Biến Liên Xô thành nước công nghiệp hùng mạnh

Trong 13 năm trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, dưới sự cầm quyền của Stalin, Liên Xô đã xây dựng được 9.000 xí nghiệp lớn, trang bị kỹ thuật hiện đại, nhiều ngành công nghiệp mới quan trọng đã ra đời. So với năm 1913, đến năm 1940 sản lượng đại công nghiệp của Liên Xô tăng hơn 12 lần; tỷ trọng công nghiệp đã chiếm ưu thế trong nền kinh tế quốc dân (hơn 3/4 tổng sản lượng), trong đó 2/3 thuộc ngành công nghiệp nặng. Sản lượng của ngành chế tạo máy tăng 35 lần, sản lượng điện tăng 24 lần (năm 1913 là 2 triệu kWh, năm 1940 là 48 triệu kWh).

leftcenterrightdel
Chân dung Stalin. Ảnh tư liệu

Địa vị của Liên Xô trong nền kinh tế thế giới có sự thay đổi tích cực. Năm 1913, tổng sản lượng công nghiệp của nước Nga đứng thứ 5 thế giới (sau Mỹ, Anh, Pháp, Đức) chiếm tỷ lệ khoảng 4% cả thế giới thì đến năm 1937, sản lượng công nghiệp của Liên Xô đã vượt lên đứng hàng thứ hai trên thế giới (chỉ sau Mỹ). Tỷ trọng công nghiệp của Liên Xô trong sản lượng công nghiệp thế giới đã lên đến 14%.

Việc thực thi tập thể hóa-bước chuyển biến cách mạng và rất căn bản ở nông thôn lúc bấy giờ đã đem lại những thành tựu đáng kể. Đến năm 1934, các nông trang tập thể đã trở thành lực lượng lớn, thu hút 3/4 tổng số nông hộ, sử dụng 90% diện tích đất trồng trọt, 281.000 máy kéo, 32.000 máy gặt đập.

Từ những thực tế nói trên, đến cuối những năm 30 của thế kỷ trước, Liên Xô đã trở thành một nước công nghiệp lớn của thế giới trong một thời gian rất ngắn. Điều này đã được Stalin xem là mục tiêu xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa của Liên Xô. Trong Báo cáo chính trị của Đại hội XIV, Stalin đã nói rằng: “Biến nước ta từ một nước nông nghiệp thành một nước công nghiệp có thể tự lực sản xuất lấy thiết bị cần thiết, đó là điểm căn bản, là cơ sở của đường lối chung của chúng ta… Biến nước ta từ một nước nhập khẩu thiết bị thành một nước chế tạo được các thiết bị ấy, vì đó là điều bảo đảm sự độc lập kinh tế của nước ta. Và chính điều đó bảo đảm cho nước ta không biến thành vật phụ thuộc vào các nước tư bản chủ nghĩa”.

Lãnh đạo Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại

Ngày 22-6-1941, nước Đức Quốc xã tấn công Liên bang Xô viết. Các dân tộc thuộc các nước cộng hòa của Liên bang Xô viết đã đoàn kết hiệp lực, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô và lãnh tụ Stalin để đẩy lùi mối họa phát xít. Ngày 23-6-1941, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao được thành lập. Một tuần sau, ngày 30-6-1941, Hội đồng Quốc phòng Nhà nước ra đời. Stalin được cử đứng đầu cả hai cơ quan quyền lực cao nhất trong thời kỳ chiến tranh này.

leftcenterrightdel

Lênin và Stalin tại Gorki, Liên Xô năm 1922. Ảnh tư liệu

Ngày 3-7-1941, Stalin có bài phát biểu quan trọng trên đài phát thanh. Stalin đã chỉ rõ tính chất khốc liệt của cuộc chiến tranh và nhấn mạnh ý nghĩa cao cả của cuộc chiến đấu vĩ đại của nhân dân Liên Xô đối với các dân tộc ở châu Âu và trên thế giới: “Cuộc chiến tranh với nước Đức phát xít không thể được nhận thức như một cuộc chiến tranh thông thường. Đó không chỉ là một cuộc chiến tranh giữa hai quân đội. Cùng với điều đó còn là cuộc chiến tranh vĩ đại của toàn thể nhân dân Liên Xô chống lại quân đội Đức phát xít. Mục đích của cuộc chiến tranh giữ nước của toàn nhân dân chống bọn phát xít áp bức là không chỉ tiêu diệt những nguy cơ đối với đất nước ta, mà còn giúp đỡ cho tất cả các dân tộc châu Âu đang rên xiết dưới ách thống trị của chủ nghĩa phát xít Đức. Trong cuộc chiến tranh giải phóng này, chúng ta không đơn độc”.

