“Nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực”

Tình nguyện viết đơn tham gia TNXP khi mới 16 tuổi, được biên chế vào C456 (mở đường) thuộc Binh trạm 14, cựu TNXP Nguyễn Thị Thanh Hải (hiện ở tổ 10, phường Thắng Lợi, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) nay bước sang tuổi 72. Bà vẫn ghi nhớ vẹn nguyên ký ức những ngày tham gia mở Đường 20-Quyết Thắng-con đường vắt ngang dãy Trường Sơn dài 123km, nối từ bản Phong Nha (Bố Trạch, Quảng Bình) đến ngã ba Lùm Phùm (tỉnh Khăm Muộn, Lào).

leftcenterrightdel
Cựu TNXP Nguyễn Thị Thanh Hải. 

Ôn lại chuyện xưa trong dòng hồi niệm rõ ràng, súc tích, bà Hải rành mạch kể: “Ngày ấy, tham gia khai mở, xây dựng và bảo vệ tuyến đường là những TNXP đều ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi, với ý chí quyết tâm về một con đường huyết mạch, phá thế độc đạo, nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, đưa hàng hóa chi viện vào chiến trường miền Nam. Tinh thần vì miền Nam ruột thịt cao ngút trời. Ai vào đến đó cũng mang trong mình ý chí “nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực” nên chẳng nề hà cái khó, cái khổ. Làm đường toàn phải làm đêm, định vị bằng mắt người chứ chẳng có thiết bị gì cả. Cứ chiều tối xuống đường, sáng tầm 5 giờ lại rút về lán trại. Ròng rã hàng trăm đêm liền, cứ mở xong đoạn đường này lại di chuyển sang đoạn khác như kiểu “chạy tiếp sức” vậy”.

Những tháng ngày ấy gian khổ vô vàn nhưng cũng sáng ngời và ấm áp nghĩa tình anh em, đồng đội. Bà Hải nhớ lại: “Để tránh bị lạc đơn vị, người ta nghĩ ra cách lấy cây song mây tuốt vỏ cho nhẵn rồi giăng theo các gốc cây làm thành lối định vị đường về lán trại (nằm trên lưng chừng núi). Nhờ vậy, nên dù tối đến mấy, dù mưa gió trơn trượt, chúng tôi cứ yên tâm lần theo dây song mà đi. Mùa mưa kéo dài triền miên, chúng tôi phải đào những cái hố như kiểu bếp Hoàng Cầm, đập những thùng phuy đựng mỡ, đựng xăng dầu thẳng ra, chùi rửa sạch rồi đắp đất úp lên miệng hố, lấy củi về đốt nóng để hong khô quần áo. Khi mặc lên, quần áo ai nấy đều sặc mùi khói. Nhưng thà vậy còn hơn mặc đồ ẩm ướt, lích rích khó chịu lắm. Mùa mưa cực vậy, mùa khô thì lại khổ vì đất đỏ mù mịt, đầu tóc cứ vàng hoe. Mỗi tháng được cấp nửa bánh xà phòng 72 (xà phòng Liên Xô 72%), tất cả việc gội đầu, tắm giặt đều bằng miếng xà phòng ấy. Nhiều chị em không dám chải đầu vì tóc rụng rất nhiều, có người rụng đến trọc lốc. Xác định ra chiến trường là coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, nhưng phụ nữ chúng tôi lại có những nỗi sợ hãi rất vụn vặt và phát khóc vì những mất mát nhỏ bé (rụng tóc) như vậy. Rồi mọi người phát hiện ra một loại cây rừng, tước vỏ ra vò thì có bọt như xà phòng, thế là rủ nhau mang về thử nghiệm. Lúc đầu sợ chỉ dám gội đuôi tóc, sau thấy mượt và mềm mới gội lên đầu”.

