Diệt dốt cũng như diệt giặc
Theo sắc lệnh, việc học chữ Quốc ngữ bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ. Và chỉ sau một năm triển khai Phong trào BDHV, toàn dân làm cách mạng văn hóa, quyết tâm xóa tan dấu vết của một thời nô lệ, ngu dân, đã có 2.520.678 người thoát nạn mù chữ (dân số nước ta lúc bấy giờ là 22 triệu người).
Thật là một kỳ tích có một không hai về xã hội hóa học tập trong lịch sử giáo dục. Đọc những dòng của nha học chính Đông Pháp ghi năm 1938: “95% dân chúng Việt Nam không biết một thứ chữ gì”, người dân Việt Nam mới thấm thía lời nói của Bác Hồ: “Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta...”. Người còn chỉ ra rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”.
Đầu tháng 10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi "Chống nạn thất học". Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, mọi người dân đều hăng hái tích cực tham gia Phong trào BDHV. Lớp học được tổ chức khắp nơi, học trưa, học chiều, học tối. Có lớp học từ 4 giờ sáng cho ngư dân, lớp cho các đơn vị công an, cảnh vệ, bộ đội, lớp học cho tăng ni, phật tử, lớp học cho phạm nhân ở Hỏa Lò... Khó khăn nhất là vấn đề giáo viên. Nhưng, những nỗ lực phi thường, những việc làm có một không hai có sự đóng góp tuyệt vời của đội ngũ giáo viên. Những người này được Bác Hồ tặng danh hiệu là những “Chiến sĩ diệt dốt”, là “Đội tiên phong trong sự nghiệp tiêu trừ giặc dốt”.
Chính nhờ biết đọc, biết viết mà hàng triệu đồng bào ta đã tự mình viết được lá phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ ngày 19-12-1946, Phong trào BDHV tưởng chừng tan vỡ... Nhưng, khi lên Chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ vẫn không quên lãnh đạo toàn dân tiếp tục chiến đấu chống giặc dốt. Người viết: “Dốt nát cũng là kẻ địch. Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm. Địch dốt nát tấn công ta về tinh thần, cũng như địch thực dân tấn công ta bằng vũ lực" (Thư gửi toàn thể bộ đội Khu II và Khu III, năm 1948).
Thế là Phong trào BDHV tiếp nối kinh nghiệm quý báu trong năm đầu hoạt động. Các lớp học đi theo đồng bào tản cư kháng chiến, đi theo các đoàn dân công tiếp vận, theo giao liên, bên bếp lửa nhà sàn. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, quân dân ta về tiếp quản Thủ đô năm 1954. Tổng kết kế hoạch 3 năm (1956-1958) về Phong trào BDHV, kết quả, nhân dân miền Bắc đã xóa xong nạn mù chữ, được cấp giấy chứng nhận. Thủ đô Hà Nội mở đại hội mừng công, Bác thay mặt Đảng và Nhà nước, giao cho Thủ đô nhiệm vụ tiếp tục thực hiện bổ túc văn hóa. Bác thân mật phân tích: “Thủ đô đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ xóa mù chữ, nhưng căn bản nghĩa là chưa hoàn toàn, vậy phải làm nốt cho xong hoàn toàn, ví dụ như người muốn đi xa, cần đi bằng ô tô hay tàu hỏa, thì phải ra hẳn ga. Mà nói mới căn bản đến nhà ga nghĩa là chưa đến ga. Chưa đến nhà ga thì không thể lên tàu để đi xa được. Cho nên phải làm nốt việc xóa mù chữ rồi tiến lên bổ túc văn hóa cho mọi người. Bổ túc văn hóa phải có nội dung thiết thực, có ích cho người học, có ích vừa về mặt văn hóa, vừa cả về mặt sản xuất và công tác".
    |
 |
Phụ nữ Hà Nội tích cực học chữ để viết được tên mình tại lớp bình dân học vụ năm 1945. Ảnh tư liệu
|
Lời dạy ân cần của Bác lại dấy lên phong trào học tập mới, vừa diệt nốt nạn mù chữ, vừa tiến lên bổ túc văn hóa một cách rầm rộ. Các trường bổ túc công nông, phổ thông lao động tập trung và tại chức được tổ chức khắp các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, các lớp học vào buổi tối thứ hai và thứ năm hằng tuần cũng được tổ chức khắp nơi. Chính vì được chứng kiến cảnh học tập có một không hai đó trong những ngày khói lửa chiến tranh chống ngoại xâm mà bạn bè quốc tế tới thăm Việt Nam thời điểm đó, hầu hết đều muốn đi thăm các lớp học xóa mù chữ và bổ túc văn hóa ở Hà Nội. Chị Sarlos Polin-một nhà báo Mỹ đã đi nhiều nơi, nhiều nước, nhưng khi đến Hà Nội, thăm Văn Miếu, dự các lớp học của công nhân, cán bộ, đã ghi lại cảm tưởng rằng: “Nhân dân Việt Nam hiếu học hơn bất cứ một dân tộc nào khác trên Trái Đất"...
