Trung tướng, nhà văn Hữu Ước:

Văn học-nghệ thuật tạo hiệu ứng tuyệt vời

Từ sau khi có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII), cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy công quyền của Đảng, Nhà nước từ cấp Trung ương đến cơ sở càng trở nên quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt, từng bước lấy lại niềm tin trong nhân dân. Đó là mảnh đất tốt cho văn học-nghệ thuật phản ánh cụ thể, rõ nét hơn những mặt tốt, mặt xấu trong bộ máy công quyền cũng như trong đời sống xã hội.

leftcenterrightdel
Trung tướng, nhà văn Hữu Ước. 
Muốn có xã hội liêm chính thì văn học-nghệ thuật phải tham gia có hiệu quả vào phòng, chống tham nhũng theo con đường riêng của mình. Văn học-nghệ thuật chính là cây đời. Đã là cây thì phải có lá xanh, có hoa, quả nhưng cũng có lá úa, có cả… sâu bọ. Người làm văn học-nghệ thuật phải tìm ra được đâu là hoa, đâu là chồi non và đâu là sâu bọ. Có lẽ, cũng chưa khi nào đề tài của văn học-nghệ thuật trong đấu tranh chống tiêu cực lại có nhiều mẫu được phơi bày ra như hiện tại. Trách nhiệm của văn học-nghệ thuật là dựng nên những hình tượng nghệ thuật tiêu biểu từ ngồn ngộn hiện thực đó! Văn nghệ sĩ đừng đứng ngoài cuộc, hoặc lấy cớ là nhạy cảm, “vùng cấm”. Bởi, đã có ai trói buộc hay đóng cửa văn học-nghệ thuật bao giờ? Chỉ là, ta có kiến thức, tâm sức để làm hay không và có chọn đúng vấn đề, cách thức thể hiện thuyết phục được công chúng hay không! Văn học-nghệ thuật không chỉ phục vụ cho những người sống hôm nay mà còn để cho thế hệ mai sau hiểu được tinh thần trong cuộc đấu tranh vì lẽ phải không bao giờ cũ mòn.

Văn học-nghệ thuật tạo hiệu ứng tuyệt vời trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng nếu tác phẩm giải quyết được những vấn đề người xem quan tâm. Muốn vậy, tác giả phải hiểu tâm tư, nguyện vọng của công chúng để thông qua nhân vật nói hộ được ý nghĩ, cảm xúc của người xem, người nghe, giúp họ thấy được mình trong tác phẩm. Giọt nước mắt của nhân vật phải là giọt nước mắt của khán giả. Niềm vui, nỗi buồn hay sự bức xúc, đấu tranh quật cường của nhân vật cũng phải là của khán giả.

Hiện nay, văn học-nghệ thuật đang có nhiều cơ hội để "bung mình" thể hiện vai trò trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, chống cái xấu. Chúng ta có đường lối về văn học-nghệ thuật tốt, có cuộc sống đầy ắp vấn đề. Nhưng thách thức cũng không ít. 

Bản thân tôi may mắn vì tôi làm việc trong ngành công an, lại có nhiều trải nghiệm mà ít người có được. Tôi có điều kiện tìm hiểu về các vụ án tham nhũng, các âm mưu, thủ đoạn, chiêu trò tham nhũng cũng như tâm lý, hoàn cảnh riêng, những số phận, những mảnh đời của nhiều đối tượng khác nhau trong các vụ án tham nhũng. Đó là nguồn thông tin rất quan trọng để sáng tác về đề tài này. Viết về lĩnh vực này rất cực khổ, nếu thiếu tâm huyết thì dễ bỏ cuộc. Tác phẩm ra đời lại rất cần những tiếng nói phản biện nhưng quan trọng nhất là phải có công chúng. Thông điệp của tác phẩm rốt cục phải để công chúng cảm nhận được sự cần thiết phải tham gia vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, đó là hành trình chống lại cái ác, xây cái chân-thiện-mỹ cho xã hội.

