Tầm nhìn xa

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh Ninh Bình xác định: “Đến năm 2020, Ninh Bình trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước; đến năm 2030, ngành du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển”. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Mạnh, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: “Những năm gần đây, du lịch Ninh Bình có những bước phát triển mạnh mẽ. Kết cấu hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật được quan tâm đầu tư, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch được bảo đảm”. Theo số liệu thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2019, tỉnh Ninh Bình đón gần 3,5 triệu lượt khách tham quan, đạt 46,6% kế hoạch cả năm 2019, tăng 2,29% so với cùng kỳ năm 2018. Lượng khách lưu trú qua đêm đạt gần 200 nghìn lượt khách, tăng 4,53% so với cùng kỳ năm 2018. Doanh thu ước đạt 1.440,664 tỷ đồng, tăng 16,02% so với cùng kỳ năm 2018. 70% lượng du khách tham quan tỉnh Ninh Bình tập trung  đến Quần thể danh thắng Tràng An. Sở dĩ như vậy bởi từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, được tỉnh Ninh Bình quan tâm, đầu tư bài bản, bên cạnh việc quảng bá hình ảnh, tỉnh Ninh Bình cũng chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ, tổ chức đón tiếp và hướng dẫn du khách chuyên nghiệp hơn. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Ninh Bình đã mở 40 lớp hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho gần 20.000 lượt người từ cán bộ đến người dân. Nhờ vậy, ý thức của người dân trong việc bảo đảm an ninh, vệ sinh môi trường cũng được thắt chặt hơn, nâng cao hơn. 

leftcenterrightdel
Hành cung Vũ Lâm, Tràng An, Ninh Bình.

Để tối ưu hóa nguồn động lực cho phát triển du lịch, tỉnh Ninh Bình đang phối hợp với một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) vào quảng bá du lịch. Các ứng dụng được áp dụng theo hướng số hóa. Quá trình chuyển đổi số hóa để xây dựng hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu thông minh, trong đó tập trung vào một số giải pháp, như: Xây dựng kho tích hợp dữ liệu du lịch, cổng thông tin du lịch, ứng dụng du lịch trên di động, bản đồ số du lịch, hệ thống quản lý, phân tích số liệu và dự báo du lịch thông minh, phương tiện hỗ trợ thông tin du lịch...

Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang phát triển phần mềm du lịch Bái Đính có thể cài đặt trên điện thoại thông minh (smartphone). Với phần mềm này, chỉ cần có chiếc smartphone, trước mỗi điểm dừng chân, du khách có thể được nghe giới thiệu khái quát về lịch sử, văn hóa, tọa độ… và xem bản đồ hướng dẫn lối đi.

Nói về những hạn chế của du lịch Ninh Bình, ông Bùi Văn Mạnh thẳng thắn cho rằng: “Sự phát triển của du lịch Ninh Bình chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Hầu hết du khách chỉ đi du lịch ở Ninh Bình trong ngày. Lượng du khách lưu trú qua đêm thấp. Các sản phẩm du lịch nghèo nàn về cả số lượng và chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu mua sắm của du khách”. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do những năm qua, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật cho ngành du lịch tỉnh Ninh Bình tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu phong phú của du khách, đặc biệt trong những mùa du lịch trọng điểm còn thiếu, chất lượng thấp. Sản phẩm du lịch chưa phong phú, hấp dẫn, chủ yếu mới chỉ dựa trên những gì sẵn có, chưa có nghiên cứu đầu tư sâu, đồng bộ, chưa có sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, đột phá cao. Chất lượng các dịch vụ du lịch còn thấp; các khu, điểm du lịch còn thiếu nhiều dịch vụ đi kèm, như: Dịch vụ vui chơi giải trí, văn hóa, mua sắm… làm giảm sức hút với du khách.

