70 năm qua, Cục QB-TS luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; bám sát chiến trường, nắm địch và đánh địch, góp phần quan trọng vào những chiến công như huyền thoại của dân tộc. Lịch sử 70 năm của cục cũng là lịch sử 70 năm thực hiện lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dựa vào dân, đi sát địch”.

Cục QB-TS tiền thân là Phòng Quân báo, Bộ Tổng tham mưu được thành lập ngày 30-5-1947. Ngày 18-9-1992, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 335/HĐBT thành lập Tổng cục Tình báo. Ngày 23-10-1992, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 393/QĐ-QP về nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức lực lượng của Tổng cục Tình báo, theo đó Phòng QB-TS phát triển thành Cục QB-TS; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của cục cũng được mở rộng và phát triển, là cơ quan tham mưu giúp cấp trên xây dựng lực lượng, tổ chức hoạt động, huấn luyện, SSCĐ của lực lượng QB-TS toàn quân và các lữ đoàn trinh sát đặc nhiệm thuộc Tổng cục Tình báo.

Từ khi ra đời cho đến nay, “bám sát địch, bám sát chiến trường và các đơn vị cơ sở, sát cánh cùng lực lượng QB-TS toàn quân nắm địch, đánh địch” trở thành phương châm hành động của Cục QB-TS và lực lượng QB-TS toàn quân. Phương châm đó là nguồn gốc cho những đóng góp quan trọng của cục vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; giữ vững và khẳng định vị trí, vai trò cơ quan tham mưu chiến lược, chiến dịch đối với lực lượng QB-TS toàn quân.

Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng QB-TS của Quân đội ta còn rất mỏng, tổ chức sơ khai, chủ yếu sống trong dân, dựa vào dân để nắm và báo cáo tình hình. Phòng Quân báo, Bộ Tổng tham mưu được thành lập, gặp rất nhiều khó khăn. Quân số, trang bị, phương tiện kỹ thuật và kinh nghiệm còn nhiều hạn chế, nhưng với ý chí quyết tâm cao độ, cán bộ của Phòng Quân báo đã bám sát nhiệm vụ, nhanh chóng bắt nhịp với khí thế sục sôi cách mạng, tự bồi dưỡng, tự học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc.

Trong các chiến dịch vừa và nhỏ, Phòng Quân báo, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo Tiểu đoàn Trinh sát 426 (nay là Lữ đoàn 74), trinh sát các liên khu, quân khu, đại đoàn, các trung đoàn chủ lực, các binh chủng và trực tiếp đi chuẩn bị chiến dịch, cung cấp kịp thời tin tức, tình hình địch cho Bộ Tổng tư lệnh hạ quyết tâm tác chiến trong các chiến dịch như: Việt Bắc-Thu Đông (năm 1947), Biên Giới (năm 1950), Trung Du (năm 1950-1951), Hà Nam Ninh, Đường số 18 (năm 1951), Hòa Bình (năm 1951-1952), Tây Bắc (năm 1952) và đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954). Hầu hết cán bộ của Phòng Quân báo đều tham gia tiền phương chiến dịch chuẩn bị chiến trường, vừa trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy vừa trực tiếp quan sát, trinh sát chiến đấu. Đặc biệt, trong Chiến dịch Biên Giới, cán bộ Phòng Quân báo đã vinh dự được giao trọng trách bảo vệ, phục vụ Bác Hồ đi kiểm tra, thị sát chiến dịch và tổ chức để Bác Hồ gặp tên quan ba Pháp ở Mặt trận Đông Khê.

leftcenterrightdel

Lãnh đạo Tổng cục Tình báo kiểm tra mô hình, học cụ huấn luyện của các đơn vị trinh sát đặc nhiệm. Ảnh: THIÊN LONG 

