Công nghệ vật liệu nano có thể giúp các vũ khí tiến công có khả năng tàng hình trong mọi điều kiện. Trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra những người lính robot cực kỳ thông minh, hoạt động 24/24 giờ không mệt mỏi, có sức mạnh và sức chịu đựng phi thường... Lý luận chiến tranh sẽ có nhiều thay đổi, nghệ thuật quân sự của quân đội các nước đều sẽ có sự thay đổi.

Về vấn đề tác chiến tấn công điều khiển học

Tác chiến mạng đã, đang và sẽ xảy ra, đó là nguy cơ rất lớn. Với sức tàn phá khủng khiếp trên nhiều lĩnh vực, có thể là sự chiếm quyền điều khiển đối với những phương tiện chiến đấu, những nhà máy quan trọng, những công trình quân sự, quốc phòng, an ninh; làm mất khả năng điều hành của các trung tâm chiến lược về quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội; kết hợp với hoạt động truyền thông tạo nên sự bất an hỗn loạn của một xã hội dẫn đến sự mất kiểm soát và điều hành của một hệ thống chính trị.

Vào giữa năm 2010, một loại mã độc đã lây nhiễm vào hệ thống máy tính điều khiển và máy ly tâm làm giàu uranium của cơ sở hạt nhân Iran gây thiệt hại đáng kể cho cơ sở này, may mắn đã không có vụ nổ lớn nào xảy ra làm thiệt hại về người và ảnh hưởng môi trường. Tuy nhiên, thiệt hại vô cùng to lớn cho Iran. Tiếp đến là sự kiện chuyến bay Spanair 5022 ngày 20-8-2008 bị tai nạn gần sân bay Madrid

Barajas được cho rằng nguyên nhân là do một loại virus tấn công vào hệ thống thông tin của hãng, làm sai lệch hệ thống điều khiển. Như vậy, cần phải xem xét tấn công điều khiển học như là một dạng xâm lược có vũ trang với hai hình thức chủ yếu tại thời điểm này là tiến công có chủ đích vào hệ thống thông tin và ký sinh điều khiển học. Vũ khí tấn công là những mã độc được thiết kế riêng trên cơ sở các đặc tính của hệ thống thông tin bị tấn công, do vậy rất khó có biện pháp phòng, chống cụ thể.

Về lĩnh vực công nghiệp quốc phòng

Với việc ứng dụng các thành tựu tự động hóa, công nghệ in 3D, số hóa, ngành công nghiệp quốc phòng thế giới sẽ có sự phát triển đột phá về chất. Số lượng cơ sở chế tạo vũ khí trang bị sẽ giảm đáng kể. Với khả năng tự động hóa và ứng dụng công nghệ in 3D cùng các hoạt động thiết kế, gia công, chế tạo vũ khí trang bị sẽ được tự động hóa, rút ngắn thời gian của quy trình này. Các robot sẽ dần thay đổi các công nhân trong những dây chuyền sản xuất, đòi hỏi chất lượng công nhân có trình độ cao và trình độ về công nghệ thông tin.

Theo nhà phân tích công nghệ Alex Chausovsky thuộc Công ty nghiên cứu thị trường IHS (Mỹ), hiện nay, các nền công nghiệp quốc phòng lớn trên thế giới đang hướng tới việc sử dụng công nghệ in 3D trong sản xuất. Điển hình như ở Mỹ, Lầu Năm Góc đã đầu tư một khoản kinh phí không hề nhỏ cho việc in 3D quân phục, các mẫu da nhân tạo giúp điều trị vết thương, thậm chí cả đồ ăn phục vụ quân đội. Các nhà khoa học tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cũng đã sáng tạo ra công nghệ in 4D, tạo nên những vật liệu có thể thay đổi khi tiếp xúc với các yếu tố khác nhau. Công nghệ này mở ra triển vọng một ngày không xa, quân đội sẽ có những bộ quân phục tự đổi màu theo môi trường.

Trong chế tạo vũ khí, trang bị đạn dược, các xí nghiệp của khối quân sự-công nghiệp Nga bắt đầu sử dụng công nghệ in 3D để sản xuất các linh kiện xe tăng thế hệ mới T-14 và các loại xe chiến đấu khác trên nền tảng “Armata”. Máy in 3D công nghiệp cho phép giúp gia tăng quá trình sản xuất, thử nghiệm. Với máy in 3D có thể nhanh chóng sản xuất linh kiện nguyên mẫu thực hiện với sự giúp đỡ của các mô hình thiết kế máy tính hỗ trợ. Theo chuyên gia Nga Anton Ulrich, Trưởng phòng thí nghiệm công nghệ mới của Xí nghiệp Elecktromashina, việc sử dụng công nghệ in 3D giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực trong quá trình sản xuất.

