Mang con chữ đến buôn làng Mông
Cư Pui là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Bông (Đắc Lắc). Phần lớn người dân nơi đây là đồng bào thiểu số di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào. Tuy phải tiếp nhận một lượng lớn người dân di cư tự do nhưng với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Đắc Lắc đã có nhiều chính sách đầu tư giúp cuộc sống của người dân dần ổn định. Trong lần theo chân cán bộ y tế vào thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu tại xã Cư Pui, chúng tôi vui mừng trước sự đổi sắc ở xã có đông đồng bào di cư tự do.
Xếp hàng đợi nhận thuốc phòng bệnh bạch hầu, anh Sèo A Vàng (thôn Cư Tê) chia sẻ: “Mấy hôm nay mình ở trong rẫy không biết chuyện gì cho đến khi cán bộ gọi điện bảo về nhận thuốc phòng bệnh dịch. Mình chưa biết nhiều về bạch hầu nhưng cán bộ bảo là dịch bệnh nguy hiểm, gây chết người nên mình phòng cho chắc. Trước kia, mỗi khi bị bệnh, đồng bào hay có tục gọi thầy cúng, nay bỏ hết rồi. Có bệnh thì mình đi bệnh viện chữa thôi”. Anh Vàng cho biết thêm, gia đình anh rời quê Hà Giang vào Đắc Lắc hơn 10 năm nay. Lý do anh rời quê hương vì nghèo, thiếu đất sản xuất. Ngày mới vào, cuộc sống gia đình anh gặp nhiều khó khăn; điện, đường, trạm... là những thứ xa xỉ. Những năm gần đây, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi để người dân phát triển kinh tế, giao thương với bên ngoài. Với 2ha đất rẫy, anh Vàng vừa thâm canh ngô, sắn vừa trồng thêm dứa ngọt cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Trung bình một năm, gia đình anh thu nhập từ 60 đến 70 triệu đồng, số tiền này anh dành dụm lo cho con ăn học và đầu tư phát triển kinh tế. Cuộc sống dẫu còn khó khăn nhưng anh Vàng khẳng định đã đổi thay rất nhiều và anh mừng vì điều đó.
Ngoài đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cấp ủy, chính quyền tỉnh Đắc Lắc còn chú trọng dạy chữ cho trẻ em vùng sâu. Những ngày phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh rút gọn lễ khai giảng năm học mới, cắt bớt tiết mục văn nghệ chào mừng... tổ chức trong vòng 60 phút song vẫn ấm áp, ý nghĩa. Trong những buổi lễ tựu trường ấy, nhiều người vẫn dành sự xúc động cho lễ khai giảng năm học mới tại điểm trường Ea Rớt (thuộc Trường Tiểu học Cư Pui II), xã Cư Pui, huyện Krông Bông. Hình ảnh các thầy giáo, cô giáo tay cầm cờ đỏ sao vàng, tay dắt những đứa trẻ lần đầu đến trường từ cổng vào dự lễ trong tiếng vỗ tay reo hò giữa trời thu vô cùng xúc động.
Thầy Nguyễn Hồng Thuần, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui II cho hay, điểm trường Ea Rớt là một trong 3 điểm lẻ của trường. Điểm này nằm cách xa điểm chính hơn 12 cây số nên năm nào trường cũng ưu tiên tổ chức lễ khai giảng, bế giảng năm học trước một ngày. Khu vực này đa phần là đồng bào các tỉnh phía Bắc di cư vào sinh sống. Họ lo cái ăn nên chưa mặn mà với con chữ khiến cho việc dạy học gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm không để trẻ thất học, chính quyền, lãnh đạo ngành giáo dục đã quyết tâm mở điểm trường. Các thầy cô vừa bám trường, bám lớp dạy các em từng con chữ vỡ lòng. Hết giờ lên lớp, họ lại trở thành những tuyên truyền viên tích cực, vào từng nhà dân vận động, tìm hiểu những khó khăn của phụ huynh để cùng nhau tháo gỡ, nhờ đó số trẻ đến trường nơi đây luôn đạt tỷ lệ cao.
Không chỉ lo cái chữ, lo phát triển kinh tế cho người dân, chính quyền xã Cư Pui không quên gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong lần về xã Cư Pui đúng Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), chúng tôi được chứng kiến “bữa tiệc âm nhạc” sôi động của các chị em tại nhà văn hóa cộng đồng gần trụ sở UBND xã. Trong bộ trang phục thổ cẩm truyền thống của dân tộc, các chị, dù người Ê Đê, người Mông hay người Kinh, đều cất cao tiếng hát, lời ca quyện vào nhau thắm đượm tình đoàn kết keo sơn.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui cho biết, toàn xã có 13 thôn, buôn với hơn 2.600 hộ, gần 14.000 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ các tỉnh phía Bắc vào chiếm đến 87%. Tuy xuất phát điểm thấp song được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, diện mạo vùng sâu Cư Pui đã có nhiều thay đổi. Nhiều tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn Cư Tê, Êa Uôl... đã và đang được bê tông hóa kiên cố. Những mái nhà ẩn mình giữa đồi núi bừng sáng ánh điện. Các hạng mục như hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế.
