Cho đến hiện nay, không phải ai cũng thấu tỏ tường tận về tính chất đặc biệt của cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch trong 81 ngày đêm bi tráng đó. Trên cơ sở tài liệu “Tổng kết tác chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972” của Viện Lịch sử Quân sự và sách “Khúc tráng ca Thành cổ” của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, tác giả xin khái lược về cuộc chiến đấu đặc biệt này.

Vì sao có 81 ngày đêm?

Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, trên hướng tiến công chiến lược Trị Thiên, từ ngày 30-3 đến 2-5-1972, ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị và tiếp tục tiến công nhằm giải phóng tỉnh Thừa Thiên. Trước nguy cơ thất bại nặng nề của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Nhà Trắng đã “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, dùng không quân và hải quân chi viện hỏa lực mạnh mẽ cho quân ngụy chặn quân ta tiến công vào Thừa Thiên và mở cuộc phản công lớn đánh chiếm lại Quảng Trị.

leftcenterrightdel
Các cựu chiến binh Tiểu đoàn K3 Tam Đảo (bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị) tổ chức “Hát cho đồng đội tôi nghe” trong Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: TRẦN ĐÌNH

Cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng Quảng Trị diễn ra trong giai đoạn lịch sử đặc biệt, khi Hội nghị Paris bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đang đi tới giai đoạn quyết định bằng một giải pháp chính trị. Mục đích của Mỹ-ngụy là chiếm lại Thành cổ Quảng Trị, một hình ảnh có tính biểu tượng, để vớt vát thể diện trên bàn đàm phán. Cuộc chiến nảy lửa giành giật nhau từng tấc đất đã xảy ra trên khắp chiều ngang vốn rất hẹp của tỉnh Quảng Trị ở phía đông và nam con sông Thạch Hãn, từ cánh đông-duyên hải đến cánh tây-rừng núi. Tập trung cao độ ở tuyến giữa, chủ yếu là thị xã Quảng Trị. Các trận đánh ở “cánh giữa” này được báo chí phương Tây đặc biệt chú ý. Trong vùng đất hẹp chỉ khoảng 1-2km2, địa hình tương đối bằng phẳng, dưới hỏa lực tối đa của hải quân và không quân Mỹ với kỹ thuật hiện đại nhất lúc đó. Được sự tiếp sức, chia lửa của quân dân cả nước, các chiến sĩ của nhiều tiểu đoàn, trung đoàn bộ binh, binh chủng kỹ thuật thuộc nhiều binh đoàn chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương đã chịu đựng hàng chục vạn tấn bom đạn, trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, bằng tính kỷ luật tuyệt vời, lòng dũng cảm và ý chí ngoan cường cũng như sự hy sinh vô bờ bến để anh dũng chiến đấu, giữ vững trận địa trong thế ba bề bị cô lập.

Với việc giữ vững được Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm, quân và dân Quảng Trị đã hoàn thành xuất sắc ý định bảo vệ Thành cổ, không cho địch kiếm cớ “mặc cả” trên bàn Hội nghị Paris, giữ được Thành cổ trong khoảng thời gian dài gấp 8 lần so với mệnh lệnh tái chiếm của Mỹ-Thiệu.

5 lần đánh bại ý đồ của địch

Sau khi ta giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị, tâm lý thất bại lan rộng trong ngụy quân, ngụy quyền; dư luận Mỹ thì thấy rõ chính quyền Nixon lừa bịp dư luận về khả năng thành công của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Lúc này, nước Mỹ đang ráo riết chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống mới còn Hội nghị Paris bàn về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đã kéo dài hơn 4 năm, đang đi vào giai đoạn quyết định, dự kiến sẽ họp trở lại vào ngày 13-7-1972. Chính vì thế, ngày 13-7-1972 đã trở thành cái mốc đầu tiên trong 81 ngày đêm lịch sử. Nixon lệnh cho Nguyễn Văn Thiệu bằng mọi giá phải tái chiếm Quảng Trị. Bản thân Nguyễn Văn Thiệu cũng biết rằng số phận của mình phụ thuộc vào kết quả đàm phán ngoại giao tại Paris. Nguyễn Văn Thiệu quyết định bắt giam tướng Vũ Văn Giai, tư lệnh sư đoàn 3 của quân đội Sài Gòn vì đã tự động lui quân khỏi phòng tuyến phía bắc do sức tiến công mãnh liệt của Quân giải phóng, đồng thời cách chức tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh quân khu 1-quân đoàn 1 quân đội Sài Gòn vì đã để mất tỉnh Quảng Trị. Mặt khác, Thiệu quyết định mở cuộc hành quân “Lam Sơn 72”, huy động 4 sư đoàn mạnh nhất của quân ngụy, trong đó có toàn bộ sư đoàn dù và sư đoàn thủy quân lục chiến thuộc lực lượng cơ động chiến lược với quyết tâm chiếm lại Quảng Trị. Thiệu lệnh cho tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh cuộc hành quân “Lam Sơn 72” phải chiếm lại thị xã Quảng Trị (trong đó có Thành cổ Quảng Trị) trước ngày 10-7-1972.

