Đặc biệt, những năm 1942-1943, khi Đảng ta bị chính quyền thực dân tìm mọi cách khủng bố, tiêu diệt, đồng chí Văn Tiến Dũng đã phải cải trang thành nhà sư để hoạt động cách mạng. Quãng thời gian đó đã được Đại tướng Văn Tiến Dũng tái hiện sinh động qua hồi ký “Từ trong bão táp” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (QĐND) phát hành năm 1990. Báo QĐND Cuối tuần trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài lược thuật cuốn hồi ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Lửa thử vàng
Ngày 29-9-1939, Văn Tiến Dũng bị địch bắt, xử án, tạm giam ở Nhà tù Hỏa Lò. Đến năm 1940 bị đày đi Sơn La. Cùng đợt đi đày còn có các đồng chí: Trần Huy Liệu, Xuân Thủy, Nguyễn Văn Phúc, Bùi Đăng Chi… và một số đồng chí khác. Tất cả có 29 tù nhân chính trị. Sơn La khi ấy còn rất vắng vẻ, thưa thớt. Một dãy phố lèo tèo vài chục nếp nhà tranh, mấy ngôi nhà gạch của thương nhân Hoa kiều với một khu chợ. Tòa sứ, kho bạc, bệnh viện… đều ở trên một dãy đồi cao. Nhà tù Sơn La nổi tiếng là nơi Pháp chọn làm thí điểm để "thanh toán" tù nhân chính trị. Nơi đây nổi tiếng với câu ca: “Nước Sơn La, ma Tạ Bú”; “Ai lên Tạ Bú, Chiềng Lề/ Ngày đi thì có, ngày về thì không”; “Hãi hùng thay đất Sơn La/ Mặt vàng, bụng ỏng, màu da mạ chì”.
Văn Tiến Dũng bị giam chung với hơn 30 người trong một phòng giam nhỏ, bốn bức tường cao bằng đá, dưới quét hắc ín, trên quét vôi trắng, quanh năm âm u. Có một ô cửa sổ nhỏ, một cánh cửa ra vào. Mặc dù bị tù đày khổ ải nhưng các đảng viên cộng sản tại đây đã thành lập được chi bộ gồm có các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Phúc, Văn Tiến Dũng, Xuân Thủy. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, những người tù chính trị thường xuyên tổ chức các cuộc đấu tranh bằng nhiều hình thức khác nhau như: Đưa ra yêu sách, thương lượng, biểu tình phản đối, tuyệt thực. Trung bình vài ba tháng lại tổ chức một cuộc đấu tranh.
Đại tướng Văn Tiến Dũng. Ảnh tư liệu
Mùa hè năm 1941, nhân vụ Cút-xô (Cousseau), Công sứ tỉnh Sơn La, vô cớ đánh đập dã man, bắt giam một số tù nhân trên đường đi làm, chi bộ nhà tù đã tổ chức một cuộc đấu tranh lớn với khẩu hiệu trung tâm là “chống khủng bố”. Để cuộc đấu tranh có sức mạnh đông đảo và mang tính toàn thể, chi bộ chủ trương tuyên truyền vận động một số tù chính trị không phải là đảng viên ở một số trại khác cùng tham gia. Tin tù chính trị tuyệt thực để đấu tranh dường như đã làm rung chuyển cả Sơn La. Cút-xô đích thân tới nhà giam, ngang ngược tuyên bố: “Đã nhịn ăn, vậy bắt nhịn cả uống luôn”. Rồi hắn hạ lệnh dồn 156 người vào căn phòng vốn chỉ dành cho 11 người. Tất cả phải ngồi bó gối, ép sát vào nhau, ngồi cả lên thùng phân. Mọi người phải ưu tiên những người có tuổi, sức yếu được ngả lưng lên người khác. Khó khăn nhất là việc đi tiểu, đại tiện. Chỉ một ngày sau khi các tù nhân bị giam, thùng phân đã đầy tràn. Cộng với cái đói, khát nên người tù cảm thấy ruột gan như bị vò nát. Sang ngày thứ ba, cơ thể mọi người đã suy kiệt khí lực, đầu óc mù mờ như sương phủ, chỉ còn nằm thiêm thiếp đợi chết. Nhưng cái khát còn khủng