Dưới sự lãnh đạo của ông và Đảng Cộng sản Liên Xô, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trở thành đầu tàu cổ vũ, động viên cho phong trào cách mạng dân tộc, dân chủ trên toàn thế giới. Đánh giá về những đóng góp của Stalin, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Stalin là người thừa kế và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Stalin và Đảng Cộng sản, nhân dân Liên Xô đang tiến mạnh từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa cộng sản, làm cho Liên Xô trở nên một thành trì vô cùng vững chắc của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức, của phe dân chủ và hòa bình toàn thế giới”.
Là người kế nhiệm lãnh tụ V.I.Lênin, Stalin cùng với những nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản tiếp tục phát triển những tư tưởng, nhiệm vụ V.I.Lênin chưa thực hiện xong, xác định nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng phù hợp với thực tiễn đất nước, lãnh đạo nhân dân Liên Xô thực hiện thắng lợi cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, khắc phục mọi khó khăn, đưa đất nước vững bước tiến lên, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, là chỗ dựa tin cậy cho phong trào cách mạng dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Stalin. Ảnh tư liệu
Sau Đại hội lần thứ XIII Đảng Cộng sản Nga từ ngày 23 đến 31-4-1924, trên cương vị là Tổng Bí thư Đảng, Stalin đã lãnh đạo cách mạng nước Nga đạt được nhiều thành tựu quan trọng cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và quốc phòng. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin trong nhân dân, phát triển sản xuất và đấu tranh chống lại chủ nghĩa cơ hội, phản động (Trotsky). Kinh tế tiếp tục phục hồi và phát triển, đời sống của các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao, đất nước đã cơ bản bảo đảm được lương thực, công nghiệp quốc doanh chiếm đa số trong tổng sản lượng công nghiệp đất nước (năm 1925, công nghiệp quốc doanh chiếm 89% sản lượng).
Đặc biệt, Đảng Cộng sản Liên Xô đã chủ trương thực hiện các Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1928-1932) và Kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1933-1937) đều hoàn thành trước thời hạn. Sau hai kế hoạch 5 năm, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đưa Liên Xô từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một cường quốc công nghiệp xã hội chủ nghĩa. Kinh tế tăng trưởng với tốc độ rất cao, vươn lên trở thành cường quốc công nghiệp thứ hai thế giới. Sản lượng công nghiệp năm 1937 đã tăng gấp 4,5 lần so với năm 1927 (gấp 20 lần năm 1917), chiếm 77,4% tổng sản phẩm kinh tế quốc dân. Nông nghiệp phát triển mạnh với quy mô sản xuất lớn và cơ sở vật chất, kỹ thuật được cơ giới hóa, sản lượng nông nghiệp tăng 3 lần so với năm 1927, thu nhập bình quân đầu người tăng 3 lần so với năm 1927.
Về văn hóa-giáo dục, Liên Xô đã thanh toán nạn mù chữ, xây dựng hệ thống giáo dục thống nhất, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học trong cả nước và thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở các thành phố. Công tác lý luận có những bước phát triển mới, tập trung đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện mới, gắn với tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về Chủ nghĩa Mác - Lênin, về chủ nghĩa xã hội cho các tầng lớp nhân dân. Đảng Cộng sản Liên Xô không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, tiếp tục khẳng định là những người ưu tú trong thực tiễn cách mạng.
Cùng với những thành tựu về kinh tế, cơ cấu giai cấp trong xã hội cũng thay đổi, các giai cấp bóc lột bị xóa bỏ, chỉ còn lại hai giai cấp lao động là công nhân và nông dân tập thể, cùng tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa. Tình hữu nghị và sự hợp tác anh em giữa các dân tộc xã hội chủ nghĩa Liên Xô đã được củng cố và tăng cường, đấu tranh có hiệu quả, triệt để với các thành phần phản động trong nước. Đồng thời, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc cũng được nâng cao, vũ khí trang bị và trình độ cơ giới hóa cho quân đội Liên Xô đã đạt tương đương với các cường quốc khác.
Thời kỳ đồng chí Stalin làm Tổng bí thư, Liên Xô đã trở thành cường quốc công nghiệp (Trong ảnh: Công nhân làm việc trong một phân xưởng hiện đại). Nguồn: Kienthuc.net
Từ năm 1937, nhân dân Liên Xô tiếp tục thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ ba, nhưng tạm thời bị gián đoạn do cuộc chiến tranh xâm lược của phát xít Đức. Đảng Cộng sản đã vạch ra cho nhân dân Xô viết thấy rõ nguy cơ sống còn đang đe dọa Tổ quốc và kêu gọi nhân dân đứng lên tiến hành công cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Đảng vạch rõ nhiệm vụ của nhân dân và Hồng quân trong cuộc đấu tranh cho tự do, độc lập của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, cổ vũ nhân dân Xô viết lập những chiến công ngoài chiến trường cũng như lao động ở hậu phương. Dựa vào sự thống nhất về chính trị và tư tưởng của nhân dân, Hồng quân, Đảng đã biến Liên Xô thành một mặt trận chiến đấu thống nhất, phát huy tính ưu việt của chế độ Nhà nước và xã hội Xô viết, tổ chức một nền kinh tế theo thời chiến, mở rộng sản xuất quân sự, bảo đảm cho Hồng quân được trang bị vũ khí và nghệ thuật chiến tranh hiện đại.
