Một ngày cuối tháng 2-1971, tôi là Đài trưởng Đài quan sát trên một đỉnh núi cao phía Tây Hướng Hóa (Quảng Trị) thì được lệnh rút về sở chỉ huy đại đội nhận nhiệm vụ cùng đoàn cán bộ vào điều tra cứ điểm A Rinh để chuẩn bị cho Tiểu đoàn 5 của Trung đoàn đánh địch.

A Rinh là một quả đồi khá rộng, cao khoảng 650m so với mực nước biển. Địch chốt ở đó để khống chế quân ta từ phía Bắc xuống, từ phía Tây ra. Khi bộ đội ta tiến dần vào chân đồi, địch không thể tiếp tế bằng đường bộ nên chúng cho trực thăng tiếp tế bằng đường không. Ta dùng súng phòng không bắn, máy bay địch không thể xuống được. Trong hoàn cảnh ấy, chúng có ý đồ liều chết rút quân khỏi A Rinh bằng đường bộ.

Biết được âm mưu đó của địch, Mặt trận Đường 9-Nam Lào giao Sư đoàn 308 tiêu diệt cứ điểm này. Trận đánh quan trọng nên lực lượng làm nhiệm vụ chuẩn bị trước khá tập trung. Chỉ huy là Thiếu tá Khôi, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 88-một cán bộ xông xáo, dũng cảm, đã lập nhiều chiến công. Cùng đi với ông còn có 3 cán bộ tác chiến, 2 quân y, 6 vận tải. 3 trinh sát Trung đoàn gồm: Tôi, Vũ và Châu. Lực lượng của Tiểu đoàn 5 gồm: Tiểu đoàn trưởng, Tham mưu trưởng; 3 vận tải, 1 y tá, 1 liên lạc và 3 trinh sát.

Cơm nước xong, chúng tôi nai nịt gọn gàng và xuất phát. Đi đầu hàng quân là 3 đồng chí trinh sát Tiểu đoàn 5. Châu đi thứ tư, tôi đi thứ năm, Vũ ngay đằng sau, rồi đến cán bộ Tiểu đoàn 5, cán bộ trung đoàn, tiếp sau là chuyên môn, vận tải...

leftcenterrightdel

Tác giả (ngoài cùng, bên trái) trong lần cùng đồng đội thăm Thành cổ Quảng Trị. Ảnh do tác giả cung cấp 

Chúng tôi đi theo một con đường mòn cũ. Bên đường, bộ đội thông tin ta đã rải dây liên lạc từ bao giờ. Đoàn quân kiên trì trèo đèo lội suối trong rừng già kín đáo, lặng lẽ đi, không một tiếng nói. Thỉnh thoảng chỉ khẽ phát ra những tiếng lạch cạch do vũ khí, trang bị va chạm. Sau khoảng 3 giờ đồng hồ thì đoàn ra khỏi rừng già, tới một khu bằng phẳng hơn. Bỗng tôi thấy một bên đường có vệt rẽ ngang những cây sậy. Đi thêm vài mét, lại một vệt nữa. Rồi cả hai bên đều có. Tóc gáy tôi như dựng lên. Tôi đi chậm lại, đợi Vũ đến gần, khẽ nói:

 - Vũ ơi, sao từ nãy tao thấy có nhiều vệt rẽ quá. Mày nhìn mà xem, có khi địch nó phục kích!...

Đầu óc tôi như căng ra, mường tượng và suy diễn trăm ngàn tình huống. Bỗng “bốp”, trước mặt tôi lóe sáng sau một tiếng nổ đanh. Châu đi trước tôi nằm vật ra. Cả đoàn quân khựng lại. Chúng tôi đã trúng mìn phục kích của địch, tốp đi đầu đã có đồng chí hy sinh. Tôi thấy đùi trái mình tưng tức. Sờ tay vào bên trên gối, tôi thấy ươn ướt và mùi tanh của máu. Có lẽ do căng thẳng quá nên tôi chưa cảm nhận được đau đớn.

Thấy tôi bị thương, Vũ vội vàng lấy băng cá nhân ở thắt lưng định băng bó luôn tại chỗ. Tôi cảnh giác, nếu vẫn ở chỗ mìn nổ khả năng pháo địch sẽ tập kích nên cố tập tễnh đi ngược phía sau một đoạn mới đứng lại cho Vũ băng chặt đùi.

