Ngôi nhà mới cất, tôn nền cao hơn nên dựng xe xong, chúng tôi phải leo lên một đoạn dốc mới tới được đầu hiên nhà có kê chiếc bàn đá để tiếp khách. Bà Sáu Đông đang lúi húi thay áo cho ông chú chồng, vẫy tay nói gì đó với chúng tôi không rõ. Xung quanh nhà có mấy chiếc lồng nhốt gà đá, tụi gà đua nhau gáy ồ ồ. Cậu con trai bà Sáu dọn dẹp bàn nước, nói với khách:

- Má nói mấy anh chị ngồi uống nước, chờ bả chút!

Tôi ngạc nhiên thấy cảnh một bà già người nhỏ thó, bé loắt choắt chăm sóc cho một cụ ông cao lòng khòng, người chỉ còn da bọc xương. Trước đó, nghe kể chuyện về một đội du kích thiếu niên có tên là “Chim chèo bẻo”, không ngờ gặp bà Sáu Đông, thấy bà đúng là một con “chim chèo bẻo” thiệt, chớ không phải là một trung úy cựu chiến binh, từng vào sinh ra tử, xông pha lửa đạn một thời.

Ngôi nhà mới cất của mẹ con bà Sáu Đông ngụ trên mảnh đất hương hỏa của ba má chồng tại ấp Thuận Phong, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Mấy năm trước, ông chồng vốn cũng là cựu chiến binh thời chống Mỹ, đã qua đời. Ba cô con gái đi lấy chồng, còn hai cậu con trai gắn bó với mẹ.

- Con gái, tiếng là đi lấy chồng, nhưng tụi nó giao con cho bà ngoại tối ngày. Tui lu bu không hết việc, lại còn chăm cho ông chú chồng nữa.

Nghe bà Sáu Đông kể lể, ông cụ ngồi bên cười khoe hàng răng móm gần hết.

- Con mẹ nầy nó được lắm mấy chú! Tui ở với vợ chồng nó từ năm “bảy sáu” tới giờ đó!

leftcenterrightdel
Bà Sáu Đông kể chuyện về Đội du kích “Chim chèo bẻo”. Ảnh: Phương Quý

Ông cụ năm nay đã 103 tuổi, nhưng còn khá minh mẫn. Tự giới thiệu tên là Lê Bằng, cụ thanh minh: “Đúng ra tên mình là Lê Bường, Tám Bường. Nhưng kẹt trong xóm cũng có một bà tên Bường. Thấy bả đẹp, nên trùng tên thì kỳ quá, tui đành đổi qua tên Bằng”. Bà Sáu Đông kể, sau giải phóng vợ chồng gặp nhau ở Trường Chính trị Quân khu 5. Sau chiến tranh, người ta bước ra khỏi lằn ranh sống và chết, chưa khỏi ngỡ ngàng vì không gian hòa bình ngọt ngào đến ngộp thở. Tình yêu của những người lính lại vẫn đậm ngọt, cháy bỏng như thời cầm súng. Họ quyết định đến với nhau, chóng vánh, dứt khoát như bước vào một trận mới. Nhà trường đứng ra tổ chức hôn lễ cho hai học viên, sau đó bà Sáu Đông khoác ba lô theo chồng về Phù Cát, Bình Định, năm sau họ đón luôn ông chú chồng từ Gia Lai về nuôi. Ông Tám Bằng năm đó mới 54 tuổi, nhưng chân bị tật nguyền vì mảnh pháo, đi lại còn khó khăn huống chi làm việc để nuôi bản thân. Có hai người con gái lấy chồng ở Tây Nguyên, nhưng ông không khoái ở chung với rể nên về với cháu trai.

Hóa ra còn có một Đội du kích “Chim chèo bẻo” ở xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, khác với Đội kịch “Chim chèo bẻo” ở xã Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam). Có lẽ cũng vì ảnh hưởng của Đội kịch “Chim chèo bẻo”, một tổ chức thiếu niên hợp pháp chuyên phục vụ văn nghệ cho các cơ sở cách mạng của ta trong những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước, mà một nhóm nam nữ thiếu niên ở hai xã Tam Quan và Hoài Hội (Hoài Nhơn, Bình Định) cũng tổ chức đội “Chim chèo bẻo” hoạt động hợp pháp để giúp đỡ các cơ sở cách mạng, nhằm che mắt bọn địch. Bà Sáu cười móm mém:

- Hồi đó con nít ham vui là chính, nhưng cũng biết căm thù bọn địch trên đồn Tam Quan hay bắn pháo ẩu vô làng, hay đi càn quét xóm ấp, hái dừa, bắt gà của dân, nên mấy đứa bạn cùng lứa 13 tới 15 tuổi rủ nhau thành lập Đội du kích “Chim chèo bẻo”.

