Sự ngưỡng vọng cái cao cả của tính cách Việt được nâng đến mức tuyệt đối là cho thần tượng Thánh Gióng bay lên trời và phong thánh bất tử. Huyền thoại Thánh Gióng đi vào văn hóa Việt như một cổ mẫu, một mẫu gốc không thể thay thế, tỏa sáng và soi sáng cho chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thêm rạng rỡ trong bầu trời văn hóa nhân loại. Trong huyền thoại này mang chứa nhiều lớp trầm tích văn hóa mà mỗi hướng phân tích cũng chỉ là một cách tiếp cận.
Nếu truyền thuyết là một loại hình tự sự dân gian phản ánh nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa bằng hư cấu thần kỳ thì Thánh Gióng là một truyền thuyết đích thực. Thần thoại là truyện kể về các vị thần, các nhân vật anh hùng thần linh, còn cổ tích là thông qua sự hư cấu thần kỳ để thể hiện ước mơ khát vọng của con người thì Thánh Gióng vừa là một thần thoại đẹp vừa là một cổ tích đậm chất thơ. Trong kho tàng truyện cổ nước ta có nhiều tác phẩm mang tính đa thể loại như thế, nhưng đây là một trong những truyện tiêu biểu. Điều này nói lên cốt truyện đã xuôi theo dòng thời gian đi qua ba miền văn hóa là thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, đến mỗi miền lại được khúc xạ và bồi đắp thêm những lớp phù sa chi tiết để phát ra những ánh sáng ý nghĩa mới. Ngay điều này cũng nói lên quy luật muốn tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc không thể không tìm về cái nôi truyện cổ nói riêng, văn học dân gian nói chung, vì ở đó mang chứa các lớp trầm tích văn hóa.
Thánh Gióng là tên Nôm, tên chữ Hán là Phù Đổng Thiên Vương, tên gọi khác là Sóc Thiên Vương. Vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) truy tặng người anh hùng là Xung Thiên Thần Vương. Sau này vua Lê Thánh Tông trong bài thơ chữ Nôm có tên “Xung Thiên Thần Vương” đánh giá Thánh Gióng là: “Tự điển trời Nam ngôi đệ nhất”. “Tự điển” tức danh mục đền thờ được Bộ Lễ ngày xưa xếp hạng, nghĩa là coi Thánh Gióng đứng đầu trong các thần tích. Trong sách “Việt điện u linh tập” còn gọi truyện là Vệ Linh Sơn thần (Thần núi Vệ Linh). Ngay tên gọi cũng cho thấy truyện giàu có mã văn hóa cùng tầng lớp các nội dung nghĩa.
Các truyền thuyết Vua Hùng là những bài ca dựng nước thì Thánh Gióng là bài ca giữ nước. Theo chùm truyền thuyết về Hùng Vương thì Thánh Gióng là một trong 5 tướng giỏi, cùng với Hùng Linh Công con của Hùng Nhạc, cháu ruột Hùng Vương thứ 6, và ba anh em ruột Phan Chí, Phan Khí và Phan Minh con trai ông Phan Tiệp danh tướng họ Phan ở Hải Dương là người đức độ, nhân từ, hay giúp người. Ý nghĩa bật ra từ chùm truyền thuyết này là niềm tự hào về đất nước của con cháu Vua Hùng không thiếu anh hùng, trong đó Thánh Gióng chỉ là một.
Thánh Gióng trước hết là câu chuyện đuổi giặc của người anh hùng làng Gióng. Cậu bé ba tuổi ấy nói câu đầu tiên là xin gặp sứ giả bàn chuyện đánh giặc. Người ta đã bàn đúng về tinh thần yêu nước nồng nàn đã có ở người Việt từ trong máu, từ khi mới lên ba. Đấy là xét về ý nghĩa nội dung. Trong thần thoại Hy Lạp-La Mã, thần tình yêu Éros cũng là đứa trẻ ba tuổi, thần bay trên trời dùng cung tên bằng vàng để bắn vào những trái tim đang phập phồng yêu đương. Người Việt ta cũng tinh tế nhận định: “Thỏ thẻ như trẻ lên ba”. Như vậy, nhìn ở thi pháp nhân vật thì tuổi ấu thơ ấy là tuổi của đích thực thần thoại, hồn nhiên nhất, trong sáng, thiêng liêng nhất. Nó đẹp và bền vững đến mức cho đến khi nhắm mắt xuôi tay người ta vẫn giữ lại một vài ấn tượng ở tuổi này. Ở truyện Thánh Gióng thì cái tuổi lên ba càng phù hợp với hình tượng lãng mạn, trong sáng mà kỳ vĩ khi nhân vật bay lên trời.
