Tam Giác Vàng - địa danh khét tiếng
Tam Giác Vàng là một vùng rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới ba nước Lào, Thái Lan, Mi-an-ma, có diện tích khoảng 350.000km2. Do đặc điểm địa hình phức tạp của khu vực biên giới với độ cao hơn 1.000m, nằm xa các trung tâm hành chính, việc kiểm soát của chính phủ các nước đối với khu vực này hạn chế. Vì thế, nơi đây trở nên rất thích hợp cho việc trồng cây anh túc, hay còn gọi là cây thuốc phiện.
Năm 1852, thực dân Anh chiếm được vùng Hạ Miến Ðiện. Năm 1885, Anh làm chủ hoàn toàn Miến Điện (Mi-an-ma ngày nay-PV). Cũng từ đó, người Anh đem cây thuốc phiện trồng khắp lãnh thổ Miến Điện và vùng Tam Giác Vàng. Thuốc phiện thành phẩm được vận chuyển tới Trung Quốc để bán.
Cuối thế kỷ 19, sau khi chiếm được Ðông Dương, thực dân Pháp thỏa thuận với Anh biến ba nước Việt, Lào, Cam-pu-chia thành con đường vận chuyển thuốc phiện đi khắp thế giới. Giữa thập niên 50 của thế kỷ 20, Mỹ thế chân Pháp tại Ðông Dương, tiếp tục thực hiện chính sách mở rộng thông thương cho thuốc phiện tại khắp khu vực Đông Nam Á. Vì thế, đây được coi là giai đoạn “vàng son” của Tam Giác Vàng. Giai đoạn này, Tam Giác Vàng do ba "tập đoàn" thống lĩnh, gồm: Dân bản địa, tàn quân của Quốc dân đảng và các nhóm buôn bán thuốc phiện có vũ trang.
Đầu năm 1950, sau khi bị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đánh bại, các đơn vị còn lại của Tưởng Giới Thạch chạy tứ tán khắp nơi. Sư đoàn 237 do tướng Lý Quốc Huy chỉ huy còn khoảng 800 quân, vượt biên giới chạy vào khu vực Tam Giác Vàng thuộc lãnh thổ Miến Ðiện. Khi đến đây, tàn quân của tướng Lý Quốc Huy gặp Sư đoàn 93 của tướng Đàm Trung. Hai sư đoàn nhập lại với quân số gần 2.000 lính, lấy danh xưng “Sư đoàn Phục Hưng”. “Sư đoàn Phục Hưng” phát triển lên khoảng 3.000 quân và trở thành lực lượng mạnh nhất tại Tam Giác Vàng. Sau nhiều biến động, đoàn quân này tan rã nhưng đã “sản sinh” ra hai “vua" thuốc phiện đầu tiên ở Tam Giác Vàng. Đó là La Hưng Hán và Khun Sa.
Cây anh túc trồng tại Tam Giác Vàng.
La Hưng Hán sinh năm 1934, xuất thân từ hàng ngũ quân đội của Quốc dân đảng nhưng là người gốc Miến Ðiện. Sau khi “Sư đoàn Phục Hưng” tan rã, chỉ sau thời gian ngắn, nhờ thời cơ, La Hưng Hán leo dần lên trở thành "vua" thuốc phiện bao trùm cả vùng Ðông Nam Á. Ước tính, giai đoạn thập niên 1960, mỗi năm, “vương quốc” của La Hưng Hán sản xuất và tiêu thụ khoảng 200 tấn thuốc phiện. Năm 1973, La Hưng Hán bị chính phủ Miến Điện truy nã, phải chạy sang Thái Lan. Một năm sau, La Hưng Hán bị bắt đưa về Miến Điện và bị tuyên án tử hình. Tuy nhiên, em ruột La Hưng Hán là La Hưng Dân, một tướng quân đội Miến Điện đã cứu thoát được anh trai. Từ đó, hai anh em “chung lưng đấu cật” tung hoành khắp vùng Tam Giác Vàng.
