1. 110 năm trước đây, ngày 5-6-1911, Bác Hồ (anh Văn Ba lúc đó) lên tàu ra đi tìm đường cứu nước. Thấu hiểu sâu sắc nỗi đau của một dân tộc bị nô lệ và sự bế tắc, thất bại của những con đường cứu nước mà các bậc tiền bối đã và đang tiến hành, Bác Hồ kiên quyết và lặng lẽ ra đi với mục tiêu rõ ràng là để học cái hay của người, tìm chân lý, cái có ích cho dân tộc, cho đồng bào, từ đó tìm đường, xác định con đường mới cứu nước, cứu dân tộc.
Trải qua bao công việc nhọc nhằn, ra sức học tập, nhiệt huyết tham gia các hoạt động yêu nước, hoạt động quốc tế... Nguyễn Ái Quốc đã tích lũy trong suốt 30 năm bôn ba ở nước ngoài những tri thức khổng lồ, sâu sắc, vô cùng phong phú trên hầu hết các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội. Mặt khác, ở Người có một năng lực đặc biệt, đó là sự sàng lọc, chọn lọc cực kỳ tinh tế và sâu sắc, sự tổng hợp các tri thức và cao hơn, đó là sự "khúc xạ" (chữ dùng của cụ Vũ Đình Hòe), là tài năng phi thường của Hồ Chí Minh khi tiếp xúc, tiếp nhận, chọn lọc các tri thức nhiều mặt của nhân loại.
Bằng sự chọn lọc đó, Hồ Chí Minh đã đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin và vô cùng vui sướng khi tìm thấy con đường mới cứu nước, cứu dân qua học thuyết khoa học và cách mạng này. Suốt khoảng 50 năm cho đến ngày ra đi vào cõi vĩnh hằng, Người luôn luôn trung thành, thủy chung, kiên định với sự lựa chọn của mình. Đó là một sự thật sáng rõ. Trong những tháng năm cuối cùng của cuộc đời mình, cảm nhận "đau lòng" vì sự bất hòa giữa các đảng anh em, trong "Di chúc", Người mong ước "khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin"... Thủy chung, kiên định với Chủ nghĩa Mác-Lênin là một trong những nguyên nhân có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay. Trong nhiều bài nói, viết của mình, Hồ Chí Minh đã khẳng định điều đó.
Song, Hồ Chí Minh là người Việt Nam, "người Á Đông gia nhập hàng ngũ của Mác-Lênin" có đặc điểm gì riêng không? Paulmus, tác giả công trình "Hồ Chí Minh, Việt Nam, Á châu" (Nxb Dusenil-Paris, 1971) đã có một nhận xét sâu sắc: "Người ta thấy, một người Á Đông gia nhập hàng ngũ của Mác, có thể trở thành người cộng sản ngay trên đất nước mình, không hề lay chuyển, nhưng cộng sản theo cách của mình, bởi vì Người tìm cách diễn tả và làm sinh động học thuyết đó bằng những dạng truyền thống tương tự". "Không hề lay chuyển" chính là sự kiên định nhất, đồng thời "theo cách của mình" và "làm sinh động học thuyết đó" chính là sự sáng tạo, sự linh hoạt gắn chặt với thực tiễn Việt Nam, "bằng những dạng truyền thống tương tự". Và phải chăng, đây chính là đặc điểm độc đáo nhất, là sự thể hiện sáng rõ thiên tài Hồ Chí Minh-Người cộng sản "không hề lay chuyển" và người "làm sinh động học thuyết" Mác-Lênin bằng năng lực sáng tạo tuyệt vời của mình qua việc tổng kết thực tiễn Việt Nam để từ đó bổ sung, phát triển học thuyết Mác-Lênin trong những điều kiện lịch sử mới.