Quân đội Xô viết tuy ban đầu bị quân phát xít áp đảo nhưng đã chống trả rất kiên cường. Cuối năm 1941, Hồng quân Liên Xô đã chặn đứng được quân đội Đức Quốc xã tại cửa ngõ thủ đô Moscow. Trải qua nhiều trận chiến ác liệt, đến cuối năm 1944, Liên Xô đã giải phóng được toàn bộ đất đai của mình và đánh đuổi quân Đức trên lãnh thổ các nước Đông Âu và Trung Âu, đưa chiến tranh về chính nước Đức. Tháng 4-1945, quân đội Xô viết bắt đầu công phá Berlin. Nước Đức Quốc xã sau đó đã đầu hàng và sụp đổ.

Tại buổi chiêu đãi lớn mừng chiến thắng ngày 24-5-1945, Stalin đã phát biểu rằng: “Chính phủ chúng ta đã mắc nhiều thiếu sót trong những năm 1941-1942, ta đã lâm vào tình huống tưởng như tuyệt vọng khi quân đội chúng ta rút lui, bỏ lại những làng mạc và thành phố thân yêu… phải bỏ đi vì không có con đường nào khác… nhân dân Nga tin tưởng đường lối đúng đắn của Chính phủ và sẵn sàng xả thân để bảo đảm việc đánh tan nước Đức”.

Khôi phục và phát triển kinh tế Liên Xô sau chiến tranh

Theo những số liệu thống kê, trong chiến tranh, hơn 27 triệu người dân Xô viết đã hy sinh trên chiến trường, bị giết hại ở các vùng quân Đức chiếm đóng hoặc trong các trại tập trung của phát xít Đức. 1.710 thành phố, hơn 70.000 làng mạc, 31.853 cơ sở công nghiệp, 65 cây số đường sắt, 98.000 nông trang tập thể, 1.876 nông trường quốc doanh, 2.980 trạm máy kéo bị phá hủy hoặc thiêu cháy. Tổng thiệt hại vật chất của Liên Xô ước tính 2.600 tỷ rúp.

Dưới sự chỉ đạo của quyết định “Về những biện pháp cấp bách khôi phục kinh tế ở các vùng được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của bọn phát xít” của Stalin, đến cuối năm 1945, Liên Xô đã khôi phục được 7.500 nhà máy và xí nghiệp, hơn 1.000 trạm máy kéo, hàng nghìn nông trường quốc doanh và nông trang tập thể.

Tháng 3-1946, Liên Xô bước vào công cuộc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ VI. Nhiệm vụ chính của kế hoạch 5 năm lần thứ VI là tiếp tục khôi phục vết thương chiến tranh, đưa sản lượng công nghiệp và nông nghiệp đạt và vượt mức trước chiến tranh. Kế hoạch dự định đưa thu nhập quốc dân tăng 30% so với năm 1940 và trên cơ sở đó nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho nhân dân.

Thời kỳ 1945-1955 là thời kỳ niềm phấn khởi, tự hào của dân chúng Liên Xô dâng cao, nền kinh tế đã được hồi phục và phát triển khá nhanh. Thu nhập quốc dân từ năm 1940 đến 1950 tăng 64%. Năm 1949, Liên Xô thử nghiệm thành công bom nguyên tử và năm 1954 trở thành quốc gia đầu tiên có nhà máy điện nguyên tử. Hai sự kiện này đặt dấu chấm hết cho sự độc quyền về vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ. Thủ tướng Anh Winston Churchill khi ấy đã nói rằng: “Stalin đã tiếp nhận một nước Nga đi giày cỏ và đã để lại một nước Nga với vũ khí hạt nhân”.

Mở rộng Liên Xô, xây dựng hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới

Trước nguy cơ xâm lược của nước Đức phát xít, chính phủ các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa mới thành lập như Moldavia, Estonia, Latvia, Litva, Karelia đã tự nguyện gia nhập Liên bang Xô viết. Stalin trở thành biểu tượng của sự đoàn kết các dân tộc.

leftcenterrightdel
Stalin và Tổng thống Mỹ Roosevelt, Thủ tướng Anh Churchill tại Tehran (Iran) năm 1943. Ảnh tư liệu

Sau chiến tranh, lãnh thổ Liên Xô còn được mở rộng: Nam Sakhalin và quần đảo Kuril từ Nhật Bản, vùng Petsamo (từ Phần Lan), Klaipeda, Koenisberg (tên tiếng Nga là Kaliningrad) từ Đông Phổ của Đức, Ukraine, Ngoại Karpat từ Romania. Stalin tiến hành trấn áp rất mạnh các cuộc bạo loạn phản cách mạng của thành phần quan chức chính quyền, quân đội, cảnh sát chế độ cũ, các lực lượng tư sản, địa chủ tại ở Tây Ukraine, Tây Belarus, các nước cộng hòa Baltic.