Khi tuyến Đường 20-Quyết Thắng thông xe, đơn vị chỉ để lại một lực lượng nhỏ trực san lấp, sửa chữa khi cần. Bà Hải được chuyển sang bộ đội, về tiểu đoàn kho. Xăng dầu, vũ khí đạn dược ngày nào cũng nhận (từ Bắc vào) và chuyển đi (vào Nam). Vì là tuyến đường huyết mạch nên các đơn vị thuộc binh trạm (công binh, lái xe, cao xạ...) phối hợp để chuyển hàng, đón thương, bệnh binh ra Bắc... Một chiếc xe chuyển 4 tấn gạo, thời gian giải phóng chỉ 15-20 phút. “Lúc đấy thấy sức mình phi thường lắm, bất kể thời khắc nào trong đêm, cứ có xe đến là sẵn sàng giải phóng, sắp xếp ngay”-bà Hải chia sẻ.

Lỗi hẹn với tình yêu

Đó là câu chuyện của cựu TNXP Hoàng Thị Lý (thuộc Đội TNXP 91 Bắc Thái), hiện ở xóm Cổ Rồng, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Mấy mươi năm đã trôi qua, hẹn ước thành đôi cũng trôi vào khứ vãng. Nay dù bước vào tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng mỗi lần nhắc đến, trái tim bà vẫn bồi hồi, thổn thức.
                                                                       

leftcenterrightdel
 Sớm hôm với ruộng vườn là nguồn vui của cựu TNXP Hoàng Thị Lý. 

Bà Lý từng có mối duyên với người bạn Nguyễn Văn Phong và được hai bên gia đình vun vén. Lúc mới 15 tuổi, nhà anh Phong muốn xin cưới nhưng vì còn đi học nên cô gái trẻ Hoàng Thị Lý chưa đồng ý. Khi mẹ đẻ của Hoàng Thị Lý đột ngột qua đời (năm 1967), gia đình anh Phong đem sang con lợn to làm thủ tục cưới chạy tang. Sang năm 1968, anh Phong đi bộ đội, được mấy tháng thì hành quân vào Nam. Quãng thời gian từ khi nhập ngũ đến khi Nam tiến chẳng được về nhà lần nào. Mãi sau vào đến Trường Sơn, anh mới gửi về cho "vợ" bức thư nói rõ sự tình, vì “anh ở đơn vị đặc công, phải đi khẩn cấp nên không được về qua nhà. Em cố gắng học hết lớp 10 rồi thi đại học vào ngành ngân hàng. Anh ở trong này thì em không thể viết thư cho anh được”. Từ bấy trở đi, chẳng có thêm bức thư nào nữa. Bà cứ chờ mãi, miền Nam giải phóng rồi mà anh Phong vẫn cứ bặt vô âm tín. Mãi sau này (tháng 7-1976), gia đình nhận được giấy báo tử, mới biết anh Phong đã ngã xuống từ cuối năm 1970. Bức thư duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Văn Phong, bao năm bà Lý giữ gìn như báu vật và luôn mang theo bên mình. Nhưng trong một lần đi chợ, bà đã bị kẻ gian lấy cắp túi nên mất luôn bức thư...

Bà Hoàng Thị Lý tình nguyện tham gia lực lượng TNXP vào tháng 6-1972. Bà được biên chế vào A1, Đại đội 915, Đội 91 TNXP Bắc Thái. Nếm trải bao nỗi vất vả khi làm đường, san lấp hố bom cùng đồng đội, cho đến tháng 11-1972 thì được đại đội cử về Tổng đội 91 làm thủ kho.

Nhắc lại quãng thời gian ấy là nhắc đến một phần ký ức không bao giờ bà có thể lãng quên về Đại đội 915 anh hùng-đơn vị trẻ nhất của Ðội 91 TNXP Bắc Thái, được thành lập tháng 6-1972, biên chế 102 cán bộ, đội viên. Những tháng cuối năm 1972, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Tuyến giao thông Lạng Sơn-Thái Nguyên-Hà Nội trở thành tuyến đường huyết mạch trung chuyển hàng hóa viện trợ của các nước bạn tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Ngày 24-12-1972, Đại đội 915 được phân công tham gia giải tỏa hàng hóa tại khu vực ga Lưu Xá. Chiều tối hôm ấy, 60 cán bộ, đội viên đơn vị không kịp rút về điểm tập kết, nên đã anh dũng hy sinh khi máy bay Mỹ rải thảm bom trúng hầm trú ẩn. Bà Lý xúc động kể lại: "4 giờ sáng ngày 25-12-1972, tôi nhận lệnh từ Đội trưởng Đội 91 Nghiêm Văn Đạo, cùng anh chị em trong bộ phận kho đem quần áo mới, những đồ khâm liệm xuống hiện trường để phục vụ an táng các liệt sĩ. Số lượng người thương vong tìm thấy ngày càng nhiều, tôi trực tiếp khiêng cáng lên ô tô chở vào Nghĩa trang Dốc Lim, thay quần áo mới cho đồng đội để khâm liệm và chôn cất. Chúng tôi vừa làm vừa canh chừng tiếng bom, cứ nghe còi của gang thép rú lên báo động thì lại xuống hầm trú ẩn. Đau thương lắm, vừa làm vừa khóc, nhưng lúc đấy lại chẳng biết sợ là gì nữa”.

