Tiện ích của khóa học trực tuyến
Gần đây, sinh viên Việt Nam đã không còn xa lạ với các khóa học trực tuyến mở đại chúng chất lượng cao trên một số website như: Kiến Học (kienhoc.vn), Edumail (edumail.vn), Kyna (kyna.vn)… Tư liệu của Kiến Học lấy từ thư viện mở của các trường đại học hàng đầu trên thế giới được Việt hóa, biên tập lại bởi các chuyên gia trong ngành và những bài giảng chất lượng cao bằng tiếng Việt của những giảng viên đại học giàu kinh nghiệm trong nước để cung cấp cho người học. Edumail, Kyna thì thiết kế nhiều khóa học online với những nội dung rất thiết thực, như: Kỹ thuật quản trị an ninh, Quản trị marketing, Nền tảng tiếng Anh cho người mới bắt đầu, Lập trình android, Sử dụng photoshop, Thiết kế, đồ họa và video, Kỹ năng thuyết trình và nói trước công chúng, Guitar cơ bản, Nuôi dạy con… Hình thức đào tạo trực tuyến như vậy đang ngày càng trở nên phổ biến và đã được áp dụng tại nhiều trường đại học lớn ở Việt Nam.
|
|
Giao diện trực tuyến "Nền tảng tiếng Anh cho người mới bắt đầu" của Edumail |
Mặc dù khái niệm triết lý về giáo dục mở vẫn đang được các nhà khoa học giáo dục nghiên cứu để đi đến sự thống nhất song thực tế, các hình thức hoạt động của giáo dục mở đã tồn tại và có xu hướng phát triển ở nước ta trong mấy năm gần đây. Với bậc phổ thông, sự ra đời của trang mạng giáo dục “Trường học kết nối” (truonghocketnoi.edu.vn) do Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện năm 2014 đã tạo ra một môi trường mở để nhà giáo, cán bộ quản lý, nhà nghiên cứu, phụ huynh và học sinh chia sẻ trao đổi, thảo luận, học tập và đề xuất các sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy, quản lý, đánh giá… Nhiều lớp học mở được xây dựng trên hệ thống các đài phát thanh-truyền hình tạo ra cơ hội học tập rất thuận lợi cho mọi người, mọi lứa tuổi… Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên học liệu mở cũng được hình thành như: Mạng giáo dục (Edunet) do Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thực hiện là một kho tài nguyên phong phú về e-learning, giáo án, đề thi, giáo trình điện tử ở các trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ mà ai cũng có thể truy cập, tải về; dự án Học liệu mở Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quỹ Giáo dục Việt Nam-Hoa Kỳ phối hợp với một số đơn vị khác thực hiện có sự tham gia của hàng chục trường đại học xây dựng hệ thống môn học mẫu chất lượng cao (bằng tiếng Anh và chú thích bằng tiếng Việt), chuyển đổi kho dữ liệu và đóng góp hàng trăm giáo trình điện tử phục vụ công tác đào tạo giáo dục đại học trong nước…
Có thể nói, các khóa học trực tuyến, trường học, lớp học, kho tài liệu học tập mở… nói trên chính là những hình thức hoạt động của giáo dục mở. Các hình thức này đã đem lại rất nhiều tiện ích, đáp ứng nhu cầu học tập linh hoạt, dễ tiếp cận cho người học từ không gian, thời gian đến kiến thức mà chi phí lại rất thấp, thậm chí nhiều khóa học hoàn toàn miễn phí. Theo GS, TSKH Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình, người ta gọi các khóa học trực tuyến mở đại chúng (MOOC) này là khóa học “đồ sộ” bởi vì có thể mở cửa cho hàng trăm (thậm chí là hàng nghìn) sinh viên cùng tham gia vào một khóa học cụ thể-điều mà các cơ sở giáo dục truyền thống khó cho phép.
Được biết, trên thế giới hiện nay, số cơ sở cung cấp, số khóa học và số người theo học MOOC đều tăng lên nhanh chóng, làm thay đổi mạnh mẽ bức tranh giáo dục đại học. Đánh giá tác động tích cực của MOOC đối với xã hội, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hình thức này mở ra cơ hội để mọi người có thể đến với giáo dục có chất lượng, mọi lúc, mọi nơi, đem lại công bằng xã hội trong giáo dục. Đồng thời, MOOC có thể giúp khắc phục những thiếu hụt về kỹ năng mà sinh viên ra trường thường mắc phải khi bước vào thị trường lao động; giảm chi tiêu giáo dục, tăng lợi suất cá nhân cũng như lợi suất xã hội trong giáo dục và vì vậy, góp phần quan trọng vào việc phát triển giáo dục đại học ở các nước đang phát triển.