So với La Hưng Hán, Khun Sa nổi tiếng hơn rất nhiều, đặc biệt trên phạm vi toàn thế giới. Khun Sa sinh năm 1933 trong một gia đình có cha là sĩ quan Quốc dân đảng, mẹ là người dân tộc Shan ở Miến Điện. Cha mất sớm, Khun Sa cùng mẹ sống ở huyện Mông Hơ-pin (Mong Hpin), nằm sát biên giới Miến Điện-Trung Quốc. Năm 18 tuổi, Khun Sa đã tự vũ trang để tung hoành trong giới buôn thuốc phiện. Từ thập niên 1960, Khun Sa nổi tiếng về sản xuất, cung cấp, buôn bán thuốc phiện, heroin tại vùng Tam Giác Vàng với doanh số hàng chục tỷ USD mỗi năm. Năm 1967, Khun Sa chính thức trở thành “vua" thuốc phiện ở vùng Tam Giác Vàng. Sau gần ba thập niên “làm mưa làm gió” ở khu vực này, năm 1996, Khun Sa tuyên bố hạ vũ khí và được đưa về Dang-gun (Yangon), Mi-an-ma. Toàn bộ đội quân của Khun Sa nộp vũ khí đầu hàng. Chính quyền Mi-an-ma đã tổ chức một buổi phá hủy vũ khí khổng lồ với gần 6.000 khẩu súng bộ binh các loại. Ngày 26-10-2007, Khun Sa qua đời tại nhà riêng vì già yếu, bệnh tật.
Giai đoạn 1970-1990, diện tích cây thuốc phiện ở vùng Tam Giác Vàng lên tới 160.000ha. Mỗi vụ, sản lượng thuốc phiện đã qua sơ chế lên tới hơn 2.500 tấn, bằng 3/4 số lượng thuốc phiện thế giới.
Hợp tác trong cuộc chiến chống ma túy
Hàng chục năm qua, khu vực Đông Nam Á nói chung, Tam Giác Vàng nói riêng luôn là điểm “nóng” sản xuất và buôn bán các chất ma túy. Tuy nhiên, cuộc chiến chống ma túy ở đây gặp không ít khó khăn. Khó khăn đầu tiên và căn bản là địa hình. Khu vực Tam Giác Vàng có địa hình phức tạp, gồm đồi núi, sông ngòi và rừng rậm, lại là khu vực biên giới 3 nước nên các đối tượng dễ dàng lẩn trốn qua các nước khác nếu bị truy bắt. Chính vì địa hình phức tạp, hiểm trở và nguồn lợi nhuận khổng lồ nên cuộc chiến chống sản xuất, vận chuyển, buôn bán và sử dụng ma túy trái phép tại khu vực này vô cùng gian nan. Ở Tam Giác Vàng hiện có ít nhất 7-8 tổ chức mafia thống lĩnh. Các tổ chức này tổ chức vận chuyển ma túy xuyên suốt khu vực Đông Nam Á.
Ngăn chặn tệ nạn ma túy đã trở thành một trong những nhiệm vụ ưu tiến đối với các nước ASEAN. Năm 2014, sự ra đời của Trung tâm Hợp tác ASEAN (ASEAN-Narco) được coi là một bước đột phá trong cuộc chiến chống nạn ma túy. Đây là một diễn đàn tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin về các vấn đề liên quan đến kiểm soát ma túy giữa các nước thành viên ASEAN cũng như giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thái Lan và Mi-an-ma tiêu hủy số ma túy trị giá hơn 1 tỷ USD. Ảnh: Reuters
Cùng với việc thành lập ASEAN-Narco, các Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về vấn đề ma túy (ASOD) đã được tổ chức liên tục hằng năm. Mới nhất, tháng 7-2017, ASOD 38 đã được tổ chức tại Hà Nội. Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, 50 năm qua, kể từ khi thành lập vào năm 1967, ASEAN ngày càng có nhiều cơ hội hợp tác phát triển, cùng với đó là những thách thức đan xen. Một trong những thách thức lớn hiện nay của ASEAN là phải giải quyết vấn đề ma túy đang đe dọa an ninh, trật tự an toàn và cuộc sống bình yên của nhân dân các nước trong khu vực. ASEAN đã sớm nhận thức được những thách thức này thông qua xây dựng cơ chế Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy vào năm 2012. Trong phiên họp, các quan chức ASEAN khẳng định, để thực hiện “Cam kết chung đấu tranh và ứng phó một cách hiệu quả với vấn đề ma túy thế giới”, các nước thành viên của khu vực cần có cách tiếp cận cân bằng trong chính sách về ma túy, lấy yếu tố con người làm trung tâm. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì sự đồng thuận chính sách, phát huy hiệu quả các công cụ, cơ chế và diễn đàn hợp tác của ASEAN trong phòng, chống ma túy, các nước thành viên cũng cần duy trì các cơ chế hợp tác song phương, kiểm soát các đường biên giới chặt chẽ nhằm chống tội phạm buôn bán ma túy xuyên biên giới.
