QĐND - Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô mất đi đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho nhân dân Cu-ba, nhân dân Mỹ La-tinh và cả nhân loại. Nhất là đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân của một đất nước được Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô dành một tình cảm đặc biệt. Nhưng ít ai biết được rằng, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã nhận làm “em kết nghĩa” với Anh hùng Núp. Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã mời Anh hùng Núp đến thăm Cu-ba và khi Anh hùng Núp rời Cu-ba về Việt Nam chống Mỹ, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã nhờ Anh hùng Núp thưa với Bác Hồ: “Trong cuộc chiến đấu mới này, Việt Nam đã có Cu-ba sát cánh”.
Những năm tháng đánh du kích gian khổ
Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô sinh ngày 13-8-1926 tại làng Oriente, quận Birán, tỉnh Hol Giun, miền Đông Cu-ba, cách thủ đô La Ha-ba-na 800km. Từ rất sớm, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã tiếp xúc với thực tế chua xót của sự nghèo đói mà Cu-ba phải hứng chịu và theo ông nguyên nhân là vì “sự bóc lột của chủ nghĩa đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng ở Cu-ba”.
Vì có mục tiêu đấu tranh rõ ràng, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã được đảng Nhân dân Cu-ba, chính đảng mà ông tham gia từ năm 1947, đề cử làm ứng viên cho cuộc bầu cử Quốc hội Cu-ba năm 1952. Tuy nhiên, cuộc bầu cử Quốc hội năm đó không bao giờ xảy ra vì tướng F.Ba-ti-xta, kẻ được Mỹ hậu thuẫn, đã đảo chính và lên nắm quyền vào tháng 3-1952, khiến hàng nghìn chính khách bị sát hại và dân chúng Cu-ba phải sống dưới sự đàn áp với 20.000 người bị giết.
|
Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô. Ảnh tư liệu |
Giận dữ trước chính quyền độc tài thân Mỹ F.Ba-ti-xta, vào ngày 26-7-1953, cùng với 100 người khác, Phi-đen Ca-xtơ-rô đã tham gia tấn công vào trại lính Môn-ca-đa ở Xan-ti-a-gô nhưng không thành công. Hơn 80 người hy sinh trong trận đánh, bản thân Phi-đen Ca-xtơ-rô cũng bị bắt và bị kết án 15 năm tù. Trận tiến công trại lính Môn-ca-đa tuy thất bại nhưng là cuộc đấu tranh vũ trang đầu tiên của cách mạng Cu-ba và Phi-đen Ca-xtơ-rô nhận thức một chân lý đúng đắn sau này được chứng minh là “Kẻ thù sợ nhất nhân dân khi họ cầm vũ khí đấu tranh; đấu tranh vũ trang phải đi đầu”.
Năm 1955, để “cải thiện hình ảnh”, F.Ba-ti-xta đặc xá cho nhiều tù nhân chính trị, trong đó có Phi-đen Ca-xtơ-rô. Sau đó, Phi-đen Ca-xtơ-rô sang Mê-hi-cô lập nhóm vũ trang kháng chiến có tên “Hai sáu tháng Bảy” và gặp Chê Ghê-va-ra (Che Guevara), người khi đó là sinh viên y khoa đang tập sự tại thủ đô Mê-hi-cô. Lập tức, vì lý tưởng giống nhau, hai người đã trở thành đồng chí của nhau. “Không có gì thôi thúc con tham gia bất kỳ cuộc cách mạng nào chống lại một bạo chúa, nhưng một người phi thường như Phi-đen đã gây ấn tượng với con. Anh ấy có một niềm tin mãnh liệt rằng một khi chúng ta chiến đấu, chúng ta sẽ chiến thắng” - Chê Ghê-va-ra đã kể về Phi-đen Ca-xtơ-rô trong bức thư gửi cho cha mẹ năm 1955 như vậy.