Cái vươn vai của Thánh Gióng đã trở thành biểu tượng, thành một mẫu gốc sản sinh ra các hình tượng gần gũi để các đời sau nói về sự phát triển vượt bậc, thần kỳ hay ước mơ tốt đẹp về sức khỏe thể chất và tinh thần (vươn vai Phù Đổng, Hội khỏe Phù Đổng…). Gióng lớn nhanh như thổi là biểu tượng cho khát vọng bao đời của người dân Việt có một sức khỏe vô song để giữ nước, để làm ăn trong yên ấm, hòa bình. Cũng hẳn nhiên Thánh Gióng là câu chuyện về việc quân sự nên chi tiết Gióng “ăn bảy nong cơm, ba nong cà, uống cạn đà một khúc sông” chính là một “mã hậu cần”. Trong chiến tranh thì việc hậu cần là tối quan trọng và rất tốn kém. Có lẽ đây là câu chuyện cổ đầu tiên nói về hậu cần quân đội, từ chuyện cung ứng lương thực, thực phẩm (cơm, cà, nước) đến quân nhu (ở một số dị bản có chi tiết dân làng góp sức góp công dệt vải may áo, tiếng thoi vang lên suốt đêm ngày) đến chuyện trang phục, phương tiện di chuyển, vũ khí (ngựa sắt, áo giáp sắt, roi sắt). Những chi tiết về “sắt” này cho thấy có thể truyện ra đời vào đầu thời đại đồ sắt. Rất có thể chi tiết roi sắt gãy kia gián tiếp nói lên rằng vũ khí bằng sắt chưa được tinh chế kỹ càng, công phu.
Có nhiều dị bản kể chi tiết khi nhà vua đưa ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt đến, Gióng bèn vỗ vào ngựa, ngựa bẹp dí. Gióng bảo nhà vua rèn ngựa thiếu ruột, gan, tim, phổi thì ngựa sao chạy được. Thế là quân quan phải đưa ngựa về rèn cho đầy đủ. Đây là chủ đề phụ nhưng đều có ý nghĩa. Nói rằng truyện có tinh thần chống “tham nhũng vặt” như hôm nay đang nói thì xu thời, nhưng rõ ràng nó chê trách sự thiếu nghiêm túc, cười cái tính bớt xén, dối dá (mà nay chúng ta đang gặp ở bất cứ đâu, những công trình lớn, những công trình nhỏ), nếu không phát hiện sớm sẽ rất nguy hiểm. Chi tiết này phù hợp với bản kể của “Lĩnh Nam chích quái” kể Vua Hùng được Lạc Long Quân mách bảo: “Ba năm nữa giặc Bắc sẽ sang, phải nghiêm chỉnh khí giới, tinh luyện sĩ binh mà giữ nước, lại phải đi tìm bậc kỳ tài trong thiên hạ…”. Chúng ta thấy Vua Tổ Lạc Long Quân đã nhìn thấy trước sự việc nên nhắc rõ “phải nghiêm chỉnh khí giới”…
Chi tiết xương sống có mặt ở mọi bản kể là roi sắt gãy, Gióng nhổ tre đánh giặc. Như vậy, Gióng chính là hiện thân cho dân tộc ta đuổi giặc không chỉ bằng vũ khí gươm đao mà còn bằng cả gậy gộc. Thì ra ở đất nước này, đã thành truyền thống, khi có giặc thì toàn dân đứng dậy, cả người lớn, cả trẻ em; toàn diện đánh giặc, đánh bằng bất cứ thứ vũ khí gì. Hình tượng cây tre trở thành một “linh vật”, một “cây thiêng” trong tâm thức người Việt để rồi trở thành biểu tượng cho sự bất khuất, dẻo dai, kiên cường, biết cương, biết nhu (gặp gió lớn tre rạp mình rồi bật thẳng trở lại)… Đó là một nét tính cách Việt. Thế nên Gióng đánh giặc bằng tre là đánh giặc bằng tinh thần Việt, tính cách Việt. Trong mọi dị bản đều nói Gióng đánh giặc bằng tre đằng ngà, vốn là loại tre thân màu vàng óng điểm sọc xanh, rất đẹp. Hôm nay ai ra Trường Sa đều thấy thật thiêng liêng và ý nghĩa khi thấy ở đó trồng những cụm tre đằng ngà mà ngày trước Gióng dùng để đuổi giặc. Phải chăng còn ý nghĩa này: Gióng đuổi giặc còn bằng cả “vũ khí” cái đẹp của người Việt Nam!? Đặt trong trường nghĩa khi Thạch Sanh ru ngủ quân 18 nước chư hầu bằng tiếng đàn nghệ thuật làm cho họ quên đi ý đồ xâm lăng thì lớp nghĩa này rất có thể được chấp nhận!
Huyền thoại kết lại bằng hình ảnh tuyệt đẹp, lãng mạn bay bổng và tràn đầy ước vọng: Gióng cùng ngựa bay lên trời. Trong quan niệm cổ xưa, “trời” là khái niệm chỉ sự vĩnh hằng, bất biến, biểu tượng của hạnh phúc, sung sướng, tự do, của sự công bằng, công lý. Thế là Gióng đã bay vào bầu trời văn hóa Việt với tư cách một cá thể để rồi trở thành một cổ mẫu, một mẫu gốc để người đời sau thực hiện khát vọng “mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt” (Chế Lan Viên). Gióng sẽ mãi mãi sống trong ký ức cộng đồng. Gióng sẽ mãi bất tử, và thực sự trở thành một trong “tứ bất tử”.
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