khiếp hơn cả cái đói. Không có nước, những người tù phải uống cả nước tiểu của mình và của bạn. Thoạt đầu uống một ngụm, sặc lên đến tận óc, choáng váng. Nhưng rồi cứ phải uống. Và uống mấy lần cũng cạn, không còn nữa mà uống. Toàn thân những người tù như khô kiệt, chân tay rời rã, run rẩy, cổ họng muốn nứt vỡ. Rất may đến sáng ngày giam thứ tư, một anh lính có cảm tình với cách mạng đã nhân lúc vắng người, tụt xuống hầm mang cho mọi người vài ca nước. Bước sang ngày thứ năm, sau khi kiểm điểm lại tình hình ta và địch, mọi người thống nhất tạm thời kết thúc cuộc đấu tranh để bảo toàn lực lượng. Dàn xếp xong với bọn Cút-xô nhưng những tù nhân vẫn bị giam thêm 6 ngày nữa mới được ra khỏi hầm. Khi đó Văn Tiến Dũng mới 24 tuổi, vừa bước ra khỏi phòng giam, hai chân run rẩy, loạng choạng, tay phải vịn men vào bờ tường, hai mắt chói lòa ánh mặt trời, gần như phải nhắm lại.
Vào chùa để hoạt động cách mạng
Tháng 9-1941, Văn Tiến Dũng mãn hạn tù. Chi bộ nhà tù nhận định, vì Pháp đã xếp Văn Tiến Dũng là “phần tử nguy hiểm” nên sẽ đưa về trại tập trung nào đó. Do vậy, chi bộ quyết định phải tìm mọi cách giúp Văn Tiến Dũng trốn thoát, rồi liên lạc với Đảng, sau đó mở đường dây liên lạc với Nhà tù Sơn La.
Bị giải qua Hà Nội, Văn Tiến Dũng cùng một số bạn tù lập mẹo, mời bọn lính canh một bữa rượu. Nhân lúc lính canh lơ là, Văn Tiến Dũng đã trốn thoát. Đêm hôm đó, Văn Tiến Dũng liên lạc được với đồng chí Trần Văn Lượng, thành ủy viên Hội Ái hữu thợ mũ trong Liên đoàn Lao động Hà Nội. Bốn hôm sau, anh Lượng ghé tai Văn Tiến Dũng thì thầm: Mai anh sẽ được gặp anh To đầu (là tên gọi vui của anh thợ in Nguyễn Văn Đáng, tức Trần Đăng Ninh). Hai người gặp nhau trong một căn nhà nhỏ, đơn sơ. Tại đây, Văn Tiến Dũng đã báo cáo với đồng chí Trần Đăng Ninh tình hình mọi mặt ở Nhà tù Sơn La. Vấn đề cấp bách, tha thiết nhất của chi bộ nhà tù là sớm đặt được đường dây liên lạc với Trung ương Đảng để có sự chỉ đạo trực tiếp, kịp thời và có kế hoạch tổ chức cho các đồng chí ta vượt ngục. Đồng chí Trần Đăng Ninh lắng nghe, rất vui mừng và thông báo, từ sau những vụ vây ráp dữ dội cuối năm 1939, đầu năm 1940, Pháp vẫn truy lùng ráo riết các đảng viên. Vì vậy, Đảng đang thiếu cán bộ trầm trọng. Và dặn Văn Tiến Dũng ít hôm nữa Đảng sẽ sắp xếp công việc mới. Nhưng đến hai tháng sau, đồng chí Trần Đăng Ninh bất ngờ bị địch bắt. Đầu mối liên lạc của Văn Tiến Dũng với Trung ương bị mất. Như vậy, việc hoạt động của Văn Tiến Dũng trở nên khó khăn hơn. Sau khi bàn bạc cùng anh Lượng, Văn Tiến Dũng quyết định rời khỏi nơi ở của anh Lượng để giữ kín tung tích. Văn Tiến Dũng xin vào làm ở xưởng gỗ Mộc Hóa, gặp anh Nguyễn Tiến Lãng là cơ sở của Đảng. Sau đó, anh Lượng giới thiệu Văn Tiến Dũng với anh Vũ Văn Biểu, đảng viên hăng hái cách mạng đang làm ở xưởng đóng đồ gỗ Gia Xuân ở đường Hàng Lọng (nay là đường Lê Duẩn). Thời gian này, Văn Tiến Dũng hoạt động cách mạng sôi nổi, tham gia giáo dục cho công nhân hiểu rõ tình hình cách mạng, khéo léo phổ biến cả tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 để xây dựng những hạt nhân trung kiên.