Ngày 1-1-1959, cùng với các chiến hữu của mình, Phi-đen Ca-xtơ-rô đã tiến quân vào La Ha-ba-na, lật đổ chế độ độc tài thân Mỹ F.Ba-ti-xta. Sự kiện này đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân dân Cu-ba, kỷ nguyên làm chủ vận mệnh của chính mình.
Người kiên trì chống đế quốc bạo tàn
Người viết tiểu sử L.Côn-men (L.Coltman) đã mô tả Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô là “người nhiệt huyết, tận tâm, trung thành, hào phóng và hào hiệp” nhưng luôn giữ thái độ “không khoan nhượng” với kẻ thù. Đó chính là chủ nghĩa đế quốc và tay sai của chúng. Bởi vậy, đạo diễn Mỹ Ô-li-vơ Xtôn (Oliver Stone) cũng nói về Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô như sau: “Chúng ta phải nhìn nhận Phi-đen như một trong những người sáng suốt, biết lẽ phải nhất trên Trái đất này, một trong những người chúng ta cần hỏi ý kiến”.
Ngày 17-4-1961, Mỹ đã chi 10 triệu USD và yểm trợ 1.300 lính Cu-ba lưu vong đổ bộ lên vùng vịnh Con Lợn. Tuy vậy, nhóm quân lưu vong này đã bị đánh tan hoàn toàn bởi Quân đội Cách mạng Cu-ba trong thời gian ngắn ngủi với hơn 1.000 tên bị bắt sống. Chính bản thân Phi-đen Ca-xtơ-rô đã đích thân chỉ huy trận đánh trên một chiếc xe tăng T-34 dẫn đầu đội hình chiến đấu của quân đội Cu-ba trong cuộc chiến trên vịnh Con Lợn. Đặc biệt chiếc T-34 do ông chỉ huy đã bắn hạ 2 chiếc xe tăng M4 Sherman của quân lưu vong Cu-ba trong khi tham chiến.
|
Lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô trong những ngày thực hiện chiến tranh du kích gian khổ ở Sierra Maestra. Ảnh: nytimes.com |
Ngày 1-5-1961, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô tuyên bố Cu-ba là một quốc gia xã hội chủ nghĩa. Ông tuyên bố: “Tại châu Mỹ La-tinh này, không có một chính phủ nào dân chủ hơn chính phủ cách mạng của chúng ta... Nếu ngài Ken-nơ-đi (Kennedy) không ưa xã hội chủ nghĩa, thì chúng ta cũng ghét chủ nghĩa đế quốc vậy”.
Cơ quan nghiên cứu an ninh nhà nước Cu-ba cho hay, có 637 âm mưu và 164 lần ám sát Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô trong giai đoạn 1958-2000. Các âm mưu ám sát bao gồm xì gà tẩm độc tố hoặc tẩm thuốc nổ, bút bi chứa một ống tiêm tẩm chất độc chết người, và thuê mafia ám sát… Phi-đen Ca-xtơ-rô trong năm 1959 đã đến thăm Mỹ và cầm trên tay một tờ báo ở Niu Y-oóc viết về âm mưu ám sát mình. Khi được hỏi về âm mưu ám sát nhằm vào mình, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô trả lời: “Ở Cu-ba, họ có xe tăng, máy bay mà cuối cùng họ vẫn phải bỏ chạy. Vậy thì ở đây họ định làm gì? Tôi vẫn ngủ ngon và không thấy lo lắng chút nào cả”. Vượt qua mọi khó khăn và âm mưu lật đổ, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô vẫn bình an vô sự.
