Những bước thăm dò đầu tiên
Bức thư đề ngày 8-5-1961 gửi tới Văn phòng luật sư James Donovan, người đã bào chữa cho điệp viên Rudolf Abel-thường được biết dưới tên gọi Đại tá Abel trong vụ án gián điệp làm kinh động nước Mỹ mấy năm trước; địa chỉ gửi đi từ số 22, phố
Eisenacher, thành phố Leipzig, Đông Đức. Đấy là một bức thư tiếng Anh được đánh bằng máy chữ, riêng chữ ký tay bằng mực xanh, đề tên “Helen Abel”, người mà J.Donovan chưa từng gặp nhưng tự giới thiệu là “vợ” của Đại tá Abel.
“Bà Abel” viết:
“Khi suy nghĩ về những gì có thể làm nhằm thúc đẩy những vấn đề chưa được giải quyết, tôi đã nhớ đến một bức thư của cha phi công Powers gửi cho chồng tôi hồi năm ngoái. Tôi chưa đọc nó nhưng nếu tôi không nhầm thì ông ấy gợi ý với chồng tôi rằng có thể đôi bên sẽ tiến hành một số việc để giúp phóng thích con ông ấy và chồng tôi. Rudolf từng viết thư cho tôi, nói rằng vụ Powers không giúp gì được cho anh ấy và tôi đã thôi không nghĩ về việc có thể làm gì có ích cho chúng tôi cũng như cho gia đình Powers.
    |
 |
Luật sư James Donovan - người giữ vai trò quyết định của vụ trao đổi. Ảnh: Tạp chí Quốc phòng JD |
Tôi muốn viết thư cho cha của phi công Powers ngay nhưng e ngại có thể sẽ bị công khai hóa và ảnh hưởng tiêu cực đến lời khẩn cầu xin ân xá của tôi. Không biết phải làm gì, tôi quyết định viết cho ông để xin tư vấn. Liệu nên làm gì để thúc đẩy vụ việc của chúng ta?
Xin ông hãy phúc đáp thư của tôi”.
Bức thư mà “bà Abel” đề cập đến trong thư gửi J.Donovan là do ông Oliver Powers gửi cho Đại tá Abel, khi ấy đang thụ án 30 năm tù tại nhà tù liên bang ở Atlanta.
Ngày 2-6-1960, tức là chỉ một tháng sau khi chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ bị bắn rơi trên lãnh thổ Liên bang Xô viết và phi công lái chiếc máy bay này, Francis Gary Powers, khi ấy vẫn còn chưa bị đưa ra tòa xét xử, ông Oliver Powers đã viết thư cho Đại tá Abel.
Ông Oliver Powers viết:
“Thưa Đại tá Abel. Tôi là cha của phi công Francis Gary Powers, người liên quan đến vụ rắc rối của chiếc máy bay U-2 vài tuần lễ trước đây. Chắc ông cũng hiểu rõ mối lo ngại của người cha cũng như mong muốn tha thiết của tôi muốn con trai mình được trả tự do. Tôi sẽ rất hân hạnh liên lạc với Bộ Ngoại giao và Tổng thống Hoa Kỳ để đề xuất một cuộc trao đổi có thể phóng thích con trai tôi. Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để chính phủ nước tôi trả ông về với đất nước của ông nếu như các nhà lãnh đạo nước ông cũng phóng thích con trai tôi và trả nó về với tôi. Nếu ông quan tâm tới điều này, mong ông hãy tư vấn cho tôi và có ý kiến với các nhà lãnh đạo nước ông trên tinh thần một cuộc trao đổi như vậy”.
Hai ngày sau, Đại tá Abel viết thư trả lời ông Oliver Powers, nói hãy liên lạc với vợ của Đại tá Abel đang ở Đông Đức. Người điệp viên Xô viết cũng viết thư cho luật sư J.Donovan ở New York gợi ý rằng, J.Donovan có thể tới Thụy Sĩ gặp luật sư của “gia đình” để thảo luận về cuộc trao đổi.
Người luật sư của “gia đình” mà Đại tá Abel nói đến là Wolfgang Vogel, địa chỉ nhà số 113 đường Friedrichsfelde, Đông Berlin, số điện thoại 55 75 75. Wolfgang Vogel quả thật đúng là một luật sư, người có nhiều mối dây liên hệ với Bộ An ninh quốc gia Cộng hòa Dân chủ Đức Stasi. Trong hồ sơ của Stasi, mật danh cho W.Vogel là Georg, còn trong các báo cáo của mình gửi cho Stasi, W.Vogel thích ký tên là Eva.
