Đảng Cộng sản Việt Nam đang khởi động cho một nhiệm kỳ mới của mình trước tình hình: “Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vẫn còn một số yếu kém, bất cập; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế. Trong khi đó, việc nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễm môi trường... đang là những thách thức rất lớn đối với nước ta. Các thế lực thù địch, phản động ráo riết chống phá Đảng, Nhà nước, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta với âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nham hiểm hơn...”  (Trích bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”).

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa/mt.gov.vn.

Hy vọng rằng với truyền thống của một Đảng cách mạng kiên cường, Đại hội XIII sắp tới sẽ sáng suốt để có kế sách hữu hiệu khắc phục có hiệu quả rõ rệt tình hình nói trên.

Trong phạm vi bài viết ngắn này, chúng tôi xin có vài thiển ý lạm bàn về một vấn đề nhân sự của Đảng.   

Chỉnh đốn Đảng, thanh lọc và chọn lựa… để khôi phục lòng tin của nhân dân.

Tuy nhiệm vụ, yêu cầu của cách mạng mỗi thời kỳ một khác nhưng một hằng số bất biến là bất cứ giai đoạn nào, tổ chức của Đảng vẫn phải bao gồm những đảng viên “vững về chính trị, giỏi về chuyên môn”, tức là những người ý thức được sứ mệnh của Đảng đối với hạnh phúc và an nguy của quốc gia, sẵn sàng hy sinh cống hiến, vươn lên làm tròn phận sự “người con hiếu thảo của nhân dân”, đồng thời hoàn thành xuất sắc vai trò là “bộ tổng tham mưu của dân tộc” như lãnh tụ Hồ Chí Minh từng căn dặn. Trước đây, dù với tinh thần rất khiêm tốn, Đảng ta vẫn có thể tự hào là một đảng chân chính cách mạng vĩ đại, bởi vì Đảng đã có một đội ngũ đảng viên, cán bộ dũng cảm, đức độ và tài năng nên Đảng đã xứng đáng là “hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc” (Hồ Chí Minh toàn tập, t.7, 1996, tr.517). Vì thế, một thời gian dài gian khó, hy sinh… nhân dân ở cả 3 miền đất nước, đâu đâu cũng tự hào, kiêu hãnh nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của chính mình, “Đảng của tôi”, “Đảng ta”, “Đảng của chúng ta”… Trên thế giới, thật hiếm có nước nào mà một đảng chính trị lại được nhân dân các dân tộc cả nước tôn vinh như thế.

Hơn bất cứ khi nào, chính trong giai đoạn khó khăn, phức tạp hiện nay, đất nước, nhân dân, dân tộc Việt Nam lại đang cần, rất cần có một đảng như thế lãnh đạo, cầm quyền. Thế hệ tiếp nối cần phải biết trân trọng, giữ gìn, phát huy truyền thống vẻ vang của thế hệ tiền bối. Cụ thể là về phẩm chất đạo đức cần phải xứng đáng với các thế hệ ông cha ta ngày trước; về tài năng thì phải phấn đấu để “con hơn cha là nhà có phúc” như Bác Hồ đã từng căn dặn.

Rất đau lòng là những năm qua, trong Đảng đã có một bộ phận không nhỏ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp sa đọa, thoái hóa biến chất nên đã làm ô danh Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Chỉnh đốn Đảng, lấy lại được niềm tin của nhân dân, tất yếu Đảng vẫn giữ vững được vai trò lãnh đạo xã hội.

Hy vọng Đại hội XIII sẽ là một đại hội mở ra thời kỳ mới trong lịch sử phát triển của chính bản thân Đảng để Đảng Cộng sản Việt Nam đã quang vinh trong quá khứ càng hiển hách trong hiện tại, để Đảng xứng đáng với lòng tin, sự hy vọng, mong mỏi, đợi chờ của nhân dân, dân tộc vẫn đang dành cho Đảng.

