Người nung nấu lòng yêu nước, thương dân
Cụ Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1863, sau khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam (1-9-1858), rồi kéo quân vào đánh chiếm Gia Định (tháng 2-1859). Từ Gia Định, quân Pháp lan ra đánh chiếm các tỉnh lân cận. Mặc dù, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của các văn thân, sĩ phu yêu nước nổi lên đánh Pháp mạnh mẽ, nhưng triều đình Huế đã ký Hòa ước ngày 5-6-1862, cắt ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho giặc, mở rộng các cửa biển Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên cho tàu bè Pháp tự do thông thương, nộp 20 triệu quan tiền (khoảng 280 vạn lạng bạc) làm tiền bồi thường chiến phí.
Tháng 6-1863, triều đình cử phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp xin sửa lại Hòa ước 1862 và chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, nhưng cuộc điều đình không thành. Không những thế, thực dân Pháp còn chuẩn bị xâm chiếm nốt ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Dựng lên cái cớ triều đình Huế dung túng cho nhân dân ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ "gây rối chống Pháp" ở các tỉnh miền Đông nên thực dân Pháp lần lượt chiếm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên (tháng 6-1867). Triều đình nhà Nguyễn không có phản ứng gì mà còn xin đổi ba tỉnh miền Tây mới mất để lấy lại tỉnh Biên Hòa. Đề xuất này cũng không được phía Pháp chấp nhận.
Trước sự nhu nhược của triều đình Huế, thực dân Pháp tiếp tục mở rộng cuộc xâm lược ra Bắc Kỳ, đưa quân vào kinh thành Huế, buộc triều đình ký hai điều ước vào năm 1883 và 1884, công nhận nền đô hộ của Pháp trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Trái với thái độ của vua quan nhà Nguyễn, nhân dân khắp nơi nổi lên đấu tranh chống Pháp. Tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương ở Nam Kỳ, rồi Phong trào Cần Vương ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Ngay trên quê hương Nghệ Tĩnh của cụ Nguyễn Sinh Sắc, vào năm 1874, cuộc khởi nghĩa do một số sĩ phu yêu nước lãnh đạo như: Trần Tấn, Đặng Như Mai... nổ ra rầm rộ với mục tiêu: "Dập dìu trống đánh cờ xiêu/ Phen này quyết đánh cả Triều lẫn Tây”.
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Bước sang thế kỷ 20, phong trào yêu nước đã mang màu sắc dân chủ tư sản, do những biến chuyển to lớn trong nước và đặc biệt từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Bên cạnh đó còn có tác động của trào lưu tư sản phương Tây tràn sang, qua ảnh hưởng của Phong trào Duy Tân. Tuy nhiên, các phong trào đấu tranh chống Pháp đều không thành công.
Cụ Nguyễn Sinh Sắc trong 66 năm cuộc đời mình cũng trải qua những đau thương của cảnh mất nước. Cụ nung nấu lòng yêu nước, thương dân, vì thế, cụ đã ủng hộ và khuyến khích thanh thiếu niên đi theo con đường mà chính người con yêu quý của mình-Nguyễn Sinh Cung-Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc-đã vạch ra. Tuy không trực tiếp khuyên bảo Nguyễn Tất Thành chọn con đường đã đi, song cụ tỏ ý tán thành, tự hào và tin tưởng ở quyết định của con. Tiếc rằng, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã mất trước mấy tháng khi Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra đời. Cụ cũng không được được chứng kiến phong trào yêu nước bùng lên trong cả nước, ngay sau khi Đảng ra đời và đạt tới đỉnh cao ở quê hương mình-Xô viết Nghệ-Tĩnh (1930-1931). Song, nhân dân Việt Nam không bao giờ quên ơn cụ Nguyễn Sinh Sắc.
