Bản lĩnh và trí tuệ

Đã 4 năm rưỡi chiến đấu trong vòng vây, gọi là giai đoạn cầm cự (từ tháng 9-1945 đến tháng 1-1950), cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống tái xâm lược của thực dân Pháp vẫn như “châu chấu đá voi” (lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Khi thiết lập được mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác, cũng như sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới năm 1950 thì cuộc kháng chiến đó mới chuyển được sang thế tiến công. Nhưng, chiến tranh có cái ngưỡng của nó, hay là có quy luật chứ vòng nguyệt quế không tự dưng mà đến. Cục diện chiến tranh vẫn thế thôi, không có gì thay đổi nếu không có những cú đấm thép về chiến trận.

Trí tuệ cũng là ở đây. Bộ óc Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng Tổng Quân ủy, đã đi đến một quyết định cho ra đời chủ trương mở ra và tích cực tiến hành chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Và Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ dần dần hiện diện. Nó là nơi để hai bên tác chiến đi đến đòn quyết định chấm dứt chiến tranh. Có đánh không? Bản lĩnh và trí tuệ ở đây là dám đánh, nhưng đánh là phải đánh thắng. Chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng, không đánh.

Giờ đây, vào năm 2024 này, thời gian đã lùi xa tới 70 năm, chúng ta càng thấy đó là bản lĩnh thật cao cường và trí tuệ thật sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Trong lịch sử nước nhà và riêng trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, theo tôi, phải ghi dấu tinh thần dám đánh và tự tin chắc thắng vì một bản lĩnh thép và vì một trí tuệ mẫn tiệp.

leftcenterrightdel

Đoàn xe đạp thồ vận chuyển lương thực phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Đoàn kết ở đây trước hết là đoàn kết trong Đảng; rồi sau đó là đoàn kết trong nhân dân 54 dân tộc anh em; đoàn kết giữa dân với Đảng; đoàn kết quốc tế, tạo ra sức mạnh tổng hợp. Không có sự đoàn kết đó thì không có thắng lợi nào hết. Có thể có người cho rằng, đại đoàn kết là bài học chung suốt cả chiều dài dựng nước và giữ nước chứ không riêng ở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng ở Chiến dịch Điện Biên Phủ, khối đại đoàn kết được “nâng cấp” lên để có được sức mạnh của một lực sĩ làm cho “voi sẽ bị lòi ruột ra” (lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Không ai, nhất là thực dân, có thể mường tượng ra được cảnh bộ đội ta kéo những khẩu pháo nặng hàng chục tấn lên-xuống những núi cao, vực sâu. Không ai có thể tưởng tượng được hàng đoàn xe đạp thồ lương thực từ hậu phương Thanh Hóa và các địa phương khác vượt qua biết bao núi đèo hiểm trở nườm nượp ra tiền tuyến Tây Bắc. Không ai có thể tưởng tượng được cảnh hàng đoàn dân công không quản ngày đêm mưa dầm, nắng gắt mở đường hướng tới chiến dịch...

Ở mặt trận ác liệt, tướng sĩ vâng lệnh cha già thương nhau chia củ sắn lùi, bẻ đôi điếu thuốc, khoét núi ngủ hầm, dầm mưa dãi nắng. Hậu phương thi đua với tiền phương. Thế mới có cả Điện Biên Phủ về âm nhạc. Thế mới có cả Điện Biên Phủ về hội họa. Có cả Điện Biên Phủ về văn hóa... Cả nước ra trận. Cả một dân tộc vùng lên, “nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” như lời Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào đêm lịch sử 19-12-1946.

leftcenterrightdel

 Đoàn ngựa thồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Lòng dũng cảm và vị tha

Thắng rồi thì sao? Thì như thời Trần, đội quân chiến trận lại về với thôn quê vui cấy cày; người thợ thủ công cầm bay, cầm thước xây đắp tháp chuông nhà thờ, nhà chùa, đền đài, miếu mạo... Thì như thời Lê, trong “Bình Ngô đại cáo” do Nguyễn Trãi hùng ngôn mà viết rằng, ta cấp thuyền cấp ngựa cho quân Minh xâm lược cút về nước; thắng rồi thì lòng người hòa hảo để tắt muôn đời chiến tranh. Ở trong nước không còn cảnh vùng tự do với vùng địch, vùng tề. Không có cảnh thù oán trả cho nhau. Không có cảnh lấy án cũ ra làm án mới. Chỉ có sự hòa hợp để dựng xây và bảo vệ đất nước.

