QĐND - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968-2018) tại Thành phố Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố tổ chức Cuộc triển lãm “Nghệ thuật sắp đặt-Bản hùng ca Mậu Thân 1968”. Nét mới triển lãm lần này có nhiều các nhóm họa sĩ trẻ tham gia. Tác phẩm “Đêm trắng đồng Vĩnh Lộc” của Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ, tái hiện lại sự kiện bi tráng, 32 dân công hỏa tuyến chiến đấu và hy sinh tại cánh đồng Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh đêm 15-6-1968. Tác phẩm “Kết nối lịch sử Mậu Thân 1968” của nhóm họa sĩ Trường Đại học Văn Lang, thể hiện thành phố trẻ đang lên cùng biểu tượng về ký ức Xuân Mậu Thân 1968. Trường Đại học Mỹ thuật có tác phẩm “Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968”, khắc họa lại trận đánh của Biệt động Sài Gòn vào sứ quán Mỹ. “Khúc ca Mậu Thân” của nhóm họa sĩ trẻ có tính khái quát cao về một dáng đứng Việt Nam, qua sự kiện Mậu Thân 1968 và còn nhiều tác phẩm khác nữa… Đúng như lời Trưởng ban tổ chức phát biểu trong buổi khai mạc “đây là dịp để thế hệ trẻ hiểu thêm về tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện lớn lao này”. Tuy nhiên, các tác giả trẻ sáng tác bằng cảm nhận của lớp người lớn lên trong hòa bình, thấu hiểu sự kiện thông qua những tư liệu lịch sử là chính nên sức lan tỏa tinh thần phần nào vẫn còn hạn chế.
Bù lại dù là “phụ”, có một góc tranh nghệ thuật ký ức của những người trong cuộc gây ấn tượng mạnh, khiến người xem không khỏi nao lòng. Nổi bật là ba tác phẩm tranh “Sonate Mậu Thân 1968” I; Sonate Mậu thân II và Sonate Mậu thân III của Đại tá, họa sĩ Phan Oánh, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân khu 7-Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đại tá Phan Oánh sinh năm 1949, quê Hải Phòng. Nhập ngũ năm 1966, vào chiến trường Nam Bộ năm 1967, tháng 9 năm đó, Phan Oánh được điều về Ban Tác chiến, Phòng Tham mưu Công trường 7 (Sư đoàn 7 Quân chủ lực Miền), nhiệm vụ chủ yếu của là làm công tác bảo mật, vẽ bản đồ và tham gia nhiều chuyến điều nghiên trinh sát chiến trường phục vụ cho các chiến dịch lớn. Là một chiến sĩ trên chiến trường nên Phan Oánh chứng kiến nhiều trận đánh, tham gia nhiều chiến dịch ác liệt, đặc biệt tham gia cả ba đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Chiến tranh kết thúc, Phan Oánh được cử đi học Trường Đại học Mỹ thuật và từ đây ông vẽ rất nhiều tranh, nhưng mảng tranh về đề tài người lính vẫn chiếm thế chủ đạo trong sự nghiệp cầm cọ của ông. Phan Oánh nói: “Nó thúc giục mình không thể làm khác, đặc biệt đề tài Mậu Thân 1968. Mình từng nguyện rằng khi còn sống, mình sẽ vẽ để thế hệ mai sau hiểu về cuộc chiến chân thực và đầy đủ nhất. Ấy vậy mà thời gian cứ qua đi, vì nhiều lý do nên chưa vẽ được. Bỗng ký ức hiện về, thôi thúc, cảm giác như kẻ mắc nợ vậy. Cuối năm 1971, mình gặp họa sĩ Đỗ Xuyến, quê Thái Bình, từng tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Anh kể: Trong một buổi chiều tà sau trận đánh còn ngổn ngang chiến sự, bỗng anh nghe có tiếng đàn ở một khu nhà gần đấy bị bom đạn tàn phá. Thấy lạ, anh lặng lẽ chui qua các vách tường đổ nơi có tiếng đàn mà ai đó đang chơi nghe như nghẹt thở, rồi sau đó bỗng tiếng đàn im bặt, vì có tiếng pháo địch gầm rít bắn từ xa vào tới tấp. Đỗ Xuyến nhìn thấy trên nền gạch men hình ô vuông màu đen trắng, có nhiều thi thể chiến sĩ ta cả nam lẫn nữ hy sinh. Lời kể của Xuyến làm mình xúc động mạnh".