Sau khi hết thời gian TNXP, các đơn vị thuộc Đội 91 đều chuyển tên thành Thanh niên xây dựng. Năm 1975, bà Lý chuyển về làm công nhân ở Công ty Xây dựng dân dụng (sau là Công ty Xây dựng số 1). Biết tin người yêu hy sinh, nhiều năm sau cũng có người này người kia lui tới, song bà chẳng thuận lòng ai, vẫn qua lại với gia đình liệt sĩ Phong như con dâu trong nhà, mặc tuổi xuân vùn vụt trôi qua.

Năm 1982, ở tuổi 32, bà quyết định không lấy chồng, đánh liều “xin” một mụn con để làm nguồn vui. Sau đó 4 năm, bà lại dũng cảm sinh thêm một người con nữa. “Các con là những “quả ngọt” mà bản thân đã đánh đổi biết bao buồn đau và nước mắt mới có được. Mọi thứ khó khăn cùng cực cũng đã qua rồi. Cũng từng thấy xấu hổ lắm, nhưng nghĩ cam làm cam chịu. Thời ấy con gái “băm mấy” mà chưa chồng là muộn mằn, quá lứa lỡ thì rồi chứ không như bây giờ. Nghĩ, xấu thì xấu, con mình vẫn hơn”-bà Lý bộc bạch.

Hồi đó, định kiến của xã hội còn khắt khe. Chịu nhiều điều tiếng gièm pha, bà đành nghỉ việc ở công ty xây dựng, xin gia đình cho ra ở riêng trên một khu đất hoang cạnh nhà kho hợp tác xã. Khu đất rậm rạp mà người làng chẳng ai dám khai khẩn vì nghe đồn là “đất dữ”. Bà dựng túp lều nho nhỏ, vốn liếng là 2 sào đất lúa, rồi khai khẩn thêm 2 sào trồng chè; đi làm thuê đủ việc để nuôi con: Phun thuốc sâu, sao chè, làm cỏ thuê... Vất vả trăm bề, nhưng bà lạc quan tin tưởng rằng, cứ sống thiện lương tử tế, thì trời phật khắc thương.

Năm 2012, bà Lý được hỗ trợ 15 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo huyện Đại Từ để làm nhà. Căn nhà cấp 4 rộng gần 50m2 nhỏ nhắn nhưng gọn gàng và ấm áp. Cả hai con trai đều được bà hướng cho đi học nghề thợ mộc, có “vốn” trong tay để kiếm sống. Các anh nay đã có gia đình, cơ ngơi riêng, niềm vui của bà giờ đây vẫn sớm hôm với ruộng vườn và chăm nom cháu nội. Bà vui vẻ bảo, như thế cũng là được trời phật đắp đền cho nhiều rồi!

Rời trận tuyến, những nữ TNXP một thời lại về với nhà máy, ruộng đồng. Dù may mắn tìm được bờ vai nương tựa, cuộc sống và công việc ổn định như bà Hải; hay lỗi hẹn với tình yêu và có chuỗi tháng ngày truân chuyên đấu tranh giành giật hạnh phúc như bà Lý, trong họ vẫn luôn vững vàng ý chí, yêu đời, yêu người bằng trái tim thuần hậu, như những đóa hoa rừng mộc mạc, dạn dày sức sống...

Bài và ảnh: MAI ĐÌNH