Đầu năm 1942, Trần Văn Lượng bị Pháp bắt trong dịp tổ chức rải truyền đơn kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động và hoan nghênh chiến thắng của Hồng quân Liên Xô. Tình hình diễn biến phức tạp, Văn Tiến Dũng rời về làng Đại Áng, Thanh Trì, Hà Nội làm thợ mộc. Nay làng này mai xã khác, vừa sửa chữa vặt đồ gỗ cho người dân, vừa khéo léo tuyên truyền cách mạng, đồng thời nghe ngóng, tìm dấu vết của các tổ chức Đảng địa phương.
Đồng bào nghèo, ít việc, đời sống chật vật, Văn Tiến Dũng phải chuyển vào vùng Mỹ Đức, Hà Đông (Hà Nội) làm ruộng, nuôi lợn cho một hộ gia đình. Ít lâu sau, thấy có thể xây dựng cơ sở cách mạng ở đây, Văn Tiến Dũng nhắn cho anh Biểu, anh Lãng về cùng làm việc và hoạt động cách mạng. Vậy là một chi bộ Đảng ở vùng này được thành lập. Nhằm mở rộng tuyên truyền và gây dựng cơ sở, tìm được liên lạc với Đảng, Văn Tiến Dũng nghĩ ra một cách: Mua hai tờ giấy trắng lớn, can lại với nhau, rồi vẽ một bản đồ thế giới, lấy phẩm đỏ bôi kín phần lãnh thổ Liên bang Xô Viết để gợi thêm sự chú ý và cũng là để thử xem ai bày tỏ tình cảm với phần màu đỏ. Có một người hay đến, rất chăm chú tới tấm bản đồ, cách nói năng cũng tỏ ra thích quan tâm tới thời cuộc và có đầu óc dân tộc. Đó là “thầy” lý trưởng tên là Nguyễn Viết Bảng. Sau nhiều lần Văn Tiến Dũng đến tận nhà nói chuyện, cả gia đình Lý Bảng có cảm tình và trở thành chỗ dựa vững của cách mạng. Có cơ sở Lý Bảng, Văn Tiến Dũng cùng các đồng chí trong chi bộ mở rộng tuyên truyền cứu quốc ra nhiều xã. Hơn thế, chi bộ đã mạnh dạn tiến một bước mới, tổ chức ra cả Ủy ban Việt Minh ở làng Vĩnh Lạc (Đại Áng, Thanh Trì, Hà Nội). Tổ Việt Minh được thành lập, mở rộng cơ sở ở xã Thượng Lâm (Mỹ Đức, Hà Nội) và đi tuyên truyền đồng bào Mường ở Lương Sơn (Hòa Bình). Phong trào đang trên đà phát triển, Văn Tiến Dũng phải thường xuyên gặp gỡ anh em cứu quốc để bàn công việc nên cần phải tìm một nơi kín đáo để hoạt động. Văn Tiến Dũng gặp Lý Bảng, sau khi bàn tính, cân nhắc kỹ lưỡng, hai người thống nhất chọn ngôi chùa ở làng Bột Xuyên, Mỹ Đức, Hà Đông (Hà Nội) làm cơ sở mới. Để xin được vào chùa, Văn Tiến Dũng phải cải trang thành nhà sư.