Cán bộ cấp chiến lược có vai trò quyết định

Thực tiễn đã và vẫn đang chứng minh hùng hồn chân lý đó và chính thực tiễn nóng hổi tính thời sự cấp bách lại đang đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải vô tư, khách quan và dũng cảm để nghiêm túc thực hiện chân lý ấy. Có thể nói, chưa khi nào thực tiễn lại đòi hỏi những người cộng sản Việt Nam phải thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, đức hy sinh, sự tận trung với nước, tận hiếu với dân, tinh thần trách nhiệm cao trước vận mệnh của dân tộc, của Đảng để dũng cảm đổi mới tư duy trong việc hoạch định chính sách nhân sự các cấp, nhất là cấp cao, cấp chiến lược, người đứng đầu như hiện nay.

Đây là vấn đề đại sự, bao gồm nhiều nội dung, bài viết này chỉ xin có mấy suy nghĩ nhỏ về việc tiến cử, lựa chọn người đứng đầu trong các cấp ủy đảng.

Lãnh đạo là người có ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc hoặc hành vi của con người thông qua lời lẽ được minh chứng bằng hành động cá nhân và hiệu quả trên thực tế của những hành động đó, được kiểm chứng bằng uy tín xã hội... Tiêu chí của một người lãnh đạo trong xã hội hiện đại biểu hiện tập trung vào mấy vai trò hạt nhân dưới đây:

- Nhà lãnh đạo phải thực sự là một nhà phục vụ chuyên nghiệp

Những nhà lãnh đạo tốt nhất trước hết phải là những người phục vụ có ích cho tiến bộ xã hội. Đây không phải là ý mới. V.I.Lênin đã gọi họ là nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp, nghĩa là một nghề đặc biệt được đào tạo trong trường đấu tranh vì lợi ích của đại đa số nhân dân. Còn Hồ Chí Minh thì gọi người lãnh đạo phải là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, nghĩa là biết làm việc chung cho nhân dân và phải làm thật tốt.

- Nhà lãnh đạo phải là người biết định hướng

Truyền đạt mục tiêu tổng thể của tổ chức một cách thuyết phục bởi sự đúng đắn của nó, nhờ đó mà mọi người hiểu và tin tưởng. Nhà lãnh đạo một tổ chức chính trị có khả năng là biết ưu tiên công việc của họ làm cho mục tiêu của các nhóm xã hội, các thành phần dân cư, dân tộc… tự nguyện đồng thuận với định hướng chiến lược của tổ chức chính trị do họ đứng đầu. Tạo dựng được niềm tin của tất cả đảng viên và của đại bộ phận dân chúng vào định hướng chính trị của đảng cầm quyền là đòi hỏi bắt buộc đối với người đứng đầu cơ quan lãnh đạo của Đảng.                       

- Người lãnh đạo là người phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện các nhiệm vụ và kết quả cuối cùng của mục tiêu

Nói chung trong một cơ chế dân chủ thường có sự chia sẻ quyền lực ra cho những bộ phận khác và cấp dưới quyết định nhưng người lãnh đạo phải biết gắn kết các bộ phận, các nguồn lực lại thành một tổng hợp lực. Người phụ trách bộ phận nào phải chịu trách nhiệm trước tiên về kết quả của bộ phận ấy nhưng phải thống nhất trong tổng thể chứ không vin vào phân cấp, phân quyền mà để tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” dẫn tới phân tán cục bộ. Do đó, người lãnh đạo cao nhất không thể vin vào khách quan, vào cơ chế này nọ mà né tránh trách nhiệm. Chính họ phải là người có dũng khí để chịu trách nhiệm cuối cùng.

Điều này cũng không phải mới. Trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu gương sáng về tinh thần chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Xin nêu một ví dụ, vào giữa những năm 50 của thế kỷ trước, khi nghe cơ quan thanh tra báo cáo một số cán bộ Liên khu IV làm sai đường lối của Đảng, “họ xa rời nhân dân, không hiểu biết nhân dân. Làm việc thì chỉ dùng mệnh lệnh, chứ không biết tuyên truyền cổ động, giải thích cho mọi đồng bào hiểu rõ… Thậm chí họ dùng những cách ép uổng, cưỡng bức, bắt bớ dân”. Nghe báo cáo lại, Người rất đau lòng dù biết rằng Nhà nước đã trừng trị những cán bộ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn “tôi phải thật thà xin lỗi những đồng bào vì những cán bộ sai lầm mà bị oan ức. Tôi thật thà tự phê bình khuyết điểm của tôi-là giáo dục và lựa chọn cán bộ chưa được chu đáo” (Hồ Chí Minh toàn tập, t.6, 1995, tr.65).

