Câu chuyện trên đây tôi đọc được trong cuốn nhật ký “Nơi ấy là chiến trường” của ông, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành đầu năm 2019. Tôi tin ngay chuyện đó là có thật. Tin vì đặc trưng của thể loại nhật ký. Và tin vì những điều tôi cảm nhận được từ cuốn sách này...
Thế hệ "tài hoa ra trận"
Hồi cuối tháng 10-2012, tại Hà Nội có cuộc Hội thảo văn chương “Đỗ Nam Cao-Một con đường thơ”, nhân giỗ đầu nhà thơ Đỗ Nam Cao, nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, một nhà thơ tài hoa đoản mệnh. Đỗ Nam Cao quê ở huyện Phú Xuyên, nay thuộc ngoại thành Hà Nội, là cựu sinh viên Khoa Văn học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), thuộc thế hệ “tài hoa ra trận”. Bữa đó, ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đến dự và phát biểu rất xúc động.
Từ đó, tôi mới biết ông Phạm Quang Nghị cũng từng là “lính sinh viên”, từng được dự lớp bồi dưỡng đặc biệt gần nửa năm của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1970, tiếp đó là 3 tháng vừa học làm báo, vừa huấn luyện quân sự ở vùng núi tỉnh Hòa Bình, trước khi được “tung” vào chiến trường. Trong đợt xuất quân ấy, có nhiều cây bút trẻ sau này trở thành những tên tuổi của nền văn học nước nhà, như: Thanh Thảo, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Trí Huân, Lê Quang Trang, Trần Thị Thắng, Nguyễn Bảo, Trần Vũ Mai, Hà Phương, Đỗ Nam Cao...
Tại cuộc hội thảo văn chương hôm đó, tôi được biết chị Trần Thu Hồng, vợ nhà thơ Đỗ Nam Cao, nguyên chiến sĩ biệt động và là tù nhân được trao đổi đợt đầu tiên tại sân bay Lộc Ninh, Tây Ninh ngày 28-4-1973 theo Hiệp định Paris. Hôm đó, Đỗ Nam Cao và Phạm Quang Nghị được cử tham gia đoàn tiếp nhận với tư cách phóng viên của tờ Sinh hoạt Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Và chàng phóng viên trẻ Đỗ Nam Cao đã bị nữ tù nhân Trần Thu Hồng “cầm tù” ngay từ ánh mắt đầu tiên.
Câu chuyện ám ảnh mãi trong tôi, cùng ý muốn được tìm hiểu kỹ hơn về mối tình đặc biệt ấy và rộng hơn là chuyện về cuộc trao đổi tù dân sự năm ấy. Nhưng biết hỏi ai? Sách báo viết về cuộc trao trả này không nhiều. Anh Cao, chị Hồng, ông Nghị là những người biết rõ sự việc; nhưng nay người thì đã mất, người đang sống tận TP Hồ Chí Minh, người thì giữ cương vị cao với trăm công nghìn việc, tôi làm sao hỏi được? May mắn là gần đây, đọc cuốn nhật ký “Nơi ấy là chiến trường” của ông Nghị, tôi đã được giải đáp phần nào.
Gần 3 trang in khổ lớn đã tái hiện khá chi tiết cụ thể về cuộc trao trả tù nhân hôm đó: Từ quang cảnh sân bay đến hình dáng, màu sắc những tấm ghi lót đường băng; từ số lượng, chủng loại các phương tiện vận tải đến số hiệu và màu sơn từng chiếc máy bay và ô tô của mỗi bên; từ số lượng tù nhân nam và nữ được hai bên trao trả đến phân loại tuổi tác, thời gian bị tù của từng người... Lại có cả những sự kiện, chi tiết rất “độc đáo” như: Trong khi lời qua tiếng lại, thiếu tá Chất phía ngụy quân Sài Gòn đã tát viên sĩ quan phiên dịch bị cận thị của y một cái như trời giáng trước mặt mọi người. Rồi khi trao trả tù nhân cho ta, địch đã bố trí cho một kẻ chiêu hồi không chịu xuống máy bay, kiên quyết “ở lại cùng chánh phủ quốc gia” và thái độ của Ủy ban Quốc tế do Indonesia làm Chủ tịch trước sự việc ấy...
