Chúng tôi đã tìm gặp được Đại tá Đinh Thế Hinh (trước khi nhập thế mang pháp danh là Đại đức Thích Pháp Lữ), năm nay 92 tuổi, nguyên Chính ủy Trung đoàn 542 để hỏi về phong trào yêu nước đặc biệt này...
Năm nay vừa tròn 70 năm (1947-2017) sau ngày 27 nhà sư đầu tiên tụ họp ở chùa Cổ Lễ “cởi áo cà sa, khoác chiến bào” ra trận. Thật khó tưởng tượng, giữa một khu phố tấp nập, phồn hoa của Hà Nội, chúng tôi lại gặp được một nhà sư, một cựu chiến binh từng là sĩ quan quân đội cấp cao sống cao đẹp cả “đời” và “đạo”.
Căn hộ nhỏ trong Khu tập thể E3-Thanh Xuân Bắc của Đại tá Đinh Thế Hinh toát lên sự giản dị, thanh tao như chính tâm hồn của vị chủ nhân. Phòng khách có một bộ bàn ghế mây đã cũ và một kệ sách gồm nhiều sách, báo về Phật học, quân sự. Hai bên tường, một bên treo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thời gian ở Xiêm La, khi Người cải trang là một nhà sư. Một bên treo ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tá Đinh Thế Hinh chậm rãi đón chúng tôi vào nhà. Năm nay 92 tuổi, lưng ông đã còng. Dáng dấp và gương mặt ông vẫn đậm phong thái của một vị sư tu hành khổ hạnh. Sau những câu chào hỏi ban đầu, tôi hỏi ông về mối nhân duyên bước vào cửa Phật, để rồi trở thành nhà sư với pháp danh Đại đức Thích Pháp Lữ.
Ông đưa mắt nhìn ra phía xa, phía chiếc kệ mây có bức tượng Đức Phật Thích Ca. Những nếp nhăn trên gương mặt Đại tá Đinh Thế Hinh bỗng giãn ra rồi co lại, cứ thế mấy hồi. Có lẽ ông đang nhớ lại những ngày niên thiếu...
Giây lát sau, ông quay sang chúng tôi, nụ cười đôn hậu nở trên khuôn mặt. Không gian căn hộ thật an tịnh, giọng ông trầm đều: “Tôi sinh ra tại làng Liêu Thượng, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, là con út trong gia đình có 8 người con. Tôi là con trai duy nhất trong nhà, có lẽ vì vậy nên dù nghèo khó bố mẹ vẫn gắng cho tôi được ăn học. Dòng họ tôi nhiều đời thờ Phật, năm 13 tuổi, cha mẹ gửi tôi tu tập tại chùa Cổ Lễ”.
“Ở chùa ông tu tập theo pháp môn nào?” - tôi hỏi. “Ngày đó, tôi theo pháp môn Tịnh Độ. Đạo Phật đã giúp tôi học hành, dạy cho tôi những suy nghĩ về cuộc sống đời thường”.
Từ chùa Cổ Lễ, ông được đi học tiếp tại rất nhiều chùa như: Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Quán Sứ (Hà Nội), chùa Côn Sơn (Hải Dương)... trong 5 năm. Năm 1945, ông quay về chùa Cổ Lễ và bắt đầu dạy cho những nhà sư khác biết viết, biết đọc chữ Quốc ngữ.
Năm 1946, giặc Pháp quyết tâm xâm lược nước ta một lần nữa, chúng đưa quân chiếm đóng các thành phố ở miền Bắc, đưa quân gây hấn và chiếm đóng gần chùa Cổ Lễ. Chúng ép các nhà sư phải rút lên núi. “Trước khi sơ tán, chúng tôi đã bàn nhau là phải luyện võ nghệ, đồng thời tìm cách chống lại giặc Pháp xâm lược. Đó chính là nhiệm vụ trong lúc nước nhà lâm nguy và tất cả mọi người đều thấm nhuần Lời kêu gọi của Bác Hồ, xác định tinh thần sẵn sàng rời bỏ cuộc sống tu hành để ra chiến tuyến. Lúc này, tất cả đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ đều sẵn sàng cống hiến thân xác mình cho nền độc lập của Tổ quốc”, ông kể tiếp.
Mùa xuân năm 1947, Hòa thượng Thích Thế Long-sư trụ trì chùa Cổ Lễ đã tập hợp và khích lệ các sư nghe theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại đức Thích Pháp Lữ là một trong số 27 người đầu tiên nhập ngũ.
