Tại cuộc hội thảo do Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam tổ chức mới đây, các nhà khoa học tâm lý-giáo dục đã thẳng thắn nhìn nhận “bệnh thành tích” trong giáo dục xảy ra phổ biến sẽ là mối nguy hại ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Họ cũng đưa ra một số giải pháp nhằm chống lại sự giả dối, hướng tới một nền giáo dục thực chất. Chúng tôi đã ghi lại một số ý kiến tại cuộc hội thảo này.

GS, TS NGUYỄN NGỌC PHÚ, Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam: Những hiện tượng tốt... bất thường

leftcenterrightdel
GS, TS Nguyễn Ngọc Phú.

Nhiều năm nay, có một hiện tượng bất thường là phần lớn các trường phổ thông đều công bố trước dư luận kết quả rất tốt, có trường 98% học sinh đạt danh hiệu “học sinh giỏi”, thậm chí có trường đạt 100%. Tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm tốt, khá đều cao ngất ngưỡng. Nếu có lỗi từ phía lãnh đạo nhà trường hoặc từ giáo viên, học sinh, họ thống nhất với nhau không báo cáo với cấp trên, để nhắc nhở, xử lý nội bộ... Tất cả những hiện tượng đó cũng chỉ vì giữ thành tích của trường không bị sụt giảm, bị trừ điểm thi đua... Nếu bị trừ điểm thi đua không được xếp vào trường tiên tiến thì giáo viên sẽ mất điểm thi đua, sẽ bị trừ tiền thưởng, trường sẽ mất danh hiệu đã có... Các kiểu hành vì “tự lừa dối” lẫn nhau như thế cứ tự nhiên diễn ra, thực chất đó là một căn bệnh của xã hội-“bệnh thành tích”.

Nhìn dưới góc độ tâm lý học, cái gọi là “bệnh thành tích” trong giáo dục chính là các hoạt động, hành động không trung thực trong báo cáo về kết quả giáo dục và đào tạo, tạo dựng thành tích không có thực, thổi phổng phô trương các kết quả công việc mình làm, giấu giếm các lỗi lầm trong hoạt động giáo dục và đào tạo của đơn vị do mình phụ trách.... Thực tế các hành vi này cũng nhằm đạt được mục đích cá nhân nào đó. Điều căn bản để hạn chế dần dần đi đến xóa bỏ “bệnh thành tích” trong giáo dục và đào tạo là phải tác động rất mạnh vào tư tưởng đạo đức, trách nhiệm xã hội của các thầy cô giáo-những người thừa hành hành vi trong giáo dục. Ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại để ngăn chặn, đồng thời tăng cường các quy định, quy chế luật pháp tỉ mỉ, cụ thể phù hợp với tiến bộ xã hội. Đồng thời, các hành vi gian lận, lừa dối ở mức tội phạm cần phải sớm được truy tố để làm gương cho các đối tượng khác trong xã hội.

Đại tá, PGS, TS DƯƠNG QUANG HIỂN, Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự: Kiên quyết “nói không với bệnh thành tích trong giáo dục”

leftcenterrightdel
Đại tá, PGS,TS Dương Quang Hiển

Những biểu hiện của "bệnh thành tích" trong giáo dục có các nhóm, như: Kết quả học tập của học sinh, sinh viên; thi giáo viên dạy giỏi; thi đại trà văn bằng, chứng chỉ của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; về dạy thêm, học thêm tràn lan... Cụ thể là thiếu trung thực trong học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, thi và kiểm tra, đánh giá xếp loại; nể nang, thiếu dân chủ trong bình chọn, xếp loại thi đua, khen thưởng; cào bằng dễ dãi trong suy tôn, che giấu hạn chế, yếu kém trong giáo dục... Ngoài ra, có nơi còn áp đặt chỉ tiêu quá cao so với khả năng thực tế, tổ chức trao thưởng phô trương, hình thức, lãng phí làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, uy tín của ngành và sự công bằng trong giáo dục...

Để tháo gỡ “bệnh thành tích” trong giáo dục, cần phải thay đổi tư duy của ngành giáo dục, thay đổi cơ chế quản lý của ngành. Mạnh dạn phân cấp, phân quyền và làm tốt công tác quản lý nhà nước về giáo dục-đào tạo. Phải kiên quyết thực hiện Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Các nhà trường, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cần nhìn thẳng vào sự thật để thấy bức tranh của bệnh thành tích; tổ chức các phong trào thi đua sao cho thực chất, thiết thực coi trọng giáo dục văn hóa, pháp luật, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên... Hoàn thiện, sửa đổi quy chế, quy định, chế độ chính sách của giáo viên cho phù hợp với tình hình mới. Cắt giảm các cuộc thi không thật thiết thực, trong đó có sửa đổi điều lệ Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên, bảo đảm trung thực dân chủ, công bằng, khách quan, tránh các cuộc thi mang tính “trình diễn”...

