Ngày 28-1-1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở vững chắc của một trí tuệ mẫn tiệp, một tầm nhìn chiến lược xa rộng, tháng 5-1941, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 8 của Đảng, quyết định hoàn thiện chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu, thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh.

Hồ Chí Minh nhận thức nước ta muốn được các nước Đồng Minh ủng hộ gia nhập Mặt trận Đồng Minh chống phát xít, trước nhất là ta phải lấy Trung Quốc làm cái cầu để tranh thủ các nước Đồng Minh ủng hộ. Người đã nói với Lê Tùng Sơn như vậy trước lúc đi Trùng Khánh. Ngày 3-8-1942, Người lấy tên là Hồ Chí Minh rời Cao Bằng cùng với Lê Quảng Ba lên đường. Người coi đây là nhiệm vụ đặc biệt tối thượng lúc bấy giờ vì được biết tại Trùng Khánh, Chính phủ Trung Hoa dân quốc tổ chức Hội nghị Đồng Minh chống phát xít. Người đã vượt biên giới đến Quảng Tây (Trung Quốc), dừng nghỉ tại nhà Từ Vĩ Tam (vốn là anh em kết nghĩa của Người) ở thôn Ba Mông, huyện Tĩnh Tây. Ngày 28-8-1942, Hồ Chí Minh tiếp tục lên đường cùng với Dương Đào, một nông dân chân chất ở Ba Mông, tự nguyện dẫn đường thay cho Lê Quảng Ba đau chân. Rất không may khi hai người đến phố Túc Vinh trưa 29-8-1942, bị quân Tưởng bắt giữ vì nghi là gián điệp cho Nhật.

leftcenterrightdel
Bìa cuốn sách "Ngục trung nhật ký"-Bảo vật Quốc gia.  Ảnh tư liệu  

Tại một cuộc hội thảo, có nhà nghiên cứu cho rằng: “Người bị bắt không phải vì không có giấy tờ hợp pháp mà vì mang trong người nhiều đô-la. Người trữ đô-la để mua vũ khí cho bộ đội Việt Minh". Có lẽ điều này do suy luận chủ quan của cá nhân. Trong chuyến đi điền dã ở Quảng Tây, tác giả bài viết này được biết: Sự thật là khi bị bắt, Hồ Chí Minh mặc bộ quần áo thầy địa lý Trung Quốc thường mặc và chỉ có một túi lưới (báo cáo của Hương Canh với cấp trên khám xét Người).

Trong bài thơ "Thế lộ nan" (Nhật ký trong tù), Hồ Chí Minh đã viết: “Dư nguyên đại biểu Việt Nam dân/ Nghĩ đáo Trung Hoa kiến yếu nhân" (Ta vốn là đại biểu của dân Việt Nam/ Định đến Trung Hoa để gặp nhân vật trọng yếu). Nhân vật trọng yếu mà Hồ Chí Minh định gặp chính là các nhân vật sau:

1-Tống Khánh Linh, phu nhân của lãnh tụ Tôn Trung Sơn, chị vợ của Tưởng Giới Thạch. Bà Tống Khánh Linh lúc đó là Phân hội trưởng Phân hội Trung Hoa của Hiệp hội quốc tế chống phát xít. Năm 1933, Hồ Chí Minh thoát khỏi nhà tù Hồng Công đã gặp Tống Khánh Linh ở Thượng Hải. Bà đã giúp Hồ Chí Minh nối lại được liên lạc với tổ chức đảng, nay muốn Tống Khánh Linh giúp đỡ để được gặp Tưởng Giới Thạch, vận động Tưởng ủng hộ Mặt trận Việt Minh.

2-Chu Ân Lai, Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai đã kết bạn ở Paris từ năm 1922. Nguyễn Ái Quốc đã giới thiệu Chu Ân Lai và nhóm thanh niên Trung Quốc gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1938, Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai đã gặp lại nhau ở Diên An. Năm 1956, Thủ tướng Chu Ân Lai thăm Việt Nam, trong tiệc chiêu đãi, Hồ Chí Minh đọc diễn văn chào mừng có đoạn: “Thủ tướng Chu Ân Lai là bạn thân của tôi. Chúng tôi đồng cam cộng khổ, cùng làm cách mạng, là bạn chiến đấu thân thiết trong hơn 30 năm nay”. Chu Ân Lai đáp từ: “Cách đây 34 năm, tôi quen Hồ Chí Minh tại Paris. Hồ Chí Minh là người dẫn đường cho tôi hồi đó. Hồ Chí Minh đã là người mácxít thành thuộc, còn lúc đó tôi mới là người bắt đầu tham gia Đảng Cộng sản. Hồ Chủ tịch là anh cả của tôi”. Lúc đó, năm 1942, Chu Ân Lai là Trưởng đoàn Đảng Cộng sản Trung Quốc đến dự Hội nghị Trùng Khánh. Hồ Chí Minh định gặp Chu Ân Lai để bàn về Đảng Cộng sản Trung Quốc ủng hộ quyết định của Hồ Chí Minh gắn Việt Minh với các Đồng Minh chống phát xít.

3-Gặp Trưởng ban cố vấn Liên Xô và Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc đề nghị hai vị này ủng hộ chủ trương của Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh.

Rất đáng tiếc là Hồ Chí Minh không đến được Trùng Khánh, người bị bắt ở Tĩnh Tây, Quảng Tây, bị giải đi giải lại khắp 13 huyện của Quảng Tây, qua 18 nhà lao. Một lãnh tụ cách mạng, bị bắt và trải qua "mười bốn trăng tê tái gông cùm”, Hồ Chí Minh đã biến "nguy" thành "cơ", biến nhà tù thành nơi rèn luyện ý chí và làm thơ. Nhờ đó, Người có tập thơ "Nhật ký trong tù" bất hủ để lại muôn đời, trở thành Bảo vật Quốc gia.

Nhà văn LÊ XUÂN ĐỨC