Xóa rào cản để “ai cũng được học hành”
Thực ra không phải bây giờ giáo dục mở mới được nhắc đến mà từ khi nước ta vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân quyết tâm “Diệt giặc dốt” với phong trào “bình dân học vụ”, xóa bỏ nền giáo dục cũ và thay thế bằng nền giáo dục mở để “ai cũng được học hành”… Hàng chục năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương tiến hành rất nhiều cuộc cải cách giáo dục để phát triển sự nghiệp giáo dục theo hướng mở, trong đó tập trung đổi mới giáo dục đại học. Việc thành lập Viện Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở bán công TP Hồ Chí Minh cách đây hơn 20 năm được coi là bước đổi mới đột phá về giáo dục mở và đào tạo từ xa nhằm thu hút đông đảo sinh viên học tập với điều kiện mềm dẻo không bị ràng buộc khắt khe về đầu vào như theo phương thức chính quy. Tuy nhiên, theo GS, TSKH Lâm Quang Thiệp (Trường Đại học Thăng Long) thì “đã qua gần 1/4 thế kỷ, Nhà nước chưa có đầu tư đáng kể nào cho đại học mở này, đặc biệt là phương thức đào tạo theo giáo dục mở và từ xa”… Do đó, hai đại học cơ sở này không đủ sức xây dựng đầy đủ hệ thống công nghệ chuẩn mực của giáo dục mở và từ xa để bảo đảm chất lượng cho số đông, dường như hai cơ sở giáo dục đại học mở hoạt động chưa đúng nghĩa thực sự là mở.
|
|
Sau mùa thi THPT quốc gia tại Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội). Ảnh: TRỌNG HẢI |
Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin là cơ hội rất tốt để nước ta đẩy mạnh phát triển giáo dục mở, nhất là hình thức dạy và học trực tuyến, xây dựng tài nguyên học liệu mở ngay trong các chương trình giáo dục truyền thống. Theo các nhà khoa học giáo dục thì cần được khuyến khích dạy và học trực tuyến bởi đó là xu hướng tất yếu để tăng chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học. Các trường cần xây dựng thư viện điện tử, studio tốt phục vụ hoạt động dạy, học trực tuyến, đồng thời đưa khóa học trực tuyến mở kết hợp với phương thức giáo dục truyền thống, làm cho chương trình của các khóa học trực tuyến thực sự linh hoạt và dễ tiếp cận với người học hơn.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao các hình thức của giáo dục mở ở nước ta hiện vẫn còn không ít rào cản như nhận thức và tâm lý chung của số đông người Việt chưa tin tưởng vào chất lượng đào tạo của khóa học trực tuyến mở hay đào tạo từ xa. Hiện nước ta cũng chưa xây dựng chiến lược giáo dục mở trong hệ thống giáo dục và các cơ sở giáo dục đại học; cơ sở hạ tầng mạng, phần mềm, mặt bằng trình độ ngoại ngữ thấp cũng ảnh hưởng đến sự phát triển khóa học trực tuyến và khai thác học liệu mở từ nước ngoài… Tại Hội thảo quốc gia “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế” mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Về phát triển giáo dục mở hiện có rất nhiều việc phải làm. Trước hết, tất cả những gì cản trở tinh thần giáo dục mở thì phải dỡ bỏ một cách kiên quyết, chẳng hạn như quy định chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường đại học, địa điểm đào tạo... Thứ hai, phải tập trung kêu gọi xây dựng được hệ thống học liệu mở và Việt số hóa các học liệu đó để cung cấp miễn phí cho cộng đồng. Đồng thời, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trước hết là trong giáo dục để sao cho tới đây, bằng các ứng dụng công nghệ thông tin, mọi người đều có thể học tập một cách thuận lợi nhất trên các thiết bị điện thoại thông minh, máy tính bảng...”.
Chúng tôi được biết, trong quá trình sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học lần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất chú ý đưa vấn đề giáo dục mở vào luật. Trong đó, sẽ khuyến khích việc học trực tuyến kể cả các cơ sở đào tạo chính quy. Hy vọng trong tương lai gần, với sự đổi mới về chính sách giáo dục, các trường đại học cũng như phổ thông sẽ thay đổi mạnh mẽ cách dạy và học trực tuyến. Các hình thức hoạt động giáo dục mở khác cũng sẽ được thúc đẩy để mọi người dân có cơ hội tiếp cận những tri thức lớn nhất của nhân loại với chi phí nhỏ nhất và nhanh nhất, từ đó có được các kỹ năng cần thiết để sống, làm việc và học tập trong kỷ nguyên số.
Bài và ảnh: MINH THÀNH