QĐND - Chuyên luận Hồ Chí Minh-Những mạch nguồn ngôn ngữ văn hóa của PGS, TS Nguyễn Thanh Tú (NXB Quân đội nhân dân-2013) gồm hai tập, nhằm góp phần tìm hiểu lý giải những yếu tố nào đã giúp Hồ Chí Minh từ một thanh niên yêu nước trở thành lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc...
|
Quang cảnh cuộc Tọa đàm khoa học ""70 năm ra đời Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh"" do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Hà Nội, ngày 6-9-2013. Ảnh: Thanh Huyền
|
|
Bìa 2 tập sách.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu hiện tuyệt vời của sự kết hợp văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Văn hóa phương Đông đã thấm vào tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung từ tuổi ấu thơ, vì cậu may mắn được sinh ra trong một gia đình Nho học, khoa bảng, nền nếp. Lớn lên, mục đích cao nhất của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành là ""tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi…"". Không những thế, khát vọng hoài bão của Người còn hướng tới giải phóng tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Vì mục đích ấy, Người đã đi gần khắp năm châu bốn biển, tìm hiểu nhiều đất nước, nhiều thể chế chính trị, phân tích các chủ nghĩa, tiếp xúc với rất nhiều cảnh sống, phong tục, tập quán; làm bạn với bao con người lao động, tài năng kiệt xuất và cả những người bình thường nhất. Người đã từng tận mắt nhìn thấy những cảnh đẹp hùng vĩ và thơ mộng của thiên nhiên cũng như do con người tạo ra và cũng từng tận mắt chứng kiến những cảnh sống tối tăm bần cùng nhất, khổ sở nhất của con người. Người đã làm rất nhiều nghề để kiếm sống và hoạt động. Người đã từng chịu tù đày nếm trải những gì là phi nhân tính nhất của bọn phản động thực dân. Người đã tìm thấy chủ nghĩa Mác Lê-nin là con đường cứu nước cứu dân... Thế là những mạch nguồn ngôn ngữ văn hóa, cả tự nhiên và ý thức ngấm vào con người văn hóa Hồ Chí Minh. Người đã chủ động dùng ngôn ngữ văn hóa làm phương thức hoạt động, làm công cụ đấu tranh, do vậy mà các nguồn mạch càng dồi dào các trữ lượng văn hóa.
Chuyên luận đưa ra cách hiểu riêng về văn hóa, coi những gì là tiến bộ, văn minh, vì con người là văn hóa. Con người văn hóa Hồ Chí Minh, do được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, kết hợp với sự nhạy bén của một thiên tài chính trị, sự sâu sắc của một trí tuệ siêu việt nên đã nắm bắt được quy luật vận động của xã hội không chỉ trong một quốc gia, một khu vực mà còn là toàn thế giới, do đó có những nhận định phù hợp với bước đi của lịch sử. Vì vậy, những ""tiên tri""của Hồ Chí Minh hoàn toàn biện chứng theo tinh thần duy vật.
Chúng ta đã nghiên cứu thiên tài Hồ Chí Minh ở nhiều lĩnh vực, qua chuyên luận này tác giả muốn khẳng định, nâng cao nhận thức về một phương diện trong cấu trúc nhân cách kiệt xuất Hồ Chí Minh: Mạch nối văn hóa giữa quá khứ và hiện tại, cầu nối văn hóa thế giới với văn hóa Việt Nam và ngược lại. Hồ Chí Minh là một sứ giả văn hóa đúng nghĩa nhất giữa phương Đông và phương Tây. Mục đích của vị sứ giả này cũng là mục đích của toàn nhân loại tiến bộ: Vì hòa bình, độc lập của mỗi dân tộc, vì hạnh phúc, tự do của mỗi con người.
Ngôn ngữ văn hóa Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa nhất vẻ đẹp của ngôn ngữ văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa thế giới; của tinh thần thời đại cách mạng trên toàn thế giới với phong trào yêu nước Việt Nam từ đầu thế kỷ XX; của tình yêu thương con người cháy bỏng, của lòng yêu nước tha thiết với một trí tuệ lớn. Hồ Chí Minh là hiện thân cho một sự tích hợp đa văn hóa tuyệt đẹp giữa các đỉnh cao văn hóa nhân loại và văn hóa Việt Nam. Hồ Chí Minh sinh ra từ văn hóa Việt Nam nhưng đã góp phần làm giàu, làm sang và làm sáng giá nền văn hóa ấy. Ngôn ngữ văn hóa Hồ Chí Minh là một thứ ngôn ngữ tổng hợp đa dạng, phương Đông và phương Tây, bình dân và bác học, nông thôn và thành thị, miền ngược và miền xuôi, có cả cái ngây thơ hồn nhiên của con trẻ và sự trang trọng, đúng mực, chất phác của cụ già. Nhìn dưới góc độ hình thức ngôn ngữ thể loại thì tác phẩm Hồ Chí Minh là một hiện tượng độc đáo: Viết bằng nhiều thứ ngôn ngữ và nhiều thể loại văn học. Ở góc độ phong cách thì là một hiện tượng đa phong cách: Châm biếm, hài hước, trữ tình, hùng biện, trang trọng sử thi và giễu nhại bình dân, mẫu mực cổ điển và khẩu ngữ thông tục…
Trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã có những đánh giá đúng đắn về công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc, nhân dân và đất nước ta: ""Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta"". Qua chuyên luận này, tác giả bổ sung thêm không chỉ thế mà còn là các dân tộc tiến bộ, nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới và cả văn hóa nhân loại sinh ra Hồ Chí Minh; chính Người đã góp phần làm rạng rỡ các dân tộc tiến bộ, nhân dân tiến bộ trên thế giới và cả văn hóa nhân loại. Hồ Chí Minh không chỉ là ""tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam"" mà còn là tượng trưng cho tinh hoa của nhân loại tiến bộ. Chính vì thế, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người chúng ta phải cố gắng làm giàu cho văn hóa dân tộc cũng là đồng thời làm giàu thêm cho văn hóa nhân loại.
ĐINH THANH HƯƠNG