Ảnh hưởng của cánh tả

Sau thành công của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, vào những năm cuối thập niên 20, đầu thập niên 30 của thế kỷ 20 là một thời kỳ đầy biến động trong xã hội Anh quốc cũng như châu Âu. Cuộc khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới khiến châu Âu lún sâu vào đại suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, người dân mất lòng tin vào sự điều hành của chính phủ. Chủ nghĩa phát xít bắt đầu xây dựng những cơ sở hắc ám của nó, trước hết là ở nước Đức rồi sau đó lan sang các nước khác, trong khi tháng 9 năm 1931, Nhật Bản đưa quân vào Mãn Châu, bắt đầu xâm chiếm, thôn tính lãnh thổ Trung Quốc.

Thất bại của Công đảng ở Anh vào mùa thu năm 1931 khiến những người cánh tả càng mất lòng tin vào chính phủ. Một cuộc khủng hoảng lòng tin vào chủ nghĩa tư bản xuất hiện và lan rộng trong hàng ngũ trí thức Anh, trong khi những thành tựu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ở Liên Xô cho thấy chủ nghĩa xã hội dường như là lối thoát khả dĩ để nước Anh đi ra khỏi khủng hoảng.

Trong bối cảnh đó, những tư tưởng cánh tả và cộng sản dần dần len lỏi vào các cuộc tụ tập, tranh luận của sinh viên Đại học Cambridge, có một sức hấp dẫn khó cưỡng. Các chàng trai như Kim Philby, G.Burgess và A.Blunt bắt đầu say mê những tư tưởng Marxism. Kim Philby gia nhập Hội xã hội chủ nghĩa Đại học Cambridge trong khi G.Burgess và A.Blunt là thành viên của Apostle, một tổ chức dạng nửa câu lạc bộ ăn trưa, nửa hội kín.

Ba người nhanh chóng kết thân với nhau, bắt đầu một tình bạn lâu dài sẽ còn ảnh hưởng đến lịch sử tình báo thế giới sau này! D.Maclean, một sinh viên Cambridge khác, cũng tham gia vào các buổi thảo luận và không hề giấu diếm cảm tình với chủ nghĩa cộng sản.

Lịch sử của NKVD - tức KGB sau này - cũng như lịch sử Đệ nhị thế chiến và cả nhiều thập niên sau đó hẳn sẽ khác đi nhiều nếu không có sự xuất hiện của một trong những điệp viên vĩ đại nhất trong lịch sử KGB, một người Áo gốc Do Thái tên là Arnold Deutsch. 

Chiến công rực rỡ nhất của điệp viên Arnold Deutsch diễn ra ở Anh, nơi ông được phân công sang hoạt động vào đầu năm 1934. Phát kiến lớn nhất trong sự nghiệp tình báo của Arnold Deutsch dựa trên một ý tưởng thiên tài: Tình báo Liên Xô cần phải tuyển mộ những sinh viên có khuynh hướng chính trị cánh tả nhiệt huyết từ các trường đại học hàng đầu xứ sở Sương mù ngay ở giai đoạn đầu của sự nghiệp, trước khi các sinh viên này có khả năng bước vào những hành lang quyền lực của nước Anh.

Theo logique này, những trường đại học hàng đầu của nước Anh như Cambridge hay Oxford là các mục tiêu lý tưởng nhất để tuyển mộ điệp viên dựa trên ý tưởng của Arnold Deutsch.

Hình thành Bộ Ngũ

Tháng 5-1934, Arnold Deutsch gặp Kim Philby. Cuộc gặp diễn ra tại công viên Regent Park ở London.

Trong cuộc gặp này, Kim Philby đã hoàn toàn bị Arnold Deutsch thuyết phục để tham gia vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít dưới danh nghĩa là thành viên của Quốc tế Cộng sản. Việc tuyển mộ được Kim Philby làm việc cho tình báo Xô Viết đã giúp cho Arnold Deutsch hướng tới hai mục tiêu tiềm năng khác để hình thành mạng lưới tình báo ở Cambridge: D.Maclean và G.Burgess.