- Người lãnh đạo không chỉ là người kiên trì giữ vững đường lối mà phải là người thường xuyên có ý thức đổi mới để tiến lên

Đổi mới là văn hóa, là cách mạng, luôn có ý nghĩa sống còn vì nó là biểu hiện của tư duy và hành động hợp quy luật với sự vận động tiến hóa khách quan của tự nhiên và xã hội loài người. Vì vậy, người biết lãnh đạo là người không bảo thủ giáo điều, luôn biết hỗ trợ, nâng niu những sáng kiến làm cho mọi người khắc phục được tâm lý sức ỳ, cứng nhắc, cầu an, ngại thay đổi, sợ đối mặt với thay đổi

- Người lãnh đạo là người biết làm gương, biết khích lệ và lắng nghe

Hồ Chí Minh đã từng nói rằng người phương Đông coi một hành động gương mẫu có giá trị hơn hàng tá những diễn văn xói mòn cũ kỹ, rỗng tuếch. Nói phải đi đôi với làm, nói đúng, nói ít, làm nhiều, làm có hiệu quả. Việc lãnh đạo tự nó thể hiện ra ngay trong cách bản thân cư xử, tập trung chú ý vào những điều gì? Trong thời gian nào, bao lâu? Tính nhất quán, không tiền hậu bất nhất, bao biện, ngụy biện. Người lãnh đạo phải có hành động trước sau như một với những giá trị của bản thân. Ví dụ, anh tán thành một văn hóa làm việc cởi mở và tin cậy, đồng chí, cán bộ cấp dưới và nhân dân thấy “an toàn” khi nói thẳng ý nghĩ của họ với bạn?

Khi quyết định chọn ai làm người lãnh đạo cần phải lường trước xem tư cách và tư chất của họ như thế nào? Khả năng của họ sẽ làm được cái gì mà họ sẽ phục vụ trong cương vị lãnh đạo của mình. Vì vậy, việc tìm kiếm người lãnh đạo cần phải có “đích ngắm rộng”, nghĩa là cần phải có nhiều sự lựa chọn và cần “khoảng cách vừa đủ”, nghĩa là có thời gian dài chừng  5-7 năm-là nhìn từ xa đến gần, đến kỳ đại hội sau thì đã lộ rõ những người ấy là ai và khi bầu chỉ cần có sự so sánh giữa họ chứ không phải đến sát kỳ đại hội mới “thắp đuốc đi tìm”.

Nhân sự của Đảng không phải chỉ riêng của Đảng. Vì là đảng cầm quyền nên hầu hết các chức vụ trong bộ máy nhà nước đều do Đảng tiến cử, dân bầu. Do đó, thực chất chọn lựa nhân sự các cấp của Đảng là chọn nhân sự của chính quyền nhà nước. Nhà nước của ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Vì vậy, đã đến lúc cần có cơ chế để nhân dân tham gia vào vấn đề nhân sự của Đảng. Nên chăng, Đảng có thể tổ chức thăm dò ý dân trước khi nội bộ Đảng tiến hành bầu cử, kết quả thăm dò này cần được công khai trước đại hội.

Đảng ta tin dân, lắng nghe dân thì nhân dân sẽ sáng suốt và chân thành góp ý xây dựng Đảng. Làm như vậy tất sẽ giúp Đảng tìm thấy sức mạnh và sự ủng hộ để dũng cảm hành động hợp lòng dân, tránh việc để lọt vào hàng ngũ của mình những kẻ cơ hội, những kẻ quan liêu, tham nhũng, hối lộ ẩn náu, thay hình đổi dạng để chui vào Đảng, như V.I.Lênin và Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ.

PGS, TS TRẦN ĐÌNH HUỲNH