Về ta, giai đoạn đầu, lực lượng được giao nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị là Trung đoàn 48 và Tỉnh đội Quảng Trị. Ngày 30-6-1972, Bộ tư lệnh chiến dịch giao nhiệm vụ: “Trung đoàn 48 cùng với Tỉnh đội Quảng Trị tổ chức phòng thủ khu vực La Vang, Tích Tường, ngã ba Long Hưng, nhà ga Quảng Trị, Tri Bưu. Dùng chướng ngại vật kết hợp với hỏa lực,... chiến đấu kiên cường, không cho địch lọt vào thị xã”.

Với tinh thần “Quang Sơn còn, Quảng Trị còn”, quân và dân Quảng Trị đã anh dũng chiến đấu. Sau 10 ngày tác chiến, sử dụng hơn 20.000 quân tinh nhuệ và hàng vạn tấn bom đạn để dồn sức tiến công nhưng Mỹ-ngụy không đạt được mục đích. Cả Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đều lúng túng. Để phục vụ cho mục tiêu trước mắt là tìm lợi thế “mặc cả” trên bàn ngoại giao, Mỹ-Thiệu giao nhiệm vụ cho cấp dưới bằng mọi giá phải chiếm được Thành cổ, dù chỉ một lúc để chụp ảnh. Đêm 12-7-1972, Ngô Quang Trưởng ra lệnh cho quân dù: “Bằng cách gì, đêm nay cũng phải cắm được cờ trong Thành cổ”. Nắm rõ ý đồ của địch, chập tối 12-7-1972, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh chiến dịch lệnh cho Trung đoàn 48: “Đêm nay phải cố thủ giữ vững Thành cổ Quảng Trị, không được để một tên địch lọt vào”. Kết quả đợt 1, địch không thể cắm cờ lên Thành cổ, dù đặt kế hoạch ngày 10-7, sau lui lại trước ngày 13-7.

Đợt tiến công thứ hai của Mỹ-ngụy kéo dài từ ngày 14-7 đến 27-7-1972. Mỹ tìm mọi cách lui thời gian tái họp trên bàn Hội nghị Paris, chi viện hỏa lực cho quân ngụy không hạn chế, ngụy thay đổi cách tiến công. Mỗi ngày, khu vực Thành cổ hứng chịu 8.000-15.000 viên đạn pháo, có ngày hơn 30.000 viên, số phi vụ đánh phá của B-52 tăng lên 60-70 lần/ngày, số phi vụ máy bay phản lực phun chất độc hóa học và thả bom khoan vào khu vực Thành cổ cũng tăng lên 40-60 lần/ngày. Về ta, do tình hình thương vong của lực lượng chốt giữ bảo vệ Thành cổ, cấp trên đưa Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325) vào chiến đấu trong thị xã, tổ chức ra Ban chỉ huy hỗn hợp bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48 là Chỉ huy trưởng, Chính ủy Trung đoàn 95 làm Chính ủy-Bí thư Ban cán sự Đảng.

Tổ chức hàng chục cuộc tấn công nhưng không thể đạt được mục tiêu, trước áp lực phục vụ đàm phán trên bàn ngoại giao, quân ngụy đã tổ chức lễ kéo cờ bên một bức tường đổ ở nhà thờ Trầm Lý, cách thị xã 3km về phía đông để phao tin quân dù mũ nồi đỏ đã chiếm được Thành cổ vào 9 giờ ngày 26-7-1972. Phía ta trinh sát nắm được thông tin, gọi pháo binh bắn vào vị trí này khiến “lễ kéo cờ” thất bại trong hoảng loạn của các cố vấn Mỹ.

Đợt ba (từ ngày 28-7 đến 10-8-1972), địch cho sư đoàn thủy quân lục chiến vào thay sư đoàn dù để đánh chiếm thị xã, đổi cách tấn công từ ồ ạt sang “lấn dũi”. Thời gian này, những cơn mưa bão đầu mùa đã gây khó khăn cho ta trong thế trận phòng thủ. Nước sông Thạch Hãn dâng cao, chảy xiết, hầm hào công sự ngập nước, sụt lở. Địch nhận thấy đây là thời cơ lớn để tái chiếm Thành cổ, dùng hỏa lực bắn phá liên tục với ý định hủy diệt hoàn toàn mọi sự sống trong thành. Có đợt cao điểm, địch bắn liên tục khoảng 36.000 quả đạn pháo trong hai ngày liền (30 và 31-7-1972). Ta dùng lối đánh linh hoạt, liên tục tập kích để cải thiện thế trận phòng ngự, đánh bại ý đồ chiếm Thành cổ để tổ chức “chào cờ” của địch. Ngày 9-8-1972, địch tập trung máy bay giội bom vào thị xã kết hợp pháo binh bắn đồng loạt vào tất cả các vị trí phòng thủ của ta, hỗ trợ cho sư đoàn thủy quân lục chiến tấn công Thành cổ trên ba hướng. Do nắm chắc ý đồ của địch, bộ đội ta bình tĩnh, bí mật chờ địch đến gần mới nổ súng, ngoan cường chiến đấu đánh bại mọi mũi tấn công của địch. Sau hơn 10 ngày vào thay thế sư đoàn dù, cả 5 tiểu đoàn của lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến ngụy đều tổn thất nặng. Lúc này, Mỹ gần như cạn niềm tin về khả năng tái chiếm Thành cổ của quân ngụy nên không lập kế hoạch gặp ta tại Hội nghị Paris. Tình hình đó khiến ngụy quyết định tạm dừng tiến công để củng cố lực lượng.

