Năm 2012, ra trường với tấm bằng loại giỏi, Trung úy Mai Thanh Bình được điều động về công tác tại Khoa Tiêu hóa (tiền thân của Viện Điều trị các bệnh tiêu hóa), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đầu năm 2016, anh đỗ nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Tổng hợp Tubingen (Cộng hòa Liên bang Đức).
|
|
TS Mai Thanh Bình (ngồi) và TS Nghiêm Xuân Hoàn nghiên cứu chạy điện di sản phẩm PCR ở Trung tâm Nghiên cứu Y học Việt-Đức (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). |
Những năm gần đây, bệnh nhân tử vong liên quan đến ung thư gan ở nước ta ngày càng gia tăng. Việc ra đời hai đề tài nghiên cứu khoa học và giành giải nhất Giải thưởng TTST trong quân đội (năm 2014, 2015) của bác sĩ Bình đều đề cập tới kỹ thuật điều trị ung thư gan. Theo bác sĩ Bình, trước năm 2014, bệnh nhân ung thư gan chủ yếu được điều trị tắc mạch truyền thống bằng Lipiodol hoặc tiêm cồn. Phương pháp này tuy đem lại điều trị tích cực với bệnh nhân ung thư gan (hcc) nhưng chỉ hiệu quả ở giai đoạn sớm. Năm 2014, nhóm đề tài triển khai áp dụng kỹ thuật tắc mạch u gan bằng hạt vi cầu tải hóa chất (Dcbeat), làm tăng tỷ lệ hoại tử khối u, giảm đáng kể tác dụng phụ do hóa chất ít lưu hành trong máu toàn thân. Năm 2015, nhóm đề tài tiếp tục triển khai kỹ thuật tắc mạch xạ trị chiếu trong chọn lọc với hạt vi cầu nhựa gắn Ytrium90. Đây là kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới, lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam, nó mở rộng thêm chỉ định dành cho bệnh nhân giai đoạn C, giúp mở thêm cơ hội cho những bệnh nhân được điều trị và kéo dài sự sống.
Trong câu chuyện với chúng tôi, bác sĩ Bình luôn trăn trở với cuộc chiến chống bệnh ung thư gan. Để chiến thắng được căn bệnh này, theo anh, các cơ quan chức năng của Bộ Y tế cần bổ sung thêm danh mục tầm soát, xét nghiệm, sàng lọc virus HDV đối với tất cả bệnh nhân nhiễm HBV khi đến điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc. “Hiện nay, tôi đang cùng đồng nghiệp đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu đề tài điều trị xơ gan bằng tế bào gốc ở các nhóm bệnh nhân khác nhau; các phương pháp mới điều trị ung thư gan như làm chủ kỹ thuật nội soi mật, tụy ngược dòng (ERCP) để can thiệp lấy sỏi hoặc đặt stent... Mong rằng thời gian không xa, nước ta sẽ sớm có vaccine và thuốc đặc trị cho các bệnh nhân mắc virus HDV và HBV mạn tính”, bác sĩ Bình chia sẻ.
“Những đề tài nghiên cứu khoa học của TS Mai Thanh Bình nói chung và đề tài nghiên cứu, điều trị bệnh ung thư gan do các loại virus viêm gan gây ra nói riêng đều mang tính cấp bách và có tầm nhìn xa. Đề tài này nghiên cứu virus HDV mới đây đã cập nhật ứng dụng mới về công nghệ gen, kỹ thuật sinh học phân tử và là một trong những hướng đi mới thời gian tới của y học thế giới”, Đại tá, PGS, TS Nguyễn Tiến Thịnh, Viện trưởng Viện Điều trị các bệnh tiêu hóa khẳng định.
Bài và ảnh: NGUYỄN KIÊN THÁI