Năm 2009, dự án thực hiện bộ sách “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ-Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh” được khởi động. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đồng ý cho Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện bộ sách này. Hội đồng thẩm định gồm nhiều giáo sư, tiến sĩ, văn nghệ sĩ hàng đầu. GS, TS Phùng Hữu Phú là chủ tịch, nhà thơ Hữu Thỉnh là phó chủ tịch hội đồng.
Sau gần 4 năm triển khai, bộ sách “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ-Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh” đã hoàn thành, ra mắt bạn đọc. Bộ sách gồm 11 tập với hơn 5.500 trang in, tập hợp các tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ… nổi tiếng trong nước và thế giới viết về Bác; đồng thời là những sáng tác tiêu biểu của chính Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bộ sách có các phần, như: “Hồ Chí Minh trong trái tim văn nghệ sĩ Việt Nam” (những bài viết, những kỷ niệm, hồi ức... thể hiện tình cảm chân thành, sự yêu quý, kính trọng của văn nghệ sĩ với Chủ tịch Hồ Chí Minh); “Hồ Chí Minh trong trái tim văn nghệ sĩ thế giới”; “Hồ Chí Minh-Tư tưởng và tác phẩm văn học nghệ thuật” (gồm thư, các phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và văn nghệ, các tác phẩm văn xuôi và thơ, các bài viết đã đăng trên báo...). Riêng tập 11 gồm những tác phẩm nhiếp ảnh, múa, kiến trúc, hội họa về đề tài Bác Hồ được chọn lựa, in ấn rất công phu. Đây có thể xem là những tài liệu trực quan có giá trị, trong đó có những tác phẩm lần đầu tiên được công bố.
Nội dung bao trùm của bộ sách là tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, văn học nghệ thuật được cô đọng trong câu nói bất hủ của Người: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
    |
 |
Bác Hồ với các nhà văn, nhà thơ: Tố Hữu, Phan Tứ, Trần Đình Vân (từ trái qua phải). Ảnh tư liệu |
Đọc “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ-Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh”, người đọc không chỉ hiểu thêm về Bác, yêu Bác để “lòng ta trong sáng hơn” mà còn gặp trong đó một thời với những con người - những văn nghệ sĩ-chiến sĩ đã đi theo con đường của Bác, sống và sáng tác trong tình thương bao la của Bác để làm nên một thời đại văn hóa mới-văn hóa Việt Nam giàu bản sắc!
Văn hóa theo cách nói của Hồ Chí Minh sẽ là một “bách khoa toàn thư” về những lĩnh vực liên quan đến đời sống con người. Hồ Chí Minh cho rằng: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”.
Với một cảm quan văn hóa sắc sảo, xa rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, văn hóa không thể đứng ngoài “mà phải ở trong kinh tế và chính trị” và ngược lại kinh tế, chính trị cũng nằm “trong văn hóa”. Ngay từ đầu những năm kháng chiến chống Pháp (1946), Bác Hồ đã nêu một khẩu hiệu bất hủ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, văn hóa không thể tách rời với quốc gia dân tộc, văn hóa mang tâm hồn, diện mạo dân tộc, đó chính là bản sắc dân tộc của văn hóa. Rất nhiều lần, Người nhắc nhở phải “chăm lo đặc tính dân tộc”, “phát huy hết cốt cách dân tộc”, “lột cho hết tinh thần dân tộc” trong xây dựng văn hóa. Bảo vệ Tổ quốc phải bằng sức mạnh của văn hóa, ngược lại bảo vệ Tổ quốc chính là giữ gìn, bảo vệ bản sắc Việt, văn hóa Việt.
Trong hàng trăm câu chuyện được các nhà văn nghệ nhớ và kể lại, tôi đặc biệt nhận ra được không chỉ tình cảm Bác dành cho giới văn nghệ mà còn là sự chu đáo cụ thể, nhất là cuộc chuyện trò với những nhà văn, những người có trách nhiệm trong công tác quản lý, lãnh đạo văn nghệ.