CIA lưỡng lự
Nhận được bức thư của Đại tá Abel từ nhà tù, J.Donovan, vốn từng là một cựu nhân viên hoạt động trong thời Chiến tranh thế giới thứ hai cho Cục Phục vụ chiến lược OSS, tiền thân của CIA, tới gặp Giám đốc Allen Dulles.
Trong cuộc gặp này, J.Donovan một lần nữa nhắc lại ý tưởng về một vụ trao đổi điệp viên. Ngay lập tức, A.Dulles nhớ đến bức thư của J.Donovan gửi chánh án trong ngày cuối cùng phiên tòa xử Đại tá Abel hồi tháng 10-1957. Khi ấy, J.Donovan cũng đã đề xuất ý tưởng này với A.Dulles nhưng lúc A.Dulles mang nó đến chỗ anh trai mình là Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Foster Dulles, ý tưởng này đã bị bác bỏ.
Vụ bắn rơi chiếc máy bay U-2 và phi công F.Powers bị bắt giữ đã làm thay đổi tất cả.
CIA muốn F.Powers được Liên Xô phóng thích để họ có thể biết tường tận những gì đã xảy ra vào ngày 1-5-1960. Và A.Dulles biết rằng ở phía bên kia, KGB cũng mong muốn không kém có lại được người điệp viên thượng thặng của mình.
Trong thế giới của các điệp viên, không cần phải tiến hành các trao đổi một cách trực tiếp nếu như có thể tìm được cách đi đường vòng nào đó. J.Donovan viết thư cho W.Vogel, đề nghị tổ chức một cuộc gặp gỡ. Ngày 17-6-1960, cùng với cô vợ Mary, J.Donovan có một “chuyến công tác” tới London rồi từ đó qua Zurich, Thụy Sĩ.
Dĩ nhiên, J.Donovan thông báo chi tiết hành trình của mình cho các đầu mối CIA ở London và Zurich. Nhưng W.Vogel không tiếp xúc với J.Donovan và người cựu nhân viên OSS, dưới sự chỉ dẫn của CIA, đã không có bất cứ động thái nào tỏ vẻ muốn đẩy nhanh các cuộc tiếp xúc.
Nhưng J.Donovan vẫn còn có mối dây liên hệ với “bà Abel”. Trong thời gian diễn ra phiên tòa xét xử Đại tá Abel, người điệp viên Xô viết hứa sẽ trả tiền công 10.000USD cho J.Donovan để vị luật sư hảo tâm đóng góp cho ba trường đại học. Khi J.Donovan hỏi về khoản tiền này, Abel nói hãy liên hệ với vợ mình, “Helen Abel”, ở thành phố Leipzig, Đông Đức.
Từ đó, đã có những liên lạc qua lại giữa văn phòng của luật sư J.Donovan, địa chỉ 161 phố William, khu Đông New York, với “bà Helen” ở số 22, phố Eisenacher, thành phố Leipzig.
KGB quyết định ra tay trước
Trong suốt 5 năm trời kể từ lúc bị bắt giữ, Đại tá Abel không chịu khai bất cứ điều gì, cả trong tù lẫn khi bị xét xử ở tòa. Trong 5 năm, phía Xô viết cũng phủ nhận bất cứ sự liên hệ nào với Đại tá Abel, không thừa nhận Abel là người của KGB.
Tuy vậy, phía sau sự lạnh lùng đó lại ẩn chứa những sự thật khác.
Tại địa bàn Berlin, KGB có một sĩ quan trẻ là Yuri Drozdov, điệp viên KGB tài năng, có thể nói thông thạo tiếng Đức và tiếng Anh. Y.Drozdov sống cùng với vợ và hai con nhỏ trong một căn hộ gần Karlshorst, tổng hành dinh của KGB tại Berlin.
Mùa xuân năm 1958, tức là khoảng vài tháng sau khi Abel bị kết án trên đất Mỹ, sếp của Y.Drozdov đưa cho anh ta tờ Der Siegel của Tây Đức, trong đó có một bài báo tường thuật lại “vụ án gián điệp Emil R.Goldfus”, rồi hỏi anh ta nghĩ thế nào. Khi một chỉ huy đã hỏi như vậy thì có nghĩa là người điệp viên KGB phải đưa ra đề xuất của mình. Y.Drozdov ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Phải giải cứu thôi!”.
Vậy là Y.Drozdov trở thành “cậu” Drewes, em họ của Abel, một viên chức tẻ nhạt sống ở Đông Đức. Một nữ điệp viên khác được cử đóng vai “vợ Abel” nếu cần thiết phải xuất hiện. KGB đã triển khai điệp vụ giải cứu điệp viên Abel của mình từ rất sớm.