    |
 |
Sonate II – đợt II Mậu Thân – Lòng dân thành phố |
Cuộc chiến những năm sau đấy ngày càng diễn ra ác liệt, và chỉ ba năm sau, Phan Oánh nghe tin Đỗ xuyến hy sinh ở chiến trường Bình Long. Ám ảnh về tiếng đàn, về sự hy sinh của bao đồng đội càng thôi thúc Phan Oánh vẽ. Nhưng cũng mãi tới năm 1988, nhân kỷ niệm 30 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông mới có điều kiện cầm cọ vẽ bức tranh “Bản Sonate Mậu Thân 1968", hay còn gọi: "Mậu Thân đợt I-Chiến sĩ Biệt động thành quyết tử”. Bây giờ thì chúng ta đều biết, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 diễn ra ba đợt. Bức tranh thể hiện điều mà tác giả từng đã hứa phải vẽ với thái độ chân thật nhất. Đúng vậy! Cảm xúc ngập tràn như một câu chuyện kể của người trong cuộc, mà họa sĩ Đỗ Xuyến từng tâm sự với ông. Tiếng đàn rung lên từ màu sắc, trong góc nhà đổ nát, gần bên cửa sổ có một chiếc dương cầm và những viên gạch men hình ô vuông đen trắng, nhiều xác người nằm đó, một người chiến sĩ đứng lặng im như hóa đá và người y tá nhỏ đang băng bó vết thương cho người chiến sĩ. Hình ảnh bi tráng và đau thương khiến ta trào nước mắt. Cảm giác tiếng đàn vẫn còn đấy, dù nó đã ngừng từ rất lâu, nhưng lịch sử sẽ nhận ra chẳng bao giờ nó thôi vang lên bởi chiến tranh là thế đấy?! Tác phẩm này sau đó được Huy chương Bạc (không có Huy chương Vàng) rồi được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mua và lưu giữ. Gần 10 năm sau (2017), ký ức Mậu Thân 1968 lại thúc giục họa sĩ Phan Oánh cầm cọ vẽ tiếp bản Sonate II và Sonate III. Vẫn lấy cảm hứng từ tiếng đàn, “Sonate II-đợt II Mậu Thân-Lòng dân thành phố” và “Sonate III-đợt III Mậu Thân-Vùng ven đô-Lục bình đỏ”. Mỗi bản lý giải một vấn đề.
    |
 |
“Sonate III – đợt III Mậu Thân – Vùng ven đô - Lục bình đỏ” |
Tại cuộc triển lãm, ba bức tranh được xếp cạnh nhau theo thứ tự là có chủ ý của tác giả. Cung bậc cuộc chiến xảy ra trong thành phố, ngoài ven đô, nhưng dù ở đâu hình khối, màu sắc là một bản “giao hưởng” liên tục đầy bi tráng, chất hùng ca của một thời máu lửa. Được biết, chương trình kỷ niệm 50 năm Mậu Thân 1968, đêm Giao thừa Mậu Tuất 2018, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phát sóng gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, ba tác phẩm tranh của họa sĩ Phan Oánh được dùng làm nền phông minh họa tại ba cầu truyền hình lớn.
Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm suy sụp ý chí xâm lược của kẻ thù, buộc chúng phải xuống thang, ngừng ném bom miền Bắc, ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, đưa đến chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Phan Oánh với những bản Sonate bằng tranh, góp một phần nhỏ bé của mình trong “bản hùng ca” chung về Mậu Thân 1968.
ĐỖ VIẾT NGHIỆM