Tự nhận là em của Anh hùng Núp
Sau khi cách mạng thành công, Cu-ba đẩy mạnh việc tìm hiểu cuộc kháng chiến chống Pháp và bọn can thiệp Mỹ của nhân dân Việt Nam, lấy đó làm bài học thực tiễn sinh động trong cuộc chiến chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ của Cu-ba. Cu-ba đã cho dịch hàng loạt cuốn sách từ tiếng Việt sang tiếng Tây Ban Nha như “Chiến tranh nhân dân” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một cuốn sách về cuộc đời Anh hùng Núp mà Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô và các đồng chí của ông ngưỡng mộ từ lâu nhằm phổ biến rộng rãi trong nhân dân và truyền bá sang các nước khác ở khu vực Mỹ La-tinh.
Cuốn sách về cuộc đời Anh hùng Núp được dịch sang tiếng Tây Ban Nha và phát hành ở Cu-ba lập tức làm say mê Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô. Bởi vậy Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô rất muốn mời Anh hùng Núp sang thăm Cu-ba. Bà Mên-ba Éc-nan-đét (Melba Hernander)-Chủ tịch Ủy ban Cu-ba đoàn kết với Việt Nam, nhớ lại: “Chính Phi-đen Ca-xtơ-rô là người đầu tiên đã phát hiện ra Việt Nam và tìm thấy ở đây một tiềm năng cách mạng rất lớn, điều đang cần cho cách mạng Cu-ba”.
Vào dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1964, Cu-ba tổ chức đợt đoàn kết từ ngày 15 đến ngày 23-7 với nhiều hoạt động độc đáo. Một nét độc đáo của đợt hoạt động đoàn kết này là việc Đảng, Nhà nước Cu-ba mời Anh hùng Núp, người con của núi rừng Tây Nguyên, một trong những biểu tượng cao đẹp của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp sang Cu-ba. Đây chính là mong muốn của Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô và cũng là của toàn thể nhân dân Cu-ba muốn tận mắt thấy Anh hùng Núp, người chỉ dùng vũ khí thô sơ mà cùng buôn làng đánh được giặc Pháp.
Ngay từ giây phút đầu đặt chân đến Cu-ba, Anh hùng Núp đã thấy không khí thân mật như khi ở buôn làng. Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô cùng người em trai Ra-un Ca-xtơ-rô (Raul Castro) và người chiến sĩ Mác-xít huyền thoại Chê Ghê-va-ra đã tiếp đón Anh hùng Núp. Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã hỏi tuổi Anh hùng Núp rồi tự nhận là em. Bởi Anh hùng Núp sinh ngày 2-5-1914 còn Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô sinh ngày 13-8-1926. Nghe Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô nói vậy, Anh hùng Núp cười vang rồi nói: “Đồng chí ít tuổi nhưng đồng chí là chỉ huy cao nên là anh”. Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô xua xua bàn tay rộng rồi nói: “Đã là anh em thì không nói đến cấp chức. Ai hơn tuổi, người đó là anh. Đồng chí Núp làm anh mới đúng! Cách mạng Cu-ba phải học tập kinh nghiệm những người anh em đi trước!”. Tất cả mọi người nghe thấy vậy đều cười vui vẻ. Bởi vì tất cả biết rằng Cu-ba luôn mong muốn học tập Việt Nam, một đất nước có bề dày đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân đế quốc.
Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô nói tiếp: “Nhân dân Cu-ba nhìn thấy anh còn sống, lại khỏe mạnh thế này là mừng rồi, vì mọi người đọc sách thấy anh khổ quá, đồng bào Tây Nguyên khổ quá. Thiếu đến cả muối ăn thì thật không tưởng tượng nổi! Vậy mà vẫn đánh Pháp, mà lại thắng bằng cung tên rất thô sơ thì thật kỳ lạ! Cuốn sách viết về anh đối với nhân dân Cu-ba là cuốn sách gối đầu giường đấy!”.
