Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế tri thức hiện nay, vị trí của đội ngũ trí thức lại càng quan trọng, cần được lưu tâm. 

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay, đội ngũ trí thức chưa thực sự phát huy hiệu quả vai trò của mình vào sự nghiệp đổi mới, phát triển bền vững đất nước. Yêu cầu nhận thức đúng về bản chất và vai trò của trí thức để từ đó có chiến lược, chính sách phát triển đội ngũ trí thức đang đặt ra cấp thiết hiện nay.

Thế giới đang chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức-nền kinh tế chủ yếu dựa vào vốn và tài nguyên thiên nhiên sang nền kinh tế chủ yếu dựa vào tri thức con người, nền kinh tế trong đó lấy việc sản sinh ra, truyền bá và sử dụng tri thức là động lực chủ yếu của sự tăng trưởng, tạo ra của cải, việc làm trong tất cả các ngành kinh tế. Do vậy, tầng lớp trí thức sẽ là những người tạo ra phần lớn của cải xã hội, đang phát triển nhanh chóng và chắc chắn sẽ trở thành bộ phận dân cư lớn, không những về số lượng mà cả vai trò, sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến diễn tiến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển.

 Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: VŨ PHONG

Ở Việt Nam, vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đề cao và tạo điều kiện phát triển. Ngay từ sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta đã khẳng định: “Trí thức là một vốn quý của dân tộc. Không có trí thức hợp tác với công nông thì cách mạng không thể thành công và sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam mới sẽ không hoàn thành được”(*).

Đảng đã cùng với Nhà nước đề ra nhiều chủ trương, chính sách để đội ngũ trí thức phát triển, tạo mọi điều kiện để trí thức có thể phát huy tài năng và cống hiến được nhiều nhất cho đất nước. Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, để tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức. Nhà nước đã thực hiện các chính sách xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống đào tạo, nghiên cứu; đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường đầu tư cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hóa-văn nghệ...

Nhờ đó, trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta đã phát huy được trí tuệ, năng lực của người trí thức trong xã hội. Tầng lớp trí thức đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đội ngũ trí thức Việt Nam luôn sát cánh cùng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và nhân dân lao động cả nước đoàn kết, phấn đấu, cống hiến tài năng và trí tuệ, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Tuy nhiên, một thực tế phải thừa nhận là từ trước đến nay, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức thì đúng đắn nhưng quá trình thực hiện còn nhiều bất cập, dẫn đến hiệu quả chưa cao, chưa phát huy hết tiềm năng, giá trị vốn có của nguồn lực đặc biệt quan trọng là người trí thức.

Xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức chân chính là nhiệm vụ quan trọng đối với đất nước ta, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần sự vào cuộc của nhiều chủ thể, nhưng trước hết phải là Đảng, Nhà nước và bản thân người trí thức.

Thứ nhất, từ phía người trí thức

- Đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Có thể nói rằng, sự thành bại của sự nghiệp CNH, HĐH phụ thuộc rất nhiều vào người trí thức. Mặt khác, chính sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ cùng với sự nghiệp CNH, HĐH đất nước hiện nay cũng đặt ra cho người trí thức những yêu cầu tương ứng.

Người trí thức hiện nay, trên cơ sở kế thừa những phẩm chất của người trí thức truyền thống, cần phải có thêm những tố chất của người trí thức hiện đại. Nói cách khác là họ phải tự rèn luyện về mọi mặt để có thể “hiện đại hóa” chính mình: Có phong cách làm việc sáng tạo, năng động, biết nhạy bén vận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới; có bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có tinh thần phản biện xã hội cao. Họ phải là người đi tiên phong trong cuộc chiến với cái cũ kỹ, lạc hậu, lỗi thời nhằm đưa đất nước lên tầm phát triển của thế giới văn minh, hiện đại.

- Đáp ứng yêu cầu của bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế.

Bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi người trí thức chân chính phải có tư duy toàn cầu với tinh thần cởi mở, hợp tác vì phát triển, đón nhận, chọn lọc tinh hoa văn hóa, văn minh nhân loại, để làm giàu, làm mới chính mình. Không thể có trí thức chân chính khi họ tự đóng cửa trước những biến chuyển sôi động của thời đại, mang lối tư duy chật hẹp, chối từ sự giao lưu, đối thoại với các nền văn minh.

Mặt khác, trong xu thế toàn cầu hóa với nhiều tác động đa chiều, phức tạp hiện nay, trí thức Việt Nam, hơn bao giờ hết, phải giữ vững bản lĩnh chính trị, tự trọng khoa học cũng như tinh thần yêu nước, thái độ trân trọng bản sắc văn hóa dân tộc... để vừa tự phát triển chính mình, vừa góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước và xã hội.

Thứ hai, yêu cầu đặt ra đối với Đảng, Nhà nước là:

Một là, cần bảo đảm quyền phát triển cho người trí thức.

Quyền phát triển của người trí thức trước hết phải là quyền lựa chọn. Trí thức là đại diện cho trí tuệ của dân tộc, là nền tảng cho tiến bộ xã hội, là lực lượng chủ chốt của nền kinh tế tri thức. Chính vì vậy, cần phát huy tối đa năng lực của người trí thức bằng cách không ngừng gia tăng tính tự giác, năng động, tự chủ, bảo đảm tối đa quyền tự do lao động, sáng tạo, phát huy sức mạnh bên trong của mỗi cá nhân (trên cơ sở kết hợp với sức mạnh của cả cộng đồng).

Để thực hiện được điều này, Nhà nước cần xây dựng quy chế dân chủ, xây dựng môi trường, không khí làm việc sôi nổi, cởi mở để chia sẻ thông tin, sáng kiến, tạo điều kiện thuận lợi để trí thức có thể đem hết tài năng phục vụ, được xã hội tôn vinh, được thăng tiến bằng chính kết quả hoạt động nghề nghiệp của mình.

Hai là, có chính sách hiệu quả, thiết thực trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển trí thức.

Cần có chính sách và kế hoạch cụ thể để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ, trí thức là những người đã có cống hiến trong hoạt động thực tiễn, trí thức người dân tộc thiểu số và các nữ trí thức.

Cần hoàn thiện các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí và điều kiện tuyển dụng, đổi mới chính sách, phương thức tuyển dụng. Bên cạnh việc tuyển dụng thông thường thông qua các kỳ thi tuyển định kỳ và đại trà, cần có chế độ xét tuyển đặc cách không qua thi tuyển vào làm việc trong các tổ chức khoa học và công nghệ đối với những người có năng lực, trình độ xuất sắc hoặc những người có kinh nghiệm công tác, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, cũng cần tranh thủ tối đa mọi nguồn lực, nhất là các nguồn lực từ các chính phủ nước ngoài để thực hiện việc phát triển đội ngũ trí thức trong nước. Tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực trình độ cao ở các nước phát triển.

Ba là, có chính sách thu hút, đãi ngộ xứng đáng với trí thức.

Hiện nay, hiện tượng “chảy máu chất xám”, lãng phí, hao hụt nguồn nhân lực và thiếu trầm trọng đội ngũ cán bộ thực tài, nhiệt tâm... đã xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị, gây trở ngại không nhỏ cho sự phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội cũng như sự phát triển bền vững đất nước. Chính vì vậy, việc thu hút, đãi ngộ xứng đáng đối với người trí thức là việc làm cấp thiết hiện nay. Chính sách thu hút, đãi ngộ trí thức có thể thực hiện qua nhiều cách thức khác nhau: Từ việc tạo môi trường làm việc thuận lợi, cải thiện tiền lương cho người trí thức, đến việc đãi ngộ cho gia đình đối với những nhà khoa học đầu đàn, đầu ngành... Hay là việc tạo cơ chế đặc thù với đội ngũ nữ trí thức, trí thức đang công tác ở miền núi, vùng có điều kiện khó khăn... Cũng cần quan tâm thu hút trí thức có trình độ chuyên môn, thuộc lĩnh vực, ngành đang thiếu, đang cần để bảo đảm không bị thiếu hụt về nhân lực và phát huy được đúng năng lực, sở trường của người trí thức.

Bên cạnh đội ngũ trí thức trong nước, cần lưu tâm đến đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài, bởi đây là một lực lượng hùng hậu cả về số lượng và chất lượng. Cần thực hiện hiệu quả hơn việc thu hút các các nhà khoa học xuất sắc ở nước ngoài về nước. Mặt khác, cần tạo sự kết nối sâu rộng, bền chặt đối với đội ngũ này để rút ngắn khoảng cách về địa lý cũng như giúp họ có cơ hội tiếp cận với các thông tin, những vấn đề hệ trọng của đất nước... để phát huy tối đa tinh thần dân tộc, trách nhiệm công dân và khát vọng cống hiến cho đất nước, nhân dân của họ.

Để phát triển đội ngũ trí thức, vấn đề tôn vinh đặc biệt quan trọng. Cần xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế về tôn vinh trí thức. Việc trao giải thưởng quốc gia, phong tặng các chức danh khoa học, các danh hiệu cao quý cần được thực hiện thường xuyên. Cần bảo đảm tính dân chủ, công bằng, minh bạch, thể hiện văn hóa tôn trọng nhân tài, tránh tôn vinh một cách cào bằng, hình thức...

__________

(*) Chính sách của Đảng Lao động Việt Nam đối với trí thức, Nxb Sự thật, Hà Nội, năm 1957, tr. 8.

TS NGHIÊM THỊ THU NGA