Đại tá Đinh Thế Hinh hồi tưởng: Đó là một buổi sáng mùa xuân, trời trong vắt, nắng tỏa nhẹ, chùa náo nhiệt khác thường. Từ sớm đã có rất đông nhân dân đến chứng kiến buổi lễ của đoàn Phật tử “cởi áo cà sa ra trận”. Tôi còn nhớ rõ mồn một những lời của Hòa thượng trụ trì Thế Long: “Giặc ngoại xâm đe dọa chủ quyền đất nước, bọn ác quỷ lăm le ngay cửa Phật, Phật pháp bất ly thế gian. Khi sơn hà nguy biến, dân chúng điêu linh, các Phật tử cũng tham gia đánh giặc cứu nước...”. Trong tôi lúc đó vừa thấy hồi hộp, vừa thấy bừng bừng khí thế. Hòa thượng dứt lời trong tiếng hô vang dậy. 27 nhà sư trở thành 27 chiến sĩ Vệ quốc đoàn. Buổi lễ ngày hôm đó đã biến thành cuộc tuần hành, tỏa về các làng quê trong khí thế cứu nước hào hùng.
Sự tận hiến của đội quân Phật tử Vệ quốc tại chùa Cổ Lễ năm xưa, cùng hàng trăm nhà sư và hàng chục ngôi chùa từng là cơ sở cách mạng trước tháng 8-1945 đã góp phần chứng minh sinh động cho tinh thần tiếp nối truyền thống Phật giáo Việt Nam: Hàng nghìn năm đồng hành và nhập thế cùng dân tộc, chuộng nhân từ, bác ái nhưng cũng vô cùng kiên quyết trong việc loại trừ điều ác.
Đại tá Đinh Thế Hinh cho tôi xem danh sách 27 nhà sư trong đoàn Phật tử ra trận. Đó là 27 nhà sư từ nhiều ngôi chùa tập hợp lại như chùa La Xá, Gia Hòa, La Ngạn, Hoành Nha... Có vị là đại đức, có vị là hình đồng, có vị là ni cô. Đoàn quân Phật từ năm xưa đến nay người mất, người còn. Thật cảm động khi nghe câu chuyện các chiến sĩ Phật tử đã xung trận quả cảm góp phần đánh giặc cứu nước, xúc động biết bao khi nhiều chiến sĩ Phật tử lẫm liệt hy sinh mà đến nay vẫn chưa được biết thế danh như các sư: Thanh Tịnh, Đức Hiền, Thiện Nhân, Chân Tâm... Những người còn lại, có người tiếp tục quay trở lại việc tu hành (Đàm Cần), có người tham gia công tác lao động sản xuất (Đàm Nhung), có người tiếp tục ở trong quân ngũ (Tường Minh, Tân Trinh, Thanh Hải, Pháp Lữ).
Đại tá Đinh Thế Hinh chia sẻ: Nhà sư ra trận cũng không khác gì những người yêu nước khác, tôi có cảm giác Đức Phật luôn dõi theo chúng tôi trên hành trình khổ hạnh cứu quốc. Có lần rơi vào tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, tôi niệm Phật và thoát hiểm. Những năm 1950-1951, tôi được cấp trên cử làm Đội trưởng Đội Võ trang tuyên truyền. Đội tôi có nhiệm vụ luồn sâu vào vùng địch tạm chiếm, thuyết phục diệt tề trừ gian ở vùng Bùi Chu, Xuân Trường, Nam Định. Một hôm, tôi đang hoạt động tại làng Hành Thiện thì được cơ sở báo có bọn lính Pháp và ác ôn đang bao vây khắp làng, săn lùng cán bộ Việt Minh. Tiếng ồn ào huyên náo ngày càng gần. Bí quá không biết làm sao, tôi chỉ còn biết nhắm mắt niệm Nam mô Phật. Đột nhiên, có người chạy tới bảo tôi sang ngay nhà bên cạnh, đang có đàn chay cúng tứ cửu (cúng 49 ngày-PV). Tôi chạy sang mượn áo dài nâu, đầu đội mũ ốc “hóa trang” làm nhà sư, ngồi gõ mõ tụng kinh, niệm chú Vãng sanh-Bát nhã. Bọn địch kéo nhau vào đứng xem. Chúng nghe một lúc, thấy tôi đúng là nhà sư nên rút đi mà không vặn hỏi điều gì.
