“Dòng sông” trên đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Từ ngày 5 đến ngày 9-11 vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã bị ngập lụt trên diện rộng. Đây là đợt triều cường lớn nhất trong vòng 47 năm qua. Triều cường đã dâng cao, làm nhiều con đường bị ngập sâu từ 50 đến 70cm. Hầu hết các nhà ở tại những khu vực này, bị chìm trong nước, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con. Hàng trăm nghìn người dân đã than thở: “Bao giờ hết cảnh cơ cực do nước gây ra?”.

Nắng, mưa đều ngập

Gần Tết Nguyên đán Bính Tuất, chúng tôi đã có dịp đến bến Bình Đông, Mễ Cốc thuộc phường 15, quận 8 và khu vực đường Nguyễn Văn Hưởng, Lương Định Của (quận 2) thấy tình trạng ngập nước ở đây rất nặng. Có con đường bị chìm trong nước sâu từ 30 đến 45cm. Người dân ở phường 15, quận 8 thường nói vui: “Sáng ngập, chiều ngập, nắng-mưa đều ngập tuốt”. Ở khu vực bến Mễ Cốc 1 và 2, nhiều khi triều dâng chưa kịp rút hết, đợt triều mới lại trào lên. Người lớn đi lại trong triều cường đã khổ rồi, các em học sinh đi học và rời trường về nhà còn vất vả hơn. Cháu Lê Thị Hiếu Ngân, nhà ở bến Mễ Cốc I nói: “Con đến trường phải mặc áo dài trắng. Nhưng gặp nước lên thì ướt hết cả quần. Mà chú biết nước có sạch sẽ gì đâu”. Khu vực phường 15, quận 8 mặt đất rất thấp, thấp hơn từ 0,4 đến 0,6m so với mực nước triều cường.

Đường Phạm Thế Hiển là con đường “huyết mạch” của phường 7, nhưng có tháng, con đường này bị ngập tới 20 ngày do triều cường. Trung bình đường bị ngập khoảng 40cm, nhưng hôm nào triều cường lớn như ngày 7-11 vừa qua chẳng hạn, có chỗ ngập gần 1 mét.

Khu vực bán đảo Thanh Đa từ đầu năm đến nay đã trải qua 4 lần ngập lớn, nhưng chưa lần nào bằng đỉnh triều ngày 7-11. Có đoạn đường bị ngập sâu tới 90-95cm làm cho hàng loạt xe gắn máy phải “bơi” trong nước. Một số người không thấy những chiếc ổ gà trên đường do nước ngập sâu, đã bị tụt cả xe lẫn người xuống hố. Những căn nhà ven sông Sài Gòn, nền nhà bị ngập trong nước từ 40 đến 60cm. Hàng trăm nhà đã phải đi mua bao cát, mua vật liệu xây dựng để ngăn nước, nhưng cũng chỉ hạn chế được phần nào. Những nhà trong hẻm, có người phải dùng thuyền để đi lại. Ông Nguyễn Hữu Oánh ở khu Thanh Đa than thở: “Nếu Tết này gặp phải triều cường như bây giờ, chắc người dân lại mất Tết như năm ngoái”.

Thiết kế xây dựng ngẫu hứng

Trong những năm qua, người ta đã đưa ra rất nhiều lý do để giải thích cho vấn đề ngập nước ở TP Hồ Chí Minh. Nhưng theo chúng tôi, việc xây dựng bừa bãi, không theo qui chuẩn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập lụt hiện nay. Trao đổi với chúng tôi, ông Bửu Hòa-nguyên là cán bộ thuộc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh nói:

-Hơn 30 năm qua, chúng ta đã để tình trạng xây dựng nhà cửa, đường sá diễn ra không theo một cốt chuẩn chính xác nào. Chính vì vậy, mà nhà phố, các công trình công cộng đã mọc lên rất “ngẫu hứng”. Kết quả là cho ra một mặt bằng đô thị chỗ lồi, chỗ lõm. Và tất nhiên, chỗ lõm sẽ bị ngập úng.

-Cũng theo ông Hòa, Sài Gòn, hay Hà Nội trước đây có rất nhiều ao hồ, kênh thoát nước. Những con đường đều có vạt cỏ để cho nước có chỗ thấm. Các công trình xây dựng đều được tính toán theo mô hình thấp dần ra xung quanh. Nhưng nay thì khác, hơn 2/3 số ao hồ trong thành phố đã bị san lấp. Các con đường bị “xi măng hóa” bịt kín mít, không còn chỗ cho nước thoát đi. Đã vậy, những công trình xây dựng sau, đều cố gắng thể hiện mình và cao hơn công trình trước, nghĩa là xây dựng theo kiểu cao dần ra xung quanh. Nếu nhìn từ trên không, TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội chẳng khác gì một cái chảo. Điều này dẫn đến càng ở đô thị cũ, thì mặt đất càng trũng và nguy cơ bị ngập lụt ngày càng cao.

Năm năm trở lại đây, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng để tôn cao các con đường chống ngập úng khi mưa to, hoặc triều cường. Nhưng đường cao lên bao nhiêu, thì người dân lại nâng nền nhà của mình cao thêm bấy nhiêu, thậm chí có nhà còn nâng cao hơn cả tỉ lệ đó. Một nhà qui hoạch-kiến trúc của Nhật Bản khi sang Việt Nam đã nói vui: “Sửa chữa, nâng cấp kiểu này, chỉ vài chục năm nữa là người dân mất tầng trệt”. Thực tế, người dân lên xin cao độ để xây nhà, nhưng phòng Quản lý đô thị không dám cho, vì Sở Qui hoạch-kiến trúc TP Hồ Chí Minh chỉ xác định được cốt khống chế thôi. Do đó, những công trình xây dựng mới chỉ được “áng chừng” độ cao của những công trình xung quanh mà làm.

Một trong những nguyên nhân nữa gây ngập úng khi triều cường lớn, hoặc khi mưa to kéo dài, đó là việc tiến hành các dự án thoát nước còn mang tính ngẫu hứng, thiếu khoa học. Ông Trần Đình Phú, Phó giám đốc Sở Giao thông-công chính cho biết: “Muốn giải quyết ngập úng về lâu dài, cần phải thực hiện xong các dự án ODA. Như việc thực hiện dự án cải tạo tuyến kênh Tàu Hũ-Bến Nghé-Kênh Đôi-Kênh Tẻ ở khu vực quận 8, phải đến năm 2008 mới hoàn thành. Việc cải tạo hệ thống kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa-Lò Gốm cũng còn kéo dài một, hai năm nữa”. Theo nhận định chung, tiến độ cải tạo hệ thống thoát nước ở TP Hồ Chí Minh hiện nay chậm so với kế hoạch. Ở một số nơi, thiết kế cải tạo, nâng cấp còn nhiều điểm bất cập và vẫn còn là một vấn đề bức xúc ở TP Hồ Chí Minh.

Chống ngập úng ở các đô thị của nước ta nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng là một vấn đề lớn, phức tạp và tốn kém. Điều quan trọng là phải có dự án khoa học, biện pháp xử lý thích hợp có hiệu quả và sự hưởng ứng của toàn dân. Hiệu quả cao nhất là bắt đầu từ việc qui hoạch-kiến trúc, trên cơ sở tính cốt xây dựng chính xác, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng.

LÊ PHI HÙNG