Tại châu Âu, sau chiến tranh, các nước Đông Âu (Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Dân chủ Đức, Bulgaria, Tiệp Khắc, Romania, Albania, Nam Tư) mặc nhiên được Hoa Kỳ và phương Tây coi là khu vực ảnh hưởng của Liên Xô. Tại đây, Stalin đã giúp đỡ tài chính và quân sự cho các nước này phục hồi nền kinh tế, thành lập các nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Ở châu Á, sau chiến tranh, Stalin giúp những người cộng sản thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tại vùng lãnh thổ chịu ảnh hưởng của Liên Xô trên Bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt đến năm 1949, với sự giúp đỡ to lớn về quân sự của Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chiến thắng trước Quốc dân đảng (được Mỹ hậu thuẫn) và thiết lập nhà nước xã hội chủ nghĩa tại quốc gia đông dân nhất thế giới, làm cho thế và lực của phong trào cộng sản trên toàn thế giới tăng lên rất mạnh.

Bản thân Thủ tướng Winston Churchill của Anh-một người trên thực tế có ác cảm lớn với Liên Xô-cũng phải thừa nhận: “Một hạnh phúc lớn lao đối với nước Nga là trong những năm thử thách khổng lồ, đất nước này được thiên tài, tướng quân sắt đá Stalin lãnh đạo. Ông ấy là nhân vật kiệt xuất nhất, bao trùm lên thời kỳ nhiều biến động mà cuộc đời ông ấy đã trải qua. Stalin là con người nhiệt huyết phi thường và có ý chí không gì bẻ gãy nổi, cứng rắn, khốc liệt trong trò chuyện, người mà ngay cả tôi-kẻ được giáo dục tại nghị viện Anh-cũng không thể cưỡng lại được. Stalin trước hết có một óc hài hước phong phú, khả năng thu nhận những ý tưởng một cách chuẩn xác. Sức mạnh này trở nên vĩ đại ở Stalin đến nỗi ông ấy là người độc nhất vô nhị giữa những nhà lãnh đạo quốc gia mọi thời và mọi nơi. Stalin đã gây cho chúng tôi một ấn tượng kỳ vĩ. Ông ấy có trí anh minh sâu sắc, tư duy hợp lý, không bao giờ hoảng loạn. Ông ấy là một nghệ nhân bất khả chiến bại trong những khoảnh khắc khó khăn kiếm tìm lối thoát từ những tình huống tuyệt vọng nhất… Lịch sử, dân tộc không bao giờ quên lãng những người như thế”.

Vị tổng thống đã sáng lập ra nền đệ ngũ cộng hòa ở Pháp và cầm quyền trong Điện Élysée, tướng Charles De Gaull (1890-1970), đánh giá cao những phẩm chất cá nhân của Stalin. Trong cuốn Hồi ký chiến tranh của mình, tướng De Gaull viết: “Stalin có một uy tín to lớn, và không chỉ riêng ở nước Nga. Ông biết “thuần hóa” kẻ thù, không hoảng hốt khi núng thế và không say sưa thắng lợi”.

Nữ văn sĩ Xô viết Marietta Shaginyan (1888-1982) thì viết: “Tôi kính trọng và yêu đất nước, con người Gruzia còn bởi ở thành phố Gori, trong ngôi nhà nghèo nàn của một người lao động đã sinh ra ông Joseph Vissarionovich Stalin, một nhân vật lịch sử vạm vỡ, suốt hàng chục năm liền sau khi Lênin qua đời, đã hoàn thành nhiệm vụ vô cùng to lớn được đặt lên vai ông: Duy trì được quốc gia xã hội chủ nghĩa của công nhân, nông dân và trí thức nhân dân đầu tiên và nhiều năm liền là duy nhất trên thế giới, bảo toàn đất nước trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945)… Không thể quên điều này, không thể vô ơn với Stalin về việc ông đã bảo vệ được Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chúng ta… Giai đoạn đó sẽ còn lại trong lịch sử thế giới như thời đại của Stalin vĩ đại”.

NGUYỄN VĂN TOÀN