HÒA THU (ghi)

PGS, TS Đặng Quang Việt:

Giáo dục để ngăn ngừa hành vi tham nhũng

Theo tôi, việc giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng và ý thức liêm chính cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên là hết sức cần thiết để góp phần xây dựng nền tảng đạo đức xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của công dân về đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Học sinh, sinh viên là thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Còn học viên ở các cơ sở giáo dục hiện có rất nhiều cán bộ, công chức đang đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước. Vì vậy, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo kiến thức cho cán bộ, công chức, sinh viên, học sinh về phòng, chống tham nhũng để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm công dân là một trong những giải pháp phòng ngừa rất quan trọng, nhất là ngăn ngừa các hành vi tham nhũng. Nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giáo dục trong nhà trường để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng như: Thụy Điển, Trung Quốc, Singapore… Ở nước ta, đây vẫn còn là một vấn đề mới và trước đây chưa được chú trọng.

leftcenterrightdel
PGS, TS Đặng Quang Việt. 
Thực hiện Quyết định số 137/2009/QĐ-TTg ngày 2-12-2009 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực triển khai đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, học viên, sinh viên, học sinh. Kể từ năm học 2013-2014, các cơ sở giáo dục, đào tạo trên cả nước chính thức đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy. Trong đó, việc biên soạn và ban hành bộ tài liệu giảng dạy trong các trường chuyên và không chuyên về luật đã được thực hiện rất chặt chẽ, công phu, sau đó tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách thức, hình thức giảng dạy cho các trường về nội dung này sao cho bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, chất lượng. Bộ tài liệu này đã được phát hành miễn phí và giảng dạy ở tất cả các trường trên toàn quốc. Đối với trường đào tạo trình độ đại học, cao đẳng không chuyên về luật, nội dung phòng, chống tham nhũng được tích hợp, lồng ghép vào môn học Pháp luật đại cương hoặc môn học khác phù hợp với thời lượng 5 tiết. Đối với các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo trình độ đại học, cao đẳng chuyên về luật, nội dung phòng, chống tham nhũng được tích hợp, lồng ghép vào môn Luật Hành chính, Luật Hình sự hoặc môn học khác phù hợp với thời lượng 15 tiết, trong đó có 5 tiết tự nghiên cứu.

Ngoài ra còn có các hoạt động ngoại khóa như: Báo cáo chuyên đề, thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép nội dung về phòng, chống tham nhũng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt chính trị, kết hợp đưa nội dung phòng, chống tham nhũng với việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường...  

THANH MINH (ghi)

PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái:

Sân khấu phải tích cực chống cái ác

Kịch nói là loại hình sân khấu được công chúng yêu thích nhiều hơn bởi nó lấy căn bản là những xung đột lớp lang, được thể hiện qua đối thoại khi diễn xuất. Đặc trưng lớn nhất của kịch chính là tính hiện đại và đối thoại với người xem đương thời. Chúng ta thấy rõ điều này ở kịch của Lưu Quang Vũ khi những vấn đề thời sự-xã hội "nóng bức" được ông đặt ra đến nay vẫn ám ảnh người xem.

leftcenterrightdel
PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái. 
Kịch ở Việt Nam thường chọn những vấn đề bức xúc trong xã hội để đưa lên sân khấu, đối thoại với người xem. Lưu Quang Vũ là một trong số ít tác giả kịch bản làm tốt điều đó. Kịch Lưu Quang Vũ chứa đựng những vấn đề mà người dân đang bức xúc, như sự tha hóa, xuống cấp về đạo đức, trong đó có cả vấn đề tham nhũng. Gần đây, những kịch bản của nhà văn Hữu Ước lại khiến người xem hứng thú với cách viết áp sát đời sống. Kịch bản của Hữu Ước đậm những vấn đề thời sự nóng hổi, nhất là đề tài đấu tranh chống tội phạm. Đó là quá trình đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái thiện và cái ác… để có được một xã hội liêm chính, bình đẳng.

Bản chất thể loại kịch là tả thực. Bởi vậy, phòng, chống tham nhũng là vấn đề phù hợp để kịch đề cập và hấp dẫn người xem. Tham nhũng trong xã hội ngày càng nhiều, muôn màu muôn vẻ: Tham nhũng chức vụ, quyền lực, tiền bạc, thậm chí tình dục… mà người ta dùng nhiều từ khác nhau để diễn tả. Cũng bởi tính hiện đại vì đối thoại được với người xem đương thời nên khán giả xem kịch từ các vở kinh điển đến hiện đại đều được đối thoại với nó.

Công chúng được đối thoại, được gợi mở, được soi lại mình và lay thức tâm hồn... đến mức có thể thay đổi hành vi, nhận thức và lối sống. Bởi vậy, dù là chính kịch, hài kịch hay bi kịch thì thông điệp cuối cùng của mỗi tác phẩm đều rất có giá trị tư tưởng trong cuộc đấu tranh khốc liệt chống tiêu cực, chống lại cái xấu để xây dựng nên một xã hội liêm chính. Vì thế, muốn xây dựng ý thức liêm chính cho công dân, rất cần chú ý phát huy vai trò của sân khấu kịch.

DƯƠNG THU (ghi)

Ông Nguyễn Tiến Lãng:

Phải khơi dậy trách nhiệm công dân

Hơn 10 năm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, tôi đã phải chịu bao khó khăn, thử thách, thậm chí là nguy hiểm, mất bao thời gian, công sức, tiền bạc, đến cả tình cảm anh em, bạn bè… chỉ mong có thể góp phần chống lại cái xấu, làm cho xã hội minh bạch, liêm chính, tốt đẹp hơn.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Tiến Lãng. 
Còn nhớ năm 2004, khi phát hiện ra những sai phạm về đất đai của địa phương, tôi đã cảm thấy rất bức xúc và đi tố cáo. Lúc đó, có nhiều người cùng tham gia với tôi. Nhưng cuối cùng, hầu hết họ đều bỏ cuộc bởi không đủ kiên trì và không chịu được áp lực. Thật ra, chống tham nhũng, tiêu cực thì bất cứ công dân nào cũng có thể làm, nhưng để làm được tới cùng thì không phải ai cũng có thể. Đầu tiên phải có kiến thức, hiểu biết để phát hiện được sai phạm, rồi mới đến quá trình thu thập chứng cứ, gửi đơn thư tố cáo… tất cả đều phải kiên trì và chính xác. Để làm được những điều đó, bản thân tôi phải mua nhiều sách về pháp luật và dành nhiều thời gian nghiên cứu. Mình đi tố cáo thì mình phải hiểu luật mới biết người ta sai ở đâu và biết phải làm gì cho đúng. Cũng có nhiều lần thất bại, nhưng rồi tôi lấy đó làm kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn.

Những người dành nhiều năm để chống tham nhũng như tôi thường chịu nhiều áp lực, tổn thương, mất mát cá nhân. Tôi từng nhiều lần bị trả thù, đe dọa, bị hàng xóm, thậm chí anh em, bạn bè chửi rủa, xa lánh vì đã tố cáo ảnh hưởng đến họ. Thấy vậy, những người xung quanh ủng hộ tôi thì ít mà chê cười tôi và gia đình tôi thì nhiều. Vợ, con tôi vì lo lắng cho tôi và không chịu được áp lực xung quanh nên cũng phản đối tôi. Đã có những lúc tôi thấy mình cô độc trên hành trình tìm lại công bằng, chống lại cái xấu. Thế nhưng, bằng quyết tâm, kiên trì không bỏ cuộc, tôi tin rằng những kết quả đạt được từ quá trình đấu tranh của những người như tôi sẽ giúp những người xung quanh và xã hội dần hiểu, thông cảm, rồi ủng hộ và cùng đấu tranh. Khi chính người dân không tiếp tay cho tiêu cực, tham nhũng và tích cực tham gia vào phát hiện, đẩy lùi cái xấu thì hơn ai hết, chính là phục vụ lợi ích cho chính mình. Đó cũng là trách nhiệm của mỗi công dân để góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

THU HÒA (ghi)