Lúc này, tin bộ đội ta bị phục kích đã truyền xuống. Trung đoàn phó Khôi chạy lên chỗ chúng tôi quan sát nhanh phía trước. Anh mở xà cột, xé trong sổ một mảnh giấy, tì đùi viết nhanh báo cáo về hậu cứ và ra lệnh: “Những đồng chí nào bị thương nhẹ, tự đi được thì đi về hậu cứ Tiểu đoàn 5. Những đồng chí bị nặng, quân y băng bó sau đó vận tải cáng về. Những đồng chí không bị thương phải cùng quân y lên băng bó, thu dọn, mang số anh em thương binh, tử sĩ bị vướng mìn đang nằm trên kia về hậu cứ. Không đồng chí nào được rời vị trí chiến đấu. Đồng chí liên lạc Tiểu đoàn 5 mang ngay báo cáo của tôi về sở chỉ huy Trung đoàn!".

leftcenterrightdel
Thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ. 

Nghe xong lệnh, Vũ rút dao chặt một cây gỗ nhỏ đưa tôi làm gậy, dặn:

 - Mày về trước, tao ở lại băng bó cho thằng Châu và chúng nó, sẽ về sau.

 Chúng tôi chia tay. Tôi khập khiễng quay ngược trở lại cùng đồng chí liên lạc và một võng cáng đồng chí bị thương về. Đi được chừng 100m, bỗng trên đầu tiếng rít của đạn pháo từ đâu câu đến.

Thôi chết! Địch căn pháo tọa độ rồi. Bọn chúng xảo quyệt thật! Chúng căn sẵn, chỉ đợi mìn nổ là bắn đến để tiêu diệt quân ta. Nghĩ đến Vũ và những người ở lại, tôi bồn chồn, lo lắng, đầu óc quay cuồng. Chân bước theo bản năng mà lòng nặng trĩu. Sau lưng tôi, đồng đội đang còn đó. Những quả pháo cấp tập đang nổ chát chúa, cướp đi sinh mạng của những ai? Điều gì tiếp tục xảy ra, mình lại lực bất tòng tâm...

Tôi khó nhọc bước những bước nặng nề, mỗi lúc một xa dần tiếng đạn pháo. Mấy giờ sau thì về tới hậu cứ Tiểu đoàn 5. Anh em ra đón, đưa tôi vào một căn hầm. Tôi bải hoải, vừa mỏi mệt, vừa đau vết thương lẫn đau trong lòng. Đầu óc quay cuồng, mông lung suy nghĩ, các đồng đội của tôi sao rồi?

 ... Sáu ngày kể từ đêm ấy, tôi mới có được tin chính xác về toàn bộ tình hình đồi A Rinh. Sau khi chúng tôi quay về, số còn lại đang tập trung cấp cứu cho anh em bị thương nặng. Thu dọn chưa xong thì pháo địch bắn đến làm thương vong thêm nhiều người. Vũ và 1 quân y sĩ Tiểu đoàn 5 hy sinh, 3 đồng chí bị thương. Thiếu tá Khôi cũng bị thương, mất ngón tay. Chiếc đồng hồ chiến lợi phẩm được cấp trên thưởng trong một trận chiến đấu cũng bị văng khỏi tay không tìm thấy. Trung đoàn phó Khôi chỉ huy đưa được số anh em bị thương về hậu cứ một đại đội bộ binh gần nhất. Riêng 5 anh em hy sinh thì tạm thời nằm lại. Ngay ngày hôm sau, Trung đoàn cử một đoàn 15 người do đồng chí Chính trị viên phó Tiểu đoàn phụ trách quay lại làm công tác tử sĩ. Nhưng bộ phận này mới đi được ba phần tư quãng đường thì lại dính mìn. Đồng chí trưởng đoàn và 1 đồng chí vận tải hy sinh, 2 đồng chí khác bị thương.

leftcenterrightdel

Tháng Bảy tri ân ở Quảng Trị. Ảnh: PHÚ SƠN

Trước tình hình ấy, Mặt trận cử đơn vị đặc công tăng cường cho đơn vị, quyết tâm tiêu diệt địch. Và thế là qua một đêm tập kích, hầu hết số quân địch trên đồi A Rinh đã bị quân ta tiêu diệt, chỉ có một bộ phận rất nhỏ liều chết tháo chạy được. Khi ấy, tức 5 ngày sau, Trung đoàn tổ chức đi lấy thi hài của 7 đồng chí hy sinh. Một tổn thất lớn, quá đau đớn. Dẫu biết rằng điều đó không thể tránh khỏi trong chiến tranh, song với tôi cũng như nhiều đồng đội, những mất mát ở A Rinh còn day dứt dai dẳng đến hôm nay. Mãi mãi tôi không thể quên những đồng đội của tôi, trong đó có Châu, Vũ-người bạn hào hoa, đa tài, thông minh và lãng mạn. 

Một tháng Bảy tri ân lại về!

NGUYỄN ĐỨC XUYÊN