Cùng với “luật sư gia đình” W.Vogel, “cậu” Drewes soạn thảo những bức thư gửi tới Văn phòng luật sư J.Donovan. Đấy là một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn ghê gớm. Công việc không tiến triển được là bao bởi người Mỹ hết sức cảnh giác với những bức thư gửi từ Đông Berlin.
Diễn biến mới trên chính trường
Tuy vậy, những diễn biến trên chính trường Mỹ đã có các tác động không thể chối cãi đến số phận của các điệp viên.
Tháng 11-1960, J.Kennedy đắc cử Tổng thống Mỹ, thay cho D.Eisenhower. Ngày 1-1-1961, trong bài phát biểu mừng năm mới ở Điện Kremlin, nhà lãnh đạo Xô viết N.Khrushchev tuyên bố rằng ông coi những vụ kiểu như với chiếc máy bay do thám U-2 bị bắn rơi “đã trở thành quá khứ cùng với sự ra đi của vị tổng thống cũ”.
Hơn hai tháng sau, một bức thư đề ngày 8-2-1961 do “vợ Abel” được gửi tới Nhà Trắng. Bức thư viết:
“Thưa ngài Tổng thống.
Xin thứ lỗi cho tôi vì đã kéo ngài ra khỏi các nhiệm vụ trọng đại quốc gia để quan tâm đến một vấn đề của cá nhân tôi, nhưng thật sự, đây là một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất trong cuộc đời tôi.
Tôi là vợ của Rudolf Abel, người đã bị kết án 30 năm trong nhà tù liên bang hồi năm 1957. Tên tôi là Hellen Abel. Tôi sinh ở Nga năm 1906. Tôi là một giáo viên dạy nhạc, hiện đang sống ở Đức cùng con gái tôi là Lydia Abel...
Sau khi số phận đã chia tách tôi với chồng hơn 10 năm trước, tôi đã mòn mỏi chờ anh ấy trở về. Tôi không biết rõ mọi chi tiết về vụ việc của chồng tôi nhưng tôi tin rằng anh ấy không làm bất cứ điều gì vô đạo đức hay tội lỗi. Xin hãy tin tôi rằng anh ấy là một người trọng danh dự, cao quý và tốt bụng. Tôi biết về anh ấy hơn bất cứ ai. Tôi chắc rằng không biết vì lý do gì, anh ấy đã bị phỉ báng, bôi nhọ bởi một số người xấu.
Không có bất cứ một bằng chứng xác đáng nào chứng tỏ anh ấy đã đánh cắp những bí mật có giá trị của nước Mỹ từng được công bố. Vậy vì sao anh ấy lại bị trừng phạt một cách tàn nhẫn như vậy? Tôi nói như vậy không phải vì muốn ngài tin rằng anh ấy vô tội-điều này vượt quá khả năng của tôi-mà muốn để ngài, với lòng khoan dung, hãy ân xá cho người chồng tội nghiệp của tôi, ngay cả khi ngài tin rằng anh ấy phạm tội...
Tôi được động viên khi biết những tin tức tốt lành trên báo chí về việc hai phi công Mỹ Olmstead và McKone đã được phía Liên Xô phóng thích và trao trả cho nhà chức trách Mỹ. Điều này khiến tôi thêm hy vọng rằng ngài sẽ ưu tiên cân nhắc ân xá cho chồng tôi trước thời hạn. Tôi chắc chắn rằng hành động ân xá cho chồng tôi của ngài sẽ không chỉ tỏ rõ lòng khoan dung mà còn thể hiện ngài mong muốn bắt đầu một kỷ nguyên mới của hòa bình trong lịch sử nhân loại. Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng một hành động nhân đạo như vậy, tuy có thể không tác động một cách trực tiếp, nhưng sẽ tạo ra sự ảnh hưởng tích cực đến số phận những người Mỹ gặp rắc rối ở nước ngoài mà chưa thể về nhà...
Tôi xin ngài Tổng thống hãy xem xét lời thỉnh cầu của tôi...
Với tất cả sự tôn trọng
Hellen Abel”.
Nếu như hiểu rằng bất cứ một bức thư nào từ Liên Xô với nội dung như thế này gửi tới Nhà Trắng đều nằm trong sự kiểm soát của KGB thì có thể thấy rõ thông điệp đằng sau nó, là nhà lãnh đạo Xô viết N.Khrushchev muốn Tổng thống J.Kennedy ân xá cho điệp viên Abel.
Trong bức thư này, “bà Abel” không hề đề cập một lần nào đến cái tên của phi công Powers. Mãi đến bức thư gửi ba tháng sau đó đề ngày 8-5-1961 tới Văn phòng luật sư J.Donovan, lần đầu tiên “bà Abel” mới đề cập trực tiếp tới khả năng trao đổi Abel lấy Powers.
(còn nữa)
YÊN BA (tổng hợp)