Theo chỉ đạo của Arnold Deutsch, Kim Philby gặp D.Maclean và đề nghị D.Maclean làm việc cho NKVD. D.Maclean đồng ý. Cũng như Kim Philby, D.Maclean  phải cắt đứt mọi mối liên hệ, tiếp xúc với các đảng viên cộng sản.

leftcenterrightdel

 Bộ Ngũ (từ trái sang: Arnold Deutsch, Kim  Philby, Donald Maclean, Guy Burgess, Anthony Blunt). Ảnh: The Telegraph 

Vài tháng sau đó, G.Burgess, khi ấy đang ở năm thứ hai trong quá trình chuẩn bị cho một luận án tiến sĩ không bao giờ hoàn thành, trở thành người thứ ba gia nhập đường dây.

Đầu năm 1937, G.Burgess, khi ấy đã là một nhà sản xuất chương trình cho Đài phát thanh BBC, giới thiệu với Arnold Deutsch người bạn thân A.Blunt, cũng là người mà G.Burgess tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Marx. A.Blunt khi ấy là giảng viên tiếng Pháp và là nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật ở Đại học Cambridge. A.Blunt nhanh chóng nhận lời làm việc cho tình báo Liên Xô, vẫn dưới danh nghĩa là cho Quốc tế Cộng sản.

Một trong số những học trò môn văn học Pháp của A.Blunt là J.Cairncross, sinh viên xuất chúng người Scoland. A.Blunt đã gới thiệu cho Arnold Deutsch người học trò này như một ứng cử viên tiềm tàng để tuyển mộ. J.Cairncross đến với chủ nghĩa cộng sản đơn giản bởi vì cho rằng chỉ có những người cộng sản mới đủ sức để đối chọi lại với chủ nghĩa phát xít, khi ấy bắt đầu hoành hành ở châu Âu. Ngày 9-4-1937, J.Cairncross chính thức được tuyển mộ, mang mật danh là Moliere.

Như vậy là chỉ trong một thời gian ngắn, với vai trò cá nhân nổi bật của Arnold Deutsch, tình báo Liên Xô đã móc nối và tuyển mộ thành công một lưới điệp viên gồm 5 thanh niên trí thức đầy nhiệt huyết ở Đại học Cambridge.

Bắt đầu xâm nhập

Người đầu tiên trong Bộ Ngũ thực hiện thành công quá trình xâm nhập vào các cơ quan quyền lực của nước Anh là D.Maclean. Tháng 10-1935, D.Maclean vượt qua kỳ thi tuyển, trở thành nhân viên của Bộ Ngoại giao Anh. Một người khác trong Bộ Ngũ là J.Cairncross, trước khi được tuyển mộ, đã làm đơn xin vào làm việc cho Bộ Ngoại giao Anh và được nhận vào làm việc ở cơ quan này vào tháng 11-1936.

Với hai điệp viên nằm trong Bộ Ngoại giao Anh, gần như ngay lập tức, những chiến quả nhanh chóng đến với cơ quan tình báo Liên Xô. Rất nhiều thông tin tình báo về diễn biến cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha đã qua tay hai người và được chuyển cho NKVD. Trong một vài trường hợp, thông tin do hai người có tầm quan trọng chiến lược và được chuyển thẳng lên J.Stalin.

Một trong số đó là biên bản ghi lại cuộc nói chuyện vào tháng 11-1937 giữa Huân tước Halifax, người ba tháng sau đó thay Eden trở thành Bộ trưởng Ngoại giao Anh, với Quốc trưởng nước Đức A.Hitler. Halifax tuyên bố rằng, Anh coi nước Đức Quốc xã như “một thành trì của phương Tây chống lại chủ nghĩa Bolshevik” và thông cảm với tham vọng của nước Đức muốn mở rộng về phía đông.

Vào khoảng giữa năm 1936, G.Burgess có một thời gian ngắn làm cho tờ The Times nhưng đến tháng 10-1936 thì vào làm cho BBC với tư cách người sản xuất chương trình, thực hiện các cuộc phỏng vấn, đối thoại trên sóng phát thanh. G.Burgess làm việc ở BBC trong 3 năm rồi chuyển sang làm ở Ban tin của Bộ Ngoại giao Anh. Quá trình xâm nhập của G.Burgess vào Bộ Ngoại giao diễn ra khá suôn sẻ.

