Trăm nghề nuôi nghiệp diễn

Công chúng yêu phim truyền hình khá quen thuộc với gương mặt chuyên đóng các vai phản diện như: A Lý trong “Người phán xử”, Đinh Văn Vận trong phim “Chuyên án trở lại trần gian”, series phim “Cảnh sát hình sự”... Người thủ vai ấy chính là nghệ sĩ Danh Thái, diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam. Một nghệ sĩ tuồng nhưng công chúng lại biết đến anh qua các kênh sóng truyền hình. Với gương mặt dữ tợn, có lúc lạnh lùng trong thế giới giang hồ, mỗi nhân vật anh thủ vai đã để lại cho công chúng tình cảm “đáng ghét”. Đó là thành công của mỗi vai diễn...

Để sống được với nghề, Danh Thái không chỉ đóng phim, anh mở nhà hàng bia hơi để “lấy ngắn nuôi dài”, có điều kiện chăm sóc gia đình... Khi chúng tôi hỏi về nghệ thuật tuồng, nhiều nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam cho hay: Trong đội hình nghệ thuật truyền thống thì đời sống của nghệ sĩ tuồng là khó khăn nhất, ít có cơ hội làm thêm bằng nghề nhất. Ở nhiều thành phố lớn, công chúng không còn mặn mà với nghệ thuật tuồng, đặc biệt là giới trẻ.

Nghệ thuật chèo cũng vậy. Chúng tôi gặp  Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Nguyễn Duy Đính là gia đình có truyền thống nghệ thuật chèo hai thế hệ (NSƯT Nguyễn Duy Đính cùng hai người con là NSƯT Nguyễn Phú Kiên và NSƯT Nguyễn An Chinh). NSƯT Duy Đính là một trong những người đầu tiên được đào tạo bài bản tại Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội và làm nghề... Trong căn nhà nhỏ tại khu tập thể nhà hát, gia đình nghệ sĩ Duy Đính sống đạm bạc với đồng lương hưu ít ỏi. Ông đưa ánh mắt về phía hai người con rồi nở nụ cười lạc quan, tự tin: “Tài sản từ nghề chèo của tôi là chúng nó đấy. Con hơn cha rồi!”. Để sống được với nghề, để giữ chèo, chúng nó đều phải làm thêm đủ thứ”. Trên cương vị Đoàn trưởng Đoàn Nghệ thuật truyền thống, Nhà hát Chèo Việt Nam, NSƯT Nguyễn Phú Kiên được xem là người có thu nhập khá hơn so với đội ngũ diễn viên. Thế nhưng, tổng thu nhập của anh ở nhà hát cũng không quá 10 triệu đồng/tháng. Anh phải đi dạy thêm, tham gia đóng phim truyền hình để lo cho con cái ăn học. NSƯT An Chinh-cô “Thị Mầu” năm nào làm mê lòng công chúng yêu sân khấu chèo, nay không chỉ diễn ở nhà hát mà còn đi dạy, tham gia các tiểu phẩm ngắn để trang trải cuộc sống... Tuy khó khăn, vất vả bươn chải với cuộc sống, nhưng trên gương mặt 3 cha con nghệ sĩ vẫn hiện rõ niềm đam mê, say sưa với nghệ thuật chèo và tự hào là cuộc đời mình đã gắn bó với chèo...

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ Danh Thái trước giờ lên sân khấu

Sinh ra trong một gia đình “chèo nòi” khác, đam mê chèo từ nhỏ, NSƯT Nguyễn Tuấn Kha luôn thể hiện tình yêu cháy bỏng với bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Vừa là diễn viên trụ cột của nhà hát, vừa là giảng viên của Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, nhưng nguồn thu nhập của anh vẫn không thể đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Ngoài công việc chính, thỉnh thoảng anh sử dụng xe ô tô gia đình chở khách dịch vụ để kiếm thêm thu nhập.