Trung tá NGUYỄN VĂN HÙNG, Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự: Thay đổi tâm lý trọng bằng cấp

leftcenterrightdel
Trung tá Nguyễn Văn Hùng

Không ít cá nhân, cơ quan, đơn vị trong xã hội ngày nay còn mang nặng tư tưởng coi trọng bằng cấp hơn năng lực thật cũng là nguyên nhân dẫn đến “bệnh thành tích”. Vì tấm bằng, người học có thể làm mọi cách để chạy điểm, nâng điểm sao cho đạt được mục đích. Phần nhiều học sinh, sinh viên phải tính toán làm sao học xong ra trường có việc làm. Chính thực tế đó đã tạo nên một phản ứng dây chuyền của số đông người đi học là để qua được, đỗ được, tốt nghiệp và cuối cùng có được tấm bằng. Bằng càng cao càng tốt, càng nhiều bằng càng hay… Việc tuyển dụng giáo viên, thi công chức, viên chức ngay trong ngành giáo dục cũng có biểu hiện trọng bằng cấp, nặng tính hình thức chưa đi vào thực tiễn dẫn đến tình trạng mua bán, chạy văn bằng, chứng chỉ để làm đẹp hồ sơ...

Nếu xã hội chuộng bằng cấp, vận hành với nhiều yếu tố tiêu cực từ câu chuyện tuyển dụng, tới việc đi làm thì việc chạy trường, chạy lớp, thi cử, chạy lấy thành tích đương nhiên còn tồn tại. Vì trọng bằng cấp nên dẫn đến thực trạng có người có bằng thật nhưng chất lượng thấp và được bước vào vị trí quan trọng mà bản thân không xứng đáng. Đồng thời tước đi nhiều cơ hội được khẳng định của những người tuy không có bằng cấp nhưng lại có khả năng. Khi xã hội lấy điểm số để đánh giá năng lực của một cá nhân, lấy bằng cấp để đo lường sự thành công của mỗi con người thì “căn bệnh thành tích” với những hệ lụy đáng gờm vẫn tồn tại trong từng gia đình, mỗi nhà trường.

Phòng, chống “bệnh thành tích” trong giáo dục không thể dừng lại ở sự hô hào chung chung, mà phải tiến hành đồng bộ các giải pháp từ cơ chế, quan niệm, chính sách… về giáo dục. Không chỉ riêng ngành giáo dục tiến hành mà cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Sự phát triển của đất nước có cường thịnh hay không một phần lớn tùy thuộc vào việc nền giáo dục có sản sinh ra những nhân tài thực học hay không. Vì thế, trên tiến trình hội nhập, “bệnh thành tích” trong giáo dục phải được xóa bỏ.

TS NGUYỄN TÙNG LÂM, Chủ tịch Hội Tâm lý-Giáo dục Hà Nội: Tích cực xây dựng văn hóa trường học

leftcenterrightdel
TS Nguyễn Tùng Lâm

Trong quản lý nói chung và giáo dục nói riêng, việc tạo động lực chính đáng cho người học và người dạy rất quan trọng. Hiện nay, chúng ta đang nỗ lực tìm cách thực hiện tốt việc này nhưng nếu cứ sống chung với “bệnh thành tích” trong giáo dục thì quả thật là nguy hiểm. Vì chạy theo thành tích, đẩy sĩ số học sinh lên lớp 100% mà có những học sinh lớp 5, lớp 6 vẫn chưa biết đọc, biết viết. Trường chuẩn quốc gia là để chuẩn hóa công tác giáo dục của các nhà trường, nhưng vì chạy theo thành tích nên có hiện tượng cho các trường nợ tiêu chí... Sản phẩm giáo dục là nhân cách con người. Năng lực, phẩm chất của những người tham gia đào tạo và những người được đào tạo phải được tiến hành chuẩn xác nhất, hạn chế những sai sót. Sự đánh giá không trung thực để chạy theo thành tích dẫn đến sai lạc, dối trá là một mối nguy cho chất lượng giáo dục, tạo ra hình mẫu nhân cách giả dối, vụ lợi trong quá trình đào tạo, chắc chắn nguồn nhân lực tương lai của đất nước sẽ có nhiều tì vết.

Để bệnh thành tích trong giáo dục được giải quyết một cách triệt để, cần phải mạnh dạn trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục-đào tạo, và cán bộ quản lý các cấp. Mỗi cơ sở giáo dục-đào tạo phải được “tự chủ, dân chủ, nhân văn” trong mọi hoạt động giáo dục của mình. Nếu người chỉ đạo quản lý không có thực quyền, không dám chịu trách nhiệm, không được chủ động sáng tạo, còn phải chạy theo cấp trên, chiều theo ý cấp trên thì sẽ không thể dứt bỏ được “bệnh thành tích”. Trong phong trào thi đua yêu nước, cần thay đổi tiêu chuẩn thi đua đánh giá theo quy chuẩn tuyển chọn người tài, người có thật sự đóng góp cho nhân dân, cho đất nước. Danh hiệu cá nhân phải được bình chọn xem xét từ kết quả thực tế cống hiến đóng góp của mỗi người, hạn chế tối đa những danh hiệu, cờ thi đua các cấp cho các tập thể một cách hình thức, không thực chất như hiện nay. Đặc biệt, để mọi phong trào thi đua đi vào thực chất, thì cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh mỗi nhà trường phải tích cực xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học. Mọi hoạt động đều vì chất lượng giáo dục và văn hóa học đường, giáo dục mới phát triển bền vững. Muốn chống “bệnh thành tích” trong giáo dục còn phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu nhà trường. Nếu mỗi cơ sở giáo dục đều thực hiện tốt quy tắc ứng xử văn hóa sẽ góp phần phòng, chống “bệnh thành tích” trong giáo dục.

MINH THÀNH (lược ghi)