Vào những năm 20 của thế kỷ 20, khi Nguyễn Ái Quốc bắt đầu gặp gỡ tiếp nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, các dân tộc bị áp bức ở phương Đông đang tìm những con đường khác nhau để giải phóng dân tộc mình, trong đó bắt đầu xuất hiện những người cộng sản phương Đông. Trong một bài phát biểu về cách mạng phương Đông, năm 1921, V.I.Lênin đã nói: "Ở đây, các đồng chí hiện đang có một nhiệm vụ mà những người cộng sản trên toàn thế giới không có: Dựa vào lý luận và thực tiễn chung của chủ nghĩa cộng sản, các đồng chí phải thích ứng với những điều kiện đặc biệt mà các nước châu Âu không có... Đó là những nhiệm vụ sẽ tìm thấy cách giải quyết không phải trong một cuốn sách cộng sản nào cả..., mà phải làm với kinh nghiệm của bản thân mình". Đó là một đòi hỏi rất cao ở năng lực sáng tạo, sự gắn bó, thấu hiểu thực tiễn đối với những người cộng sản phương Đông.
Điều bất ngờ và kỳ diệu là, chỉ 3 năm sau bài của V.I.Lênin, năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã có bản báo cáo (bằng tiếng Pháp) gửi Quốc tế Cộng sản để "Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ", trong đó, khẳng định hai nội dung cực kỳ quan trọng. Một là "Chủ nghĩa Mác sẽ còn đúng cả ở đó" (tức phương Đông) và hai là, Người dứt khoát khẳng định các nội dung lớn nhằm bổ sung, phát triển, sáng tạo Chủ nghĩa Mác trong điều kiện và đặc điểm rất đặc thù, đặc biệt của phương Đông. Trong báo cáo này. Người viết: "Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Đó là lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn nhân loại". Từ đó, theo Nguyễn Ái Quốc, "bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình chưa thể có được" và "xem xét lại Chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố bằng dân tộc học phương Đông". ("Hồ Chí Minh toàn tập", t.1. tr.500, 509, 510, 520-Nxb Chính trị Quốc gia, 2011).
Như vậy, từ cách đây gần 100 năm, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định dứt khoát "Chủ nghĩa Mác sẽ còn đúng ở cả phương Đông", đồng thời cần bổ sung "cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông".
Ở đây, nhìn vào lịch sử cách chúng ta 100 năm, có sự gặp gỡ tuyệt vời về tư tưởng giữa V.I.Lênin và Nguyễn Ái Quốc. Phải chăng, bài học lớn: Xử lý quan hệ biện chứng giữa kiên định và sáng tạo, giữa kế thừa và phát triển, giữa kiên định và đổi mới bắt đầu từ những tư tưởng lớn của Nguyễn Ái Quốc cách đây khoảng 100 năm!
Nhìn vào toàn bộ quá trình hoạt động, lãnh đạo cách mạng của Người, chúng ta có vô vàn dẫn chứng cụ thể, sinh động, đầy sức thuyết phục về việc Hồ Chí Minh đã thực hiện nhất quán, trọn vẹn và cực kỳ linh hoạt tư tưởng lớn trên đây. Bằng sự trải nghiệm sâu sắc của mình, sự thấu hiểu đến tận cùng thực tiễn phong phú, phức tạp, đa dạng của đất nước, Hồ Chí Minh đã bổ sung, phát triển tư tưởng ấy, đúc kết thành lý luận, làm giàu có cho Chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện lịch sử mới. Xin chỉ nêu một dẫn chứng. Nguyễn Ái Quốc đã rút ra một nhận định cực kỳ quan trọng, mang ý nghĩa phát hiện sâu sắc: "Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước" (Sđd, tr.509), từ đó Người yêu cầu những người cộng sản phải biết chủ động nắm lấy, phát huy và "phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản". Làm được điều đó, những người cộng sản đã thực hiện được "một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời" và ngược lại, "người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của họ".