Cuộc đấu tranh bảo vệ phần mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc
Gần một phần tư cuộc đời, cụ Nguyễn Sinh Sắc sống với nhân dân miền Tây Nam Kỳ. Cụ đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp cho bà con lục tỉnh. Điều này xuất phát từ cuộc đời của một sĩ phu yêu nước, trong suy nghĩ và hành động lúc nào cũng nghĩ đến dân, đến nước. Người dân Nam Kỳ lục tỉnh đã tôn vinh cụ là người "trọng nghĩa khinh tài". Tình cảm, lòng kính yêu của nhân dân Nam Kỳ cũng như của cả nước dành cho cụ Nguyễn Sinh Sắc càng lớn khi biết cụ đã hiến dâng cho đất nước người con trai là Anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh. Vì vậy, sau khi cụ qua đời, nhân dân Cao Lãnh đã lo tang lễ rất chu đáo theo nguyện ước của cụ. Việc tu sửa, chăm sóc, bảo vệ phần mộ của cụ Nguyễn Sinh Sắc ở Cao Lãnh cũng rất tận tình, vượt qua bao hiểm nguy, gian khó. Hơn thế, cuộc đấu tranh để gìn giữ phần mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc ở ngay trung tâm Cao Lãnh có thể được coi là một bộ phận của cuộc đấu tranh cho độc lập tự do, cho chủ nghĩa xã hội, theo con đường mà Nguyễn Ái Quốc-người con thân yêu của cụ-vạch ra. Cuộc đấu tranh này cũng là cuộc đấu tranh cho chính nghĩa, theo đạo lý, truyền thống tốt đẹp của nhân dân đối với người đã khuất, đặc biệt đối với những người có công với đất nước. Cuộc đấu tranh này cũng thể hiện lòng hiếu nghĩa, biết ơn của nhân dân ta đối với cụ Nguyễn Sinh Sắc, đối với Bác Hồ.
Theo nguyện ước của người đã khuất, mà cũng là mong muốn của nhân dân Cao Lãnh, mộ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được đặt ở phần đất gần chùa Hòa Long. Lễ an táng được nhân dân xã Hòa An cử hành trọng thể và buổi sáng ngày 27 tháng 10 âm lịch năm Kỷ Tỵ (tức ngày 27-11-1929). Thực dân Pháp và Nam triều theo dõi chặt chẽ việc tổ chức lễ tang của cụ Phó bảng. Những người đã tham dự lễ tang người sinh ra "lãnh tụ cộng sản Nguyễn Ái Quốc" đều bị lọt vào “tầm ngắm”.
Phần mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc nay đã trở thành quần thể Di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia.
Năm 1930, phong trào cách mạng rầm rộ nổ ra khắp cả nước. Tại Cao Lãnh, cuộc biểu tình ngày 3-5-1930 có tới hơn 4.000 người tham gia đòi hoãn thuế thân. Tại Hòa An, những người có quan hệ với cụ Nguyễn Sinh Sắc trước kia đều trở thành những thành viên nòng cốt trong phong trào cách mạng. Để hạn chế tầm ảnh hưởng của cụ Phó bảng, chính quyền thuộc địa ra lệnh cấm mọi người không ai được dọn, phát cỏ quanh mộ cụ. Thế nhưn, đêm đến, bà con lại đội gạch, đá ra đắp mộ cụ Phó bảng. Ông Chín Hảo ở Sài Gòn về Cao Lãnh bàn với chủ Sành (anh ruột của ông) và các vị chức sắc có cảm tình với cụ Nguyễn Sinh Sắc, mua một bao xi măng hỗ trợ bà con xây mộ. Ban đêm, bà con trộn sẵn cát, đá, xi măng đem đến đổ thành ngôi mộ.
Tết năm 1931, mặc dù bọn lính kín tăng cường lùng bắt những người cách mạng trong vùng nhưng vẫn có người mang hương hoa đến cúng ở mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Tháng 8-1945, cách mạng thành công, Huyện ủy Cao Lãnh sửa sang phần mộ cụ Phó bảng và dựng bia. Trong thời kỳ thực dân Pháp tạm chiếm Sa Đéc (từ tháng 2-1946 đến tháng 7-1954), một số gia đình trước kia có quan hệ với cụ Nguyễn Sinh Sắc, cảm tình với cách mạng, nay là cơ sở cách mạng, hoạt động bí mật đã cùng với đồng bào địa phương lặng lẽ chăm sóc phần mộ cụ. Hằng năm, vào dịp Tết, lễ thanh minh, bà con đều dọn cỏ sạch sẽ, tu bồi những chỗ bị sạt lở. Ban lãnh đạo xã Hòa An (trước 1946), rồi chi bộ Hòa An (từ năm 1946) trong chương trình, kế hoạch công tác của mình bao giờ cũng đề ra biện pháp lãnh đạo nhân dân bảo vệ phần mộ cụ Phó bảng. Vì vậy, suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ngôi mộ của cụ Nguyễn Sinh Sắc được bảo vệ, chăm sóc chu đáo.
Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương được ký kết, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Cao Lãnh là một trong ba nơi được chọn làm điểm tập kết ở miền Nam. Quân Pháp phải rút khỏi thị trấn Cao Lãnh cách trung tâm 30 cây số, theo quy định của Hiệp nghị đình chiến. Trong khi đó, các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam tại địa phương và các tỉnh lân cận trong khu vực Trung Nam Bộ tập kết về đây để chuyển quân ra Bắc, chờ ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Trong thời gian tập kết 100 ngày, ở Cao Lãnh, Quốc kỳ Việt Nam tung bay khắp các nhà và đường phố. Bộ đội diễu hành qua biển người mít tinh mừng chiến thắng. Mỗi ngày, hàng nghìn người dân từ Vũng Tàu, Biên Hòa, Sài Gòn, Mỹ Tho, Châu Đốc... đổ về Cao Lãnh-quê hương của cách mạng, của kháng chiến ở vùng Đồng Tháp Mười. Bà con muốn nhìn tận mặt anh Bộ đội Cụ Hồ, muốn thăm viếng ngôi mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc-một nhà nho yêu nước, thương dân, lại là thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ sau ngày đình chiến theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, vùng đất có phần mộ cụ Phó bảng được dọn sạch cỏ. Hàng ngày tấp nập khách già, trẻ, gái, trai, dân thường cũng như bộ đội, kể cả thân nhân binh lính địch mang theo hương nến, trái cây kính dâng lên hương hồn cụ Phó bảng. Tỉnh ủy Long Châu Sa (nay một phần thuộc tỉnh An Giang, một phần thuộc tỉnh Đồng Tháp) giao cho Tiểu đoàn 311, các đại đội quân địa phương nhiệm vụ xây dựng công trình Đài Chiến sĩ ở ngã tư chợ Cao Lãnh và trùng tu ngôi mộ cụ Phó bảng bằng gạch, xi măng có trụ và lan can sắt bao quanh. Bia mộ ghi: "Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc-nhà chí sĩ cách mạng-mất ngày 27 tháng 11 năm Kỷ Tỵ 1929. Quân dân chánh Long Châu Sa lập".
Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giặc luôn rình rập những người lui tới khu vực mộ cụ Phó bảng. Trong những dịp lễ lớn, thanh minh, ngày Tết... địch luân phiên canh gác suốt ngày đêm. Song, khi mặt trời vừa ló dạng, chúng phải giật mình ngạc nhiên và khiếp đảm vì ngôi mộ đã được quét vôi mới trắng tinh, khẳng định lòng thành kính, biết ơn vô bờ của con dân nước Việt với vị thân sinh ra người con ưu tú của dân tộc-lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Tỉnh ủy Sa Đéc (nay là Đồng Tháp) quyết định xây dựng Khu mộ cụ Phó bảng. Kiến trúc sư Đinh Khắc Giao được giao phụ trách việc thiết kế. Ngày 22-8-1975, ông Nguyễn Thế Hữu, Bí thư Tỉnh ủy Sa Đéc, chủ trì Lễ khởi công xây dựng khu mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc. Sau gần 2 năm thi công, đến ngày 13-2-1977, Khu mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được khánh thành. Ngày nay, sau nhiều lần tôn tạo, khu phần mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc đã trở thành một quần thể Di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia, tọa lạc tại số 123/1, đường Phạm Hữu Lầu, thuộc phường 4, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
NGUYỄN NAM ANH biên soạn
............................
(*) Trong bài có sử dụng tư liệu của cuốn "Kể chuyện cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc" do Tiến sĩ Bùi Thị Thu Hà, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ biên.