Phóng viên (PV): Thưa PGS Nguyễn Mạnh Hà, tìm hiểu sự kiện ngày 28-1-1941, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài thì chúng tôi được biết Bác đã nung nấu ý định trở về nước để lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ trước đó rất lâu. Nhưng phải trải qua một hành trình rất vất vả, gian nan thì Bác mới thực hiện được ý định đó?

PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà: Nghiên cứu về cuộc ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh trong gần 30 năm, tính từ ngày 5-6-1911 cho đến 28-1-1941, chúng tôi thấy có thể chia ra làm 3 giai đoạn.

Từ năm 1911 đến năm 1920 là giai đoạn Bác đi tìm con đường cứu nước. Và Bác tìm thấy khi đọc bản “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin đăng trên báo Nhân Đạo ở Pháp vào tháng 7-1920. Như vậy, phải mất một thập kỷ Nguyễn Ái Quốc mới tìm ra được con đường cứu nước đúng đắn, đó là con đường cách mạng vô sản. Từ đó, Người đã nung nấu "trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”.

leftcenterrightdel
PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà. Ảnh: LIÊN VIỆT 

Năm 1920, sau khi trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, theo đường lối của Quốc tế III, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp bắt tay vào chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc ra đời một chính đảng cách mạng ở Việt Nam. Lần đầu tiên Người có ý định về nước là khi đang công tác ở Quốc tế Cộng sản tại Mát-xcơ-va năm 1924. Lúc đó, Chính phủ Trung Hoa dân quốc của ông Tôn Trung Sơn đề nghị Liên Xô cử một phái đoàn cố vấn sang giúp đỡ, Người nhận thấy đây là cơ hội để trở về nên đề nghị với Quốc tế Cộng sản cho Người làm phiên dịch cho phái đoàn cố vấn Liên Xô. Tháng 11-1924, Người về đến Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông gần Móng Cái, Quảng Ninh. Có những tư liệu cho thấy Nguyễn Ái Quốc đã thử tìm cách về nước qua đường Móng Cái nhưng không được. Người đã hoạt động ở Quảng Châu, Trung Quốc những năm 1924-1927 và ở Thái Lan những năm 1928-1929 và trong những năm tháng này, Người đã hai lần tìm đường trở về Tổ quốc song đều thất bại. Vấn đề này đã được Nguyễn Ái Quốc nêu trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18-2-1930: "Đi về An Nam (hai lần cố gắng về nước song phải quay trở lại)"

Như vậy, Bác tiếp tục hoạt động ở Thái Lan đến cuối năm 1929 thì nghe tin trong nước có hai tổ chức cộng sản là Đông Dương cộng sản đảng, An Nam cộng sản đảng cùng hoạt động, đang tranh chấp quần chúng nên Bác lập tức rời Thái Lan đi Hương Cảng. Tại đây, Bác dùng uy tín của mình tổ chức Hội nghị thành lập Đảng, hợp nhất tổ chức Đông Dương Cộng sản đảng và An Nam cộng sản đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau đó một thời gian Bác bị thực dân Anh bắt ở Hương Cảng (Hồng Kông), giam đến đầu năm 1933 được thả. Sau khi được thả Bác quay về Liên Xô, công tác tại Viện nghiên cứu thuộc địa của Quốc tế Cộng sản cho đến tháng 8-1938. Quãng thời gian đó Bác không được giao việc, công tác như một cán bộ bình thường vì thời gian đó Quốc tế cộng sản có những hiểu lầm, đánh giá sai về Bác nên không giao việc. Ngày 6-6-1938, Người viết thư gửi một đồng chí ở Quốc tế Cộng sản. Thư nhắc đến ngày kỷ niệm lần thứ bảy việc Người bị bắt giữ ở Hồng Kông, đó là mở đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của Người. Thư đề nghị phân Người đi đâu đó, giao cho Người làm một việc gì có ích cho cách mạng. Thư nhấn mạnh: “Điều tôi muốn đề nghị với đồng chí là đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng”.

Ngày nay, đọc thư của Người, chúng ta phần nào hình dung ra những gian nan, thử thách ngặt nghèo mà Người đã trải qua trong giai đoạn 1934-1938. Rất may, Quốc tế Cộng sản đã đồng ý để Người về nước hoạt động. Tháng 8-1938, Bác rời Liên Xô về Trung Quốc. Ngày 1-9-1939, chiến thanh thế giới thứ 2 bùng nổ. Với sự mẫn cảm của nhà cách mạng chuyên nghiệp, Bác đánh giá ngay là Chiến tranh thế giới thứ 1 đẻ ra Liên Xô-một nước XHCN thì Chiến tranh thế giới thứ 2 giữa các nước đế quốc này sẽ đẻ ra hàng loạt các nước dân chủ nhân dân và đây là cơ hội rất tốt để chúng ta giải phóng dân tộc cho nên phải tìm cách trở về nước ngay, nếu trở về chậm là có tội. Đó chính là nguyên nhân của sự kiện Bác Hồ về nước ngày 28-1-1941.

PV: Chỉ hơn 3 tháng sau khi về nước, Bác đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941) để ra chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, thành lập Mặt trận Việt Minh. GS Trần Văn Giàu từng nhận định về sự kiện này: “Không có chuyển hướng chiến lược do Cụ Hồ đề nghị thì không có Việt Minh; không có Việt Minh thì không có Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Xem đó thì rõ tầm quan trọng của sự chuyển hướng chiến lược là to lớn dường nào”. PGS đánh giá thế nào về ý nghĩa của Hội nghị Trung ương 8 tháng 5-1941 với  sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ?

PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà: Quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng đã có từ Hội nghị Trung ương 6 tháng 11-1939. Lúc đó, Trung ương Đảng ta do đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư bắt đầu đặt vấn đề ưu tiên giải phóng dân tộc, tạm gác vấn đề ruộng đất. Có thể nói, đồng chí Nguyễn Văn Cừ chưa một lần gặp Bác, nhưng quan điểm, tư tưởng về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt lên hàng đầu nhiệm vụ giải phóng dân tộc thì lại rất đúng với quan điểm của Người. Vấn đề này không hề đơn giản, bởi như trên đã nói đến hành trình gian nan của Bác, ngay cả Quốc tế Cộng sản cũng có lúc nghi ngờ Bác là người theo “chủ nghĩa dân tộc”. Cho nên, Hội nghị Trung ương  8 với nhận thức "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được" đã đánh dấu sự hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng ta. Cùng với đó, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, một mặt trận có tính chất dân tộc hơn, có khả năng đoàn kết các giai cấp, tầng lớp đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, để cùng nhau mưu cuộc giải phóng dân tộc. Quyết định lịch sử này chính là sự trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam đã được lựa chọn, được khẳng định trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng từ tháng 2-1930.

PV: Những quyết định lịch sử của Hội nghị Trung ương 8 tháng 5-1941 để lại cho thế hệ hôm nay bài học gì, thưa PGS?

PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà: Có nhiều bài học được rút ra. Trước hết là bài học phải xác định rõ trong mỗi thời kỳ, mục tiêu nào là căn bản, mục tiêu nào phải giải quyết mang tính chất bao trùm, giải quyết được mục tiêu đó sẽ giải quyết được mục tiêu khác. Nguyến Ái Quốc đã xác định có giải phóng được dân tộc mới giải phóng được giai cấp, mục tiêu đầu tiên phải mang lại quyền độc lập tự do cho người dân thì lúc đó mới đi vào thực hiện các chính sách với các giai cấp.

Bài học này đã được Đảng ta vận dụng nhuần nhuyễn trong nhiều giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Ví dụ như thời điểm năm 1975, Đảng đã đặt lên hàng đầu nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn Miền Nam, hoàn thành sự nghiệp thống nhất nước nhà.

PV: Kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam đúng vào dịp Đảng ta tiến hành Đại hội XIII. PGS tâm đắc vấn đề gì nhất trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII?

PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà: Tôi thấy Đảng nhấn mạnh một số nội dung mà tôi rất tâm đắc, đó là khẳng định con đường đi lên CNXH của chúng ta mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn là con đường đúng đắn, phù hợp với mục tiêu phát triển đất nước, hoàn cảnh đất nước và thực tế đã chứng minh như vậy. Rõ ràng ta ngày càng nhận thức rõ hơn con đường đi lên CHXH. Thứ hai là Đảng tổng kết những điểm được và chưa được trong quá trình lãnh đạo đặc biệt là trong 35 năm đổi mới, nhận thức được vận hội, cơ đồ của chúng ta hiện nay đang rất tốt đẹp như các đồng chí lãnh đạo nói là chưa bao giờ tốt đẹp như ngày hôm nay. Nhưng muốn làm được như vậy chúng ta phải nhận thức được những khó khăn thách thức để vượt qua. Một trong những cái tôi và người dân đều mong muốn là Đảng tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh công cuộc đấu tranh chống tham nhũng để làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, tích cực, chủ động hội nhập sâu hơn nữa để sử dụng những thành tựu khoa học công nghệ của thế giới vào phát triển đất nước... Sức mạnh dân tộc ta đã có rồi, vận dụng được nội lực rồi nhưng sử dụng sức mạnh ngoại lực đó là những thành tựu tiến bộ của khoa học công nghệ, của cải, kinh nghiệm thế giới thì mới thực hiện được mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như Dự thảo Văn kiện Đại hội đã đề ra.

PV: PGS vừa nói đến ý con đường đi lên CNXH của chúng ta ngày càng rõ hơn. Theo PGS, nội dung rõ hơn thể hiện cụ thể ở những điểm nào?

PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà: Tôi thấy có 3 điểm sáng tỏ. Thứ nhất là chúng ta đã sáng tỏ nhận thức về các chặng đường của thời kỳ quá độ. Sáng tỏ thứ hai là sáng tỏ nhận thức về phương thức xây dựng CNXH. Trước đây ta đi theo phương thức lấy nền kinh tế kế hoạch hóa theo mô hình Liên Xô để xây dựng CNXH nhưng mắc vào quan liêu, bao cấp, chủ quan, duy ý chí. Bây giờ ta khẳng định lấy kinh tế thị trường định hướng XHCN làm con đường, phương thức phát triển của chúng ta và Đảng đưa ra những quan niệm rất rõ về kinh tế thị trường định hướng XHCN là như thế nào. Thứ ba là Đảng ngày càng định ra rất rõ những nội dung đặc trưng của CNXH. Ví dụ xã hội XHCN ở Việt Nam như Cương lĩnh năm 1991 xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ nêu ra 6 đặc trưng, đến Cương lĩnh 2011 bổ sung, phát triển thành 8 đặc trưng và đưa ra 8 mối quan hệ cần giải quyết trong quá trình xây dựng đất nước.

PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS!

HỒNG HẢI - LIÊN VIỆT (thực hiện)