Cũng trong Chiến dịch Biên Giới, vấn đề “bám sát địch” để lại cho lực lượng QB-TS những bài học sâu sắc. Địch đóng ở Đông Khê chỉ có hai đại đội tăng cường, nhưng do không bám nắm địch chính xác nên trong xác định phương án đánh, ta lại sử dụng lực lượng để đánh với một tiểu đoàn địch. Địch cải tiến công sự và hỏa lực ở thị trấn Đông Khê, ta không bám sát nên biện pháp phá công sự và kiềm chế hỏa lực địch của ta không chu đáo, khiến bộ đội thương vong nhiều và bị đánh bật trong đêm tiến công thứ nhất. Ngược lại, khi đánh địch vận động, nhờ ta bám sát địch, kết hợp với tình báo kỹ thuật, đài quan sát và trinh sát địch trong chiến đấu nên ta phát hiện đầy đủ đội hình địch, biết tập trung tiêu diệt địch từ cánh quân này đến cánh quân khác, bảo đảm cho chiến dịch giành thắng lợi hoàn toàn.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng QB-TS đã luồn sâu vào sân bay Mường Thanh và các cứ điểm địch, thu được nhiều tài liệu quý. Trong đó, lực lượng trinh sát khi luồn sâu vào trận địa địch đã thu được tập bản đồ 1/25.000 và 32 tấm ảnh ghép cảnh đồ, giúp Bộ Tổng chỉ huy nghiên cứu, phân tích, xác định rõ tình hình tương quan lực lượng trên chiến trường và bố phòng của địch, từ đó quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Khi ta mở tiến công đợt 3, chiến sự rất quyết liệt, Phòng Quân báo đã trực tiếp chỉ đạo Tiểu đoàn 122 sử dụng một tổ trinh sát điều tra phát hiện chính xác hầm ngầm trên đồi A1, dẫn công binh đặt gần 1.000kg thuốc nổ, làm hiệu lệnh tổng tiến công cho toàn mặt trận, giành thắng lợi hoàn toàn Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Những thắng lợi to lớn trên các chiến trường có sự đóng góp quan trọng của công tác tham mưu, chỉ đạo QB-TS. Phòng Quân báo đã chỉ đạo các đơn vị trinh sát vận dụng linh hoạt, kết hợp nhiều biện pháp tổng hợp như: Quan sát, tiềm nhập, phục kích bắt tù binh, bí mật đột nhập mục tiêu thu thập tài liệu và khai cung tù binh… Chỉ đạo xây dựng và phát triển lực lượng trinh sát từ Cục Tình báo xuống các liên khu, quân khu, các đại đoàn, trung đoàn chủ lực, các binh chủng, các đơn vị trinh sát địa phương; xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới quân báo nhân dân phục vụ nắm địch, đánh địch rộng khắp ở mọi nơi, trên khắp các chiến trường. Đồng thời viết và hoàn chỉnh nhiều tài liệu về huấn luyện Quân báo nhân dân, trinh sát bám địch cứ điểm, trinh sát chống càn quét, trinh sát hoạt động trong vùng địch hậu… phục vụ kịp thời cho nắm địch, đánh địch và hoạt động của lực lượng QB-TS trên các mặt trận.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dựa vào dân, đi sát địch” và tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị: "Bám thắt lưng địch mà đánh", Phòng Quân báo đã chủ động tham mưu với Cục Tình báo, dành nhiều công sức nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm QB-TS trong kháng chiến chống Pháp, rút ra nhiều bài học quý làm cơ sở nghiên cứu, biên soạn hệ thống tài liệu kỹ, chiến thuật trinh sát, xây dựng lực lượng và cách đánh của đặc công… phục vụ cho huấn luyện, đào tạo hàng nghìn lượt cán bộ trinh sát-đặc công chi viện theo yêu cầu của chiến trường miền Nam. Phòng Quân báo đã tham mưu, đề xuất và trực tiếp chỉ đạo xây dựng, huấn luyện gửi vào miền Nam hàng chục đội trinh sát-đặc công bổ sung cho các mặt trận, đây chính là các đơn vị nòng cốt góp phần hình thành Binh chủng Đặc Công sau này. Từ Tiểu đoàn Trinh sát 74 tách ra từ Trung đoàn Trinh sát-Đặc công 426 (tháng 3-1967), Phòng Quân báo đã tham mưu cho Cục Tình báo chỉ đạo huấn luyện thành 3 tiểu đoàn trinh sát (74A, B, C) chi viện cho chiến trường Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và giúp bạn Lào, Cam-pu-chia.

Thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ phải tăng quân cho chiến trường miền Nam Việt Nam, tiến hành “Chiến tranh cục bộ”. Phòng Quân báo đã sớm đề xuất Cục Tình báo kiến nghị với Bộ thành lập khung huấn luyện trinh sát (Đoàn 1760), tập trung huấn luyện về kỹ, chiến thuật, nghiệp vụ trinh sát, lái xe mô tô, chụp ảnh, binh địa, nhảy dù… bổ sung hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ cho chiến trường Khu 5, Tây Nguyên, Trị Thiên, Nam Bộ, Quảng Trị và chiến trường Lào; đồng thời nghiên cứu, đề xuất trang bị vũ khí gọn, nhẹ cho trinh sát vào chiến trường điều tra, nắm địch và chiến đấu, đạt hiệu quả tốt.

Tháng 5-1967, một tổ của Phòng Quân báo do đồng chí trưởng phòng trực tiếp chỉ huy tham gia tiền phương Chiến dịch B5, chỉ đạo lực lượng trinh sát vượt sông Bến Hải vào trinh sát chuẩn bị chiến trường Khe Sanh. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn vì hầu hết bộ đội trinh sát đều mới được huấn luyện, bổ sung từ miền Bắc vào, chưa qua chiến đấu, chưa có kinh nghiệm, trong khi các cứ điểm của địch được bố trí kiên cố, vững chắc, có hàng rào điện tử, lô cốt, xe tăng, pháo binh chi viện. Song, với ý chí quyết tâm, mưu trí sáng tạo, chỉ trong hai tháng, Phòng Quân báo đã chỉ đạo Đại đội 1, Tiểu đoàn 74 và trực tiếp trinh sát, điều tra lập hồ sơ binh yếu địa chí hoàn chỉnh các cứ điểm: Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đông Hà, Khe Sanh, Tà Cơn, giúp Bộ Tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm giành thắng lợi.