Kim Philby, trái lại, khá lận đận trên con đường sự nghiệp cũng như thực hiện lộ trình xâm nhập vào các thiết chế quyền lực của nước Anh. Kim chỉ đạt được một thành công nhỏ khi kiếm được chân phóng viên cho tờ nguyệt san Review of Reviews, đồng thời trở thành thành viên của Hội hữu nghị Anh-Đức, tổ chức mà Thủ tướng Anh Churchill mô tả như là “Lữ đoàn xưng tụng Hitler”. Ở những vị trí đó, khả năng thu thập tin tức của Kim Philby hầu như không có gì đáng kể.

Cuộc nội chiến nổ ra ở Tây Ban Nha đã tạo nên bước ngoặt trong sự nghiệp tình báo của Kim Philby. Cầm một bức thư giới thiệu của tờ Review of Reviews, Philby tới Tây Ban Nha vào tháng 2-1937 với tư cách một phóng viên tự do. Ít tuần lễ sau khi Kim Philby rời London, Trung tâm tình báo Liên Xô tại Anh nhận được một mật lệnh mà không nghi ngờ gì nữa, do đích thân J.Stalin phê chuẩn. Bức mật lệnh này giao nhiệm vụ cho Kim Philby phải ám sát tướng Franco, người đứng đầu các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc ở Tây Ban Nha.

Người phụ trách tình báo của Liên Xô ở Anh là T.Mali chuyển mật lệnh cho Kim Philby, nhưng đồng thời cũng báo cáo về Trung tâm Moscow rằng ông không tin Kim Philby có thể hoàn thành được sứ mệnh khó khăn đó. Quả nhiên, đến tháng 5-1937, Kim Philby quay về London trong tâm trạng thất vọng não nề vì không có cách nào để tiếp cận được Franco.

Tuy nhiên, Kim Philby lại gặp may. Tờ The Times nhận Kim là một trong số hai phóng viên của tờ báo này tham gia đưa tin về hoạt động của các lực lượng quốc gia cực hữu trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Đến cuối năm 1937, một tai nạn tình cờ biến Kim Philby thành anh hùng. Chiếc xe chở ba phóng viên, trong đó có Kim Philby, khi di chuyển bị trúng một quả đạn pháo. Kim Philby bị thương nhẹ ở đầu và được đưa tới bệnh viện để cấp cứu. Vết thương đã giúp cho Kim Philby cả về tư cách phóng viên lẫn sự nghiệp tình báo. Lần đầu tiên, Kim Philby được gặp mặt Franco. Ngày 2-3-1938, đích thân nhà độc tài tương lai Franco đã gắn lên ngực Kim Philby Huân chương Chữ thập của quân đội.

Các hoạt động trước Thế chiến II

Trong những ngày phấp phỏng trước khi nổ ra Đệ nhị thế chiến, các thành viên Bộ Ngũ tiếp tục leo cao chui sâu vào các thiết chế quyền lực của nước Anh, đồng thời tiến hành các hoạt động bí mật, cung cấp những tin tức nhiều khi mang tính chiến lược cho tình báo Liên Sô.

Tháng 9-1938, D.Maclean được cử tới Paris với chân Bí thư thứ ba Đại sứ quán Anh tại đây. Những tài liệu mật của sứ quán được D.Maclean chụp lại rồi đưa cho một nữ điệp viên của Liên Xô có mật danh Norma (sau đổi thành Ada).

Sau khi D.Maclean tới sứ quán Anh tại Paris, J.Cairncross được coi như nguồn tin kế nhiệm cho tình báo Liên Xô trong Bộ Ngoại giao Anh. Đúng vào thời gian này đã diễn ra cuộc khủng hoảng Munich, khi cả Anh và Pháp ký thỏa hiệp nhường phần lãnh thổ Sudetten ở Tiệp Khắc cho nước Đức Quốc xã.

Trong thời gian diễn ra khủng hoảng Munich từ tháng 5 đến tháng 9-1938, J.Cairncross đã tiếp xúc với những tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Anh, được G.Burgess mô tả là “những thông tin giá trị nhất” về chính sách của Anh trong thời gian đó về đòi hỏi của Hitler đối với Tiệp Khắc. Những tài liệu này phối kiểm với thông tin mà D.Maclean có từ sứ quán Anh tại Paris và khi được chuyển về Trung tâm ở Moscow, đã giúp cho giới lãnh đạo Liên Xô nắm chắc được ý đồ cũng như đường hướng thỏa hiệp của hai nước Anh-Pháp đối với chính sách của nước Đức Quốc xã ở châu Âu.