Vào nương cửa Phật, ngày ngày, Văn Tiến Dũng giảng kinh, niệm Phật, chiều ra vườn cuốc đất cần cù và thầm lặng như những nhà tu khổ hạnh. Nhân dân Bột Xuyên rất có thiện cảm với nhà sư. Các vị hào lý trong làng thường ra thăm hỏi, trò chuyện. Dưới tấm áo nhà sư, với cái cớ đi làm lễ và thăm phật tử ở các nơi, Văn Tiến Dũng luôn đi xuống các xã, huyện trong vùng để tìm hiểu tình hình, tuyên truyền, gây dựng cơ sở. Mượn cớ một số cánh cửa của chùa bị hỏng, cần sửa chữa, Văn Tiến Dũng triệu tập anh Lãng và anh Biều về chùa để họp. Đánh giá tình hình người dân và địa thế ở đây rất thuận lợi, chi bộ nhận định có thể tiến tới mở những cuộc tập luyện quân sự chuẩn bị cho khởi nghĩa. Quần chúng tham gia phong trào rất hăng hái, ảnh hưởng lan rộng sang cả các vùng lân cận. Ông trưởng đạo Thiên chúa ở Vĩnh Lạc cũng trở thành một cốt cán của phong trào Việt Minh trong xã. Nhà thờ họ đạo trở thành nơi lui tới họp bàn việc nước.
Tháng 3-1943, anh Biểu thông báo với Văn Tiến Dũng đã tìm được mối liên lạc với Đảng. Khoảng hai tuần sau, đồng chí Tự (tức Hoàng Quốc Việt) ở Trung ương về thăm chùa. Anh Tự ôn tồn nói với Văn Tiến Dũng: “Vừa qua quả là không ít khó khăn cho đồng chí. Nhưng Đảng đã rõ đồng chí… Hôm nay, Trung ương phái tôi về đây là để chính thức liên lạc với đồng chí. Bây giờ Trung ương giao cho đồng chí đảm nhiệm Bí thư Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Hà Đông”. Thế là Văn Tiến Dũng được trở về hoạt động trong hàng ngũ của Đảng với công việc tuy nặng nề hơn nhưng tâm trạng phấn chấn hơn với niềm tin và sức mạnh ngày càng lớn.
Đại tướng Văn Tiến Dũng (bí danh Lê Hoài) sinh ngày 2-5-1917, tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội. Nhà nghèo, không ruộng đất, mẹ mất sớm nên ông theo cha ra Hà Nội. Sau khi cha đột ngột qua đời năm 15 tuổi, Văn Tiến Dũng đành phải bỏ học, về nhà trợ giúp cho anh làm nghề thợ may. 17 tuổi, Văn Tiến Dũng lại ra Hà Nội làm công cho các xưởng dệt Thanh Văn (Hàng Đào), sau chuyển sang xưởng Đức Xương Long, Cự Chung (Hàng Bông). Năm 1936, Văn Tiến Dũng tham gia phong trào đấu tranh công khai của công nhân Hà Nội do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Tháng 11-1937, tròn 20 tuổi, Văn Tiến Dũng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Được trui rèn sớm, lại trải qua nhiều đận “lửa thử vàng”, từng bị thực dân Pháp bắt giam 3 lần và vượt ngục thành công 2 lần. Tháng 11-1939, Văn Tiến Dũng bị Pháp đày đi Nhà tù Sơn La. Hai năm sau, trên đường bị địch áp giải từ Sơn La về Hà Nội, ông đã trốn thoát.
Năm 1974, ông được phong quân hàm Đại tướng. Ông được giao trọng trách chỉ đạo trực tiếp nhiều chiến dịch lớn: Từ Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (1971), Trị-Thiên (1972), Chiến dịch Tây Nguyên (1975). Tháng 4-1975, ông giữ chức Tư lệnh Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định (sau đổi tên thành Chiến dịch Hồ Chí Minh).
|
HÀ AN