Đợt 4 (từ ngày 11-8 đến 31-8-1972), Mỹ tăng cường các loại máy bay, pháo lớn, pháo tàu biển ngày đêm giội bom pháo xuống thị xã Quảng Trị, thúc quân ngụy “lấn dũi” từng bước vào Thành cổ theo hai hướng, nam-đông nam và bắc-đông bắc. Các trận chiến đấu bảo vệ Thành cổ giai đoạn này rất ác liệt do thị xã và Thành cổ đã bị bom pháo địch san bằng như bình địa, các vật liệu làm hầm hào, công sự như tôn sắt, tre gỗ đều nát vụn và ngày càng khan hiếm. Mưa lũ làm hầm hào ngập nước, sạt lở khiến trận địa ta bị thu hẹp, phát sinh mâu thuẫn là thiếu chỗ đứng chân cho lực lượng tăng cường vào phản kích, tiến công địch. Quân số bổ sung cho lực lượng trực tiếp bảo vệ Thành cổ, mỗi đêm khoảng 100 người thì thường hy sinh 50% khi qua sông do bom pháo địch. Tuy nhiên, với tinh thần còn người còn trận địa, dựa vào thế trận liên hoàn, từng chốt yểm trợ cho nhau, tích cực tập kích, phản kích, ban ngày mất chốt, ban đêm tập kích lấy lại, ta đã khiến địch tổn thất nặng nề, suốt 20 ngày cuối tháng 8-1972 không tổ chức được đợt tiến công lớn nào.

Đợt 5 (từ ngày 1-9 đến 16-9-1972), địch quyết tâm huy động lực lượng và hỏa lực ở mức cao nhất, lợi dụng mưa lũ đang gây khó khăn cho ta về công sự, hầm hào để chiếm Thành cổ. Ta bình tĩnh đánh trả các đợt tiến công lớn của địch. Đêm 15-9-1972, Ban chỉ huy bảo vệ Thành cổ sau khi nắm lại tình hình ta và địch đã quyết định cho các đơn vị rút dần sang tả ngạn sông Thạch Hãn, nếu sáng 16-9 không có lực lượng sang thay (dự kiến là Trung đoàn 18, Sư đoàn 325) thì rút toàn đơn vị qua sông, về hậu cứ sẵn sàng nhận nhiệm vụ tiếp theo.

Khúc tráng ca về lòng dũng cảm

Đánh giá về 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, sách “Tổng kết tác chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972” của Viện Lịch sử Quân sự do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành năm 2006 khẳng định, ta đã đạt được những ưu điểm lớn: Đã giữ được Thành cổ và thị xã Quảng Trị 81 ngày đêm (gấp 8 lần so với ý định tái chiếm của Mỹ-Thiệu) trong điều kiện so sánh lực lượng và binh khí kỹ thuật rất chênh lệch cũng như các điều kiện khác vô cùng khó khăn, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh chính trị trong thời điểm nhạy cảm về ngoại giao. Giam chân và đánh thiệt hại nặng một lực lượng tổng dự bị chiến lược của địch, bước đầu làm phá sản công thức “bộ binh ngụy cộng với hỏa lực, hậu cần Mỹ”, tạo điều kiện cho các chiến trường giữ vững thắng lợi về tiêu diệt địch và mở rộng vùng giải phóng năm 1972, chuẩn bị thiết thực cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam năm 1975. Đã tổng hợp được sự chi viện của các lực lượng từ mọi hướng cho chiến trường trọng điểm thành sức mạnh trụ bám dẻo dai, bền bỉ, giữ vững trận địa. Các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ đã chủ động hiệp đồng, tìm ra cách đánh thích hợp để trụ bám dài ngày, giữ được mục tiêu dưới bom đạn dày đặc, đánh bại nhiều đợt tấn công quyết liệt của các lực lượng cơ động chiến lược mạnh nhất của quân đội Sài Gòn được Mỹ chi viện tối đa về hỏa lực.

Đại tướng Văn Tiến Dũng khi nghe đại diện Ban chỉ huy bảo vệ Thành cổ báo cáo (Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48) đã khẳng định: “Chiến đấu ở thị xã Quảng Trị là sự tích anh hùng, là bản anh hùng ca trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đánh giá cao và biểu dương thành tích các đơn vị, các đồng chí”.

Đại tá, TS VŨ HÙNG