G.Burgess, sau một thời gian làm việc ở BBC rồi sau đấy ở Bộ Ngoại giao Anh, đã thiết lập được một mạng lưới quan hệ bạn bè rộng rãi, trong đó đặc biệt có những nhân vật trong các cơ quan điệp báo Anh. Cuối cùng thì G.Burgess cũng đạt được mục đích: Thoạt đầu được tuyển mộ như một điệp viên thử nghề, rồi đến tháng 1-1939, chính thức ký hợp đồng ngắn hạn, làm việc tại Phòng D - bộ phận tuyên truyền và lật đổ của Cục Tình báo MI6 Anh. G.Burgess là điệp viên đầu tiên trong Bộ Ngũ xâm nhập được vào bộ máy tình báo Anh.

Về phần A.Blunt, sau thời gian học ở Cambridge và trở thành một giảng viên nghệ thuật, ngay thời gian trước khi chiến tranh nổ ra, đã tình nguyện nhập ngũ và được phân về bộ phận quân cảnh của quân đội Anh. Sau một thời gian huấn luyện, A.Blunt được điều sang Pháp. Trong thời gian ở đây, A.Blunt dành nhiều thời gian viết thư cho những bạn bè mình ở London, đề nghị họ giúp đỡ để kiếm một công việc tại cơ quan phản gián MI5 hoặc tình báo MI6. G.Burgess nhanh chóng nhập cuộc, giới thiệu A.Blunt với những mối quan hệ quen biết của mình trong giới tình báo, đồng thời khuyến khích A.Blunt hãy kiên nhẫn chờ cơ hội. Cuối cùng thì cơ hội cũng tới. Vào tuần thứ ba trong tháng 5-1940, A.Blunt rời khỏi Boulogne ngay trước khi cảng này rơi vào tay phát xít Đức. Trở về Anh, đến tháng 8 năm đó, Blunt được nhận vào làm việc trong cơ quan phản gián MI5.

Như vậy là trong số 5 thành viên của Bộ Ngũ đã có 2 điệp viên là G.Burgess và A.Blunt xâm nhập thành công vào các cơ quan tình báo và phản gián Anh. Đến lượt mình, các điệp viên này tiếp tục giúp đỡ những người khác thực hiện yêu cầu của Moscow. Lần này, người được giúp đỡ là Kim Philby.

Trong vai trò của một phóng viên chiến trường của tờ The Times, rõ ràng Kim Philby không giúp được gì nhiều cho tình báo Xô Viết. Yêu cầu của Trung tâm Moscow là Kim phải tìm cách lọt được vào Trường mật mã của Chính phủ Anh tại Bletchley Park, nơi tập trung các chuyên viên hàng đầu của Anh chuyên bẻ khóa mật mã của Đức. Tuy nhiên, đơn xin vào làm việc ở đây của Kim Philby bị từ chối, chủ yếu vì người đỡ đầu cho Kim ở trường này cảm thấy lương trả cho Kim quá thấp! Tháng 7-1940, Kim Philby nhận được giấy đi khám sức khỏe, chờ lệnh gọi nhập ngũ có thể đến bất cứ lúc nào. Đến lúc này, G.Burgess bắt đầu ra tay.

Một hôm, Kim Philby nhận được cú điện thoại của Đại úy Leslie Sheridan từ Bộ Chiến tranh, hỏi liệu có quan tâm tới một “công việc liên quan đến chiến tranh” hay không? Cuộc hẹn được tổ chức và Kim Philby thấy mình ở trong một căn phòng của khách sạn St.Ermin, gần nhà ga St James’s Park, ngay sát tổng hành dinh của Cơ quan Tình báo Anh MI6. Tiếp Kim là một người phụ nữ đứng tuổi tự giới thiệu tên là Marjorie Maxse. Trải qua hai cuộc sát hạch, Kim Philby chính thức gia nhập cơ quan tình báo Anh MI6, làm giảng viên chính trị trong trường đào tạo điệp viên Anh trước khi những người này được tung đi hoạt động ở châu Âu.

Điệp viên thứ ba trong Bộ Ngũ đã lọt được vào đế chế bí mật của nước Anh.

YÊN BA (tổng hợp)