Tiếng là du kích, nhưng có được tập quân sự ngày nào đâu, còn chưa biết cây súng ra làm sao, chỉ nhìn thấy khi mang cơm vô cứ cho mấy cô chú, anh chị du kích thiệt. Cô Sáu Đông mạnh dạn vô đội năm 13 tuổi, mà người vẫn nhỏ đẹt, lách chách như con chim chích.

- Tại thằng bạn tên Út Nam rủ tui vô đội, chớ có biết đường nào đâu. Nó nói vô đội vui lắm, được học hát, được đi chơi chỗ này chỗ kia...

Chừng 10 đứa trẻ tuổi thiếu niên, “ăn chưa no, lo chưa tới”, quần áo đứa nào cũng rách te tua, mà hăng say công việc cách mạng. Có lẽ trong ý thức mỗi cái đầu trẻ thơ chưa nghĩ được điều gì lớn lao, là phải đánh giặc giải phóng quê hương hay chiến đấu cho hai miền Nam-Bắc một nhà. Nó chỉ xuất phát từ một điều đơn giản, ghét bọn lính đồn, thương mấy chú bác, cô dì bí mật hoạt động cách mạng. Công việc cũng chẳng có gì to lớn, nguy hiểm. Ví dụ như buổi chiều đi chăn bò, cắt cỏ, nhỏ Sáu Đông và mấy bạn tranh thủ chạy một vòng qua mấy ấp, kiếm chú Ba, bác Mười, dì Hai... mời tối nay giờ đó, giờ đó tới nhà ông Chín uống trà (ông Chín là mật danh của bí thư chi bộ). Có một việc sau này nguy hiểm hơn, khi các tổ chức cách mạng của ta được phép đấu tranh vũ trang với địch, các đội, nhóm vũ trang địa phương đều chọn một địa điểm bí mật làm cứ. Ở xã Hoài Hảo cũng có cơ sở bí mật của lực lượng vũ trang địa phương, âm thầm chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mặt đối mặt với địch. Việc tiếp tế lương thực, y tế cho cơ sở gặp nhiều khó khăn, khi địch đánh hơi thấy, tăng cường tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt.

- Mấy đứa đội “Chim chèo bẻo” có làm vụ này được không?

Nghe chú Bí thư chi bộ hỏi, mấy đội viên nhìn nhau dò hỏi, rồi gật đầu:

- Dạ để tụi con tính...

Cả đội bàn bạc nguyên buổi tối, trong vườn dừa nhà Sáu Đông. Con nít mà, mỗi người một ý, còn tranh cãi chí chóe mà chưa tìm ra cách tiếp tế cho các cô chú ra sao.

- Mai tui giả bộ dỡ cơm mang cho ba má đi làm đồng!

Cuối cùng nhỏ Mơ mập lên tiếng. Ờ, có vậy mà tính hoài. Mình xách giỏ cơm ra đồng, có sao đâu. Ai cấm? Rồi Mơ Mập làm trước kế hoạch đó vào một buổi chiều xế. Xui xẻo cho cô thiếu niên mới lớn đụng đám lính đi tuần. Thấy cô bé phổng phao như thiếu nữ, mấy tên lính xúm vào tán tỉnh, sàm sỡ.

- Cô em đi đâu đấy? Xách cái gì đó?

- Dà! Em dỡ cơm cho ba má...!

- Cho ba má hay cho Việt Cộng?

Tụi nó đòi xét, Mơ mập sợ quá òa khóc, bỏ giỏ cơm lại, chạy về nhà.