Nhà văn Nguyễn Công Hoan bồi hồi kể lại một câu chuyện vào năm 1946, khi được Bác gọi lên làm việc về việc kiểm duyệt bài vở của các nhà báo, nhà văn. Ông kể: “Đến mai, tôi sẽ được gặp Cụ Chủ tịch nước, Cụ Hồ, mà nhiều anh em đã rỉ tai tôi bảo là Cụ Nguyễn Ái Quốc. Chà chà, tôi sẽ được mắt thấy ông chủ Báo Người cùng khổ, tôi sẽ được nghe tác giả cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” mà trước kia tôi phải đọc một cách lén lút…”.
Ngày ấy, Nguyễn Công Hoan là người phụ trách kiểm duyệt sách báo, tức là đọc các bản in rập, thấy câu chữ nào hại cho đường lối chính trị thì xóa đi và ký tên bên cạnh. Lần gặp Bác, Bác hỏi rất nhiều chuyện, trong đó có chuyên môn. Nhà văn Nguyễn Công Hoan kể:
- Ngày trước chú cũng viết báo phải không?
- Vâng ạ.
- Có bị kiểm duyệt xóa bao giờ không?
- Thưa Cụ, nhiều lần ạ.
- Thế chú có ưa kiểm duyệt không?
Tôi tủm tỉm:
- Thưa không ạ.
- Phải nói là ghét mới đúng. Thế bây giờ chú xóa của người ta, thì chú thử đoán xem người ta có yêu chú hay không?
Tôi không dám đáp.
Bác cười:
- Kiểm duyệt với báo chí phải thân nhau. Người ta đã đặt hết tâm trí mới viết ra bài, cũng như đẻ được một đứa con. Nay mình thấy cái mặt, cái tay đứa bé có vết hoặc có ghẻ, thì mình phải bảo người ta chữa, và chữa như thế nào… Mà nhân tình thế thái như vậy, dù đứa con hư hại mấy, thì bố mẹ cũng yêu và bênh con…
Nhà văn Nguyễn Công Hoan không khỏi cảm kích: “Ở trong nước, ta còn lo diệt giặc đói, diệt giặc dốt. Bác là người đứng mũi chịu sào trước cơn phong ba bão táp này… thì Bác để thì giờ nào mà đọc tất cả các báo, lại đọc kỹ hơn cả tôi?... Tôi ngùi ngùi ngắm Bác”.
Trong cuốn “Bác Hồ với văn nghệ sĩ” (NXB Văn hóa-Văn nghệ, 2013), đồng chí Hà Xuân Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên Trưởng ban Văn hóa-Văn nghệ Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), kể:
“Và bao giờ cũng như bao giờ, Bác ân cần dạy bảo anh chị em làm công tác văn hóa, nghệ thuật chúng tôi, thân thiết và dịu dàng như một người cha yêu con, người ông yêu cháu, người cha, người ông hiểu thấu đáo công việc của con cháu mình. Vào một buổi sáng, tôi được Bác gọi lên báo cáo một việc liên quan đến điện ảnh, và nhân đó Bác hỏi về tình hình điện ảnh. Bác hỏi: “Chú có hiểu phim “Bình minh trên rẻo cao” không? “Bình minh” là gì? Sao không gọi là sáng sớm; nhiều chỗ Bác không hiểu, Bác không hiểu thì chắc đồng bào cũng không hiểu”. Bác dặn: “Làm văn nghệ phải chú ý đến đối tượng phục vụ là nhân dân, viết, nói phải dễ hiểu”… Chỉ có một điều, và chỉ có điều này thôi, là Bác hạn chế hết mức Bác có thể làm được để những người làm nghệ thuật đừng ca ngợi Bác, đừng viết về Bác, đừng vẽ nhiều về Bác. Những năm gần đây, thấy Bác ngày một già anh chị em nặn tượng thiết tha muốn tạc một bức tượng Bác thật đẹp. Một số anh xin gặp Bác. Bác cho gặp, nhưng không cho làm tượng. Bác bảo: “Các chú hãy nặn tượng tập thể bộ đội, dân quân, thanh niên, thiếu nhi anh hùng... Không có nhân dân thì không có Bác”. Bác biết anh chị em bảo tàng dự định sửa lại hang Pác Bó, và ngôi nhà Bác ở lúc thiếu thời ở Kim Liên. Bác bảo ngay: “Trước hết phải chăm lo xây dựng đời sống ở những nơi đó, dân chưa no đủ thì những nơi đó đẹp gì”.
