Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, chương trình TCMR năm nay có một số thay đổi về vắc-xin. Ông có thể cho biết cụ thể các loại vắc-xin mới hoặc thay thế đó?

GS, TS Đặng Đức Anh: Năm nay, ngành y tế sẽ đưa vào Chương trình TCMR một số loại vắc-xin mới, trong đó có vắc-xin sởi-rubella do Việt Nam sản xuất trên dây chuyền công nghệ do Nhật Bản hỗ trợ, thay thế cho vắc-xin sởi-rubella nhập ngoại đã sử dụng tại Việt Nam từ năm 2014 đến nay; đưa vào sử dụng vắc-xin bại liệt dạng tiêm IPV; chuyển đổi sử dụng vắc-xin ComBe Five (vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng các bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) thay thế vắc xin Quinvaxem.

Theo kế hoạch, từ tháng 4-2018, vắc-xin sởi-rubella do Việt Nam sản xuất được triển khai trong tiêm chủng thường xuyên trên toàn quốc. Đến nay, hơn 50.000 trẻ từ 18 đến 24 tháng tuổi thuộc 19 tỉnh, thành phố đã được tiêm vắc-xin, không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm chủng. Để bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt ở nước ta, cùng với tiếp tục cho trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi uống 3 liều vắc-xin bại liệt boPV, tháng 8-2018, Chương trình TCMR sẽ triển khai tiêm 1 mũi vắc-xin bại liệt IPV cho trẻ 5 tháng tuổi. Đây là vắc-xin IPV của hãng Sanofi (Pháp) sản xuất. Còn vắc-xin phối hợp 5 trong 1 ComBe Five đang được triển khai trước trên quy mô nhỏ tại 4 tỉnh: Hà Nam, Bình Định, Kon Tum và Đồng Tháp. Dự kiến tháng 6, tháng 7-2018 sẽ được triển khai trên quy mô toàn quốc.

leftcenterrightdel
GS, TS Đặng Đức Anh

PV: Được biết, vắc-xin ComBe Five cũng có những thành phần tương tự như vắc-xin Quinvaxem. Giáo sư có thể cho biết mức độ an toàn và chất lượng của vắc-xin này như thế nào?

GS, TS Đặng Đức Anh: Vắc xin phối hợp 5 trong 1 Quinvaxem được đưa vào Chương trình TCMR ở nước ta từ tháng 6-2010 do Công ty Berna Biotech (Hàn Quốc) sản xuất. Hằng năm có khoảng 1,6 - 1,7 triệu trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm 3 mũi vắc-xin với tỷ lệ tiêm chủng đạt hơn 95% trên quy mô toàn quốc. Tiêm vắc-xin này đã góp phần giảm tỷ lệ mắc một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em. Thế nhưng, hiện nay, Công ty Berna Biotech đã ngừng sản xuất vắc-xin Quinvaxem. Số vắc-xin Quinvaxem còn lại trong Chương trình TCMR dự kiến sẽ sử dụng đến hết tháng 5-2018 để tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi trong Chương trình TCMR cho tới khi được thay thế bằng vắc-xin mới.

Vắc-xin ComBe Five do Ấn Độ sản xuất đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam từ tháng 5-2017. Vắc- xin này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định và đã được 43 quốc gia sử dụng với hơn 400 triệu liều. Riêng tại Ấn Độ đã có 130 triệu liều được sử dụng cho TCMR và hơn 1 triệu liều cho tiêm chủng dịch vụ từ năm 2011 đến nay. Thành phần, tính an toàn và hiệu quả của ComBe Five cũng tương tự như Quinvaxem. Tại Việt Nam, kết quả sử dụng vắc-xin ComBe Five tại 4 huyện của tỉnh Hà Nam năm 2016 ghi nhận một số phản ứng thông thường xuất hiện vào ngày thứ nhất sau khi tiêm, như: Đau 70,8-86,7%, quầng đỏ với tỷ lệ từ 35,5 đến 39%, sốt 34-39%, quấy khóc 41,67%... Không ghi nhận bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào sau tiêm chủng. Như vậy có thể khẳng định, vắc-xin này bảo đảm an toàn.

PV: Đến nay, Việt Nam đã sản xuất được những loại vắc-xin nào, thưa ông?