|
|
Trang nhật ký viết ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu |
Có thể nói mỗi trang nhật ký “Nơi ấy là chiến trường” đều chứa đựng những tư liệu chiến tranh khả tín: Những biểu hiện tư tưởng, lập trường, thái độ... của quân và dân Nam Bộ trước mỗi giai đoạn hay sự kiện lịch sử. Cuộc đấu tranh giành đất, giành dân trong thi hành Hiệp định Paris năm 1973. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hô hào tẩy chay Hiệp định Paris như thế nào, biện hộ thế nào về tình trạng tham nhũng trong bộ máy của mình, đã nói những lời “chia tay” như thế nào trước khi "chuồn" ra nước ngoài... T
ác giả cũng kỳ công ghi chép lại những “chuyện thường ngày” rất thú vị, như: Cách phân biệt máy bay trinh sát với máy bay oanh tạc; cách bà con đối phó với chiến dịch “sơn cờ” của địch hồi đầu năm 1973; cách bà con đối phó tại các trạm kiểm soát khi mua nhiều vải trắng về nhuộm để may cờ cách mạng chờ ngày giải phóng; tại sao có biệt hiệu “Bộ đội thầy chùa” trước năm 1975... Đó là những tư liệu lịch sử chiến tranh hết sức cụ thể, sinh động, hữu ích; là phần giá trị quan trọng của cuốn sách này.
Dẹp bỏ nỗi đau riêng của gia đình
Hơn 500 trang sách khổ lớn (16x24cm) ghi chép những câu chuyện, sự việc mà tác giả được can dự và chứng kiến trong cuộc hành quân 7 tháng vượt Trường Sơn đầu năm 1971, từ miền Bắc vô miền Trung, vòng qua Lào và Campuchia để vào chiến trường Nam Bộ. Rồi những ngày ở “R”; những ngày nằm vùng bám dân, bám đất ở miền Đông, ở "vùng ven”, ở Tây Ninh, ở Sài Gòn những ngày đầu giải phóng năm 1975...
Chất chồng những gian lao nguy hiểm, ngồn ngộn hiện thực chiến tranh, đầy ắp vốn sống chiến trường... Đó là những chuyện đã biết rồi, nghe rồi, đọc rồi... nhưng đọc “Nơi ấy là chiến trường” vẫn rất hấp dẫn, cuốn hút, tò mò, khâm phục và cảm động; nhất là những trang ghi chép của Phạm Quang Nghị sau mỗi trận sốt triền miên buộc anh phải 5 lần nhập viện trong 7 tháng hành quân vượt Trường Sơn...
Song hành cùng những hiện thực chiến trường khắc nghiệt trên đây là quá trình dấn thân, nhập cuộc, chịu đựng, rèn luyện và trưởng thành về ý chí, nghị lực, nhận thức... của một phóng viên chiến trường. Đây là hành trình tinh thần của một trí thức trẻ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hăng hái tham gia kháng chiến vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Và đây mới là tầng vỉa ẩn chìm khiến bạn đọc phải đồng hành với tác giả để khám phá và suy ngẫm về những phẩm chất cần thiết của người làm báo, không chỉ trong chiến tranh cứu nước mà cả trong xây dựng hòa bình, trong cơ chế thị trường nghiệt ngã và đặc biệt trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng và thành quả của sự nghiệp cách mạng từng được đánh đổi bằng biết bao xương máu của đồng bào, đồng chí, đồng nghiệp...
Tháng 9-1970, vừa kết thúc năm thứ ba Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), Phạm Quang Nghị cùng một số bạn đồng môn được chọn đi dự một khóa bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội Nhà văn Việt Nam để bổ sung cho chiến trường miền Nam. Chuyện “gác bút ra trận” của sinh viên miền Bắc ngày ấy không phải là điều đặc biệt.