Tính giản dị, khiêm tốn của Người như ánh sáng, như không khí, như màu xanh của cỏ cây, như củ khoai, hạt lúa. Suốt đời có bao giờ Bác nghĩ đến mình. Những tháng gần đây, Bác đặc biệt chú ý tới loại sách “Người tốt, việc tốt”. Bác làm việc bình thường mà đầy ý nghĩa ấy một cách rất chu đáo và có kế hoạch như làm bao nhiêu việc khác Bác vẫn làm. Bác lượm những hạt ngọc mà nhiều anh chị em văn hóa, văn nghệ chúng tôi không chú ý hoặc làm vương vãi mà không bao giờ tiếc. Trên bàn làm việc của Bác còn để cẩn thận mấy quyển sách loại “Người tốt, việc tốt” của các nhà xuất bản: Phụ nữ, Thanh niên và Quân đội nhân dân: “Dũng cảm đảm đang”; “Việc nhỏ nghĩa lớn”; “Vì nước vì dân”, bên cạnh sách Lênin về Cách mạng Tháng Mười… (tháng 9-1969)”.
Bác bình sinh là nhà thơ, là danh nhân văn hóa được thế giới công nhận, nhưng chưa bao giờ Người nhận mình là nhà văn hóa, là dân văn nghệ. Cụ Hoàng Ngọc Phách, tác giả tiểu thuyết “Tố Tâm”, nhớ lại, trong Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai, năm 1957, Bác đến thăm, nhà văn lão thành được cử tới đón Bác. Bác hỏi: Việc khai thác vốn cũ dân tộc, các cụ đã làm đến đâu rồi? Cụ trình thưa: “Chúng tôi đang cố gắng”. Bác bảo nên làm nhanh, có cũ mới có mới… Bác ngồi viết mấy câu để ra nói trước đại hội và đưa cụ Hoàng xem để góp ý kiến, nhà văn thưa: “Bác cũng là nhà đại văn nghệ rồi”, Bác bảo “Không đâu”. Lúc ra đại hội, Người vừa cười vừa nói: “Cụ Hoàng vừa nói tôi là nhà văn nghệ. Không đâu, tôi chỉ là người thích văn nghệ thôi, chưa phải là nhà văn nghệ”. Cả hội trường vỗ tay vang, kính phục đức độ khiêm tốn của Bác (“Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ-Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh”, tập 1, tr.88).
Bác của chúng ta là vậy, khiêm tốn, giản dị, luôn hòa đồng và yêu mến văn nghệ. Tuy nhiên, Bác cũng là người rất nguyên tắc. Bác luôn quý trọng nâng niu những tài năng, nhưng Người cũng đòi hỏi văn nghệ sĩ phải luôn gần dân, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Trò chuyện với nhà văn Nga Ruph Bersatxki, Bác nói: “Như tôi biết, chính Tô Hoài mà các bạn đã biết, hằng năm đều đi đến các vùng dân tộc ít người ở miền núi, nơi anh ấy đã chiến đấu; Hằng Phương mà các bạn cũng đã làm quen với nữ thi sĩ ấy, trong thời gian cải cách ruộng đất, đã về nông thôn và ở đó cùng lao động với nông dân. Do đó, thơ của Hằng Phương, như các bạn hiểu đấy, chỉ hay hơn mà thôi. Và Nguyễn Đình Thi bao giờ cũng sát bên nhân dân. Cả nhà thơ xuất sắc Tố Hữu của chúng tôi cũng vậy, chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tác của nhà văn bằng những nguồn nhựa sống. Còn nếu các nhà văn quên điều đó, nhân dân cũng sẽ quên anh ta!”.
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác, đọc lại những lời Bác dạy, những câu chuyện giản dị mà cảm động về Bác lại như thấy “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta”, như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu năm nào.
Thập Tam trại, tháng 5-2020
Nhà văn NGÔ VĨNH BÌNH