Phát triển nhanh, bền vững

So sánh với các tỉnh, thành phố trong cả nước, như: Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa…, không khó để nhận ra lợi thế phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình là sự kết hợp hài hòa du lịch sinh thái với du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng. Bởi, Ninh Bình là vùng đất có nhiều cảnh quan đẹp, con người thân thiện, cởi mở và hiếu khách. Các đền, chùa, nhà thờ nằm rải rác trong khu dân cư. Bên cạnh đó, Ninh Bình còn có một nền văn hóa truyền thống lâu đời, đa dạng sản vật, nghề truyền thống, nghệ thuật truyền thống còn lưu giữ đến ngày nay. Trước câu hỏi: “Làm thế nào để du lịch Ninh Bình phát triển nhanh hơn?”, ông Mason Florence, Giám đốc điều hành Văn phòng Điều phối du lịch tiểu vùng sông Mê Công cho rằng: Điều quan trọng nhất là Ninh Bình phải thu hút nhiều hơn nữa du khách nước ngoài. Để làm được điều đó, trước tiên mỗi người dân địa phương cần trở thành một “đại sứ” du lịch, cần được tập huấn kiến thức cơ bản về vẻ đẹp và đặc sản của địa phương mình. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền tỉnh Ninh Bình phải chú trọng quảng bá hình ảnh, sự hấp dẫn của cảnh quan Ninh Bình, nhất là việc phát hành bản đồ du lịch, các loại sách hướng dẫn du lịch, các trang web du lịch bằng nhiều thứ tiếng, có như vậy, du khách quốc tế mới dễ dàng biết đến Ninh Bình.

Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình, trụ trì chùa Bái Đính: Phát triển du lịch Ninh Bình tất yếu phải gắn với du lịch tâm linh. Du lịch tâm linh chính là sự giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền, các dân tộc, quốc gia. Vì vậy, trước tiên phải bảo đảm việc tôn trọng nền văn hóa nơi di sản, cảnh quan đó thuộc về để du khách vừa có thể cảm nhận được nét đẹp văn hóa của con người, vùng đất đó, đồng thời phải có những hành động bảo vệ, duy trì những di sản văn hóa. Công việc này cần có sự tham gia tự nguyện, tự giác của chính người dân địa phương.

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản, cảnh quan tự nhiên, môi trường sinh thái, cũng như tôn trọng nền văn hóa, con người, địa phương là đòi hỏi sát sườn. Theo ông Phạm Sinh Khánh, Phó giám đốc Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An: Du lịch ở Tràng An là du lịch bị động. Khách chủ yếu ngồi trên thuyền đi tham quan, tuy nhiên vẫn có ảnh hưởng nhất định về tiếng ồn, rác thải, không khí… Do vậy, muốn phát triển du lịch bền vững, trước hết chúng ta cần phải kiểm soát được lượng du khách đến thăm di sản, cảnh quan, bảo đảm lượng du khách không quá vượt trội so với phạm vi diện tích của cảnh quan. Phải quản lý được hành động, cách ứng xử của du khách đối với di sản, cảnh quan. Muốn làm được điều này, chính quyền phải tăng cường giáo dục người dân trong việc tôn trọng di sản, tôn trọng văn hóa, tôn trọng con người.

leftcenterrightdel
Tam Cốc xanh. Ảnh do Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cung cấp

Cùng với đà hội nhập, phát triển của đất nước, cùng sự năng động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây, sự phát triển của du lịch Ninh Bình gần như là một tất yếu, khó có thể làm chậm lại quá trình này. Điều đáng lưu ý với Ninh Bình hiện nay lại là yêu cầu phát triển bền vững. Một số địa phương có điều kiện tương tự như Ninh Bình ở Thái Lan, Philippines thậm chí đã phải chọn giải pháp đóng cửa khu du lịch để khắc phục hậu quả của quá trình phát triển “nóng”. Nếu không có một cơ chế quản lý, bảo vệ chặt chẽ các điểm du lịch, Ninh Bình sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao về môi trường. Vì vậy, để du lịch cất cánh, tỉnh Ninh Bình cần phải có ngay kế hoạch quản lý nhằm cân bằng việc bảo vệ môi trường di sản, cảnh quan du lịch về lâu dài.

PHẠM TUẤN