Trong Chiến dịch Mậu Thân 1968, Phòng Quân báo đã tham mưu, đề xuất với Cục Tình báo chỉ đạo lực lượng trinh sát của Bộ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại chỗ, chuẩn bị kỹ chiến trường, đánh giá đúng tương quan lực lượng của địch tại các thành phố, đô thị miền Nam, chỉ thị mục tiêu giúp các đơn vị chủ lực mở các trận đánh lớn, đồng thời trực tiếp yểm trợ cho các mũi thọc sâu vào tận sào huyệt của địch, làm rung chuyển chiến trường miền Nam.

Tháng 5-1972, Mỹ-ngụy chuẩn bị phản công chiếm lại Quảng Trị, Phòng Quân báo nhận nhiệm vụ cử 4 đồng chí tham gia tiền phương chiến dịch chuẩn bị chiến trường Quảng Trị. Đây là chiến trường rất ác liệt, địch tập trung nhiều lực lượng, sử dụng B-52 đánh phá liên tục. Cán bộ của phòng vừa phải bám nắm địch, vừa trực tiếp chỉ đạo Đại đội 7, Tiểu đoàn 74 đặt đài quan sát, chiến đấu dũng cảm, kiên cường bám trụ suốt 81 ngày đêm dưới mưa bom bão đạn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, báo cáo kịp thời tình hình địch, các hướng tiến công phản kích, sơ đồ hình thái các cứ điểm của địch ở Thành cổ, giúp Bộ tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm chiến đấu, giành thắng lợi.

Chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, phần lớn cán bộ của Phòng Quân báo tham gia tiền phương các chiến dịch: Thượng Đức-Quảng Nam, Buôn Ma Thuột (năm 1974); Tây Nguyên (tháng 3-1975); Huế-Đà Nẵng (tháng 3-1975) và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (tháng 4-1975). Tiêu biểu trong Chiến dịch Tây Nguyên, tổ tiền phương chiến dịch của Phòng Quân báo đã chỉ đạo Đại đội 7, Tiểu đoàn 74 tổ chức nhiều mũi luồn sâu, đột nhập vẽ sơ đồ, quay phim, chụp ảnh, nắm và báo cáo chính xác toàn bộ tình hình địch, địa hình, dân cư… với Bộ Chỉ huy mặt trận. Có nhiệm vụ cán bộ của Phòng Quân báo và chiến sĩ Đại đội 7 phải vùi mình trong cát suốt 6 ngày đêm, đưa 150 lượt cán bộ đi trinh sát, nghiên cứu thực địa, giúp Bộ Chỉ huy mặt trận hoàn chỉnh quyết tâm đánh trận mở màn, then chốt, quyết định trong Chiến dịch Tây Nguyên, góp phần giải phóng Buôn Ma Thuột, các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, cán bộ của Phòng Quân báo đã kịp thời tham mưu, đề xuất với Cục Tình báo và Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo lực lượng trinh sát của Bộ tăng cường cho các binh đoàn chủ lực tham gia chuẩn bị chiến trường, kết hợp chặt chẽ với các lực lượng nổi dậy trong nội đô, ven đô, dẫn đường và chỉ thị mục tiêu cho các cánh quân tiến về Sài Gòn, làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau giải phóng miền Nam, trong chiến tranh bảo vệ biên giới, Phòng Quân báo đã nhanh chóng tham mưu, đề xuất với trên, tổ chức nhiều đợt cán bộ xuống chỉ đạo xây dựng lực lượng, triển khai nắm địch, nắm tình hình phục vụ kịp thời tin tức cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp và tác chiến của Bộ trên các hướng địa bàn. Phòng đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường giúp bạn, đưa đón, bảo vệ cán bộ cấp cao của bạn và trực tiếp tham gia nhiều trận chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang và giành thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, phòng chỉ đạo các lực lượng truy quét FULRO ở Tây Nguyên, phá tan âm mưu dùng lực lượng phản động người Thượng để chống phá chính quyền cách mạng. Cũng trong thời kỳ này, Phòng Quân báo đã chủ động tham mưu, đề xuất, chỉ đạo lực lượng QB-TS nhanh chóng chuyển hướng nhiệm vụ nắm địch và huấn luyện, SSCĐ, phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn; xứng đáng với truyền thống "Trung thành, sáng tạo, chủ động, linh hoạt, đoàn kết, quyết thắng".

Với những chiến công, thành tích xuất sắc trong 70 năm qua, Cục QB-TS đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 3 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc (hạng nhất, nhì, ba); 435 Huân chương Chiến công, Huân chương Kháng chiến các hạng, nhiều cờ thưởng, bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. 


Thiếu tướng
BÙI XUÂN KHANG, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo