Vì lợi ích quốc gia-dân tộc

Với tầm nhìn trí tuệ, bản lĩnh, Đại hội XIII của Đảng nâng tầm tư duy chiến lược, định vị rõ mục tiêu cho tới giữa thế kỷ 21, Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), thể hiện khát vọng phát triển đất nước lên một tầm cao mới. Với khát vọng phát triển đất nước, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đại hội XIII là “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”(1) để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đại hội XIII của Đảng xác định đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ, là nền tảng vững chắc của Đảng, “không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(2).

Độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, đó là nguồn mạch được Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh-người tìm đường, mở đường và dẫn đường cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam xác định từ khi rời Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm con đường giải phóng dân tộc, xuyên suốt trong quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam theo tư tưởng của Người.

Trên bước đường bôn ba khắp năm châu, bốn biển tìm đường đi cho dân tộc, hành trang và khát vọng duy nhất của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành là “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập...”(3). Chỉ đến khi tiếp cận với bản luận cương của V.I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã tìm ra chân lý trả lời cho khát vọng cho mình và cho cả dân tộc: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(4). Sự lựa chọn con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc không chỉ là thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của người dân đối với Tổ quốc, mà còn là gánh vác trọng trách, sứ mệnh thực hiện khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đó cũng là đáp ứng khát khao cháy bỏng, nguyện vọng chính đáng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Trải qua những gian khổ, thách thức, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khát vọng độc lập cho dân tộc trở thành hiện thực.

Để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, tự do cho nhân dân, cả nước tiếp tục đồng lòng cùng Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện lời thề độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(5). Với 9 năm làm nên một Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Geneva công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Khát vọng độc lập dân tộc được viết tiếp với những trang sử vẻ vang suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”(6). Đại thắng mùa Xuân 1975, đồng bào cả nước được hưởng trọn niềm hạnh phúc, thực hiện thành công khát vọng độc lập, tự do.

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước thống nhất, bước vào xây dựng CNXH trên cả nước, đặc biệt sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, chúng ta đã xây dựng được một nước Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(7). Đạt được những thành quả đó là bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng với đường lối độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm cách mạng Việt Nam ở mỗi chặng đường lịch sử-viết tiếp những thành quả trong thời đại Hồ Chí Minh, trong đó tư tưởng xuyên suốt là lợi ích quốc gia-dân tộc là trên hết, trước hết.

Tầm vóc của Đại hội Đảng lần thứ XIII là mở ra giai đoạn mới với khát vọng phát triển đất nước ở một tầm cao mới; xác định những định hướng, bước phát triển tương lai của dân tộc, không chỉ trong giai đoạn 2021-2025 mà cho cả những thập niên tới. Lộ trình phát triển đất nước được định rõ: “Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(8). Đây là những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, thể hiện tầm nhìn, khát vọng phát triển đất nước, thể hiện sự đổi mới trong tư duy của Đảng về xác định mục tiêu theo hướng tiếp cận mới. Những định hướng này được cụ thể hóa qua từng giai đoạn, có lộ trình, bước đi cụ thể với những mục tiêu rõ ràng cho cột mốc 5 năm, 10 năm, tầm nhìn tới năm 2045, thể hiện khát vọng Việt Nam.

Để thực hiện lộ trình đó, Đại hội XIII của Đảng xác định, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới cả bề rộng và chiều sâu với một trình độ và chất lượng mới, phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, lần đầu tiên, trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước” trở thành động lực to lớn để thực hiện ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc, được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045-thể hiện sức mạnh của toàn dân tộc, sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng dân”. Đó không chỉ là tầm nhìn chiến lược mà còn là trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng của Việt Nam trong thế kỷ mới.

leftcenterrightdel
Cuộc sống thường ngày. Ảnh NGUYỄN HỒNG NGA 

Vì lợi ích của nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đấu tranh để giải phóng dân tộc và bảo vệ nền độc lập dân tộc mà còn hướng tới lợi ích của nhân dân, vì nhân dân. Yêu nước, thương dân là dòng chảy xuyên suốt tư duy và hành động cách mạng của Người. Vì vậy, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước nhà được độc lập, nhưng theo Người: Độc lập chỉ thực sự có ý nghĩa khi trong nền độc lập đó, nhân dân được hưởng ấm no, tự do, hạnh phúc. Khát vọng lớn nhất của Người là “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(9). Và cả cuộc đời của Người, chỉ có một mục đích, “là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân”(10). Đây cũng chính là lợi ích cao nhất của dân tộc mà Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn hướng tới.

Trên cơ sở phát huy những giá trị của truyền thống dân tộc về vai trò, sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Có dân là có tất cả”. Tin ở dân, dựa vào dân, tập hợp và phát huy sức mạnh của toàn dân là nguyên tắc cơ bản trong chiến lược cách mạng của Người. Vì vậy, phải đem hết sức dân, tài dân, của dân để làm lợi cho dân, dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây dựng hạnh phúc cho dân, bởi dân là gốc của nước. Dân đã không tiếc máu xương để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nước không có dân thì không thành nước. Nước do dân xây dựng nên, do dân đem xương máu ra bảo vệ, do vậy dân là chủ của nước.

Tiếp tục phát huy quan điểm của Người, trong thời đại Hồ Chí Minh, các kỳ đại hội đảng, đặc biệt Đại hội XIII xác định, nhân dân là trung tâm, là chủ thể trong chiến lược phát triển đất nước, trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, do vậy, “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “lấy dân làm gốc”. Đó là thực sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân và tiếp tục kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(11). Thuật ngữ “dân thụ hưởng”, lần đầu tiên được nhắc đến trong văn kiện đại hội của Đảng, thể hiện quan điểm mới của Đảng về phát huy sức mạnh của dân, trên cơ sở vì lợi ích của nhân dân. Đồng thời, Đại hội XIII của Đảng xác định “lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(12). Vì vậy, mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2021 công bố ngày 19-3-2021, Việt Nam thăng hạng từ vị trí thứ 83 lên vị trí thứ 79 trên tổng số 149 quốc gia được khảo sát, trở thành quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á và vượt lên trên Trung Quốc (vị trí 84) về chỉ số hạnh phúc. Điều đó đang từng bước hiện thực hóa khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng “vì hạnh phúc của nhân dân”. Nhiệm vụ của Đảng là “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”, muốn vậy, Đảng cần “Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam” (13), củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN, để mỗi người dân Việt Nam thực sự là một chiến sĩ trên mặt trận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mang lại ấm no, hạnh phúc thực chất cho nhân dân mới là thành công của đại hội, nhân dân kỳ vọng vào một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Công cuộc đổi mới giành được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trước hết là Đảng biết khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo, tự chủ, tự lực, tự cường. Chìa khóa thành công của cách mạng ở Việt Nam là Đảng luôn đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết, luôn lấy dân làm gốc. Đây chính là cơ sở để Đảng ta tập hợp và phát huy nguồn lực toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng ta thực sự hội tụ tinh hoa trí tuệ của Đảng và nhân dân. Với sự truyền cảm hứng từ Đại hội XIII, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục viết nên trang sử mới theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
------------------------
(1), (2), (7), (8), (11), (12), (13) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1. tr.33, tr.25, tr.112, tr.96, tr.97, tr.47.
(3) T.Lan: "Vừa đi đường vừa kể chuyện", Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.26
(4), (5), (6), (9), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.30; t.4, tr.3, tr.187, tr.272; t.15, tr.131
----------------------

TS NGUYỄN THỊ MAI CHI