Chiến thắng Điện Biên Phủ rồi sau đó để xây tình hòa hiếu giữa các dân tộc, trong đó có mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác hai bên cùng có lợi Việt-Pháp. Tuy mãi đến năm 1973 mới thực có. Hơn nửa thế kỷ quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển Việt-Pháp (1973-2024) đã cho nhiều hoa thơm trái ngọt. Chiến tranh nhân dân với chiến thắng "lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu" không có nghĩa say sưa “kiêu ngạo cộng sản” như V.I.Lenin cảnh báo cho những người cộng sản trong đối nhân xử thế với thời cuộc. Chiến tranh nhân dân từ Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 báo hiệu cho chúng ta rằng, sức mạnh của toàn dân tộc sẽ còn, sẽ được và sẽ phải phát huy mạnh mẽ vào thì tương lai sau đó.

Các thế hệ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ không bao giờ quên, mà chỉ là gác lại quá khứ để hướng tới tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Đó cũng là sự dũng cảm tự vượt qua chính mình trong quan hệ quốc tế đầy bất an, khó lường hiện nay. Vượt qua chính mình là phải luôn luôn bảo vệ chính nghĩa cho chắc. Vượt qua chính mình là phải luôn luôn bồi dưỡng tinh thần cách mạng, luôn ở thế tiến công vì quyền dân tộc cơ bản: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Vượt qua chính mình là cả dân tộc biết và dám vượt qua bao gian khổ để quyết chiến, quyết thắng, dù nhiệm vụ có khó khăn đến mấy, dù kẻ địch có hung tợn và nham hiểm đến mấy.

Vượt qua chính mình, với bài học của chiến tranh nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ còn ở chỗ, phải luôn cảnh giác, cảnh giác trước sự chủ quan của chính bản thân mình khi nắm bắt tình hình chưa thật chắc chắn; là phải có dũng khí biết thay đổi cách làm cho phù hợp với tình hình, do đó khi đã lỡ kéo pháo vào thì quyết kéo pháo ra chờ lúc thuận lợi và rồi lại kéo pháo vào để “đánh chắc, tiến chắc”.

leftcenterrightdel
Dân công vận chuyển lương thực ra mặt trận. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Sự trung thành và sáng tạo

Trung thành, trung thành hơn nữa. Sáng tạo, sáng tạo hơn nữa. Đó là bài học quý báu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trung thành là trung thành với nguyên tắc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, mà cụ thể ở đây là Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguyên tắc đó là quyết đánh và đánh thắng. Còn triển khai chiến dịch và tác chiến cụ thể ở Điện Biên Phủ như thế nào là do “tướng quân tại ngoại” như lời Bác Hồ căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ trước khi Đại tướng ra trận.

Vì tuyệt đối trung thành với tư tưởng quyết đánh và quyết thắng, “chắc thắng mới đánh” của Bộ Chính trị và của Bác Hồ nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới có “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình” như sau này ông thổ lộ, để chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” rồi nổ súng đánh thắng trận đầu Him Lam ngày 13-3-1954, kết thúc bằng việc tiến công đồi A1, bắt sống toàn bộ Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tại hầm De Castries chiều 7-5-1954.

Bài học lịch sử được rút ra là để cho hậu thế. Hiện giờ, vẫn còn vô số những điều cần căn chỉnh nếu thật tâm áp dụng bài học này vào thực tế. Phải làm gì đây khi gặp tình huống “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng dưới lạnh”, “trên trải thảm, dưới rải đinh”? Phải làm gì khi chủ trương, nghị quyết đã có nhưng không chịu triển khai hoặc triển khai không đến nơi đến chốn? Phải làm gì để khắc phục tình trạng của 4 căn bệnh trầm kha: Nói nhiều làm ít; nói hay làm dở; nói mà không làm; nói một đằng làm một nẻo?

Cần lắm việc áp dụng thành công bài học của tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương phát biểu tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ sáu, nhiệm kỳ 2020-2025 về công tác cán bộ: “Phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội theo tinh thần “7 dám”: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”.

Con đường phát triển lên ấm no, tự do, hạnh phúc; con đường trở thành một nước hùng cường, phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam còn dài. Trên con đường đó có những mốc son chói lọi. Chiến thắng Điện Biên Phủ nằm trong những mốc son đó.

GS, TS MẠCH QUANG THẮNG