GS, TS Đặng Đức Anh: Hiện nay, nước ta đã sản xuất được hầu hết các loại vắc-xin trong Chương trình TCMR. Cụ thể là các loại: Lao, sởi, sởi-rubella, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm gan B dành cho trẻ sơ sinh 24 giờ đầu... Còn một loại vắc-xin duy nhất trong chương trình đang phải nhập khẩu từ nước ngoài là vắc-xin 5 trong 1. Tôi được biết, hiện nay, các cơ quan chức năng đã sản xuất được vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh, còn vắc-xin có kháng nguyên Hib cũng đã được sản xuất, đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng (giai đoạn 2) và tiếp tục nghiên cứu để sản xuất các thành phần khác của vắc-xin phối hợp này. Hy vọng đến khoảng năm 2020, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong nước, chúng ta sẽ sản xuất được vắc-xin 5 trong 1, qua đó, chủ động được hoàn toàn vắc-xin, bảo đảm an ninh vắc-xin sử dụng trong Chương trình TCMR.

leftcenterrightdel
Tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi-rubella cho trẻ trên địa bàn TP Hà Nội

PV: Gần đây, một số dịch bệnh truyền nhiễm đã có vắc-xin trong Chương trình TCMR như sởi, ho gà… lại bùng phát ở một số địa phương. Nguyên nhân có phải do người dân lơ là, coi nhẹ việc tiêm phòng cho trẻ?

GS, TS Đặng Đức Anh: Thực tế tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm vẫn đang diễn biến phức tạp, nên một số dịch bệnh như sởi, ho gà… có xu hướng quay trở lại. Với dịch sởi, khi trẻ không được tiêm chủng thì khả năng miễn dịch là rất thấp. Còn nếu đã mắc rồi thì chắc chắn không mắc lại. Có thể một thời gian dài trước đây, các bà mẹ đã mắc sởi hoặc đã được tiêm phòng nên trẻ sinh ra cũng được miễn dịch từ mẹ truyền sang. Khi môi trường kiểm soát tốt, nguồn bệnh thu hẹp lại thì người mắc sởi ít đi, có những bà mẹ không tiêm, cũng không được miễn dịch tự nhiên nên các bé mới sinh ra không được tiêm chủng thì rất dễ mắc bệnh.

Vì vậy, một điều quan trọng nhất mọi người dân cần ghi nhớ là phải cho con em đi tiêm theo đúng lịch tiêm chủng, không được bỏ mũi tiêm, tiêm thiếu số mũi. Nếu không được tiêm thì không những ảnh hưởng sức khỏe của chính em bé mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng xung quanh.

PV: Còn một vấn đề bất cập là vào các ngày tiêm chủng miễn phí cho trẻ thì các cơ sở y tế địa phương thường bị quá tải nên nhiều người đành phải chuyển sang tiêm cho trẻ theo hình thức dịch vụ. Tiêm dịch vụ lại mất chi phí rất lớn… Theo Giáo sư, ngành y tế cần phải làm gì để giảm bớt khó khăn, vất vả cho người dân trong hoạt động tiêm chủng?

GS, TS Đặng Đức Anh: Thực tế hiện nay, nhiều gia đình thường đưa con em mình tiêm các loại vắc-xin theo hình thức dịch vụ nên phải mất chi phí khá lớn. Phần lớn các loại vắc-xin sử dụng trong hình thức tiêm chủng dịch vụ đều là những vắc-xin chúng ta phải nhập khẩu từ nước ngoài nên đều có giá thành cao hơn các loại vắc-xin sử dụng miễn phí trong Chương trình TCMR. Hy vọng trong thời gian tới, nước ta sẽ sản xuất được thêm nhiều loại vắc-xin để góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe trẻ em, đồng thời cũng có thể giảm giá thành, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân.

PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Năm 2017 có hơn 1,6 triệu trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc-xin cơ bản, đạt tỷ lệ gần 97% trên quy mô toàn quốc và đạt chỉ tiêu Chính phủ giao là hơn 95%. Trong đó, ở quy mô tuyến huyện, có 52/63 tỉnh, thành phố tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt tỷ lệ hơn 95%.

Theo Bộ Y tế, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và kết quả nghiên cứu cho thấy, miễn dịch bảo vệ bệnh sởi ở các bà mẹ mang thai tại nước ta đang ở mức thấp và có một tỷ lệ lớn trẻ em dưới 9 tháng tuổi sinh ra từ các bà mẹ này không có miễn dịch bệnh sởi. Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên chủ động đến các cơ sở y tế tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi và rubella để chủ động phòng bệnh cho chính mình và phòng bệnh sởi, hội chứng rubella bẩm sinh với đa dị tật cho con. Bộ Y tế đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu về việc tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi vào cuối năm 2018.

(Nguồn: Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia)

HÀ THANH MINH (thực hiện)