Đến với Nhà hát Cải lương Việt Nam, câu chuyện “xưa như Trái Đất” nhưng các nghệ sĩ không thể không nhắc đến đó là rạp hát. Nếu như ở các nhà hát chèo, tuồng... có rạp riêng để phục vụ công chúng thì Nhà hát Cải lương Trung ương lại không! Giấc mơ gần 70 năm qua vẫn chưa thành hiện thực. Cũng “long đong” như nhiều nghệ sĩ sân khấu truyền thống khác nhưng điều thiệt thòi của cán bộ, diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam là thiếu rạp diễn. Vì thế, nhiều nghệ sĩ phải vất vả mưu sinh bằng những công việc chẳng liên quan gì đến nghệ thuật. Với tổng thu nhập tại nhà hát không quá 7 triệu đồng/tháng, nghệ sĩ Viết Sơn phải vay mượn tiền của bạn bè và mượn đất của bố mẹ để đầu tư phát triển trồng rau sạch, cung cấp cho những người thân quen. Nghệ sĩ xuống ruộng trồng rau nên ban đầu cũng có không ít chuyện bi hài, sản xuất thua lỗ để đổi lấy những kinh nghiệm quý. Đến nay, anh đã có thêm một khoản thu nhập nho nhỏ từ việc trồng rau để cải thiện cuộc sống gia đình.

Bên cạnh đó vẫn có một số ít nghệ sĩ sống được bằng nghề như các diễn viên trẻ có ngoại hình khá. Ngoài công việc ở nhà hát, họ còn tham gia phục vụ các sự kiện, lễ hội, dạy thêm, đóng phim truyền hình... Song, đó chỉ là một con số rất nhỏ. Để theo đuổi nghề, đắm đuối với tình yêu nghệ thuật truyền thống, các nghệ sĩ đã lặng lẽ tìm kế mưu sinh để nuôi nghiệp, gìn giữ bản sắc văn hóa của cha ông.

Nỗi lo chất lượng nghệ thuật

Đây là nỗi băn khoăn của công chúng yêu nghệ thuật truyền thống, nhưng để có câu trả lời chính xác là rất khó. NSND Hoàng Quỳnh Mai, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho rằng: “Hiện nay, công chúng đến với nghệ thuật dân tộc đã có những bước tiến tích cực so với 15-20 năm trước. Thế nhưng, đội ngũ làm nghề đủ sống chỉ đếm trên đầu ngón tay! Để lo trang trải cho cuộc sống, nhiều nghệ sĩ đã phải nỗ lực lao động trên nhiều lĩnh vực. Là người quản lý, chúng tôi phải tạo điều kiện cho anh em để giữ chân nghệ sĩ. Bù lại, mỗi nghệ sĩ luôn hừng hực đam mê lửa nghề. Chúng ta không e ngại có sự mai một chuyên môn, mà nó có thể hỗ trợ chuyên môn để mỗi nghệ sĩ làm tốt hơn phục vụ nghệ thuật truyền thống”.

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ Danh Thái niềm nở phục vụ khách sau giờ diễn

Đem câu chuyện này trao đổi với các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam, hầu hết các nghệ sĩ cho rằng: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Mặc dù đời sống đã có phần thay đổi, nghệ sĩ có cơ hội tham gia phục vụ các sự kiện, lễ hội văn hóa, nhưng thù lao cũng không được bao nhiêu, lại mất khá nhiều thời gian tập luyện. Bù lại họ được lao động nghề nghiệp. Chúng tôi chưa thấy tình yêu, ngọn lửa đam mê nghề nghiệp trong đội ngũ nghệ sĩ bị giảm sút, chỉ có cơ sở vật chất, chế độ thù lao thanh sắc cho nghệ sĩ còn ở chừng mực. Phần lớn các nghệ sĩ sân khấu truyền thống hiện nay đều sống chủ yếu bằng đồng lương Nhà nước. Tuy nhiên, thù lao biểu diễn của các nhà hát đang ở mức thấp. Diễn viên chèo, tuồng, cải lương, NSƯT, diễn viên chính chỉ được hưởng từ 150.000 đến 200.000 đồng/buổi diễn; các diễn viên phụ được hưởng khoảng 130.000-150.000 đồng/buổi. Thu nhập của mỗi nghệ sĩ trung bình từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng... Mức thu nhập này ít nhiều ảnh hưởng đến sự chuyên tâm của nghệ sĩ.

Còn nhiều băn khoăn, trăn trở phía sau ánh hào quang sân khấu của các nghệ sĩ sân khấu truyền thống. Ít ai biết rằng, để có những phút giây thăng hoa mang đến cho khán giả, họ phải bươn chải để cuộc sống bớt khó khăn, tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu với nghề. Bên cạnh đó còn là sự thiếu hụt đội ngũ sáng tác kịch bản sân khấu; đội ngũ diễn viên trẻ chưa có nhiều bứt phá; công tác quản lý còn nhiều bất cập, thiếu sự quan tâm thiết thực của cơ quan chức năng... Những điều đó đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, sự bứt phá sáng tạo của nghệ thuật sân khấu truyền thống...

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HẠNH