Theo Verge, ngày 29-7-2017, Hải quân Mỹ đã phối hợp với phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge phát triển thành công một chiếc tàu ngầm bằng công nghệ in 3D chỉ trong vòng 4 tuần cho lực lượng đặc nhiệm SEALS của Hải quân Mỹ.

Các chuyên gia thuộc Trung tâm Vũ khí hải quân Mỹ (NSWC) và phòng thí nghiệm công nghệ gây nhiễu của Carderock Division (DTL) đã sử dụng máy in 3D công nghiệp cỡ lớn Big Area Additive

Manufacturing (BAAM) để chế tạo 6 phần riêng biệt của thân tàu bằng sợi carbon và ghép lại với nhau thành một tàu ngầm nhỏ hoàn chỉnh dài 9,14m. Đây là sản phẩm in 3D lớn nhất mà Hải quân Mỹ công bố từng sở hữu. Để sản xuất một chiếc tàu tương tự với phương pháp thông thường sẽ mất ít nhất 3-5 tháng và chi phí khoảng 600.000-800.000USD, trong đó, theo công nghệ này rẻ hơn 90%. Do là phiên bản thí nghiệm nên Hải quân Mỹ không cho chạy, đến phiên bản thứ hai sẽ cho vận hành với các bài thử nghiệm thực tế trên biển và họ hy vọng mẫu tàu ngầm này sẽ được sản xuất hàng loạt vào năm 2019...

Về khẩu phần ăn của binh sĩ

Chế độ dinh dưỡng đi kèm trọng lượng của các loại thực phẩm của người lính luôn được các đơn vị quân đội nghiên cứu kỹ.

Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Kỹ thuật quân đội Mỹ (NSRDEC) đang nghiên cứu một phương pháp mới cho khẩu phần ăn đóng gói của người lính bằng cách sử dụng các thiết bị nhận biết gắn trên người lính để dự đoán chính xác nhu cầu dinh dưỡng rồi truyền dữ liệu tới máy in 3D thực phẩm là đã có một khẩu phần ăn phù hợp với người đó. Theo dự kiến, công nghệ in 3D thực phẩm sẽ hoàn thành và được ứng dụng vào năm 2025, lúc đó, một bữa ăn được hoàn thành chỉ mất vài phút so với hàng giờ như hiện nay, song vẫn đầy đủ dinh dưỡng, không dư thừa mà hợp khẩu vị và có hình thức đẹp nữa.

Căn cứ quân sự thông minh

Nhờ có IoT (mạng lưới vạn vật kết nối internet), tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, ngành công nghiệp 4.0 sẽ cho ra đời các loại phương tiện, cơ sở hạ tầng thông minh nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Các căn cứ quân sự thông minh sẽ được xây dựng với các máy móc tự động phân tích dữ liệu, giúp tăng tốc và nâng cao chất lượng của các nhiệm vụ thực thi. Tất cả kết hợp lại, cùng thu thập và xử lý một lượng lớn dữ liệu, giúp các cấp chỉ huy ra quyết định hợp lý và kịp thời hơn cho các hoạt động của họ.

Hiện nay, một số căn cứ quân sự của Mỹ và châu Âu đã ứng dụng công nghệ thông minh theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, căn cứ quân đội Mỹ ở bang

Georgia mới khánh thành nhà máy năng lượng mặt trời, cho phép hoạt động độc lập với lưới điện địa phương. Căn cứ Fort Bragg ở bang Bắc Carollin (Mỹ) đang thử nghiệm các phương tiện vận chuyển không người lái để chuyển thương binh, bệnh binh. Chất lượng cuộc sống trong các căn cứ quân sự được cải thiện đáng kể. Các thiết bị cảm biến có khả năng phân biệt nhân viên quân sự với nhân viên khác, hỗ trợ điều tiết giao thông, tránh tắc nghẽn trong giờ cao điểm hay khi những sự kiện công cộng lớn diễn ra. Các cảm biến trong thùng rác có thể giúp nhân viên thu dọn rác thải quản lý công việc tốt hơn. Cảm biến trên các kệ hàng trong các cửa hàng của căn cứ thu thập dữ liệu giúp tự động hóa quá trình cung cấp quân nhu. Công nghệ xây dựng và quy hoạch đô thị tiên tiến có thể giúp các căn cứ thiết kế những khu vực sử dụng hỗn hợp giảm được hàng triệu USD về chi phí tác động của môi trường thông qua việc xác định các khu vực có thể được tái sử dụng.

Tại Ấn Độ, một ứng dụng start up (khởi nghiệp) công nghệ có tên Tonbo Imaging chuyên cung cấp cho chính quyền New Delhi những công nghệ cho phép phát hiện, tái tạo các hình ảnh vật thể trong bất kỳ điều kiện môi trường nào. Công nghệ này cũng cho phép quân đội Ấn Độ thu được các thông tin tình báo có ý nghĩa sống còn đối với các cơ sở quân sự và tính mạng của quân nhân, đặc biệt là ở khu vực biên giới.

