Những sân trường vắng bóng học sinh. Sẽ không có cảnh tưng bừng cờ hoa của các em trên đường phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác trong ngày hội đến trường. Những cô bé, cậu bé lớp 1 sẽ không phải rơi nước mắt bỡ ngỡ trong ngày đầu tiên đi học... Các thầy giáo, cô giáo và học sinh ở nhiều tỉnh, thành phố hai đầu đất nước cùng chào mừng năm học mới qua màn hình ti vi và máy vi tính.
Một năm học mới đến khi nhiều trường tiểu học vừa mới tổng kết năm học cũ cách đây vài ngày. Thầy cô và học sinh ở vùng tâm dịch vẫn đang phải đối phó từng ngày với những biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2. Cũng như mọi ngành khác trong xã hội, toàn ngành giáo dục đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Hàng triệu học sinh từ mầm non đến THPT phải chịu rất nhiều thiệt thòi khi tạm dừng đến trường. Những hoạt động giáo dục ngoại khóa, kỹ năng mềm, giao lưu văn nghệ, thể thao... cũng đành phải tạm ngừng cho dù lứa tuổi các em đang cần phát triển năng lực, giáo dục thể chất...
“Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Lời nhắn gửi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp năm học mới năm 1968 thật giá trị và ý nghĩa với toàn ngành giáo dục trong thời điểm hiện nay. Nhìn lại năm học vừa qua, dịch bệnh bùng phát ở nhiều địa phương, việc học trực tiếp bị gián đoạn, ngành giáo dục đã nỗ lực khắc phục muôn vàn khó khăn để duy trì hoạt động giáo dục.
Với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, các nhà trường đã chủ động, linh hoạt triển khai các biện pháp thích ứng với tình hình diễn biến của dịch bệnh: Nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học trực tuyến, điều chỉnh hình thức kiểm tra, đánh giá cuối năm để hoàn thành mục tiêu kép, vừa bảo đảm chống dịch an toàn, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại nhiều địa phương được tổ chức nghiêm túc, an toàn, nhân văn, bảo đảm đúng quy định giãn cách chống dịch, được dư luận đánh giá cao. Những học sinh không thể dự thi do Covid-19 được xét đặc cách tốt nghiệp theo quy định.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, học sinh Việt Nam vẫn tham dự và đạt được thứ hạng cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế tổ chức trực tuyến có sự giám sát trực tiếp của các nước. Theo báo cáo tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2021, Việt Nam có 37 học sinh dự thi Olympic quốc tế các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Khoa học thì 35 em đoạt huy chương (12 huy chương vàng, 13 huy chương bạc, 10 huy chương đồng và 2 bằng khen). Trong đó, môn Vật lý có 3/5 em đoạt huy chương vàng, môn Hóa học có 3/4 em đoạt huy chương vàng...
Bên cạnh thành tích đỉnh cao, còn rất nhiều học sinh ở các vùng có dịch, nông thôn, miền núi, có hoàn cảnh khó khăn đạt thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Điều này chứng tỏ dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, học sinh nước ta đều phát huy truyền thống hiếu học, vượt khó vươn lên, hội nhập quốc tế. Giáo dục Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế, như cải thiện vị trí xếp hạng các trường đại học trong các bảng xếp hạng quốc tế, thành tích qua các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực hằng năm, thể hiện được trí tuệ và sức sáng tạo của người Việt Nam.
Bước sang năm học mới, khi nào các em sẽ được trở lại trường học bình thường? Và thời gian biểu năm nay có được diễn ra theo kế hoạch dự kiến? Thật khó có thể trả lời chính xác những câu hỏi ấy, bởi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường. Để bảo đảm an toàn cho hàng triệu học sinh và giáo viên trong vùng dịch, việc dạy và học trực tuyến vẫn là phương án tối ưu. Hơn lúc nào hết, các nhà trường cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt, sâu sát với từng diễn biến cụ thể của địa phương mình để điều chỉnh hoạt động giáo dục cho phù hợp.
Theo các chuyên gia giáo dục thì bên cạnh những khó khăn, nguy hiểm, đại dịch Covid-19 cũng đang tạo ra cơ hội để ngành giáo dục cùng cả nước đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, cùng các ngành khác thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia. Vì vậy, các chuyên gia tin học, các thầy giáo, cô giáo cần tận dụng các thiết bị công nghệ hiện đại để giảm tác hại của dịch bệnh đối với hoạt động giáo dục, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, thiết kế bài giảng hấp dẫn, tạo hứng thú học tập cho học sinh. Có thể kết hợp việc dạy và tổ chức trò chơi tăng sự tương tác, giảm bớt căng thẳng trong các giờ học trực tuyến...
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 cuối tuần vừa qua, một trong những vấn đề được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý toàn ngành giáo dục là: “Cần có giải pháp tổng thể giảm bệnh thành tích trong giáo dục để đạt mục tiêu “học thật, thi thật, nhân tài thật”, “học gắn với hành”... Có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng “học dễ thi khó”, “học một đằng thi một nẻo”...
Thủ tướng cũng yêu cầu người đứng đầu ngành giáo dục và tập thể lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ động, sáng tạo và quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo điều hành, tiếp tục đổi mới toàn diện tư duy giáo dục; khắc phục bằng được bệnh phô trương, thành tích để đi vào thực chất; lấy hiệu quả và sự hài lòng của người dân làm thước đo, lấy học trò làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, thầy cô làm động lực, là người truyền cảm hứng cho học sinh...
Với sự chủ động, sáng tạo, tâm huyết của các nhà giáo cùng sự phối hợp hỗ trợ của các phụ huynh học sinh, chúng ta tin rằng, ngành giáo dục sẽ sớm vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học để không ai bị bỏ lại phía sau, không trẻ em nào bị thất học...
TUỆ PHÚC ANH