA - HOÀNG VIỆT
-----------------------------
(1) Sách "Hồ Chí Minh, nhà yêu nước vĩ đại", Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật, 2018, tr94, 95.