Từ kháng chiến chống Pháp bước sang kháng chiến chống Mỹ, các nhà sư lúc này trở thành những cán bộ, chiến sĩ vững vàng, gương mẫu trên hành trình diệt ác, trừ gian. Năm 1972-1973, Đinh Thế Hinh trở thành Chính ủy Trung đoàn 542 thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn, đóng quân trên Đường 14, khu Sầu A Lưới, Thừa Thiên. Đây là khu căn cứ tiếp cận Huế. Địch phát hiện ra nên điều B-52 tới rải thảm nhiều lần. Một lần, máy bay Mỹ ném bom trúng chỉ huy sở, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh, riêng Chính ủy Đinh Thế Hinh bị thương nặng, bất động. Mọi người cứ tưởng ông đã hy sinh, đã làm công tác chuẩn bị khâm liệm. “Lúc đó, tôi bất tỉnh ly bì, trong tiềm thức tự nhiên nghe tiếng người nói, tôi biết mình còn sống bèn niệm Phật và lấy toàn bộ sức lực còn lại đạp tung tấm ni lông bao bọc. Mọi người chạy lại reo lên: “Ôi, chính ủy còn sống”. Tôi được đưa về trạm cấp cứu hồi sức, sau ba hôm thì dần bình phục” - ông nhớ lại.
Đại tá Đinh Thế Hinh tâm sự: Tôn chỉ của Phật là từ bi hỉ xả, cứu nhân độ thế, lấy từ bi làm gốc rễ, lấy phương tiện làm cứu cánh. Tuy nhiên trong trường hợp hết sức cần thiết, như lúc nước nhà lâm nguy, giặc là đại diện cho cái ác hoành hành, thì “cởi áo cà sa, khoác chiến bào” chính là hành động cứu nhân độ thế mà những nhà sư cần làm. Trong kinh Lục Độ chép một câu chuyện: Đức Thích Ca khi còn tại gia, làm người đi buôn. Một hôm, Ngài gặp một tên giặc và biết được ý đồ giết những người lái buôn để cướp của của hắn. Ngài nghĩ, nếu trốn đi thì riêng mình thoát nạn nhưng mọi người sẽ đều bị giết. Nếu để bọn giặc sống, cái ác tràn lan mãi thì sẽ mắc tội đời đời, chi bằng giết chúng để cứu chúng bớt gây tội ác, người đời đỡ khổ. Nay ta cũng nhận lấy tội giết người, để ta chịu tội thay cho bọn giặc kia.
Câu chuyện “giết quỷ cứu chúng sinh, không phải đánh giết để cầu lợi cho riêng mình” của Đại tá Đinh Thế Hinh dẫn dắt tôi ngược về lịch sử xa xưa. Ở các vua triều Lý, Trần có nhiều vị quý tộc xuất gia, rất tin mộ đạo Phật, nhưng khi vận nước nguy cấp, các vị đều nhập thế lãnh đạo nhân dân đánh giặc, cứu nước sau đó lại tiếp tục tu hành.
Đã quá trưa, tư liệu về phong trào “Cởi áo cà sa, khoác chiến bào” cũng đã kha khá, chúng tôi xin phép dừng cuộc nói chuyện vì sợ ông mệt. Ông tặng chúng tôi một cuốn tài liệu có tên “Học cách làm người”, là những lời răn dạy của người xưa do ông sưu tầm; một cuốn Tạp chí Văn hóa Phật giáo, trong đó có bài viết của ông. Tuổi đã cao nhưng Đại tá Đinh Thế Hinh vẫn “chăm việc đạo, lo việc đời”. Ông chăm viết bài cho Tạp chí Phật học, Văn hóa Phật giáo... Những bài viết của ông nói về Phật giáo nhưng thực ra là đề cập đến con người, đến việc hướng con người vào các việc thiện. Ông hướng về Phật, nhưng đó là Phật giáo nhập thế, lúc chiến tranh sẵn sàng ra trận cùng cả nước đánh giặc, lúc hòa bình vẫn trung thành với đức Phật và tích cực đưa Phật pháp nhập thế bằng các bài viết tâm huyết của cả cuộc đời học tập và chiến đấu.
Bài và ảnh: HOÀNG LIÊN VIỆT