Theo Nguyễn Ái Quốc, theo tiến trình cách mạng, những người cộng sản sẽ có khả năng "nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy biến thành chủ nghĩa quốc tế" (Sđd, tr.511, 513). Đó là một dự báo thiên tài, thực tế lịch sử thế giới và Việt Nam thế kỷ 20 đã chứng minh điều đó. Phải chăng từ khẩu hiệu "Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại", rồi "Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại" đến tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công" là bước tiến có ý nghĩa chiến lược, thể hiện sâu sắc quan điểm kế thừa và phát triển trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chính vì thế, khi bàn về lý luận cách mạng, Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Những người cộng sản các nước phải cụ thể hóa Chủ nghĩa Mác-Lênin cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh từng lúc và từng nơi" (Sđd, t.11, tr.94-95). Lời căn dặn đó không chỉ là tổng kết kinh nghiệm quá khứ mà hoàn toàn có giá trị mang tầm chiến lược.
2. Hơn hai năm qua, tôi là thành viên Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Chúng tôi thảo luận nhiều trong quá trình xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị. Điều tôi tâm đắc nhất, suy nghĩ nhiều nhất khi đại hội thông qua các văn kiện, trong đó khẳng định vấn đề "có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta" là "Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh"... (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1. tr.33, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật). Đảng ta đang tiếp tục thực hiện và vận dụng triệt để tư tưởng Hồ Chí Minh về xử lý biện chứng quan hệ giữa kiên định và sáng tạo khi cụ thể hóa Chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta trong thực tiễn mới.
Để làm được điều đó, nhất thiết phải nghiên cứu, làm rõ, giáo dục và tuyên truyền sâu rộng để khẳng định những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, "làm rõ những vấn đề cần nhận thức cho đúng, những vấn đề cần bổ sung, điều chỉnh và phát triển trên cơ sở tổng kết và khái quát những kinh nghiệm thực tiễn mới và những thành tựu khoa học hiện đại" (Nghị quyết số 01-NQ/TW, ngày 28-3-1992 của Bộ Chính trị (khóa VII) về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay).
Thành tựu nổi bật những năm qua là chúng ta đã tập trung nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh gắn chặt với nêu gương đạo đức và phong cách của Người. Vấn đề lớn, có ý nghĩa thực tiễn là kiên trì, sáng tạo, linh hoạt để làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thực sự thấm vào đời sống, vào tinh thần, tình cảm con người để tránh bằng được những cách làm hời hợt, bề nổi, hô hào suông, lãng phí... giúp cho cán bộ, đảng viên có khả năng vận dụng sáng tạo, thiết thực trong hoàn cảnh mới và tự giác noi theo tấm gương của Người trong đời sống thực của mỗi người.
Thực tiễn cuộc đời, sự nghiệp của Bác đã chứng minh rằng, trong tư tưởng của Người, xử lý quan hệ giữa kiên định và sáng tạo là sự vận dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt phép biện chứng Mác-xít. Thiếu nó, không thể thực hiện được, đúng như đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết về chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII: "Nếu chỉ "kiên định" một cách máy móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ, nhưng nếu không kiên định mà "đổi mới" một cách vô nguyên tắc thì rất dễ rơi vào chủ nghĩa xét lại, chệch hướng, "đổi màu". Cho nên phải hiểu rõ, vận dụng đúng phương pháp biện chứng của Chủ nghĩa Mác-Lênin: Kiên định phải gắn liền với sáng tạo và sáng tạo phải trên cơ sở kiên định phù hợp với thực tiễn, với yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước ("Tầm nhìn chiến lược và ý chí vươn lên của dân tộc", Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2020, tr.48-49). Đó cũng chính là bài học lớn, cực kỳ quý giá cả về lý luận và thực tiễn đối với chúng ta trong điều kiện, đặc điểm mới của thế giới hiện nay.
Tôi nhớ đến tâm sự của GS Trần Văn Giàu: "Bây giờ chúng ta giống như một chiếc thuyền giữa biển khơi có sóng gió lớn, tất cả các ngôi sao ở trên trời đều bị mờ, thì chỉ còn ngôi sao Hồ Chí Minh, cái la bàn Hồ Chí Minh vững chắc cho chúng ta thôi" ("Trần Văn Giàu-Dấu ấn trăm năm", Nxb Trẻ, 2015). Trở về với cội nguồn Hồ Chí Minh, dân tộc ta, nhân dân ta sẽ tiếp tục vững bước đi đúng, đi xa hơn nữa, hôm nay và mai sau.
GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG