Đó là ý kiến của ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Campuchia.

Ông Ngô Điền là đại sứ có thời gian công tác dài nhất ở Campuchia, trong suốt thời kỳ 10 năm của Cộng hòa Nhân dân Campuchia.

Ông vốn là nhà báo, là đại diện đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam tại Campuchia vào năm 1956 và công tác tại đây suốt 6 năm. Trước đó, ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Ngô Điền được phân công làm tờ báo Chiến sĩ của Vệ Quốc đoàn tỉnh Thừa Thiên. Hơn một năm sau, đầu năm 1947, ông được điều ra Việt Bắc, làm việc tại Nha Nghiên cứu kỹ thuật trực thuộc Cục Quân giới (Bộ Quốc phòng). Nhưng không “thoát” nghiệp báo, chàng cựu sinh viên Đông Dương họ Ngô lại được Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp cử về làm Báo Vệ Quốc quân (tiền thân của Báo Quân đội nhân dân hiện nay). Sau chuyến vượt Trường Sơn đi làm ngoại giao (năm 1948), Ngô Điền được giao nhiệm vụ cải tiến tờ Tin Việt Nam thuộc Phòng Thông tin Việt Nam có trụ sở tại Bangkok (Thái Lan).

leftcenterrightdel
Đại sứ Ngô Điền (giữa) tại Campuchia. Ảnh tư liệu

Lần này, ông được cử sang Campuchia trong khi trước đấy không hề nhận công tác gì về đất nước này. Đó là khi Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô-ông Nguyễn Lương Bằng đặt vấn đề lập mối quan hệ đầu tiên với Vương quốc Campuchia. Quốc vương Sihanouk trả lời nên gửi một nhà báo thường trú, sau sẽ tính nâng lên những hình thức cao hơn. Vì sao lại chọn ông? Ngẫm lại, ông đã tự nêu một đáp án, đó là vì trong công tác của mình không dính dáng gì đến Campuchia thì sự có mặt của ông thời gian đầu và những tiếp xúc của ông với người Campuchia sẽ không gây nên những mối nghi ngờ về mối quan hệ của Việt Nam với những người “Khmer-Việt Minh”. 

Năm 1979, ông Ngô Điền đến Campuchia. Ông chứng kiến nỗi đau của họa diệt chủng đến với nhân dân nước bạn. Cảnh đoàn người lang thang trên các nẻo đường ở chốn địa ngục trần gian còn nguyên dấu vết ở một số nơi bàn chân ông qua. Những bóng đen lặng lẽ đi, tìm cuộc sống/ Khăn gói nồi niêu một thúng rách trên đầu/ Từ cõi chết trở về, bà con hướng về đâu.

Nỗi xúc động khiến Đại sứ Ngô Điền viết thành “Bài thơ trở lại Phnom Penh”, ông ký tên Hướng Nam-tên con trai út của ông và đề tặng con trai Mê Giang, người con mang cái tên của dòng sông kỷ niệm hơn 20 năm trước, nay cũng vào bộ đội. Bài thơ đăng trên Báo Đại đoàn kết, ra ngày 29-9-1979. Rẽ sóng vươn lên, hướng về ánh sáng/ Bao nỗi khổ đau như dạt về dĩ vãng. Bố dõi nhìn theo, lòng tràn ngập yêu thương/ Tưởng như tiễn chính con ngày ra trận lên đường.

Ông Ngô Điền được phân công làm Phó ban B68, cơ quan trực thuộc Bộ Chính trị Trung ương Đảng trong công tác mới giúp cách mạng Campuchia chống diệt chủng Pol Pot. Chuyên gia Việt Nam phải nhanh chóng giúp bạn xây dựng đội ngũ cán bộ. Lúc đầu, phải làm giúp bạn, sau chuyển sang giúp bạn làm.

Suốt 3 năm 9 tháng 20 ngày tồn tại, chế độ Pol Pot dồn dân vào các “công xã”, trong đó không có chợ, không có tiền, mọi thứ đều do ang-ca phân phối. Không dùng tiền là nét đặc biệt của chế độ Pol Pot. Đại sứ Ngô Điền đánh giá: “Đó là một tình trạng độc nhất vô nhị trong xã hội loài người vào cuối thế kỷ 20”.

Khi Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào Phnom Penh, đánh đổ chế độ Pol Pot, chính quyền Cộng hòa Nhân dân Campuchia xây dựng đất nước ban đầu cũng không có đồng tiền, phải dùng gạo thay tiền làm vật trao đổi. Việt Nam phải giúp đỡ nước bạn phát hành tiền để mua bán trao đổi trong giao thương kinh tế. 

Trước đó, bộ đội tình nguyện Việt Nam, người người lớp lớp đã ngã xuống khi tiêu diệt quân diệt chủng Pol Pot. Theo ông Ngô Điền, điều mà nhân dân Campuchia không thể nào quên là Việt Nam đã bằng xương máu con em mình để giúp Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng tàn bạo. “Các anh ơi, nhớ mãi”, đó là một trong nhiều lời biết ơn được ghi thành biểu ngữ của bà con Khmer đi tiễn Quân tình nguyện Việt Nam trong đợt rút quân lần chót.

Kết thúc 12 năm làm Đại sứ Việt Nam tại Campuchia (1979-1991), những năm cuối đời, ông Ngô Điền dành thời gian viết tài liệu “Campuchia-nhìn lại và suy nghĩ”. Trước đó, ông cặm cụi “ghi chép” 5 tập tài liệu về đất nước chùa tháp cho đến Đại hội V của Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia (tháng 10-1985).

Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng khi nhớ về người thủ trưởng tiền nhiệm của mình đã đánh giá: hơn mười năm ông đeo đuổi một cách tận tụy sự nghiệp giúp đỡ Bộ Ngoại giao Campuchia, một sự nghiệp mà vì nó ông đã hạnh phúc tột cùng trước những thành công nhưng cũng chuốc về cho mình bao nhiêu trăn trở, dằn vặt trước những mâu thuẫn khó giải quyết, những biến chuyển khó lý giải”.

KIỀU MAI