Quan niệm “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” là lý tưởng phổ biến của thế hệ thanh niên ngày ấy, nên trường hợp Phạm Quang Nghị cũng không phải cá biệt. Nhưng vào thời điểm ấy, anh vừa trở thành người con độc nhất trong gia đình khi 3 người em ruột của anh vừa bị máy bay Mỹ giết hại. Bố anh lại đang là một cán bộ có chức vụ khá cao. Trong hoàn cảnh và điều kiện ấy nhưng Phạm Quang Nghị vẫn quyết chí lên đường. Rõ ràng đây là một sự lựa chọn sinh tử, một cuộc dấn thân tự nguyện với một quyết tâm và ý chí không gì lay chuyển được.
Trong buổi lễ tiễn đưa tổ chức tại sân Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày 28-9-1970, anh thay mặt những người lên đường phát biểu: “Tổ quốc đã cất tiếng gọi và miền Nam đang chờ đợi sự có mặt của chúng tôi. Tổ quốc-miền Nam, những tiếng có âm vang kiêu hãnh ấy đang thôi thúc gọi chúng tôi lên đường!”.
|
|
Bìa sách “Nơi ấy là chiến trường”. |
Những cung bậc cảm xúc... rất con người
Trong những lời hùng hồn hào sảng trên đây, có bao nhiêu phần trăm là sự bốc đồng, xốc nổi của tuổi trẻ? Hãy đợi đấy! Và quả thật, khi phải đối mặt với những khắc nghiệt, hiểm nguy, những thiếu thốn vật chất và tình cảm, những hoàn cảnh éo le sinh tử giữa chiến trường... thì tác giả cũng bộc lộ hết thảy những cung bậc cảm xúc, những phản ứng rất con người. Có điều, những lo âu, trăn trở, thậm chí có khi sợ hãi, có khi “tủi hờn” (như hôm đầu tiên sau 7 tháng hành quân truân chuyên, không ngờ lại được đón tiếp “sơ sài” ở cơ quan Trung ương Cục) đều được anh ghi lại một cách trung thực.
Ghi không phải là cách nói ra cho nhẹ lòng, mà ghi để tự vấn, để tự kiểm, để vượt lên. Phải mất một quá trình lâu dài vật lộn nội tâm như thế, anh mới rút ra: “Đấu tranh thắng bản thân mình là khó hơn tất cả. Biết bao công việc, biết bao trở ngại gian lao bên ngoài ta đã từng gặp và đã vượt qua. Nhưng nhiều khi mình không thắng nổi mình trong những tình cảm mến yêu, những tính toán cá nhân không tốt”. Và mỗi khi le lói một ý nghĩ không tốt, trằn trọc vì một điều gì đó không được như mong muốn, anh lại tự vấn: “Phải chăng, còn có những điều ta chưa tìm cho ra lẽ?” (Nhật ký ghi ngày 26-6-1973).
Có thể nói, nhật ký “Nơi ấy là chiến trường” là cuốn “sách trắng” nội tâm của một thanh niên trí thức từ nhà trường bước vào chiến trường. Tất cả được trình bày một cách chân thực, trần trụi, giản dị và cầu thị. Tất cả làm nên “biểu đồ” đời sống tinh thần của một người lính theo chiều hướng đi lên; phải vật vã vượt qua những gập ghềnh, gồ ghề, sần sùi của cuộc sống để có được sự gân guốc, cứng cỏi, dạn dày của một phóng viên chiến trường-người chiến sĩ cách mạng. Đồng thời, tác phẩm cũng gợi cho người đọc hôm nay thấy được tầm nhìn xa trông rộng của Đảng và sự chu đáo, bài bản, hiệu quả của các ngành chức năng khi chuẩn bị nguồn nhân lực dài lâu cho sự nghiệp báo chí và văn học của nước nhà, ngay từ khi đất nước còn chìm trong đạn bom xâm lược. Đó là một thành công đáng kể, là giá trị nhân văn của cuốn nhật ký chiến trường này.
MAI NAM THẮNG