An cư cho đồng bào
Đắc Lắc hiện đang triển khai 13 dự án bố trí dân di cư tự do với quy mô hơn 4.400 hộ, 23.000 nhân khẩu. Tuy nhiên, các dự án này chưa thực hiện xong do thiếu kinh phí. Trong lúc chờ nguồn vốn Trung ương, Đắc Lắc huy động nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án trên địa bàn như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; khuyến nông; đào tạo nghề; bảo vệ và phát triển rừng bền vững... Đặc biệt, Đắc Lắc đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi, khuyến khích và huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đầu tư vào vùng bố trí dân di cư tự do để hỗ trợ phát triển sản xuất, liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả cao, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân di cư tự do.
    |
 |
Đường đến các thôn vùng sâu Cư Pui được bê tông hóa. |
Trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc đang triển khai dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng. Dự án vừa giải quyết vấn đề cấp thiết nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho dân, vừa kết hợp sắp xếp ổn định dân di cư tự do. Tại khu tái định cư số 1 thuộc xã Cư Elang, huyện Ea Kar (Đắc Lắc), chúng tôi ghi nhận cuộc sống mới của hơn 25 hộ dân thuộc diện di dân tự do. Những hộ dân này quê ở các tỉnh phía Bắc vào thôn 15, xã Cư Yang, huyện Ea Kar sinh sống. Khi có dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng, chính quyền đã đưa người dân về khu tái định cư, bố trí đất ở, đất sản xuất cho người dân an cư lạc nghiệp. Anh Nông Văn Khí-người dân ở khu tái định cư chia sẻ: “Chỗ tôi ở trước đây vẫn còn đường đất, lầy lội vào mùa mưa, nắng lên thì bụi bay mù trời. Trường ở xa, con cái đi học rất vất vả. Còn bây giờ đường đổ bê tông chạy trước nhà, điện Nhà nước kéo về tận nơi... Đất sản xuất cách nhà vài cây số, gần hồ chứa nước cung cấp nước quanh năm, rất thuận tiện cho chúng tôi làm ăn”. Về nơi ở mới được 8 tháng, anh Khí đã gieo được hai vụ lúa, mỗi vụ thu hơn 4 tấn lúa/5 sào, năng suất cao, ổn định hơn nhiều so với việc gieo trồng phụ thuộc vào “nước trời” như trước kia.
Hơn 70 tuổi, cụ Nông Thị Thìn (ở khu tái định cư số 1) vẫn vui khỏe chăm sóc đàn vịt mới mua về. Cụ kể, vào Đắc Lắc đã hơn 20 năm, sống ở nơi vùng sâu, vùng xa thiếu thốn đủ bề. Khi được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện chuyển về nơi ở mới, cụ chấp hành ngay. Với cụ, niềm mong mỏi chính là người dân được an cư lạc nghiệp và cụ mừng vì nơi ở mới thuận tiện cho phát triển kinh tế, đường đến trường của con trẻ được gần hơn.
Thông tin từ UBND huyện Ea Kar cho hay, khu tái định cư số 1 phục vụ khoảng 300 hộ dân. Hiện khu vực này đã có hơn 25 hộ dân thuộc thôn 15, xã Cư Yang chuyển sang, dự kiến trong những tháng tới sẽ đón thêm hàng trăm hộ dân sống ở lòng hồ dự án hồ thủy lợi Krông Pách Thượng (thuộc xã Cư San, huyện M’Đrắk). Mỗi hộ dân đến khu tái định cư được bố trí 1,1ha đất (gồm 1 sào đất vườn, trong đó có 400m2 đất ở, 600m2 đất vườn; 5 sào đất trồng hoa màu và 5 sào đất canh tác lúa nước 2 vụ). Ngoài ra, huyện cũng chuẩn bị khởi động khu tái định cư số 2 để bố trí chỗ ở ổn định cho 500 hộ dân di cư tự do di chuyển khỏi vùng lòng hồ dự án hồ thủy lợi Krông Pách Thượng.
* Tháng 7-2020, tại Kỳ họp thứ mười, HĐND tỉnh Đắc Lắc thông qua chủ trương đầu tư 3 dự án gồm: Dự án ổn định dân di cư tự do thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông); dự án bố trí ổn định dân di cư tự do tại xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc); dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do cho đồng bào Mông xã Ea Đăh (huyện Krông Năng) và dự án di dân khẩn cấp vùng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cụm dân cư thôn 4, thôn 7, thôn 8, thôn 9, thôn 10 và thôn 12, xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp), với tổng kinh phí đầu tư lên đến 776 tỷ 900 triệu đồng.
* Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắc Lắc Y Biêr Niê cho biết, ngoài thiếu vốn đầu tư, các dự án ổn định dân di cư tự do còn vướng các quy định về nguồn gốc đất. Theo đó, đất trong dự án đa phần là đất lâm nghiệp chưa được thu hồi, chuyển đổi bàn giao về địa phương...
|
Bài và ảnh: PHƯƠNG KHÁNH