Thành tựu mà Phong trào BDHV, bổ túc văn hóa đem lại cho dân tộc ta thật lớn lao, như Quốc hội khóa II từng đánh giá: “... Cũng như thành tích chống giặc ngoại xâm và thành tích chống giặc đói, thành tích BDHV chống giặc dốt rất là vĩ đại...”.
Từ bình dân học vụ đến nông thôn mới
Nhìn lại 76 năm qua, giá trị của Phong trào BDHV, bổ túc văn hóa vẫn tiếp tục lan tỏa trong thời đại ngày nay. Phong trào BDHV do Bác Hồ phát động mang lại ý nghĩa vô cùng to lớn đối với đất nước nói chung và với người nông dân nói riêng. Có thể nói, người nông dân được đổi đời chính là nhờ quá trình thực hiện thành công công tác BDHV, dù phải vượt qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến vô cùng gian nan. Đến nay, nước ta đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học. Đa số nông dân đã biết đọc, biết viết, trình độ ngày càng được nâng lên. Nhờ có kiến thức, trình độ nhận thức tốt mà người nông dân dám nghĩ, dám làm, được tự do suy nghĩ trong hành động, quyết tâm mang số vốn sẵn có đầu tư phát triển và đẩy nền kinh tế nông nghiệp vốn lạc hậu trở thành một nền nông nghiệp tiên tiến.
    |
 |
Bộ đội vừa hành quân vừa học chữ cái dán sau ba lô của người đi trước trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh tư liệu
|
Có thể nói, thành công của phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) là kết quả của việc người nông dân dám nghĩ, dám làm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Từng bước một, họ đã áp dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp. Từ chỗ manh mún trong sản xuất, người nông dân đã biết góp lại đồng ruộng thành những mẫu sản xuất lớn từng bước đưa nông nghiệp trở thành ngành kinh tế sản xuất hàng hóa. Họ dám phá bỏ những cây lạc hậu để trồng những cây mới đem lại hiệu quả tốt. Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo đảm an ninh trật tự và thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Trong từng hộ sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm ở nhiều nơi đã có cam kết bảo đảm an toàn chất lượng, bảo vệ môi trường.
Đến nay, nhiều địa phương ở nước ta xây dựng được những thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng như: Bưởi Năm Roi, thanh long, nho Ninh Thuận, gạo ST25, gạo Sóc Trăng, gạo tám Hải Hậu (Nam Định), gạo nếp Tú Lệ (Yên Bái), dứa Đồng Giao (Ninh Bình), chuối Lào Cai, dưa chuột bao tử Tiên Lãng (Hải Phòng), xoài Cát Chu (Cao Lãnh, Đồng Tháp), gà mía Sơn Tây (Hà Nội), gà Đông Tảo, gà Mạnh Hoạch (Hưng Yên)...
Rõ ràng là nhờ BDHV, công cuộc xóa mù chữ, các lớp học bổ túc văn hóa, trình độ được nâng cao mà nông dân Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong nhận thức, hành động, tạo nên chuyển biến tích cực trong việc xây dựng NTM, một nhân tố góp phần rất quan trọng trong việc giải quyết an sinh xã hội của đất nước. Nhiều người ví BDHV như cái cây và cái cây BDHV vĩ đại ấy đang ra hoa thơm, quả ngọt trên mọi mặt của cuộc sống trong toàn thể xã hội chúng ta. Vì vậy, ngành giáo dục và các cơ quan chức năng cần tổ chức cuộc tổng kết rộng rãi về Phong trào BDHV do Bác Hồ khởi xướng, rút ra những bài học kinh nghiệm, mô hình hay để vận dụng trong việc xây dựng xã hội học tập ở từng ngành, địa phương của nước ta, học tập những điều thiết thực nhất với người dân, kiến thức, kỹ thuật mới xây dựng đất nước trong thời đại mới.
NGUYỄN THÌN XUÂN