Báo cáo của ASOD 38 cho biết, khu vực Đông và Đông Nam Á hiện có hơn 3 triệu người sử dụng heroin và hơn 5 triệu người sử dụng ma túy tổng hợp. Khu vực Tam Giác Vàng vẫn là điểm "nóng" về trồng cây thuốc phiện và sản xuất ma túy tổng hợp. Ngoài ra, ASEAN còn chịu tác động không nhỏ của hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy từ các khu vực khác trên thế giới. ASOD 38 đã thông qua “Kế hoạch hợp tác ASEAN chống sản xuất và mua bán ma túy bất hợp pháp ở khu vực Tam Giác Vàng giai đoạn 2017-2019”.
Trong hợp tác phòng, chống ma túy, ASEAN được coi là một điển hình của thế giới. ASEAN đã đạt được sự đồng thuận cao khi đưa ra Tuyên bố chung của ASEAN về vấn đề ma túy tại Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về vấn đề ma túy toàn cầu năm 2016. Tuyên bố chung khẳng định quan điểm, lập trường nhất quán của ASEAN trên trường quốc tế về vấn đề ma túy toàn cầu, thể hiện thái độ không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy và kiên định lộ trình hướng tới tầm nhìn xây dựng một Cộng đồng ASEAN không ma túy.
Sự hợp tác trong phòng, chống ma túy của các thành viên ASEAN đã gặt hái được nhiều kết quả. Ngày 26-6-2017, nhân Ngày Thế giới phòng chống ma túy, Thái Lan và Mi-an-ma đã tiến hành tiêu hủy lượng ma túy có trị giá lên tới gần 1 tỷ USD. Theo giới chức Mi-an-ma, lượng ma túy tiêu hủy trong lần này lớn nhất lịch sử, bao gồm cả thuốc phiện, heroin, cocaine và ma túy đá với tổng trị giá lên tới 385 triệu USD. Thái Lan cũng đã tiêu hủy 7.800kg Yaba (ma túy điên-hợp chất giữa ma túy đá và caffeine), 1.185kg thuốc lắc Ecstasy, thuốc phiện, heroin, cần sa và ma túy đá, với tổng trị giá khoảng 589 triệu USD. Ngoài Thái Lan và Mi-an-ma, nhân dịp này, Cam-pu-chia cũng đã xử lý 130kg ma túy các loại, ước tính trị giá khoảng 4 triệu USD.
Theo một báo cáo của UNODC, Mi-an-ma đã giảm diện tích trồng cây thuốc phiện từ 57.800ha năm 2013 xuống còn 57.600ha năm 2014, đồng thời giảm 25% lượng sản xuất thuốc phiện từ 870 tấn năm 2013 xuống còn 670 tấn năm 2014. Đến đầu năm 2016, cũng theo báo cáo của UNODC, diện tích trồng thuốc phiện của Mi-an-ma còn khoảng 44.200ha, giảm khoảng 106.000ha so với diện tích năm 1990. Ở Thái Lan và Lào, từ năm 2003 đến nay, diện tích trồng cây thuốc phiện cơ bản được triệt phá.
HỒNG NHUNG