|
Anh hùng Núp. Ảnh: Kiến Thức |
Anh hùng Núp không ngờ câu chuyện của buôn làng mình, đất nước mình lại được nhân dân Cu-ba cảm thông, chia sẻ đến như thế. Những ngày ở Cu-ba, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã dặn dò Ra-un Ca-xtơ-rô và Chê Ghê-va-ra đích thân đưa Anh hùng Núp đi thăm các đơn vị quân đội và các nhà máy, nông trường. Tới đâu Anh hùng Núp cũng nghe nhân dân Cu-ba reo to: “Du kích Núp! Du kích Việt Nam! Thần thoại! Thần thoại!”. Nhân dân Cu-ba vây quanh Anh hùng Núp và một điệu múa bột phát chợt nổi lên. Những đôi chân họ nhún nhảy, hai tay vỗ vào nhau. Anh hùng Núp thấy người Cu-ba giống người Tây Nguyên của mình quá. Cũng mạnh mẽ, sôi nổi, bụng dạ hào phóng như cánh cửa bỏ ngỏ. Bị cuốn vào những vũ điệu đó, Anh hùng Núp thấy mình như đang ở buôn làng Tây Nguyên.
Chuyến đi ấy, Anh hùng Núp phải từ biệt đất nước Cu-ba sớm hơn dự định. Bởi vì lúc đó hàng dàn máy bay Mỹ đang ném bom Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị. Cả Cu-ba biết tin đã ầm ầm phẫn nộ. Anh hùng Núp nóng lòng trở về nước tham gia kháng chiến chống Mỹ. Khi chia tay, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô gửi tặng Bác Hồ một hộp xì gà, đặc sản của Cu-ba và nhờ Anh hùng Núp mang giùm. Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô cũng nhờ Anh hùng Núp về thưa với Bác Hồ rằng: “Trong cuộc chiến đấu mới này, Việt Nam đã có Cu-ba bên cạnh”.
Sau lần gặp Anh hùng Núp, Chê Ghê-va-ra, một đồng chí thân thiết của Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã xin rời Cu-ba cùng với đội ngũ gồm các chiến sĩ du kích kiên trung lên đường đi chiến đấu giải phóng các dân tộc anh em còn bị áp bức ở Mỹ La-tinh. Từ tháng 1-1965, Chê Ghê-va-ra rời Cu-ba để đến với Công-gô và sau đó là Bô-li-vi-a nhằm mục đích khởi động một cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, để biến các nước này thành một, hai, ba và nhiều Việt Nam đang kiên cường chống Mỹ. Và cũng từ đấy, trên Đài Phát thanh và Truyền hình Cu-ba hằng ngày phát đi phát lại vở kịch với nhan đề “Người anh hùng của núi rừng” về cuộc đời Anh hùng Núp.
Đặc biệt, sau cuộc gặp với Anh hùng Núp, một điển hình của dân tộc Việt Nam gan góc đánh Pháp, đánh Mỹ, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã dành một tình cảm đặc biệt đối với cách mạng Việt Nam. Ngày 2-1-1966, khi nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn gay go nhất của cuộc đụng đầu lịch sử đối với đế quốc Mỹ, trong cuộc mít tinh có hơn 1 triệu người Cu-ba tham dự và khách mời của các nước đến từ ba châu: Á, Phi, Mỹ La-tinh, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô tuyên bố: “Vì Việt Nam, Cu-ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Lời tuyên bố chí tình ấy đã làm rung động cả lương tri nhân loại. Hàng ngàn thanh niên Cu-ba viết đơn tình nguyện xin đến Việt Nam để cùng nhân dân Việt Nam đánh Mỹ.
Trong tháng 9-1973, bất chấp sự nguy hiểm, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã đến tận khu giải phóng Quảng Trị. Hình ảnh Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đứng trên chiếc xe tăng Mỹ phất cao lá cờ truyền thống bách chiến bách thắng của đoàn Khe Sanh, quân giải phóng Trị Thiên-Huế mãi là biểu tượng cho tình hữu nghị Cu-ba - Việt Nam và cũng là biểu tượng cho sự hữu nghị chân chính của mọi thời đại.
Huế, ngày 26-11-2016
NGUYỄN VĂN TOÀN