Liên Xô giữ vai trò quyết định trong việc kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong cuộc đấu tranh chống phát xít, nhân dân Liên Xô đã bảo vệ những thành quả của chủ nghĩa xã hội, bảo vệ chế độ Nhà nước tiên tiến nhất, bảo vệ tự do, độc lập của Liên Xô, củng cố an toàn biên giới quốc gia. Đồng thời, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản do Tổng Bí thư Stalin đứng đầu, Hồng quân đã cứu nhân loại khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa phát xít. Chiến thắng đó cũng làm cho chủ nghĩa tư bản lâm vào khủng hoảng sâu sắc, tạo điều kiện, cổ vũ, động viên nhân dân các nước trên thế giới đứng lên tiến hành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân.
Mặc dù phải chịu tổn thất rất nặng nề sau chiến tranh: Gần 27 triệu người thiệt mạng, 1.710 thành phố, thị trấn và hơn 70.000 làng mạc bị phá hủy, 32.000 cơ sở công nghiệp, 98.000 nông trang tập thể, nhiều công trình văn hóa của Liên bang Xô viết bị phá hủy, hơn 25 triệu người mất nhà cửa. Tổng cộng, Liên Xô mất gần 30% tài sản quốc gia và gần 1/8 dân số (tổng thiệt hại ước tính 2.600 tỷ rúp-theo giá trước chiến tranh). Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Liên Xô đã bắt tay vào công cuộc kiến thiết đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, giúp đỡ các nước trong phong trào cách mạng dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ tư (1946), Đảng Cộng sản Liên Xô xác định: “Khôi phục những vùng bị chiến tranh tàn phá, khôi phục mức sản xuất công nghiệp và nông nghiệp trước chiến tranh, sau đó vượt xa mức ấy”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Kế hoạch 5 năm lần thứ tư được hoàn thành trong 4 năm 3 tháng. Tổng sản lượng công nghiệp năm 1950 tăng 73%, vận tải tăng 121% so với trước chiến tranh, tổng sản phẩm quốc dân đạt 126 tỷ đô-la (đứng thứ hai thế giới). Khoa học kỹ thuật có những bước phát triển mạnh mẽ, năm 1948, Liên Xô bắn quả tên lửa đầu tiên, năm 1949 sản xuất được bom nguyên tử, năm 1950 là nước đầu tiên xây dựng được nhà máy điện nguyên tử, chế tạo ra các tuốc-bin hơi nước 100 triệu oát (lớn nhất thế giới lúc bấy giờ); công nghệ vũ trụ có những bước phát triển thần kỳ, tạo tiền đề cho phóng vũ trụ vào không gian đầu tiên trên thế giới năm 1959.
Bên cạnh đó, công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa tiếp tục được phát triển. Trình độ, tư tưởng của đảng viên và năng lực, tính chiến đấu của tổ chức đảng được nâng cao, gắn với đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho quần chúng nhân dân. Chú trọng nghiên cứu, bổ sung và phát triển lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, đấu tranh có hiệu quả với các thành phần cơ hội, xét lại, tư tưởng tư sản. Văn hóa xã hội có bước phát triển mới, hệ thống các trường học, các bậc học phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Đặc biệt, Liên Xô đã đẩy mạnh việc củng cố, hợp tác, giúp đỡ các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào cách mạng thế giới trên cơ sở: “Xây dựng những quan hệ quốc tế kiểu mới, xây dựng sự hợp tác giữa các nước xã hội chủ nghĩa” trên nguyên tắc: “Bình đẳng hoàn toàn giữa các nước, không can thiệp vào nội trị của nhau, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng hòa bình”. Đảng, Nhà nước, nhân dân Liên Xô đã giúp đỡ chân tình trên tinh thần quốc tế cộng sản các nước xã hội chủ nghĩa anh em và phong trào cách mạng thế giới. Nhờ đó mà phong trào cách mạng dân tộc, dân chủ đã phát triển mạnh mẽ ở hầu hết các khu vực Á, Phi, Mỹ Latinh.
Với sự xuất hiện của các nước dân chủ nhân dân, một giai đoạn phát triển mới của chủ nghĩa xã hội bắt đầu. Liên Xô giữ địa vị nước đứng đầu của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Với những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và những thành tựu của chủ nghĩa xã hội sau chiến tranh, Liên Xô là thành trì, là chỗ dựa, niềm tin vững chắc cho phong trào cách mạng thế giới, khẳng định chân lý khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Những thành tựu đó là kết quả hoạt động sáng tạo, khoa học, cách mạng của Đảng Cộng sản Liên Xô, nhân dân Xô viết và vai trò của người đứng đầu Đảng-Tổng Bí thư Stalin.
Thiếu tướng, PGS, TS, NGND NGUYỄN BÁ DƯƠNG (Viện trưởng Viện KHXHNVQS)