Tuy nhiên, việc sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh cũng tiềm ẩn những rủi ro khó lường như: Tin tặc có thể làm lây nhiễm phần mềm độc hại vào thiết bị thông minh hoặc việc đưa vào một lượng lớn các thiết bị cảm biến không dây và kết nối chúng tới những phần quan trọng nhất của căn cứ quân sự có thể dẫn đến những rủi ro về bảo mật. Do vậy, cải thiện bảo mật là nhiệm vụ quan trọng của các tập đoàn công nghệ nhằm bảo vệ “ngôi nhà thông minh” của mình trước những đe dọa từ tin tặc.

Khi công nghệ hiện đại này được thực sự áp dụng rộng rãi và thay thế cho hoạt động sản xuất thông thường, thế giới sẽ phải chứng kiến những biến động lớn cả về chính trị, quốc phòng và kinh tế. Ví dụ như Mỹ, khi nhiều công ty trải khắp đất nước tạo việc làm cho hàng triệu người đứng trước nguy cơ bị cắt hợp đồng phục vụ cho quân đội. Thượng nghị sĩ bang California Leland Yee (Mỹ) mới đây đã công bố một kế hoạch nhằm thúc đẩy chính quyền ban hành một bộ luật để ngăn cấm việc sử dụng các công nghệ tạo ra súng. Một số nhà làm luật cho rằng, súng làm bằng công nghệ in 3D hiện đang tạo nên một vùng màu xám pháp lý trong luật pháp Mỹ.

leftcenterrightdel
Huấn luyện nữ chiến binh ở Trường quân sự Ranger (Mỹ). Ảnh: Business Insider  
Huấn luyện quân sự

Công nghệ thực tế ảo (VR) đang được quân đội trên thế giới sử dụng để đào tạo và huấn luyện binh sĩ, đặc biệt là mô phỏng các môi trường nguy hiểm, phức tạp hoặc cực kỳ tốn kém nếu huấn luyện theo cách truyền thống. Nhờ khả năng vượt trội của Big data, các kịch bản huấn luyện mô phỏng rất linh hoạt, từ các dữ liệu thu thập được trên hệ thống, các chỉ huy liên tục đưa ra những tình huống huấn luyện sát với thực tế, phù hợp với năng lực của binh sĩ, tính năng của vũ khí trang bị, tùy ý điều chỉnh theo ý định giúp nâng cao hiệu quả huấn luyện trong khi không cần phải xây dựng các thao trường, chọn địa điểm huấn luyện, xây dựng các đạo cụ v.v.. Từ đó giảm được đáng kể kinh phí, di chuyển phương tiện kỹ thuật và binh sĩ, giảm thời gian chuẩn bị và thực hành huấn luyện, tránh được những rủi ro ngoài ý muốn v.v..

Vũ khí trang bị không người lái

Với công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, internet vạn vật, các loại robot quân sự, phương tiện không người lái sẽ được chế tạo và đưa vào trang bị. Các robot quân sự sẽ là phương tiện tác chiến chủ yếu trên chiến trường và sẽ hoạt động hiệu quả do được tương tác với nhau trên chiến trường, cập nhật tình hình chiến trường để đưa ra các phương án tác chiến hiệu quả, linh hoạt nhất. Hiện nay, các phương tiện không người lái được phát triển cả trên không, trên bộ, trên biển và dưới biển, làm nhiệm vụ trinh sát, giám sát, chỉ thị mục tiêu và tấn công.

Tuy nhiên, năng lực của chúng vẫn còn hạn chế, trong tương lai, các robot sẽ có tư duy như con người, có khả năng nhận biết, đánh giá tình hình và đưa ra quyết định, phối hợp với binh sĩ hoặc tương tác với các robot khác thực hiện tất cả các nhiệm vụ trong chiến tranh: Trực tiếp tham chiến, bảo đảm chiến đấu. Việc trang bị các loại robot, các phương tiện không người lái thông minh sẽ hạn chế tổn thất sinh mạng của binh sĩ.

Trong năm 2014, khoảng 11.000 robot phục vụ quân sự được sản xuất, theo Hiệp hội Quốc tế về robot, con số thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều, với tỷ lệ phát triển khoảng 13%, chúng ta có thể dự đoán có ít nhất 230.000 robot quân sự sẽ được sản xuất vào thời điểm năm 2040, và đến năm 2053 sẽ có gần 1.000.000 sản phẩm mỗi năm.

Sự phát triển nhanh chóng của các nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo trong thời gian gần đây đã dấy lên mối quan ngại thật sự trong giới khoa học về khả năng không kiểm soát nổi. Theo nhà vật lý Stephen Hawking: Phát triển trí thông minh nhân tạo là sự kiện lớn nhất lịch sử con người và có thể cũng là dấu chấm hết đối với nhân loại.

Đại tá NGUYỄN CHÍ DŨNG (Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học Quân sự/Bộ Quốc phòng)