Tới phiên Sáu Đông thực hiện kế hoạch của mình. Cô bỏ đồ ăn, thuốc trụ sinh vào bao ni lông, gói kỹ mấy lần giấy xi măng, rồi đặt dưới giỏ phân, gánh ra đồng xa. Tới khu vườn dừa, trút bỏ phân xuống cái ruộng gần nhất, lấy bọc đồ ăn ra, lột bỏ lớp giấy xi măng bên ngoài rồi giấu vào địa điểm liên lạc. Cách này có vẻ ổn và hợp lý nên các đội viên gái trót lọt ba lần. Lần thứ tư lại là Sáu Đông. Nhân nhà bà Hai Đũa có đám giỗ, mọi người lợi dụng gói một bịch bánh trái, xôi thịt, thêm hai xị rượu tiếp tế cho anh em du kích. Sáu Đông kẽo kẹt gánh phân, vừa ra khỏi xóm thì đụng mấy tên lính.

- Ê! Con nhỏ! Mấy bữa rày tụi bay gánh phân bón đồng nào vậy?

- Dạ..., bón đồng Dừa...!

- Đặt xuống coi!

Cô bé đứng vừa thở, vừa run. Tên lính lò dò đi quanh gánh phân. Mùi phân bò ẩm mốc hôi hám làm hắn bịt mũi lại. Bất ngờ hắn co chân đá văng giỏ phân bên trái, một bọc giấy văng ra đất cùng phân bò tung tóe. Tụi lính mở bọc giấy ra, thấy bên trong là bọc lá chuối, trong bọc lá chuối là hai lượt túi ni lông đựng đồ ăn và chai rượu.

- Híc híc! Tui lấy trộm ở đám giỗ nhà bà Hai, tính đem về cho ba và các em.

Tụi lính không tin. Một thằng xách tai cô bé lên, quất mấy cây củi vô cẳng chân.

- Tiếp tế cho Việt Cộng chớ ông nội mày nhậu hồi nào. Nói! Mang đồ ăn đi đâu?

Dù bị đánh rất đau, Sáu Đông chỉ khóc toáng lên chứ không nói gì thêm. Thấy con bé nhỏ xíu như cây cà rem, biết gì mà tiếp tế, liên lạc, tụi lính tha cho Sáu Đông về, bọc đồ ăn bị ném xuống mương nước. Hai năm sau, khi tròn 17 tuổi gia nhập lực lượng vũ trang huyện, cô du kích bé nhỏ vẫn mang theo nỗi căm thù bọn lính về trận đòn hôm đó vào các trận chống càn ở Tam Quan, Hoài Hội.

Ông chú chồng của bà Sáu Đông vẫn còn khỏe và minh mẫn. Cụ chỉ chờ có dịp là hào hứng kể lại chuyện đời mình, từng lưu lạc suốt từ huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định lên vùng rừng núi Tây Nguyên, chạy lòng vòng tránh chiến tranh mà rốt cuộc vẫn bị mảnh pháo giặc văng bể ống chân phải, rồi lại rời từ Gia Lai về đây, thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Sau khi chồng bà Sáu Đông mất, người ta khuyên cụ nên về với con gái, chứ cháu ruột mình chết rồi, ở với cháu dâu kỳ lắm, ông cụ lại ngược lên Gia Lai với con gái. Được một thời gian, không hiểu sao cụ bỏ vào chùa ở, chẳng làm phiền ai. Bà Sáu Đông nghe tin, vội đi kiếm ông chú, lại mang về nhà chăm sóc. Cho đến bây giờ đã mấy chục năm, ông cụ vẫn là thành viên chính trong gia đình, được cháu dâu và con cháu của bà thương yêu, chăm sóc chu đáo. Bà Sáu Đông vừa dìu ông chú tàn tật vô nhà, vừa vui vẻ nói:

- Chăm người già cũng cực lắm, nhưng tui coi ổng như cha chồng, nên không nề hà chi.

Bồi hồi nhớ lại những ngày hoạt động cùng Đội du kích “Chim chèo bẻo”, tuổi 73 cũng có lúc nhớ lúc quên. Bà ngồi điểm lại, thấy số đội viên hồi đó, người hy sinh trong chiến đấu, người mất vì bệnh tật tuổi già gần hết cả.

- Giờ còn có tui với “thằng” Nam ngoài Hoài Nhơn, còn đâu mất hết rồi. Chim chèo bẻo rồi cũng phải già chớ bộ!

Nhà văn PHÙNG PHƯƠNG QUÝ